gửi bởi Nguyen,Anh » T.Tư Tháng 2 02, 2011 8:22 pm
Anh Phi, chuyện đầu năm của anh là thế. Chuyện cuối năm của tôi thì khác. Anh cho tôi một góc thuật lại nhé.
Tôi cứ tiếp tục hỏi:
- Chị có nhận được tờ giấy chúng tôi thông báo về chuyến đi mua sắm không?
- Có.
- Thế chị không định cho Danh tham gia sao?
- Dạ...
- Chị có hiểu tờ giấy ấy nói gì không?
- Dạ...
- Chúng tôi kêu gọi phụ huynh tìm ra 3 món đồ dùng mà gia đình cần, đặc biệt là học sinh cần. Đừng đòi mua rau trái hay vật quá nặng, vì chúng tôi sẽ đưa học sinh đi chợ, dậy các em tìm ra món hàng ấy trong chợ, dậy các em tính toán số tiền thối lại...
- Ủa, Danh nhà tôi có biết gì đâu. Không cách nào nó biết đưa tờ 10 đô rồi phải chờ lấy lại tiền thối.
- Chúng tôi có cách.
- Cách nào hả chị?
- Thế này nhé, chị có nhớ R., con bé có mái tóc thật đẹp không?
- À, con bé mà ngón tay ngắn thật ngắn, không cầm bút được phải không?
- Vâng. Nó đấy. R. cũng không có ý niệm là đưa tiền thì có thể phải chờ tiền thối lại. R. cũng không biết ý niệm cộng trừ là gì. Chúng tôi dậy cháu những bước cần thiết của việc đi chợ.
- Đó là những bước gì?
- Một: mang theo giấy ghi những món cần thiết. Khi cần, dán hình vào. Hai: ra chợ lựa những món ấy bỏ vào xe đẩy. Ba: ra xếp hàng. Bốn: đặt đồ lên quầy. Năm: nhìn giá và đưa tiền. (Đưa bao nhiêu thì khi chuẩn bị danh sách, cha mẹ/người bảo hộ hay cán sự đã làm tròn số tiền và dặn phải mang bao nhiêu). Sáu: lấy máy tính bấm số tiền đưa, trừ số tiền phải trả. Bảy: lấy lại tiền thối. Tám: tìm bất kỳ ai gần đó, trừ người thâu ngân, hỏi họ: "Con số trên máy có đúng với số tiền tôi đang cầm không?"
Chị nhìn tôi trừng trừng. Tôi hỏi:
- Chị nghĩ gì thế?
- Thật hay! Thế là con bé R. có quyền đi mua món này món kia mà không sợ ai lừa.
- Lừa thì chắc chẳng ai lừa những em học sinh của chúng tôi làm gì. Mà chị có tin là Danh nhà chị cũng làm thế được không?
- Nó đã 18 tuổi cô ơi. Mọi thứ tôi lo hết. Nó không làm được bất cứ gì, chính vì vậy mà tôi giữ nó ở nhà cho đến bây giờ.
- Vâng, tôi có đọc hồ sơ của cháu, và biết chị giữ cháu ở nhà từ năm cháu 11 tuổi cho đến năm cháu 17 tuổi rưỡi.
- Cô coi coi, nó đi cầu trong quần, làm sao tôi gửi nó đi học?
- Không phải chỉ có Danh nhà chị thế đâu. Chị có biết là cô bé R. cũng mặc tã không?
- Thế hả?
Rồi chị im lặng. Tôi lại gặng hỏi:
- Thế chị có muốn chúng tôi dậy cho Danh đi chợ không?
- Có, nhưng...
- Chị không tin là Danh làm được sao?
- Tôi không tin cô ạ. Nó tệ lắm.
- Chị có biết tại đây, sau 2 tháng đến với chúng tôi, Danh là người dẫn Kiều Oanh đến lớp Mỹ nghệ mỗi ngày không?
- Thật à?
- Vâng, làm sao tôi nói dối chị được. Này nhé, Danh không đọc chữ nhưng biết nhìn hình. Hình 1: Danh nắm tay Kiều Oanh ra khỏi lớp. Hình 2: Danh và Kiều Oanh đứng trước cửa phòng K28, phòng Mỹ thuật. Hình 3: Kiều Oanh vẫy tay bye bye Danh. Hình 4: Danh về lại cửa phòng B11. Hình 5: Danh được thưởng.
- Hèn gì nó về nhà nắm tay tôi đi vào phòng ngủ của tôi, rồi miệng nói "hình 3, hình 4"...
Tôi trở lại câu hỏi chính:
- Chị sẽ chọn 3 món đồ dùng chứ?
- Tôi... Bố cháu... Tôi...
Tôi nhìn chị với ánh mắt thất vọng. Chẳng lẽ người mẹ này không muốn con mình học lấy những kỹ năng sống tự lập? Chẳng lẽ chị không hiểu rằng chị sắp vào 60 tuổi, và thời gian lo cho Danh không còn bao lâu?
Nước mắt chị bỗng ràn rụa:
- Tôi và bố cháu không còn ở với nhau.
Tôi nghĩ thầm:
- Thôi chết, Danh không phải là mối lo âu duy nhất của người mẹ này.
Chị nói tiếp, bây giờ thì giọng nức nở:
- Bố cháu đổ tại tôi giữ cháu ở nhà bao lâu nay nên cháu không học được gì. Mà hồi đó ông ấy cũng đồng ý chứ bộ. Rồi tự nhiên ổng đòi ly dị tôi. Tôi ký giấy. Ly dị xong, bây giờ ổng lại nói ổng nói chơi vậy thôi.
Tôi thấy mình không biết phải nói gì. Chuyên viên ngôn ngữ vẫn có lúc bí lời! Tôi học bài của chuyên viên tâm lý: trả lời nhưng không phán xét, không về phe ai:
- Mỗi gia đình đều có những khó khăn chị ạ. Chị cố lên.
- Tôi mà không cố gắng thì tôi nhảy xa lộ tự tử lâu rồi. Ba thằng Danh thương nó, nhưng quát tháo nó hoài, tôi không dám để nó lại cho ổng cô ơi. Tôi khổ quá cô ơi. Hôm qua ổng về, kêu nó lên xe. Nó vô xe ngồi rồi, ổng quay vô nhà tát tôi hai ba cái vì tôi nói nó cần phải ở nhà làm cho xong bài mà nhà trường giao cho. Cô có nhớ cái bài mà cô biểu nó tự xếp quần áo và sắp đặt chén bát khi ăn tối không? Đó, tôi muốn n ó làm, mà ổng quát rồi tát tôi.
- Danh đi theo qua nhà ba Danh, rồi làm bên đó cũng được.
- Ổng có chịu nghe giải thích gì đâu. Mới nói "nó có bài phải làm" là ổng dơ tay lên liền.
- Thôi thì anh ấy nóng tính...
- Ngày xưa, trước 1975 ổng là luật sư đàng hoàng nghe cô. Mấy chục năm nay tôi khổ quá. Thằng Danh thì như vậy. Mỗi lần nó thấy ba nó đánh tôi thì nó nhào vô đánh luôn cả ba lẫn má!!!
Chị nắm tay tôi:
- Cô ơi, tôi khổ lắm, nhưng tôi kể như vậy cho cô nghe để cô hiểu là không phải tôi không cộng tác với nhà trường, nhưng đầu óc tôi lộn xộn, tâm hồn tôi nát bấy... Cô nói lại với các thầy cô để họ thông cảm cho tôi nghe.
- Tôi làm sao có thể nói chuyện riêng của gia đình chị cho người khác nghe được, nhưng tôi sẽ bảo với họ rằng chị có những việc khác khổ tâm.
- Vậy tôi viết danh sách 3 món đồ bây giờ còn kịp không?
- Thì tôi chờ chị đây này!
- Nhưng tôi thấy cô với cô K. đi chợ rồi mà. Ủa, chứ không phải các cháu sẽ đi chợ với cô sao? Sao cô lại mua đem về lớp?
- Đây là lần đầu cho nhóm này, các em sẽ tập tại lớp trước cho thuộc các bước phải thực hiện.
- Nhưng cô đi chợ mất rồi.
- Tôi sẽ mua riêng 3 món của Danh tối nay. Sáng mai thì "chợ lớp" họp rồi đấy!
- Tối nay là giao thừa cô ơi. Thôi kể như Danh mất dịp học kỹ năng này, lỗi tại tôi.
- Chẳng có lỗi tại ai chị ạ. Hôm nay giao thừa, nhưng 12 giờ đêm cơ mà. Ăn tối xong, tôi sẽ chạy ra mua 3 món của Danh.
Chị cúi đầu, nước mắt lại rơi:
- Cô cực khổ làm gì cô ơi.
Tôi đổi lối xưng hô:
- Chị cứ nói thế, em giận chị đấy! Chị không được nhắc đến ơn huệ gì cả. Em muốn chị viết danh sách 3 món, rồi đoán giá, và để lại tiền cho Danh. VẬy thôi. Tối nay chị cứ lo cúng Giao thừa. Mai cháu đi học, tụi em sẽ bắt đầu dậy kỹ năng đi chợ.
- Chết, mà tôi cũng có mang tiền đâu.
- Không sao, cùng lắm là 10 đồng. Em cho chị mượn.
- Cô không sợ cuối năm đi cho mượn tiền rồi cả năm người ta cứ mượn à?
- Em không sợ. Em đang hy vọng chị sẽ tặng cho em một dịp vui khi chị đồng ý cho Danh tham gia bài học đi chợ!
Chị ôm mặt:
- Tôi vừa vui vừa cảm động. Tôi muốn khóc hu hu. Mấy thầy mấy cô tốt quá. Biết vậy tôi cho nó đi học tiếp từ hồi nó 11 tuổi.
- Chị, cuối năm rồi. Chuyện cũ chị quên đi. Mình dồn sức lo tương lai.
Chị kéo tay tôi ra hẳn ngoài cửa lớp, mắt láo liên:
- Tôi đồng ý, tôi đồng ý. Tôi sẽ cố cho cháu theo bài học của cô. Cô ơi, tôi có cái này tặng cô nè. Cô cầm cho tôi vui nghe. Cô từ chối tôi khóc nữa đó. Cô cầm đi, rồi tôi viết danh sách 3 món đồ dùng cho cô!
- Chị giỏi hối lộ quá rồi đấy! Rồi, em cầm. Chị viết đi!
Tan giờ học, tôi chờ các em lên xe buýt rồi lái xe về. Đường về hôm nay cảnh bỗng lạ. Chả rõ vui, không hẳn buồn. Chỉ lạ!
Danh sách 3 món đồ dùng của Danh: chai sữa tắm hiệu Dove, sensitive skin + dao cạo râu hiệu Bic, bịch 5 cái + Hộp cốm sữa hiệu Cinnamon Toast. Còn món quà hối lộ tôi đã nhận: một phong pháo!!!
Anh Phi, còn nhớ phong pháo năm nào làm anh bị phạt $1,300 đô không? Lúc ấy anh và tôi còn lơ mơ với nhóm trẻ của chúng mình lắm. Vậy năm nay, tôi có pháo phụ huynh tặng đây, và đang đắn đo: "Có nên phạm luật Mỹ để giữ truyền thống Tết?" Còn anh, anh đã liều vài năm qua lội ngược dòng nước lũ đem kiến thức chuyển tiếp cho phụ huynh của nhóm trẻ này, anh có sẽ liều đốt pháo giao thừa không?
Chỉ còn vài tiếng nữa là Giao Thừa. Chúc R., chúc Danh, chúc bố mẹ của Danh, chúc Phi, chúc Xuyến, chúc E, chúc J, chúc Khoa, chúc Thảo, chúc Nam, chúc Phương, chúc Bảo.... (kể làm sao hết tên của nghĩa tình?), chúc mọi người năm mới bình an và nhiều niềm vui. Cứ đếm niềm vui, giữ bình an, nỗi buồn nỗi lo sẽ giảm.
Nguyá»…n TÆ°á»ng Anh
Nhóm Chuyên Gia TK