Trích: www.betterhealth.vic.gov.au,
Dịch thuật: Nguyễn Hà Tường Anh, M.A., Ngôn Ngữ Trị Liệu
Mới sinh:
Trẻ sơ sinh đã phát được âm thanh để người khác biết bé đang vui hay đang đau.
0 -3 tháng
Bé của bạn mỉm cười với bạn khi bạn xuất hiện trong tầm nhìn của bé. Bé lập lại những âm thanh giống nhau và u ơ khi đang vui thú. Tiếng khóc của bé nghe khác nhau. Điều đó nghĩa là bé dùng những kiểu khóc khác nhau trong những tình huống khác nhau. Thí dụ, kiểu khóc này nghĩa là “con đói” và kiểu khóc khác lại có nghĩa “con đau.”
4 – 6 tháng
Tiếng khoọc khẹc trong cổ sẽ được nghe thấy khi bạn chơi với bé hay khi bé đang bận rộn và vui vẻ một mình. Tiếng bập bẹ cũng thực sự phát triển ở độ tuổi này, và bé của bạn đôi khi phát âm thanh như là bé “nói”. Lối bập bẹ nghe “giống tiếng nói” này gồm có nhiều âm, trong đó có những âm sản xuất bằng hai môi như “p”, “b,” hay “m.” Bé có thể nói với bạn, bằng cách dùng âm thanh hay cử chỉ về điều mà bé muốn, hoặc vì bé muốn bạn làm điều gì cho bé. Bé còn có thể làm ra âm thanh “khẩn cấp” để đòi hỏi bạn phải làm ngay.
7 – 12 tháng
Tiếng bập bẹ của bé lúc này thay đổi. Lý do là vì lúc này bé có nhiều phụ âm hơn, cũng như nguyên âm ngắn và dài. (1) Bé có thể sử dụng tiếng nói và những âm khác (hơn là chỉ tiếng khóc) để gợi sự chú ý của bạn, và giữ lấy sự chú ý ấy. Và chữ đầu tiên mà bé nói (có thể chưa rõ lắm) đã xuất hiện! (Má, chó, bye bye)
1 – 2 tuổi
Bây giờ thì mỗi tháng trôi qua, bé lại có nhiều chữ hơn. Bé có thể hỏi bằng hai chữ một như “Banh đâu?” “Gì thế?” “Kẹo nữa?”, và ghép hai từ theo kiểu khác nhau để làm câu Loại 1 (chim bay, không chó, đẩy thêm). Bé nói chữ rõ hơn vì bé phát âm được nhiều phụ âm đầu trong chữ. (2)
2 -3 tuổi
Số từ vựng của các bé hai hay ba tuổi phát triển nhiều lắm! Bé có vẻ như dung một từ cho mọi thứ. Câu nói ra thường chỉ có một, hai hay ba chữ và người nhà thường hiểu hết ý bé. Bé có thể xin, hay gợi sự chú ý của bạn vào vật nào đó bằng cách gọi tên chúng (“con voi”) hoặc mô tả chúng (“to!”) hoặc bình phẩm về chúng (“Ô!).
3 – 4 tuổi
Câu nói của bé bây giờ dài hơn vì bé đã có thể ghép ba bốn chữ vào câu. Bé nói về những gì xảy ra bên ngoài khung cảnh gia đình của bé, và thích nói về trường mầm non, về bạn bè, về những chuyến đi, và những kinh nghiệm thú vị. Tiếng nói của bé thường xuôi chảy, rõ ràng, và “người khác” có thể hiểu điều bé nói trong đa số trường hợp. Nếu thấy bé nói lắp, hay đưa bé đến một chuyên viên ngôn ngữ trị liệu. Nói lắp không phải là những gì bình thường trong quá trình học nói, và giọng khàn thường xuyên cũng không.
4 – 5 tuổi
Trẻ nói rõ và xuôi thuận trong âm giọng dễ nghe. Bé có thể lập một câu dài với nhiều chi tiết (“Tụi con đi sở thú nhưng phải về sớm vì Josie không khỏe lắm”). Bé có thể kể lại câu chuyện dài và bám lấy chủ đề của mình, cũng như dùng văn phạm “giống người lớn”. Đa số âm bé phát ra là chuẩn, dù bé có thể ngọng chữ s và z ở tuổi này, hay ngọng chữ r, v, và th. (3) Bé có thể bày tỏ ý tưởng dễ dàng với những người lớn than quen và với bạn bè. Các bé có thể kể lại những câu truyện thật thú vị và mời gọi được người lạ vào trong giòng chuyện trò của mình khi bạn đưa bé ra ngoài chơi.
Chú thích của người dịch:
- Nguyên âm ngắn và dài có trong tiếng Anh như i ngắn như trong “bit,” i dài như trong “beat”. Ở tiếng Việt, có thể sử dụng tạm chữ “tích” làm thí dụ: người Bắc đọc chữ này với i dài, người Nam với i ngắn.
- Tác giả có nhắc đến những câu 2 chữ mà trẻ sử dụng tiếng Anh có thể ghép dù văn phạm không đúng như “mom go” thay vì “mom goes”. Ở tiếng Việt, trẻ sẽ nói “mẹ đi” mà không cần chia động từ như tiếng Anh. Có thể hiểu ở giai đoạn phát triển này, trẻ ghép hai từ và trình độ văn phạm chưa hoàn chỉnh.
- Trẻ em tại Hoa Kỳ nói ngọng phụ âm s và z khi các em để lưỡi ở giữa hai hàm răng, kiểu phát âm lẽ ra là của phụ âm “th”. Tên chuyên môn của loại ngọng này là lisping. Các em bé Việt Nam tại Việt Nam rất ít khi ngọng như thế, trong khi các em Việt Nam tại Hoa Kỳ thì có. Về phụ âm “r”, các em có thể biến thành phụ âm “d” (cái “dổ” thay vì cái “rổ). Đôi khi, không phải các em ngọng, mà vì các em bắt chước theo tiếng địa phương mà cha mẹ ông bà sử dụng (cái “gổ” ở miền Nam, cái “zổ” ở miền Bắc). Về phụ âm v, các em sử dụng tiếng Anh hay biến thành phụ âm f (ph). Các em bé Việt nam ở Việt Nam thường không gặp khó khăn này, trừ các em Việt Nam sinh ra tại Hoa Kỳ. Về phụ âm “th”, các em sử dụng tiếng Anh có thể không đặt lưỡi ở giữa hai hàm răng, mà đặt bên trong (là kiểu phát âm th của tiếng Việt). Các em Việt Nam tại Việt Nam không thường thấy ngọng phụ âm này, các em Việt Nam tại Hoa Kỳ lại có.
|