Home Page Image
  Tourette syndrome:  
 

 

 

Hội Chứng Tourette

Nguyễn Hà Tường Anh, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu

Hội chứng Tourette (TS) là bệnh liên đới thần kinh, có những biểu hiện như lập lại một số cử động hoặc âm thanh hoàn toàn không chủ ý. TS do bác sĩ thần kinh gốc Pháp Georges Gilles de la Tourette tìm ra năm 1885. Lần đầu tiên vào năm ấy, bác sĩ Georges Gilles de la Tourette đã diễn tả hội chứng này nơi một phụ nữ danh giá người Pháp 86 tuổi. Người phụ nữ này đã lập lại những âm thanh và có những cử động một cách bất ngờ, không chủ ý. Thường ra, những biểu hiện này có thể thấy khi người mắc hội chứng TS còn ở tuổi thơ.

TS như thế liên quan đến những cử động không chủ ý như giật chân, tay. TS cũng liên quan đến những âm thanh kỳ lạ. Cũng có khi TS gây ra việc nháy mắt, nhún vai, chun mũi. Có người TS còn nhảy, đá, cò cò, quay vòng vòng.

Theo tường thuật từ các bác sĩ, nhiều người TS còn có hội chứng thiếu chú ý hiếu động, âu lo, buồn chán, khó ngủ…

Triệu Chứng

Triệu chứng của TS thường thấy ở tuổi 5 đến 10, và thường bắt đầu với những co giật trên mặt, đầu, hai tay. Dần dần, những co giật này xảy ra mau hơn và đa dạng hơn, liên quan đến nhiều phần của cơ thể hơn như chân, thân mình, và trở thành những cản trở khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày. Trong nhiều trường hợp, những co giật này lại giảm đi khi vào tuổi trưởng thành.

TS xảy ra cho mọi mầu da, sắc tộc. Về giới tính, nam gặp hội chứng này nhiều từ ba đến bốn lần hơn nữ. Có khoảng 200 ngàn người Hoa Kỳ mắc hội chứng này ở độ nghiêm trọng. Có 1% trong nhóm người này chỉ bị nhẹ. Dù TS là hội chứng không biến mất khỏi một bệnh nhân, đa số bệnh nhân thấy mình chịu những triệu chứng nặng ở tuổi thiếu niên, và nhẹ đi ở tuổi 19, 20 và trưởng thành.

Những co giật của TS có thể thay đổi về cách thức, độ nặng nhẹ, mức thường xuyên. Sau đây là những biểu hiện thường thấy:

  • Cử động không chủ ý, không mục đích (ở mặt, cổ, vai, chân, tay)
  • Lắc đầu
  • Nháy mắt
  • Nhún vai
  • Nhăn mặt
  • Chun mũi
  • Những loại cử động lập đi lập lại khác: nhịp chân, dậm chân, gãi

TS cũng gây ra một số cử động khác nhìn có vẻ là hành động cố ý:

  • Hôn
  • Bấu
  • Lè lưỡi, bập môi
  • Sờ chạm
  • Những cử chỉ kỳ dị khác

Thêm vào đó, TS cũng còn gây ra những âm thanh lạ:

  • Rên rỉ
  • Sủa
  • Chắc lưỡi
  • Hít
  • Nói tục
  • Đằng hắng, ho
  • Rít
  • Huýt sáo
  • Gầm gừ
  • Bắt chước âm thanh hay lời nói

Trong những biểu hiện trên, các thái độ như đấm, đá, nói tục, bắt chước âm thanh/lời nói có thể làm người khác giận dữ.

Những co giật hay phát âm không thích hợp của TS thường trở nên nghiêm trọng khi một cá nhân TS lo âu, kích động, và thường giảm độ nghiêm trọng khi cá nhân này bình tĩnh. Trong giấc ngủ, những co giật không hoàn toàn biến mất nhưng giảm nhiều.

Khoảng 40% trẻ em và người trưởng thành TS còn mắc hội chứng thiếu chú ý, và 30% gặp khó khăn trong học tập. Tuy nhiên, đa số họ có trí khôn bình thường.

Nguyên Nhân

Chưa ai định rõ nguyên nhân TS dù các nghiên cứu nhắm vào những bất thường của não. Vì biểu hiện của TS phức tạp, có lẽ nguyên nhân cũng rất phức tạp, là cộng hưởng của môi trường và gen di truyền. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng TS là hậu quả của những chất hóa học mà não sử dụng để truyền thông tin từ tế bào này sang tế bào khác - loại chất có trách nhiệm trong việc sản xuất và điều khiển các hoạt động có chủ ý. TS không phải một hội chứng hiếm xảy ra, dù con số nằm đâu đó khoảng 1 đến 10 trong số 10 ngàn người.

Chữa Trị

Bác sĩ nhi khoa là người đưa ra phương án chữa trị cho một bé TS dựa trên

  • tuổi, sức khỏe, lịch sử bệnh khác nếu có
  • độ ảnh hưởng của Ts đối với sinh hoạt
  • mức phản ứng của trẻ đối với một loại thuốc hay lối chữa trị nào đó
  • ý kiến và mong đợi của phụ huynh