Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó
Thưa các phụ huynh, câu chuyện về J. cho thấy rõ ràng khi môi trường được điều chỉnh, trẻ sẽ sinh hoạt thích hợp và hiệu quả. Dĩ nhiên, không phải lúc nào môi trường cũng là lý tưởng. Trẻ ghét tiếng động, mà đi chợ thì phải có tiếng ồn, chẳng lẽ lại đưa con cùng cả đoàn bảo vệ đi chợ ban đêm như các minh tinh Hollywood? Tuy vậy, vẫn có thể điều chỉnh môi trường: cho con biết trước những gì xảy ra ở đó, cho con đeo ống chắn âm thanh, cho con biết danh sách các món phải mua để con giúp mẹ, (kể cả mẹ đừng lân la mà mua cho mau rồi về
).
J. có một người bạn lớn tuổi hơn, cùng rối loạn, có thêm rối loạn Tourrette. Cậu bé này
rất khó chịu với những đổi thay. Từ khi sinh ra, ông bà nội ngoại và các cô, chú, dì, dượng chỉ gặp bé có một lần lúc bé dưới 1 tuổi. Ở 14 tuổi, cậu không thể đi thăm họ vì họ ở Florida, mà cậu thì ở California. Ít nhất 6 tiếng đồng hồ bay! Ở 9 tuổi, chiếc máy bay chở cậu phải đáp khẩn cấp sau khi cất cánh khoảng 1 tiếng vì hành vi của cậu.
CCM đã nghe thấy tâm sự của cha mẹ cậu. Chúng tôi làm gì? Cử người liên lạc xin chụp hình loại máy bay mà cậu sẽ lên nếu đi Florida. Cha mẹ thì phải nhắm trước là mua vé hãng nào, chúng tôi thì lo hỏi hãng máy bay: "nếu bay đi Florida, mấy người bay loại nào/ 747? 767? 777?" Khi đã có câu trả lời, chúng tôi xin lên chụp hình ghế máy bay, hình phòng vệ sinh, hình cửa sổ, hình bàn ăn kéo từ tay ghế, hình món ăn, hình đồng phục tiếp viên... Phía gia đình chịu trách nhiệm cung cấp hình ảnh nhà bà ngoại, bà nội, phòng khách phòng ăn phòng ngủ... Họ cũng phải thiết kế thời khóa biểu của những ngày tại Florida, lúc nào, đi đâu, làm gì, trong bao lâu. Có 1001 tấm hình!
CCM đã làm việc với cậu bé để dẫn cậu đi qua những gì cậu phải đối diện trong chuyến đi, kể từ khi cậu bước chân vào cửa phi trường để đi, đến khi cậu ra khỏi cửa phi trường để về nhà! Mất 2 tháng ròng rã, mỗi ngày đều có bài học về chuyến đi.
Điều khó khăn, tuy vậy, chưa phải ở lịch trình chuyến đi, mà ở những bảng hỗ trợ để nếu cậu bé lo sợ, bực bội, cậu phải làm gì. Bảng này có những cột dọc như: Tình thế là... , Tôi cảm thấy... , Tôi muốn..., Nhưng tôi sẽ... Cột ngang là mức độ của tình thế.
Thí dụ: tình thế là máy bay đi vào khoảng chân không và nhồi liên tục. Tôi cảm thấy sợ. Tôi muốn chạy ra khỏi máy bay. Nhưng tôi sẽ ngồi yên, và nói với bố tôi rằng tôi sợ. Tôi sẽ lấy sổ đọc lại về xác suất rớt máy bay khi máy bay nhồi như thế này.
Bảng thì chỉ leo lên microsoft word, 3 phút là có, nhưng thảo luận để chuẩn bị tinh thần cho cậu bé thì 20002 tình huống!
Sau 2 tháng, vào hè, cậu bé đi Florida. CCM tiễn ra máy bay hẳn hoi. Chẳng ai đòi mình phải làm thế, ngặt là chính cậu bé đòi: "Can you guys have someone to be there with me at least until I am boarding? Có cách nào cô chú gửi một người đi với chaú, ít nhất đến khi cháu lên ngồi trên máy bay không?"
Rồi máy bay đáp xuống phi trường Florida. Có điện thoại của cậu ngay: "Ms. Nguyen, my gosh, the landing was perfect. I am perfect too! Cô Nguyễn, trời ơi, máy bay đáp hoàn hảo! Cháu cũng tuyệt vời luôn!" Sau đó là 3003 cú điện thoại của cậu: "Ms. Nguyen, remember you asked me to bring the emotion board with me all the time? Guess what, I forgot, and I am at my cousin's house right now. I don't like it at all. I am about to scream. There is some type of smell here that I can't take it. Cô Nguyễn, cô có nhớ là cô bảo cháu lúc nào cũng phải mang theo bảng xúc cảm không? Cô đoán xem, cháu quên mang, và cháu thì đang ở nhà người anh chị họ. Cháu không thích tí nào hết. Cháu sắp hét lên rồi đây này. Có cái mùi gì cháu chịu không nổi."
CCM lập tức text cho ông bố hỏi: đang ăn món gì thế? món Việt hay món Phi? (Bố Việt, mẹ Phi). Ông bố trả lời: thịt luộc mắm nêm. CCM gọi lại cho cậu bé, giải thích đấy là mùi gì, bao lâu mùi ấy còn vương trong nhà, và thảo luận để xem cậu có thể ra sân hay lên lầu đóng cửa...
6 tuần sau, cậu bé về lại California. Có CCM ra đón, cũng lại vì cậu yêu cầu. Cậu text: "Please be at the gate. The gate, not the luggage area. I really need to see you. Xin cô đến cổng bay đón cháu. Đến cổng bay nhé, không phải tận chỗ lấy hành lý đâu. Con rất cần gặp cô!"
Thôi thì đã phóng lao, theo lao đến cùng. Lao sắp cắm xuống đất rồi mà! Tôi ra phi trường. Xin mãi mới vào được cổng bay, sau khi cẩn thận mang theo những giấy tờ cho thấy chúng tôi đã chuẩn bị cho cậu bé những gì, và vì sao.
Khi cậu bé ra khỏi máy bay, trên tay là bó hoa rực rỡ. Thằng bé đã nằng nặc mua quà cho CCM, và nâng niu bó hoa trong suốt 6 tiếng bay. Nó cười thành tiếng và ríu rít: "I did it, I did it. Thank you, Ms. Nguyen! Idid it! Con đã thành công đấy! Con thành công rồi! Cám ơn cô! Con thành công rồi!"
Đằng sau, mẹ cậu khóc không thành tiếng. Bố cậu thì nước mắt lăn dài, mặc cho người ta nhìn ngó. Ông nắm chặt tay tôi, không nói được câu nào. Bà mẹ choàng cho tôi chiếc khăn mà mẹ chồng bà chính tay đan, trên đó có bỏ màu tên tôi và tên Con Của Mẹ.
Thế là công khó của câu bé và cả nhóm chuyên gia đã thành công. Ai cũng có món quà nho nhỏ làm kỷ niệm, và lời cám ơn chân tình của gia đình. Một mình tôi được chứng kiến giây phút cậu bé thành công. Tôi có cảm giác mình "đánh cắp" công của cả nhóm.