Home Page Image
  Rối loạn khả năng âm thanh (Auditory Processing):

 

 
 

Ngôn ngữ (Language):

  1. Khả năng bày tỏ, diễn tả (Expressive Language)
  2. Tiếp Thu Ngôn Ngữ (Receptive Language)
  3. Suy luận (Language Processing)
  4. Rối loạn khả năng thẩm định âm thanh (Auditory Processing):

Tiếng nói (Speech):

  1. Âm ngữ (Articulation)
  2. Nói lắp (Dysfluency)
  3. Chất giọng (Voice)

 

Nguyễn Hà Tường Anh, Thạc sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu

 

Rối Loạn Khả Năng Thẩm Định Âm Thanh là tên chúng tôi dịch thoát từ Auditory Processing Disorder (APD). Tất cả mọi người, không chỉ trẻ tự kỷ, đều có thể mắc hội chứng này. Chúng ta thường hay thấy những người chung quanh dù rất bình thường, lại có vẻ nghễnh ngãng. Rõ rang khả năng thính thị của họ bình thường vì họ có thể nghe thấy những lời nói thì thầm, nhưng họ lại rất mau quên những gì người khác nói với họ. Họ có thể mang hội chứng APD! Bài viết này xin giới thiệu về APD vì đây là hội chứng rất thường có nơi trẻ tự kỷ.

Đôi tai chúng ta nghe thấy khi năng lượng truyền bằng sóng đi vào tai và chuyển thành thông tin điện, rồi giải mã ra ý nghĩa. Quá trình NGHE gồm những bước phức tạp như thế ở ba phần của tai: ngoài, giữa và trong.

APD là tình trạng thiếu hay không có khả năng nhận ra, so sánh, và phân biệt âm thanh được ghép thành chữ. APD không phải là điếc hay lãng tai, nhưng là khả năng phân tích những gì nghe thấy.

APD ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập, giao tế, và thành công trong xã hội. Một em bé mang rối loạn APD có thể không tập trung khi thầy cô giảng bài hay khi cha mẹ dặn dò. Em có thể không phân biệt được âm thanh, và vì thế có thể học yếu môn tập đọc, đánh vần.

Thí dụ, bé Lan học lớp hai mà vẫn lúng túng khi đánh vần. Bé Lan có thể học thuộc a là a, b là bờ, c là cờ, và dấu sắc. Vậy mà khi gặp chữ “bác,” bé không thể đọc ra lời.

Nguyên Nhân

Các nhà khoa học vẫn đang loay hoay tìm hiểu nguyên nhân. Thực ra, quá trình nhận âm thanh và giải mã âm thanh quá phức tạp với nhiều phân đoạn, nên rất khó xác định phân đoạn nào gây ra rối loạn. Điều các nhà chuyên môn xác định ra APD không đi kèm với yếu kém về trí hiểu hay khả năng truyền thông. Với một số em, APD có thể đi kèm với bệnh mù chữ, thếiu chú ý, tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển… Việc thẩm định chính xác rất cần thiết cho quá trình chữa trị, huấn luyện. Vì vậy, khi quan ngại, xin đưa con em đến bác sĩ nhi khoa của em, hoặc các chuyên viên tâm lý/tâm thần.

Dấu Hiệu và Biểu Hiện

  • Gặp khó khăn khi phải ghi nhớ và thực hiện những công việc liên quan đến ngôn ngữ, nhưng có thể dễ dàng diễn giải hay diễn tả lại những âm thanh không phải là tiếng nói như nhạc, tiếng động của môi trường, v.v..
  • Khó hiểu những lời nói của người khác, khó nhớ những lời dặn
  • Khó diễn tả mình cặn kẽ, rõ ràng
  • Khó tập trung để nhớ những gì nghe được
  • Thường mất tập trung chú ý nếu có tiếng động chung quanh
  • Có thể cư xử hư hỗn, không thích hợp
  • Nhớ lầm những lời dặn
  • Khó nhớ và không hiểu khi ai đó nói nhanh hoặc sử dụng lối diễn tả phức tạp
  • Không đế ý đến người đang nói với mình
  • Yếu khả năng đọc, hiểu, đánh vần, ngữ vựng
  • Cần nhiều thời gian hơn để diễn dịch thông tin
  • Có thể hay bị nhiễm trùng tai khi còn nhỏ

Trẻ em mắc APD đại đa số có khả năng thính thị và trí thông minh bình thường. Các nhà nghiên cứu tin rằng có đến 10% trẻ em mắc rối loạn này. Tại Hoa Kỳ, có nhiều loại bài thẩm định APD, và không thể chỉ thẩm định bằng bảng checklist.

Thẩm Định APD

Để thẩm định APD, cần có một nhóm các nhà chuyên môn hội chẩn. Trong lãnh vực giáo dục, vai trò của một giáo viên là thảo luận những khó khăn trong học tập, và đưa ra ý kiến để trợ giúp. Trách nhiệm  một chuyên viên ngôn ngữ trị liệu là đánh giá khả năng ngôn ngữ, khả năng nói, và khả năng suy luận.

Cũng cần biết rằng, tại Hoa Kỳ, những thông tin mà các nhà chuyên môn đưa ra không có tính khẳng định trong quá trình thẩm định rối loạn APD. Người duy nhất có thể khẳng định là  một audiologist, chuyên viên về tai.

Chuyên viên này sẽ khám thẩm định trong phòng khám được thiết kế đặc biệt về âm thanh. Những bài khám thẩm định đòi hỏi bệnh nhân nghe nhiều loại âm thanh và cho phản ứng, trả lời. Những bài khám thẩm định này do đó không đo chính xác nếu bệnh nhân chưa đủ trí khôn để cộng tác. Trẻ em ở tuổi 7 hay 8 trở lên mới có thể được  khám chính xác.

Chữa Trị

Quá trình chữa trị, huấn luyện APD tập trung trên các lãnh vực: thay đổi môi trường học hoặc truyền thong, dậy những kỹ năng để đáp ứng với khó khăn khi nghe và nhớ. Mục đích chủ yếu là chuẩn bị một  môi trường đáp ứng được nhu cầu của cá nhân mang rối loạn APD, thí dụ cô giáo sẽ nói chậm lại, nhắc lại nhiều lần, và viết lên bảng để Đức dễ theo dõi hơn. Mục đích thứ hai là dạy chính Dũng biết ghi nốt những bài giảng phức tạp, hoặc khuyến khích Dũng dơ tay xin cô nhắc lại, và ngay cả Dũng nhờ bạn bên cạnh nhắc lại những chi tiết cần thiết.

Tại Hoa Kỳ, những khoản luật bảo vệ quyền lợi học tập của trẻ em khuyết tật đòi hỏi nhà trường phải cung cấp miễn phí những bộ máy đắt tiền nhằm giúp các em ghi lại bài giảng. Có những chiếc máy cỡ nhỏ nhưng có thể giúp các em tốc ký bài giảng. Có các em khác, đặc biệt là những em tự kỷ, được cấp một trợ giáo riêng để giúp em ghi bài.

Cũng như tự kỷ và nhiều rối loạn khác, APD không thể biến mất khỏi một cá nhân, nhưng cá nhân ấy có thể được huấn luyện để đối phó thành công với yếu điểm của mình. Một chuyên viên ngôn ngữ trị liệu được huấn luyện chuyên môn để cung cấp dịch vụ này đến bệnh nhân. Nếu quý vị là người trưởng thành hay có con em mang rối loạn APD, xin gửi câu hỏi ở trang Diễn Đàn để chúng tôi có dịp cố vấn với hy vọng quý vị sẽ thành công hơn trong xã hội, và con em quý vị thành công trong học đường.