Dạy trẻ về cause and effect (Liên hệ Nhân Quả)
Trong bài viết này chúng tôi sẽ dùng từ nguyên cause & effect thay vì dịch sang tiếng Việt để tránh các khái niệm liên quan về tôn giáo.
Tại sao trẻ cần học cause & effect?
Quan hệ cause & effect xảy ra hàng ngày quanh ta. Vượt đèn đỏ gây nên tai nạn, thức khuya nên hôm sau tới lớp muộn. Các nghiên cứu cho thấy trẻ học tốt cause & effect sẽ không bị sa ngã khi trưởng thành, trẻ lớn lên thành những người có quyết định chín chắn. Đối với một số trẻ TK, học tốt cause & effect giúp các em biết không đâm sầm chạy ra ngoài đường, không thọc tay vào ổ điện… Trẻ thấy được kết quả xấu, liên hệ được tới việc mình sắp làm, sẽ tránh được các hành động đáng tiếc.
Trẻ học cause & effect ở mọi lứa tuổi. Bài viết này trình bày cách ConCủaMẹ dạy cause & effect, đi từ lý thuyết giáo dục (trẻ tiếp thu kiến thức thế nào) cho tới các ví dụ cụ thể. Bài viết nhắm tới 2 đối tượng sau:
- Các phụ huynh đang theo chương trình Can thiệp của CCM sẽ hiểu rõ hơn tại sao các chuyên gia/giáo viên soạn các bài về cause & effect, tại sao bài được soạn như vậy, từ đó soạn thêm bài học cho con mình dựa trên bài mẫu.
- Các phụ huynh không theo chương trình Can thiệp biết được nên dạy gì cho con mình để hoặc tự ra bài, hoặc yêu cầu cô giáo ra bài dạy.
Lý thuyết giáo dục: Trẻ học như thế nào?
Trước đây người ta nghĩ rằng trẻ học một chiều, kiến thức chảy từ thày/cô/cha/mẹ vào đầu trẻ. Nghiên cứu và thực tế cho thấy trẻ học 2 chiều, và nên đươc dạy 2 chiều. Ví dụ dưới đây hướng dẫn bạn cách dạy 2 chiều cho trẻ.
- Chiều xuôi. Cô giáo dạy: Em A có 2 cái kẹo, em B có 4 cái kẹo, hỏi tổng cộng có bao nhiêu cái kẹo? Cô dạy các em làm toán cộng 2 + 4 = 6, và kết quả là 6 cái kẹo.
- Chiều ngược. Sau đó cô giáo hỏi: 3 + 2 = 5, vậy bây giờ các em ra cho cô một bài toán để cô có thể dùng đáp án 3 + 2 = 5 để giải bài toán đó.
Tại Hoa Kỳ, phương pháp dạy ngược (reversed flow) này được áp dụng rộng rãi ở các trường đại học qua nhiều hình thức khác nhau. Đi xuống cấp 3, rồi cấp 2 và cấp 1, phương pháp này càng ít được sử dụng hơn. Lý do là để soạn một bài giảng 2 chiều, giáo viên cần đầu tư nhiều thời gian vào chất xám, không thể đơn giản đưa ra đáp số. Hơn nữa việc chấm bài sẽ mất thì giờ. Trong ví dụ trên, để chấm bài chiều xuôi, cô giáo chỉ cần coi các em viết kết quả là số 6 hay không. Nhưng để chấm chiều ngược, cô giáo sẽ phải đọc cả bài toán đố học sinh viết mới có thể cho điểm chính xác.
Case study: CCM dạy cause & effect thế nào?
(1) Đầu tiên chúng ta sử dụng hình ảnh, ví dụ như đưa ra hình 1 nhánh hoa héo
(2) Sau đó chúng ta hỏi “Tại sao hoa héo?” Chúng ta sẽ hướng dẫn bé trả lời nếu cần thiết, hướng bé chọn câu trả lời đúng nhất (hoặc phổ thông nhất). Trong ví dụ này chúng ta giả sử rằng bé trả lời: “do không tưới cây nên hoa héo.”
(3) Sau đó chúng ta hỏi: “Nếu hái hoa mà không cắm vào bình thì sao?” Chú ý tránh lật ngược câu hỏi, tức là đừng dùng lại câu “Không tưới cây thì sao?” (đối với các bé trình độ nhận thức còn kém, chúng ta có thể dùng lại câu “Không tưới cây thì sao” trong giao đoạn đầu).
Vậy là chúng ta đã dạy cho bé một bài học đơn giản về cause & effect bằng cả 2 chiều xuôi/ngược. Tiếp theo đó chúng ta dạy gì? Việc hiển nhiên là dùng khái niệm hoa héo để mở rộng kiến thức cho trẻ. Chúng ta dạy tiếp theo 2 hướng: hướng ngang và hướng dọc.
(a) Để dạy hướng ngang (horizontal integration), chúng ta dạy tiếp cause & effect dùng những sự kiện khác, mức độ ngày càng khó hơn. Ví dụ như tại sao hoa nở mùa xuân, tại sao nhà nông muốn trời mưa?
(b) Để dạy hướng dọc (vertical integration), chúng ta dùng bài học về hoa để làm nền xây nhà cao lên. Bài học kế tiếp sẽ là “tại sao công viên không đẹp?” (đưa hình công viên không có hoa, hoặc hoa đang bị mọi người hái).
Xin chú ý có 2 cách xây nhà kiến thức cao lên: một dựa trên nguyên lý thuận, một dựa trên nguyên lý trái. Ví dụ vừa rồi về công viên không có hoa là ví dụ dựa trên nguyên tắc trái, tức là nó trái ngược với điều dạy ở bài hoa héo. Ở bài hoa héo, bé chỉ học là hái hoa mà không cắm vào bình nước, hoa sẽ héo. Ở bài công viên, bé được dạy rằng hái hoa cắm vào bình chưa hẳn là một việc nên làm, tùy vào hoa được hái ra sao. Nếu dựa trên nguyên lý thuận, chúng ta sẽ dạy tiếp cho bé “tại sao hoa nở vào mùa xuân”.
Dạy hướng dọc hay ngang? Dạy tiếp theo nguyên lý thuận thay trái? Đó là chuyên môn của chuyên gia/giáo viên giáo dục đặc biệt. Sau khi thẩm định bé, CCM biết được điểm mạnh/yếu, và dựa trên kết quả bài học hàng tháng, chuyên gia quyết định cho bé đi hướng nào trước, hướng nào sau.
Kết luận
- Trẻ cần học cause & effect để mở rộng kiến thức và biết hành động có trách nhiệm. Từ một bài học về cause & effect đơn giản, chúng ta có thể mở rộng kiến thức chiều ngang hoặc mở kiến thức chiều thẳng đứng cho trẻ.
- Nếu trẻ chưa được dạy cause & effect, phụ huynh hãy nói chuyện với giáo viên GDĐB của mình để đưa ngay vào bài học. Nếu cần giúp đỡ, xin vào diễn đàn http://www.concuame.com/forum để các giáo viên GDĐB CCM tư vấn.
ThS Nguyen, Phi
ThS Tran, Xuyen
http://www.concuame.com