Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi phi » T.Tư Tháng 10 28, 2009 9:54 pm

Chào các PH,

Xin chia sẻ chuyện một bé Asperger đang đi học chung với con tôi. Tên bé là J. Vì bé J. học nhanh quá, mới tí tuổi mà nhảy lớp mấy lần, nên hôm rồi J phải chuyển lên trường cấp 2. Bé nhà tôi nói trong lớp ai cũng thích và nhớ J.

"Bố ơi, ai cũng thích J vì J giỏi lắm, hỏi gì J cũng biết. Hôm J đổi trường ai cũng nhớ J. J cười nghe đã lắm. Nhiều khi con hỏi J có 1 câu, mà J trả lời hết cái này qua cái khác..."

Có một việc thú vị là chị Tường Anh chính là chuyên gia TK cho J. Luật California không cho phép chị TA nêu tên, kể về bệnh nhân của mình. Tuy nhiên, do tôi biết bé J, tôi có thể kể cho các PH nghe con đường học của J với tư cách PH. Nhưng tôi kể chắc là không thú vị, không chi tiết bằng chị TA.

Trong trường hợp này, chị TA có thể giúp tôi nói thêm về J được không? Chuyện J cắn thầy, J học giỏi, sửa bài thi của tiểu bang...

Phi
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Tư Tháng 10 28, 2009 11:29 pm

Cám ơn anh Phi "rới thiệu". Cũng cám ơn anh đã đổi tên của bé ... thành J. cho đúng luât bảo mật.

J. có sự chú ý của thầy cô ngay lập tức ở những tháng đầu của mẫu giáo. Tôi nhớ khoảng thời gian tháng 11 này đây, gần như ngày nào tôi cũng cùng các thầy cô giáo khác đưa J. từ lớp lên văn phòng.

Thông lệ của chúng tôi là nếu trẻ không hành xử thích đáng, cản trở việc học của chính mình và bạn bè, trẻ sẽ được đưa lên văn phòng như một hình thức kỷ luật. Tại văn phòng, nếu nặng thì phải gặp hiệu trưởng, nhẹ thì có các thầy cô trực văn phòng. Nếu liên hệ đến tâm lý thì có cố vấn, chuyên gia tâm lý. Nếu liên hệ về ngôn ngữ, giao tế, thì tôi.

J. đi học 5 ngày thì hư hỏng cả 5. J. cắn bạn. J. cắt tóc bạn. J. cắt tóc mình. J. đá cô giáo. J. xé sách. J. lấy đồ ăn của bạn vất thùng rác... Mà chuyện không xảy ra chỉ ở trong lớp. Ngoài sân chơi, J. cắn ông lao công, rồi J. đem cát đất bỏ vào lưng bạn... Hôm ấy tôi đang quan sát một em bé khác, thấy ông lao công kêu. J. cắn vào tay ông, và ông đang nâng tay lên, J. thì treo toòng teng, răng vẫn bám chặt vào tay ông ấy. Hai tay J. cào cấu ông. Thế là lại lên vănphòng.

Mỗi lần lên văn phòng, J. đâu có tự đi lên. J. cào cấu, dẫy đạp, la hét. Thường thì phải có 4 người, mỗi người một chân một tay. Còn một người nữa chạy theo bảo vệ cái đầu của J. không va chạm hay vật xuống nền xi măng. Có lần tôi trong nhiệm vụ cầm chân của J., J. đạp văng ra. Tôi loay hoay bắt lại cái chân ấy, J. hét: "Bà đụng đến chân tôi, tôi sẽ đưa bà lên đỉnh núi Grand Canyon. Bà có biết là đỉnh núi ấy cao xxx mét không? Tôi cũng sẽ bỏ bà lên hỏa tinh, nơi mà không có trọng lực và không khí để con người có thể sống được!" Năm thầy cô giáo và chuyên gia lăn ra cười.

Tuy nhiên, đấy là lần mà tôi đã chứng minh được với cha mẹ của J. điều mà tôi tiên đoán: J. có rối loạn Asperger!

Đã nhiều lần chúng tôi mời cha mẹ của J. họp, và cho biết J. cần được đưa vào chương trình giáo dục đặc biệt. Anh chị phụ huynh này còn trẻ, là người Á châu. Họ nhất định không tin rằng cậu con thông minh của họ lại phải theo giáo dục đặc biệt. Tôi là người đã đứng đầu nhóm CCM nói chuyện với họ rất nhiều lần rằng giáo dục đặc biệt dành cho trẻ kém hơn bạn, và cho cả trẻ thông minh hơn bạn.

Sau những câu đe dọa đầy con số và dữ kiện kia, chúng tôi có sự đồng ý của cha mẹ J. để thẩm định. Dĩ nhiên, tôi thẩm định ngôn ngữ. Câu hỏi đầu tiên: "Đâu là sự giống nhau giữa máy bay và trực thăng?" J. không hề cần thời gian suy nghĩ: "Cả hai đều là những vật thể có máy để tự nhấc lên trên không, và còn có khả năng mang theo người ta hoặc hành lý. Cả hai đều có hộp đen!"

Tôi muốn trợn tròn hai mắt: thằng bé chỉ ở cuối năm mẫu giáo! Câu hỏi kế: "Thế chúng khác nhau cái gì?" J. trả lời: "Máy bay thì chở khách hoặc chở hàng, và đi xa. Trực thăng thì chở ít người và chủ yếu là không để tải người hay tải hàng, trừ loại máy bay quân sự tên là Black Hawk!" Tôi nói: "OK!" Nó bảo: "Khoan, con đã nói hết đâu! Máy bay cần có đường băng để cất cánh. Trực thăng thì có bộ phận đặc biệt (xin lỗi tôi không còn nhớ J. đã gọi tên là gì) để khi cánh quay thì tạo ra áp suất. Chính vì áp suất ở trên tầng cánh thì cao, và ở dưới tầng cánh thì thấp nên trực thăng cất lên thẳng!"

Tôi tiếp tục hỏi những câu hỏi cuả bài theo đúng đòi hỏi của test, nhưng tin rằng thằng bé sẽ không gặp khó khăn. Kết quả phần ngôn ngữ suy luận: 11 tuổi 11 tháng! Sang phần từ vựng, vì tuổi của bài test cho cao hơn, J. được xếp ở 17 tuổi 6 tháng!

Mấy ngày sau, tôi hăm hở mang test giao tế ra, và biết J. sẽ bị điểm yếu. Kết quả: 11 tuổi 11 tháng! Tuy nhiên, đó là lý thuyết. J. có thể giải quyết vấn đề, có thể chỉ ra ai làm sai ai làm đúng, ai nên nói gì, ai không nên giận dữ qua những câu chuyện mẫu. Dù vậy, ở thực tế, J. hoàn toàn mất kiểm soát hành động.

Chúng tôi đã họp và thành công khi cha mẹ J. đồng ý đưa con vào giáo dục đặc biệt. Theo kế hoạch, J. học toán lớp 5, chính tả lớp 5, viết văn lớp 4, giao tế thì... chập chững. Khoa học xã hội J. học lớp 5 (cao nhất của tiểu học nơi J. đang học), và khoa học cũng lớp 5. Khi ăn trưa, ra chơi, thủ công, đi thư viện, J. đi với các bạn mẫu giáo (và luôn có tôi hoặc một giáo viên giáo dục đặc biệt đi kèm để đưa trình độ học lên trên, nếu không J. lại... nổi sùng vì chán).

Ở tiểu bang California, (và toàn quốc Hoa Kỳ), trẻ con đến lớp 2 thì phải thi loại bài thi gần như lên lớp để đo trình độ theo chuẩn giáo dục của tiêu bang và liên bang. J. lớp mẫu giáo không phải thi. Kẹt là ngày hôm đó, các em mẫu giáo và lớp 1 đi cắm trại (vì không phải thi) mà J. không đi theo được vì sẽ có nhiều "sự cố" kinh khủng xảy ra nếu J. chán. Tôi và cô giáo kia không đi với các em nguyên ngày được để kèm J. vì chúng tôi phải có mặt hỗ trợ các em học sinh có rối loạn thiếu chú ý làm bài thi ở môi trường được điều chỉnh.

Thế là J. nhà ta phải ngồi ở lớp 5 khi các "anh chị bạn" làm bài thi. Chúng tôi đã dặn tới dặn lui: "Con không được nói câu trả lời cho ai nghe, vì như thế sẽ bị phạt." Nó bảo: "Biết rồi, nếu ăn gian thì liên bang có quyền đưa số an sinh xã hội vào hệ thống network của toàn quôc, và sẽ không xin đi học được. Ca nặng thì không ai dám nhận cho học trong 3 năm! Ca nhẹ thì 1 năm! Tuy nhiên, con không sợ chuyện đó, mà con không thích là người ăn gian!"

Mới vào giờ thi năm phút, tôi đã bị bà thầy lớp J. đang ngồi gọi. Bà ta thì thầm trên phôn (vì cả lớp đang làm bài thi cần im lặng): "Chị làm ơn mang bé J. ra khỏi lớp ngay!" J. đã không nhắc bài cho ai, nhưng em tìm ra những lỗi chính tả, lỗi văn phạm, và cả lối diễn ý không sáng của bài thi lớp 5. Em liên tục dơ tay nói cho cô giáo nghe: "Con phải nói vì nếu không các anh chị làm bài không ra thì không công bằng. Có những lúc biết mà không nói là có tội!"

Ôi, thằng J.! Bài thi lớp 5 của tiểu bang là bài mà hàng trăm giáo viên và chuyên gia đã đổ công nghiên cứu, đọc tới đọc lui, đọc xuôi đọc ngược! Chuẩn mà, đâu phải chơi! Thế mà thằng J cuối năm mẫu giáo đã chỉ ra hết những gì trúc trắc!

Tuy nhiên, CCM vào thời gian này vẫn không đồng ý với toàn ban soạn thảo kế hoạch cho J. Chúng tôi thì tin rằng học trình đúng trình độ của J. chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề. J. là em bé Asperger, J. cần có những thủ tục, thói lệ để không âu lo, khó chịu vì sự thay đổi, xáo trộn... J. luôn nói với tôi: "Con thích cô vì cô làm cái gì cũng có bước 1, bước 2, và khi thay đổi thì cô nói cho con nghe!" CCM chủ trương đưa J. vào lớp giáo dục đặc biệt của các em Asperger/TK. Tại lớp này, các em thường có một bàn học, một kệ sách nhỏ. Đồ đạc cá nhân ở đó. Khi đổi tiết học, các em chỉ cần trở lại góc của mình, ngồi 2 phút, rồi lại đi. Mà các em chỉ cần có thế, để cả một tiết học kế trôi qua trong thanh thản và sáng suốt.

Và CCM không sai: sau 1 tháng đi học vừa mẫu giáo, vừa lớp 4, vừa lớp 5, J. lại phát.. điên! J. tiếp tục tấn công dữ dội những người chung quanh. Có những khi bố mẹ J. được gọi đến, J. đã... cạp luôn bố mẹ! Đã có khi phải gọi cảnh sát vì nhà trường không kiềm chế nổi J.: nó chạy tuốt ra xa và la hét. Nhà trường sợ J. chạy tuôn ra phố! Tội nghiệp nó, thấy cảnh sát, nó sợ chứ! Và nó giận dữ hơn nữa! Nhưng cái đầu lý luận của nó làm việc tốt. Nó dơ hai tay lên trời, và nói rất to: "Tôi đầu hàng. Tôi không hề có súng hay dao gì trong người. Tôi chỉ có cái miệng có thể làm cho lỗ tai của mấy người bị đau khi tôi hét to! Không ai được bắn tôi! Cảnh sát không được nổ súng vào thường dân khi mà thường dân không có vũ khí!"

Cha mẹ ơi, nó nói đâu có sai. Đấy đúng là luật thuộc nằm lòng đối với cảnh sát Hoa Kỳ. Viên cảnh sát cao to đã phì cười. Ông ta gỡ súng và nói: "Tôi bỏ súng đây này. Tôi bỏ dùi cui đây này! Em lại đây với tôi!" J. nói: "Không, còn cái hộp xịt hơi cay và cái súng bắn điện, ông cũng phải bỏ ra!" Lúc này thì nhà trường gồm 5, 7 giáo viên, hiệu trưởng không nhịn được cười! J. bảo: "Đừng cười cái đầu thông minh của tôi!" Khi ông cảnh sát bỏ hết mọi vũ khí, J. chạy thật nhanh về phía ông ta. Quí vị có đoán được nó làm gì không? Nó khóc. Nó khóc thảm thiết! Điều làm cho tôi không bao giờ quên J. là lúc ấy cậu bé đã yêu cầu: "Con muốn cô Nguyễn! Chỉ cô Nguyễn mà thôi! I want Ms. Nguyen. Only Ms. Nguyen."

Ông cảnh sát quay lại hỏi "cô Nguyễn là ai?" và cho phép nó đến với tôi. Tôi ngồi bệt xuống đất đón J. Nó ngồi trong lòng tôi, khóc nức nở: "Just hold me! Just hold me! Ôm con đi!" Nó lấy hai tay tôi kéo chặt vòng qua người nó. Nó tiếp tục nức nở: "Don't let go off me! Đừng bỏ con ra! No Mom, no Dad, nobody! Just you!"

Tôi không phải là người thường rơi nước mắt, nhưng hôm ấy thì tôi khóc vì đồng cảm với sự tù túng của một cá nhân không được sinh hoạt trong môi trường ít có những điều khiến cá nhân ấy phải nổi... điên! Cha mẹ của J., hiệu trưởng, các thầy cô, và hai ông cảnh sát đều khóc.

Ngay sau hôm ấy thì cha mẹ của J. đồng ý cho J. sang thử ở một lớp đặc biệt. Điều khó là lớp cho độ tuổi của J. chỉ có ở một trường khác. Và đó chính là ngôi trường mà con anh Phi theo học.

Tôi được học khu và cha mẹ chính thức yêu cầu là người lo việc "dọn nhà". Tôi phải chuẩn bị môi trường cho J.: kể về trường mới, lý luận vì sao nó phải đi khỏi trường cũ... Cái khó nhất là cho nó biêt rằng tôi có thể sẽ không phải là chuyên gia trong hội đồng giáo dục cho J. nữa. J. đâu có chịu, vì tôi là sợi dây nối duy nhất từ cũ sang mới! Nó bảo: "Cho con đi gặp ông thanh tra học chính. Con sẽ nói lý do vì sao cô Nguyễn nên chuyển sang đó!" Mà nó gặp, và nó nói thật. Làm sao nó gặp được? Nó email một lá thư cho biết lý do vì sao nó cần gặp, nội dung cuộc gặp là gì. Ông thanh tra học chính (là ông xếp của 10 trường tiểu học và 3 trường cấp 2) đồng ý. Rồi nó được cha mẹ chở tới, và nó trình bày lý do vì sao tôi cần phải được chuyển sang đó. Sau này, ông thanh tra cho tôi biết những lý do nó đưa ra không chỉ có cá nhân nó có lợi. J. đã nói: "Những em bé giống như tôi chỉ cần có cô Nguyễn và nhóm của cô vài tháng, là chúng tôi đã ra khỏi địa ngục. Tại sao không đưa cô ấy về đó, rồi tập trung những em bé như tôi lại đó?"

Hiện nay, trường con anh Phi học đang là nơi có lớp dành cho các em Asperger, và có giờ giao tế rát thành công. Tôi dĩ nhiên rất vui khi đã được cùng CCM làm việc với thành phần ban giám hiệu và giáo dục đặc biệt/phổ thông tại đây.

J. sinh hoạt ra sao ở trường mới? Dĩ nhiên cũng có một đôi lần đè bạn ra cắn. Lý do: bạn không chịu hiểu rằng mặt trăng thì xoay quanh mặt đất, còn trái đất xoay quanh mặt trời, và rằng chúng có quĩ đạo riêng để chẳng bao giờ báng vào nhau! Bạn ấy cũng không chịu tin là dù chúng ta nhìn thấy các ngôi sao, nhưng bay đến đó là chuyện không thể. Còn nữa, cũng chính cô bạn này không chịu tin rằng ngân quĩ của mỗi trường học được định mức bằng số học sinh của năm học trước đó!

Sau đó, những ngày đi học của J. bình lặng. Em trở thành thằng bạn nhỏ dễ thương của các anh chị lớp 5. Ai cũng muốn thằng J. xinh xinh ở trong nhóm của mình, vì nó xinh và nó giỏi hơn cả... thầy cô! Chỉ có điều là mỗi khi hỏi nó một câu, nó trả lời lại bằng cả một cuốn sách! Rồi không nghe cho hết là nó buồn, nó giận. Nếu giả vờ nghe, nó hỏi lại mà không biết thì nó... nổi điên! (Tôi bị rồi!).

Khi J. học xong lớp 3 thì thực tế J. đã hoàn tất khoa học, sử học, địa lý, khoa học xã hội, văn, và toán của lớp 5. Hoàn toàn xong, với điểm A+ cho mọi môn. Thế nhưng đưa thằng J. xinh xinh lên thế giới của các anh chị lớp 6, 7, 8 của cấp hai thì lệch về phát triển giao tế. Phải đợi đến lúc này, đầu năm lớp 5, nó mới từ giã bạn bè tiểu học để lên cấp 2. Mà tôi vẫn tin rằng nó ở cấp 2 chỉ vì nó quá bé để đi học cấp 3, chứ trình độ học vấn và cái đầu thiên tài của nó dư sức học chương trình lớp 10.

Nghe con anh Phi bảo J. đã đi cấp hai, và cả lớp ai cũng nhớ. Nhớ chứ! J. có hỗ trợ rất tốt của một cô giáo chuyên biệt nên nó hành xử và sinh hoạt rất ổn định. Bên ngôn ngữ và hành vi chúng tôi cũng đã hết lòng với J. Nó vui vẻ và hòa nhã với bạn (dù vẫn nói rất nhiều về chủ đề mà nó yêu thích, nhưng biết cách thẩm định tình thế và kiềm chế hành vi).

Tôi nghĩ thật nhiều về J. Thằng bé trắng trẻo, thanh mảnh, lạc giữa rừng các anh chị đã trổ mã, nhiều anh chị đã bồ bịch chút chút. J. ngây thơ lắm trong thế giới ấy. Hội đồng giáo dục đặc biệt vẫn phải tiếp tục hỗ trợ để J. có thể giao tiếp với các anh chị ấy, vẫn giữ nét ngây thơ của lứa tuổi, và tiếp tục thăng tiến trong học vấn.

Tôi rất khâm phục bố mẹ của J.: Họ biết con họ thần đồng chứ, nhưng đã không ép uổng hay tìm cách quảng cáo về con. Họ không làm gì không thực sự hữu ích cho đứa con ấy. Họ cũng không bao giờ so sánh J. với các em để các em J. phải mặc cảm. Họ đã ngần ngại và chối bỏ lúc đầu, nhưng hiện là những thành viên tuyệt vời trong hội đồng giáo dục cá nhân của J.

Có nhiều người hỏi vì sao họ không xin cho J. môt học bổng theo chương trình thần đồng để lên đại học. Họ bảo: "Tôi mừng là con thông minh, nhưng tôi muốn thằng J. lớn lên với đúng độ tuổi của nó, chứ không mong một cậu thần đồng mất đi ngày tháng mà người ta chỉ qua một lần trong đời!"

Đêm nay, khi tôi viết về J., tôi biết rằng em đang ngủ và giấc mơ của em có những con số của Einstein, Galilê, nhưng cũng có Maple Story hay Wall E. Sáng mai, em sẽ lại tiếp tục làm "anh chị bạn" thích thú vì khả năng của em, và lại được anh chị cho kẹo bánh, được anh chị bảo vệ như bảo vệ cậu em út trong nhà.

Tạm biệt tiểu học, J. nhé! Hãy là chính em!
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi phtran1302 » T.Tư Tháng 10 28, 2009 11:55 pm

Cám ơn chị Tường Anh và anh Phi,
Câu chuyện chị kể làm P khóc (chị cũng biết rồi, P = Lưu Bị mà) - P sẽ copy gửi cho các PH trong trường Nhân Ái cùng xem.
Thân mến,
Phương
Phương
phtran1302
 
Bài viết: 3031
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 3 16, 2009 12:45 am
Đến từ: Saigon, Viet Nam

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi phi » T.Năm Tháng 10 29, 2009 12:12 am

Cảm ơn chị TA, câu chuyện sống động và đầy tình cảm.

school.jpg
school.jpg (12.25 KiB) Đã xem 26645 lần.

Hình: Trường tiểu học của J, nơi J vừa chia tay với các bạn

Một ngày nào đó tôi sẽ dịch bài này ra tiếng Anh mang lại cho J đọc. Lúc đó chắc J sẽ rất vui, không ngờ các bạn bên VN lại biết về mình. Tất nhiên là đợi cho chị về hưu để tiểu bang Cali. đừng có đi kiện CCM ra tòa. Biết đâu lúc đó J đã học xong luật ở Harvard, đang làm Bộ trưởng Tư pháp nhỉ. Chị trắng án là cái chắc. :P

Người ta bảo một cái khổ là biết bí mật nhưng không được nói ra. Chị TA hôm nào nên ra biển, đào cái lỗ, hét to vào đó cho đỡ stress. Tôi cũng có người bạn thân từ lớp 1, là Asperger, có lẽ là 1 trong số ít các kỹ sư giỏi của Intel mà không hề có bằng cấp gì (anh ta chỉ học hết lớp 12 ở VN, sang Hoa Kỳ không hề có bằng cấp gì khác). Học giỏi cực kỳ một số môn, một số môn khác không bao giờ học nổi (vì lúc đó không có hỗ trợ giáo dục đặc biệt). Hôm nào tôi dụ nó về VN nói chuyện về những khó khăn trong học đường thì hay biết mấy nhỉ.

Trở lại chuyện J, hôm nào phải bắt cu cậu nhà mình kể chuyện của J, để người lớn chúng ta hiểu thêm về cái thế giới riêng của chúng.

Phi
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi lemongbao » T.Năm Tháng 10 29, 2009 7:24 am

Chào anh Phi
Nếuv được như thế này thì còn gì bằng
Tôi cũng có người bạn thân từ lớp 1, là Asperger, có lẽ là 1 trong số ít các kỹ sư giỏi của Intel mà không hề có bằng cấp gì (anh ta chỉ học hết lớp 12 ở VN, sang Hoa Kỳ không hề có bằng cấp gì khác). Học giỏi cực kỳ một số môn, một số môn khác không bao giờ học nổi (vì lúc đó không có hỗ trợ giáo dục đặc biệt). Hôm nào tôi dụ nó về VN nói chuyện về những khó khăn trong học đường thì hay biết mấy nhỉ.

Trở lại chuyện J, hôm nào phải bắt cu cậu nhà mình kể chuyện của J, để người lớn chúng ta hiểu thêm về cái thế giới riêng của chúng.


Hy vọng có một ngày nào đó thành sự thật, để các ph có con bị hội chứng Aspenger hiểu biết thêm về thế giới của con mình.
Rất cám ơn về sự chia sẽ này, Em cảm thấy mình như hiểu con them ra một ít.
lemongbao
Ba yêu con
lemongbao
 
Bài viết: 305
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 3 23, 2009 5:46 pm

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Năm Tháng 10 29, 2009 12:36 pm

Mình có hình của J. đấy, nhưng dao kề cổ mình cũng không dám post ở đây! :lol: Chỉ có thể bật mí là J. nhà ta đang leo lên ghế để trình bày với các anh chị lớp 5 về bài khoa học của mình (chủ đề lấy điện từ củ khoai tây).
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi tintin » T.Năm Tháng 10 29, 2009 5:31 pm

Câu chuyện của chị TA hay quá,cảm động quá, rất có ý nghĩa cho những phụ huynh có con AS.
Cảm ơn anh Phi, chị TA rất nhiều.
tintin
 
Bài viết: 22
Ngày tham gia: CN Tháng 10 18, 2009 6:44 pm

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Năm Tháng 10 29, 2009 11:16 pm

Câu chuyện của chị TA hay quá,cảm động quá, rất có ý nghĩa cho những phụ huynh có con AS.


Còn nhiều lắm những góp nhặt của hơn 10 năm làm việc. Có nước mắt, có nụ cười. Có lần tiễn bệnh nhân đi xa mãi mãi. Có lần dự lễ ra trường. Có lần thấy bệnh nhân nhận tờ chi phiếu trả lương lần đầu tiên. Cũng có (nhiều) lần cãi nhau hăng hái với phụ huynh. :P Chị ơi, bé không hư đâu, chị đừng phạt nhốt con vào nhà xe tối như thế! Con tôi, tôi dậy, bà biết gì mà nói? Nó ở trường nó sợ bà thì nó ngoan, về nhà với tôi nó như là giặc! Nhưng có nhiều cách chị ạ! Bà ngon thì mang nó về nuôi đi! :(

xxxxxx có thêm những kỷ niệm đậm màu sắc văn hóa Việt Nam. Chuyên gia thẩm định kỹ năng suy luận. Bé ngồi ngay ngắn nghiêm chỉnh.

-Cái gì đây?
- Mèo!
- Mèo kêu làm sao?
- Meo meo meo.
- Mèo có đuôi không?
- Có! Mèo có đuôi ở đây!
- Mèo có bay được không?
- Không! Chim bay!
- Còn gì đây?
- Chó!
- Chó kêu làm sao?
- Gâu gâu?
- Thế mình ăn nó được không?
- Nhật tân! Nhật tân!

Tai nạn nghề nghiệp! Chuyên gia về kể lại cho đồng nghiệp. Được một bữa cười thú vị để học với nhau về khác biệt văn hóa.
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi phtran1302 » T.Năm Tháng 10 29, 2009 11:23 pm

:lol: :lol: :lol: :lol: :lol: :lol:
Phương
phtran1302
 
Bài viết: 3031
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 3 16, 2009 12:45 am
Đến từ: Saigon, Viet Nam

Re: Bé J., Asperger, nay chuyển trường

Gửi bàigửi bởi huyenkbvn » T.Sáu Tháng 10 30, 2009 2:20 am

Cảm ơn anh Phi (vì đã gợi mở topic này), Cảm ơn chị TA (vì đã kể cho chúng em nghe một câu chuyện sống động).
Trẻ em bên đó thật là sung sướng vì đã có sự quan tâm của cq. Mong sao CCM "nghĩ cách" giúp trẻ em VN ...
Nếu có thể được, em cũng mong các anh chị chia sẻ thêm 1 vài trường hợp cho các dạng TK khác nữa, chứ J. này đúng là thiên tai rồi đấy ạ.
Ở VN mới đây em có đọc 1 bài báo về "Các thần đồng ngày ấy... bây giờ", kể lại hiện trạng 1 số bé cách đây 10-15 được coi là sự kiện, được báo chí ca ngợi vì đã biết đọc, biết làm toán từ khi 2, 3 tuổi... giờ đây đều "có dấu hiệu TK", đều học rất thường, thậm chí diễn đạt còn không hết ý, khó nghe... -> thật buồn quá!!!
huyenkbvn
 
Bài viết: 19
Ngày tham gia: CN Tháng 6 07, 2009 6:38 pm

Trang kế tiếp

Quay về Những bài viết về Tự Kỷ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.14 khách.

cron