Tracy J. Stephens Ph.D. www.brighttots.com
Nguyễn Hà Tường Anh lược dịch
Đối với trẻ tự kỷ, thế giới này quá lộn xộn. Lại thiếu khả năng bày tỏ tư tưởng, các em có xu hướng rút vào trong thế giới riêng. Các em có thể không thích hoặc nổi giận khi bị ép phải liên hệ với thế giới của chúng ta khi các em hoàn toàn không muốn thế. Trẻ tự kỷ có thể bực bội và giận dữ vì các em không biết cách diễn tả cảm giác của mình bằng cách mà người khác có thể hiểu. Kết cục, các em trở nên bất thường, nhưng chúng ta vẫn có cách giúp các em. Phần lớn trẻ tự kỷ tiến bộ khi lớn lên. Tiến bộ của các em tùy thuộc vào mức độ rối loạn tự kỷ, và còn tuỳ thuộc vào lượng và phẩm của chương trình huấn luyện/chữa trị.
Làm Gì Để Giúp Các Em
Có nhiều cách chúng ta có thể thực hiện để giúp trẻ tự kỷ gia tăng chất lượng cuộc sống. Trẻ tự kỷ thường xuyên mù mờ, lo âu, và không nối kết với những công việc hàng ngày, những dịp này dịp khác. Các em bầy tỏ sự âu lo và mù mờ này bằng cách có những hành vi kỳ cục. Cha mẹ cần sẵn sàng bỏ thời gian và nỗ lực để thay đổi hành vi nói trên. Về lâu về dài, nỗ lực của cha mẹ sẽ được đáp trả khi thấy các em hành xử đúng đắn hơn.
Đối Thoại Với Các em
Trẻ tự kỷ sử dụng nghĩa đen, và thường gặp khó khăn bày tỏ tư tưởng dù bằng lời hay bằng phương cách khác. Không bày tỏ được tư tưởng, các em trở thành tức giận. Đây là một số việc cha mẹ có thể thực hiện:
-
Dùng nhiều cách để đối thoại với các em, bằng lời, bằng giấy bút, bằng cử chỉ, bằng hình ảnh.
-
Dùng ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng, chính xác khi yêu cầu hay chỉ dẫn các em làm điều gì. Mới đầu nên dùng một chữ, sau đó dần dần nối cho câu dài hơn.
-
Dùng câu tích cực: “Mẹ muốn Khoa đứng lên” hay “Ba mong Mai sẽ ăn hết” thay vì “Mẹ không thích Khoa ngồi chỗ này” hay “Ba rất ghét Mai bỏ dư cơm.”
-
Dùng thời khóa biểu để giúp các em thực hiện những công việc hàng ngày (đánh răng, ăn uống, tắm rửa…)
-
Sắp xếp mọi việc có tổ chức và có thói lệ để các em dễ đoán ra việc gì xảy ra kế tiếp.
Môi Trường Xã Hội
Trẻ tự kỷ không hiểu những giao ước xã hội. Các em không biết diễn giải những cảm giác và tâm tình của người khác. Việc ai đó đến gần các em, hay các em phải sờ chạm vào người khác luôn khiến các em lo sợ. Sau đây là những việc cha mẹ có thể giúp các em:
-
Dậy các em về giao ước xã hội bằng cách chơi trò giả đò đóng vai này, vai khác.
-
Có hình thức phạt rõ ràng và thường xuyên đối với những hành vi không thích hợp.
-
Tập đi tập lại cho các em những cách ứng xử đúng đắn qua nhiều tình thế khác nhau.
-
Khuyến khích các em diễn tả tình cảm bằng ánh mắt, khuôn mặt, và lời nói.
Thay Đổi Trong Môi Trường
Trẻ tự kỷ sẽ vô cùng mù mờ khi thói lệ của các em bị thay đổi. Các em có thể biết những gì xảy ra trong một môi trường, nhưng lại không thể mang cái “biết” này vào một môi trường khác. (Bé Khôi tối nào cũng ngoan ngoãn đánh răng, nhưng khi ngủ ở nhà bà ngoại, bé nhất định từ chối làm công việc đó). Đây là những việc cha mẹ có thể làm:
-
Giải thích những điều các em phải thực hiện (bằng nhiều phương cách như lời nói, hình ảnh, giấy bút…).
-
Dậy một kỹ năng trong nhiều môi trường khác nhau.
-
Báo trước và chuẩn bị cho các em biết khi có những thay đổi trong thói quen.
-
Báo trước những lúc phải bắt đầu hay kết thúc một sinh hoạt nào đó.
Xử Phạt Các Em Tự Kỷ
Hành xử kỳ cục có vẻ lúc nào cũng có nơi các em tự kỷ. Khi cha mẹ hiểu các em muốn gì mà hành xử như thế, cha mẹ có thể tìm cách ngăn chặn hành vi ấy và thay thế bằng hành vi thích hợp hơn. Thí dụ, các em có thể muốn cha mẹ để ý, muốn lấy vật gì đó, muốn tránh né một tình thế mà các em không thích. Hình thức xử phạt cổ điển KHÔNG hữu hiệu với phần lớn các em tự kỷ. Các em không biết xin phép, và không hiểu nỗi bực bội của người khác, vì thế phản ứng mà cha mẹ vẫn có đối với hành vi không thích hợp của các em thực sự chẳng có hiệu quả gì. Điều quan trọng là tìm ra các em thích gì, và giúp các em bày tỏ ý muốn, nỗi lo sợ hay giận dữ bằng cách thích hợp. Cha mẹ cũng nên cố gắng làm mẫu, chơi trò đóng vai này vai kia để dậy về thái độ ứng xử.
Anh Chị Em Của Trẻ Tự Kỷ
Với một cậu bé hay một cô bé có anh chị tự kỷ, thật khó cho các em hiểu được vì sao anh hay chị của mình lại được dậy dỗ, huấn luyện một cách đặc biệt. Các chú bé cô bé này cũng hoàn toàn không hiểu tại lý do nào mà anh chị của mình đôi khi lại được thông cảm khi hành xử không thích hợp.
(Điều này cũng không khác gì với các anh chị có em tự kỷ. Một người trưởng thành còn có khi ganh tỵ với anh chị em! Các em ở tuổi thanh thiếu niên sẽ dễ mặc cảm là cha mẹ thương em hơn, và không công bằng với mình. Cha mẹ cần chú ý giúp anh chị em của trẻ tự kỷ hiểu nỗi khó khăn của trẻ này, và chứng minh cho các em thấy cha mẹ thương con đồng đều. Hãy giúp các em hiểu rằng trẻ tự kỷ cần đựơc dậy dỗ bằng phương cách khác, mà không phải được thương chiều hơn).
Đây là những gì cha mẹ có thể thực hiện:
-
Giải thích về tự kỷ cho các anh chị em của trẻ, và khuyến khích các anh chị em của trẻ gợi thắc mắc về trẻ.
-
Yêu cầu anh chị em của trẻ tự kỷ giúp đỡ trong công việc dậy dỗ, huấn luyện. Hãy giao cho các anh chị em của trẻ tự kỷ một vai trò nào đó. Thí dụ: anh Hai dậy bé Mỹ làm bài, chị Ba cùng bé Mai đánh răng, Út nắm tay chị Mai khi cả hai theo mẹ đi chợ.
-
Khuyến khích các anh chị em của trẻ tự kỷ ôm hôn, nắm tay, khen ngợi, tặng quà cho trẻ tự kỷ để a) làm mẫu cách bày tỏ tình cảm, b) giữ tình cảm của các em thăng bằng.
-
Khen ngợi khi các anh chị em của trẻ tự kỷ ngoan ngoãn. Dành thời gian trò chuyện, giúp đỡ các em.
Hình Thức Xử Phát Trẻ Tự Kỷ
-
Giải quyết trước tiên việc các em khó ngủ
-
Dành them thời gian trông coi các em
-
Sắp xếp lại không gian của các em, và của cả nhà cho rõ ràng, ngăn nắp
-
Thiết lập những thói quen sinh hoạt cho gia đình
-
Thiết lập những nơi dành riêng cho các sinh hoạt khác nhau: chỗ ăn riêng, chỗ học riêng, chỗ ngủ riêng, chỗ xem tivi riêng…
-
Thiết lập một hệ thống khen thưởng
-
Thiết lập những mệnh lệnh hàng ngày, và lập lại mỗi ngày
-
Chú ý để tìm ra những lúc các em hành xử thích hợp
-
Sử dụng thời khóa biểu bằng hình nếu thích hợp. (Các em biết đọc có thể sử dụng thời khóa biểu bằng chữ viết).
-
Chọn một dấu hiệu hay hình ảnh, chữ viết để yêu cầu các em “dừng lại,” “thôi,” “ngưng”
-
Dành thời gian để các em có đủ thời gian thực hiện một sinh hoạt
-
Chú trọng một mục tiêu, đừng theo đuổi nhiều quá.
-
Cố gắng không thay đổi môi trường nếu không cần thiết.
-
Nghiêm khắc (mà không dữ tợn)
-
Cố gắng liên tục, thường xuyên và cố định. (Nếu bé Mai đã biết thôi khóc khi vào đánh răng, hãy yêu cầu bé đánh răng mỗi ngày. Bỏ qua một buổi thôi, cha mẹ sẽ mất ít nhất vài tháng để tập lại thói quen này).
-
Cho các em thời gian dãn xã cần thiết. Đừng để các em phải quay cuồng và mỏi mệt vì nhiều loại huấn luyện quá.
-
Mỗi tuần, cố gắng đưa các em ra ngoài ít nhất một lần với mục đích khen thưởng cho nỗ lực của các em. (Xin nhớ các em rất yếu khả năng liên đới và khái niệm thời gian. Khi bé Chi không dẫy dụa chỉ để đòi uống nước, mẹ nói: “Chi ngoan quá. Cuối tuần má cho Chi đi chơi Đầm Sen.” Bé Chi sẽ không nhớ gì đến lời hứa này khi ba má dẫn Chi đi Đầm Sen vào Chúa Nhật. Mẹ bé Chi cần cầm tay bé đến bảng khen thưởng, dán lên đó một ngôi sao chẳng hạn, rồi cuối tuần đếm số ngôi sao để thưởng bé).
Phải Phản Ứng Tại Chỗ Thế Nào?
Khi bé có thái độ hành xử không thích hợp:
-
Hãy yêu cầu bé ngưng ngay. Trong nhiều trường hợp, làm lơ cũng là phương cách hữu hiệu nếu biết rằng bé làm thế chỉ để gợi phản ứng từ cha mẹ.
-
Mời bé cộng tác với cha mẹ bằng nhiều bước. (Thí dụ, Dũng đang dẫy đạp, la khóc vì muốn chiếc xe đồ chơi. Ba mẹ sẽ không bắt Dũng phải lập tức khoanh tay xin lỗi. Hãy mời: “Dũng biết đứng không? Dũng biết hả? Dũng thử đứng đúng vào chỗ này cho ba xem nào?” Nếu Dũng vẫn la khóc, ba có thể mời: “Bám vào tay ba nè, Ba kéo Dũng lên.”
-
Cho bé ngồi riêng một góc. (Lúc này bé không được chơi gì, mà ba mẹ cũng không đến ôm, không nhìn mắt bé. Tuy nhiên, đừng yêu cầu bé vào nơi không có người lớn trông chừng, không tắt đèn tối để dọa bé, không đuổi bé ra lề đường).
-
Cha mẹ có thể sử dụng giọng nghiêm nghị để bảo bé “thôi,” “ngừng ngay.”
-
Dậy bé lối hành xử thích hợp để thay thế. (Sau khi Dũng hết la khóc, ba cầm chiếc xe dơ lên cho má và Dũng thấy. Má nói: “Con xin xe,” hoặc “xe.” Ba trao xe vào tay Má, Má cám ơn, trao lại cho Ba. Má yêu cầu Dũng: “Con nói đi: xe.” Khi Dũng nói, Ba trao ngay xe cho Dũng. Ba má vỗ tay khen. Nếu Dũng không nói, Má cầm tay Dũng xòe ra và nói giùm).
-
Việc dụ khị để trẻ tự kỷ có những hành xử thích hợp là điều hoàn toàn nên thực hiện.Chúng ta cũng thường dụ khị để những em bé khác biết ạ, biết khoanh tay, biết xin…
Những Điều Cần Nhớ
Có những hành vi mà cha mẹ sẽ không bao giờ chịu thua cuộc. Những thái độ như khóc la, không vâng lời, dẫy dụa, cãi lại… cũng là những gì trẻ bình thường hay tỏ lộ.
-
Đừng ngại răn dậy trẻ
-
Đừng sợ phải răn dậy trẻ khi đang ở nơi công cộng, nhiều người dòm ngó. (Xin nhớ, trẻ tự kỷ cũng khôn, và có khi còn khôn hơn các trẻ khác, khi hiểu rằng cha mẹ có vẻ mắc cở khi bé la khóc ngoài công cộng. Các em biết những lúc ấy, đòi gì cũng được. Xin đừng chịu thua. Thua cuộc một lần sẽ khiến cha mẹ mất nhiều tháng để luyện lại thói quen nào đó.)
-
Thiết lập một kế hoạch khi trẻ nổi giận hay bùng nổ lúc đang ngồi xe để cha mẹ có thể đáp ứng tình thế mà không gây nguy hiểm cho trẻ và chính cha mẹ và người chung quanh.
-
Nếu có phải thua cuộc một lần, đừng mang mặc cảm tội lỗi. Hãy quay lại tiếp tục kiên trì dậy luyện cho trẻ.
-
Kêu gọi ông bà nội ngoại, cô chú dì.. của trẻ, và cả bạn bè của cha mẹ giúp đỡ.
Tham gia những nhóm, những tổ chức có thể yểm trợ tinh thần và huấn luyện thêm khả năng để nuôi dậy trẻ tự kỷ.
|