Home Page Image
  Tâm vận động (Occupational Therapy):  
     

Nguyễn Hà Tường Anh, Thạc sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu

Khiếm khuyết về Tâm Vận Động(TVĐ) là một trong những lãnh vực khiến một ngày sinh hoạt của trẻ Tự Kỷ khó khăn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng khi được can thiệp về lãnh vực này, các em TK tiếp thu dễ hơn, làm việc hiệu quả hơn, hành xử đúng đắn hơn. Con Của Mẹ tóm tắt những thông tin về TVĐ để góp cùng quý phụ huynh thêm kiến thức về Tâm Vận Động.

Ảnh hưởng của TVĐ đối với các em TK

Con tôi 9 tuổi mà không biết cột dây giầy…

Con tôi không thể cầm bút cho chắc chắn, không vẽ được một đường thẳng.

Con tôi không tự cầm muỗng xúc cơm lên miệng.

Con tôi rất kén ăn.

Con tôi không bao giờ dám sờ vào những vật gì nhão nhão.

Con tôi thường xuyên va chạm vào tủ bàn khi đi lại trong nhà, mặc dù những vật này vẫn nằm ở vị trí đó từ khi cháu sinh ra đến giờ.

 

Trên đây là những lời mô tả thường nghe từ quý phụ huynh của các em TK ở mọi độ tuổi. Cách đây năm ba năm, hẳn các em đã bị cha mẹ cho là lười biếng, kỳ quái. May mắn cho các em, hiện nay bậc phụ huynh đã nghe biết nhiều về TK, và thông cảm với các em hơn. Thực sự, những khó khăn nói trên thuộc về TVĐ, một lãnh vực chưa có nhiều thông tin đến được tay cha mẹ.

Khiếm khuyết về TVĐ chính là lý do.

 

Tâm Vận Động là gì?

Khi nói đến TVĐ, các chuyên viên chia làm hai nhánh: vận động thô và vận động tinh.

  • Vận động thô gồm những khả năng như chạy nhảy, đi đứng, cò cò, giữ thăng bằng trên một chân…
  • Vận động tinh gồm khả năng cầm bút, viết chữ, cắt kéo, cầm muỗng…
  • Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu còn chú ý đến khả năng điều hòa cảm giác (sờ chạm, ăn uống những thể khác nhau; khoảng cách không gian giữa cá nhân và vật thể chung quanh…)

Can thiệp TVĐ giúp gì cho trẻ TK?

Làm việc với các em TK từ 2 đến 22 tuổi trong 9 năm qua, tôi nhận thấy tầm quan trọng của những can thiệp về TVĐ. Sau đây là một số trường hợp tôi có kinh nghiệm từ bứơc đầu đến lúc có kết quả tích cực.

Năm 2000, tôi nhận chữa trị một em bé Việt Nam. Bé M. lúc ấy 5 tuổi, được thẩm định là TK dạng nặng. Khi trò chuyện với ba má M., má của M. khóc ròng khi cho tôi biết bé suốt ngày bỏ tay vào quần và sờ đụng bộ phận kín của bé. Chị cho biết: “Tôi rất xấu hổ với hành động thủ dâm của bé vì từ ông bà nội ngoại đến cô bác chú dì, từ bạn bè thân đến kẻ qua đường… đểu nhíu mày rồi trợn mắt khi thấy thằng bé 5 tuổi ngu ngơ mà đã thủ dâm.” Tôi đã ngồi lặng đi khi nghe ba của M. tâm sự: “Có lúc tôi tức muốn điên lên. Có lúc tôi ra xe, đóng cửa mà khóc. M. là con trai lớn của tôi, là đích tôn của dòng họ nhà tôi. Thà là nó điên khùng, chớ sao lại thủ dâm ở cái tuổi chưa biết đọc biết viết thế kia?”

Tôi cùng các điều trị viên khác đã giải thích về TVĐ với ba má của M. Chúng tôi cũng đã vận dụng nhiều phương cách để dậy M. điều hòa cảm giác. Năm tháng sau, mức độ thủ dâm của M. giảm từ 10 phút một lần xuống còn 2 lần trong ngày.

Trong một trường hợp khác, can thiệp về TVĐ đã giúp bé J. 13 tuổi thực hiện những thao tác tự chăm sóc bản thân. Tôi còn nhớ hôm ấy là lễ Tình Nhân, 14 tháng 2 năm 2007. Ông bà W., phụ huynh của J. đã gửi đến tôi một bó hoa hồng đỏ. Tôi gọi cám ơn, mới biết ông bà muốn cám ơn chúng tôi vì những gì J. thực hiện. Bà W. nói sang hôm ấy, J. tự đánh răng, tự chải đầu (trước kia J. có thể cầm lược chải đầu nhưng chỉ duy nhất một nhát lược là xong), tự cột dây giầy. Ông bà W. đã khóc vì mừng. Bà W. nói riêng với tôi rằng J. đã có thể tự thay băng vệ sinh, tự cài khuy áo ngực.

Với R., một học sinh đã 20 tuổi, cho đến nay tôi vẫn phải thực hiện những biện pháp can thiệp suốt thời gian nửa tiếng đồng hồ em ngồi học về ngôn ngữ với tôi. Thiếu những biện pháp này, R. sẽ liên tục a) đòi rời khỏi ghế, b) nói không ngừng một từ nào đó, c) vẫy tay trước mắt, d) chà má em vào lòng bàn tay tôi. Khi em đựơc giúp điều hòa cảm giác, R. có thể ngồi yên ít nhất 15 phút cho một bài học, không vẫy tay, không nói huyên thuyên, cũng không tìm tay tôi.

Riêng với Ph., một học sinh học rất giỏi của cấp lớp 9, kết quả thẩm định cho biết em mang rối loạn Asperger, dạng tự kỷ có khả năng sinh hoạt và trí thông minh cao. Tuy nhiên, hai lãnh vực ngôn ngữ và TVĐ thì Ph. rất yếu. Vì TVĐ yếu, Ph. không thể sinh hoạt được nếu bối cảnh chung quanh trống trải hay rộng lớn, hoặc có âm thanh vang (như ở hồ bơi trong nhà, phòng thể dục trong nhà, sân chơi…).  Ph. cũng không bao giờ lên máy bay đi bất kỳ đâu bởi em không thích ngồi loại ghế nệm của máy bay (mà không phải vì em sợ lên cao hay sợ những khung cảnh chật chội). Sau 1 năm đến với chúng tôi, Ph. tiến bộ thấy rõ.  Em đã bình tĩnh vào hồ bơi trong nhà, vào phòng thể dục, gặp gỡ bạn bè ở sân chơi… (dù trước những sinh hoạt này em vẫn phải lấy sổ đọc lại bản tóm tắt những gì chúng tôi đã dậy em). Cảm động nhất, Ph. đã lên máy bay bay từ San José, California để băng ngang chiều Mỹ quốc, đến thăm bà nội và ông bà ngoại của em ở Orlando, Florida. Bố mẹ của Ph. đã chụp hình chuyến đi này, và viết: “Chính nhờ quý anh chị mà chúng tôi được thăm ông bà ngoại và bà nội của cháu sau 13 năm, là thời gian mà Ph. không cách nào có thể đi máy bay.”

 

Khi nào thì can thiệp về TVĐ chấm dứt?

Rất tiếc những can thiệp này cần đựơc cung cấp dọc theo đời các em TK. Quý phụ huynh có lẽ đã kinh nghiệm phần nào để thấy rằng có những kỹ năng các em phải thực tập, thực tập, thực tập, và thực tập. Bỏ lơi, các em sẽ phải học lại từ đầu.

Ngoài ra, can thiệp về TVĐ không chỉ là dậy một kỹ năng, mà còn là hỗ trợ điều hòa cảm giác, là điều chỉnh môi trường để tránh những cảm giác ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, can thiệp này phải được tiếp tục. Thí dụ, bé Đức không chịu nổi lượng âm thanh hơi lớn hoặc vang. Bé có thể tập để trấn tĩnh mình mà tiếp tục học khi có những âm thanh ấy. Tuy nhiên, khi có thể, cha mẹ vẫn giúp bé tìm cách né tránh chúng, loại trừ chúng một cách thích hợp. Suốt đời bé, bé sẽ tiếp tục phân định lúc nào cần trấn tĩnh và chịu đựng, lúc nào cần né tránh.

Trong Anh ngữ, các đồng nghiệp của tôi gọi can thiệp về TVĐ là “diet,” sát nghĩa là thực đơn hàng ngày. Mà đúng như thế, em A thì mỗi ngày 6 được chải nhẹ lên tay bằng loại bàn chải mềm, em B thì 1 tiếng một lần cần bóp quả banh có gai mềm, em C thì mỗi bữa ăn đều được mời ăn thử món khoai nghiền (để làm quen với loại thức ăn thể nhão). Khi các em đã lớn, các em vẫn tiếp tục cần các cảm giác như thế, vẫn tiếp tục cần tập thêm các kỹ năng khác.

Ai là người chịu trách nhiệm thực hiện những can thiệp về TVĐ?

Một con én không gọi nổi mùa xuân. Đôi khi tôi thấy các em TK may mắn hơn các bạn bè khác vì chung quanh em có nhiều chuyên viên, nhiều chuyên môn, nhiều tấm lòng, nhiều thời gian từ cha mẹ…

Cũng như lãnh vực ngôn ngữ hay học vấn, những can thiệp về TVĐ được hội đồng thẩm định bàn thảo, đưa ra kế hoạch can thiệp, và mọi chuyên viên cùng thực hiện. Hội đồng thẩm định có thể gồm chuyên viên tâm lý, chuyên viên TVĐ, chuyên viên NNTL, giáo viên giáo dục đặc biệt, phụ giáo, cha mẹ, người chăm coi trẻ, bác sĩ, v.v..

Cũng xin ghi chú rằng hai ngành chuyên môn trị liệu ngôn ngữ và trị liệu TVĐ có nhiều lãnh vực chung, thí dụ: trí nhớ ngắn hạn, trí nhớ dài hạn, vận động cơ miệng/lưỡi…

Lệ hoạt động thường thấy tại cáctrường công lập Hoa Kỳ thường có một chuyên viên TVĐ đóng vai trò cố vấn. Những biện pháp can thiệp TVĐ thường không do chuyên viên này thực hiện, trừ một số nhỏ các trường hợp rất đặc biệt.

Riêng các chuyên viên NNTL, họ có mặt trong 99% các ca TK đ ể trực tiếp chữa trị, và vì thế cũng là chuyên viên thực hiện các biện pháp can thiệp TVĐ nhiều nhất.