Rối Loạn Khả Năng Đọc, phần I

| Print |

Dyslexia - Rối Loạn Khả Năng Đọc (phần I)

Nguyễn Tường Anh, Thạc sĩ Ngôn ngữ Trị liệu, www.concuame.com

 

Dyslexia là rối loạn khiến một cá nhân có khó khăn khi đọc chữ. Chúng tôi đã nghe một số chuyên gia dịch dyslexia là “mù chữ.” Danh từ mù chữ xưa giờ vẫn được dùng để nói đến tình trạng không biết đọc vì không đến trường lớp do bất kỳ lý do nào đó. Vì thế, chúng tôi e rằng “mù chữ” không diễn tả chính xác rối loạn dyslexia. Vì vậy, Cùng Nhau Vượt Khó ghép cụm từ Rối Loạn Khả Năng Đọc để nói về dyslexia.

 


Một vài thí dụ

 

 

Rối Loạn Khả Năng Đọc - Dyslexia là gì?

 

  1. Khái quát: Rối Loạn Khả Năng Đọc (RLKNĐ) là rối loạn khiến một cá nhân bị cản trở khả năng đọc, viết, đánh vần, và đôi khi bày tỏ tư tưởng. Một cá nhân có RLKNĐ thường thêm, bớt, thay thế, hay thay đổi vị trí của mẫu tự trong chữ, của chữ trong câu. Họ cũng thường xoay ngược chữ (như khi chúng ta giơ giấy lên ánh sáng mà nhìn từ đằng sau).

Rối loạn này là hậu quả của khả năng làm việc không hiệu ứng nơi phần não chịu trách nhiệm chuyển đổi hình tượng nhận từ thị giác hay thính giác thành những thông tin có ý nghĩa.

 

  1. Chữ viết - ước lệ của ngôn ngữ

 

Chữ viết của mỗi ngôn ngữ là một hệ thống gồm những dấu hiệu và quy lệ:

 

a.       nhiều dấu hiệu khác nhau được gọi là mẫu tự

b.      quy lệ về cách phát âm của mỗi mẫu tự

c.       quy lệ ghép những mẫu tự này cạnh nhau để ghép thành chữ

d.      quy lệ về ý nghĩa của chữ

e.       quy lệ ghép chữ thành câu

f.        quy lệ chấm phẩy

g.       quy lệ đọc chữ (từ trái sang phải, trên xuống dưới như tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh; và ngược lại như tiếng Trung Hoa)

h.       riêng tiếng Việt còn có quy lệ của năm dấu sắc huyền hỏi ngã nặng.

 

  1. Mức độ: RLKNĐ có độ nặng nhẹ đa dạng như các loại rối loạn khác, và cũng cần có biện pháp can thiệp sớm hầu trẻ có thể cố gắng bắt kịp bạn bè. (Điều này không có nghĩa can thiệp trễ sẽ không hiệu quả).

 

Các em có RLKNĐ thấy khó khăn khi học đánh vần dù đã được dậy bằng phương pháp truyền thống của trường lớp và nhiều nỗ lực của cha mẹ. Các em tiếp tục có khó khăn này dù trí thông minh của các em đa phần là bằng với bè bạn cùng tuổi.

 

Rối loạn này được Viện Y Tế Toàn Quốc Hoa Kỳ chuẩn nhận là một loại hình của khuyết tật học tập. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục công lập Hoa Kỳ lại không sử dụng danh từ “dyslexia” như một tiêu chuẩn của chương trình giáo dục đặc biệt, như đã chuẩn nhận tự kỷ, lãng tai, điếc, mù, thiếu chú ý…

 

Nguyên nhân

 Nguyên nhân của RLKNĐ là do sự hoạt động yếu hoặc lệch lạc của phần não chịu trách nhiệm nhận và diễn giải những hình tượng mà một cá nhân nhìn thấy hay nghe thấy. Đó  là định nghĩa từ Hiệp Hội Các Bác Sĩ Thần Kinh Hoa Kỳ.

Nhìn qua lăng kính của khoa Ngôn Ngữ Trị Liệu, RLKNĐ là trục trặc trong khả năng mang tên phonemic awareness mà tôi tạm dịch là khả năng đánh vần.

Để đánh vần, một em bé phải thẩm định được số lượng và thứ tự của vần trong chữ. Mới nghe, chúng ta có thể lầm tưởng khả năng đánh vần chỉ phát triển khi các em vào lớp 1. Thực sự, đây cũng là khả năng đã giúp những em bé ở tuổi tập nói phân biệt âm thanh nghe được rồi bắt chước để 1) u ơ, 2) bập bẹ, 3) nói từng chữ, 4) nói nguyên câu.

Khả năng đánh vần sau đó giúp bé nghiệm ra rằng chữ “mẹ” mà bé vẫn nói là cộng góp của mẫu tự “m” đi trước mẫu tự “e” rồi một dấu chấm dưới mẫu tự “e”. Có cô giáo giúp thêm, bé dần dần biết đem “b” thay cho “m” để thành “bẹ”.

Những em bé có RLKNĐ không nắm bắt được khả năng này, nên việc biết mẫu tự nào đọc ra sao trở nên khó khăn. Cũng chính vì thế, khi phải ghép mẫu tự thành chữ, các bé hoàn toàn không có ý niệm nào.

 

Phân loại

RLKNĐ có thể được phân loại theo nguyên nhân:

 

1.      Do chấn thương não:  đây là dạng RLKNĐ do hậu quả của chấn thương phần não bộ chịu trách nhiệm đọc và viết. Vì chấn thương não không thường xảy ra cho trẻ em, loại rối loạn này cũng ít thấy ở trẻ em.

 

2.      Do cấu tạo não: phần não ở bán cầu trái không làm việc hoàn hảo, và tình trạng này rất tiếc không tiến bộ theo thời gian. Các em học sinh có RLKNĐ ở dạng này có thể đọc đến trình độ khoảng lớp 4, và khó vượt qua trình độ đó. Các em khi vào tuổi trưởng thành có thể gặp nhiều khó khăn đọc, viết. Dạng RLKNĐ này xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ, và có yếu tố di truyền.

 

3.      Do kích thích tố: các nhà nghiên cứu tìm thấy có những rối loạn kích thích tố khi một cá nhân còn ở những tuần lễ đầu tiên tượng hình trong lòng mẹ. Dạng RLKNĐ này cũng thấy ở nam nhiều hơn nữ, nhưng may mắn là những khó khăn của nó thường biến mất khi trẻ trưởng thành.

 

RLKNĐ cũng có thể được phân loại theo chức năng của cơ quan bị rối loạn:

 

  1. Thị giác: trẻ viết chữ và số ngược, và có thể viết đảo lộn thứ tự mẫu tự trong chữ.
  2. Thính giác: trẻ khó khăn khi nhận ra cách phát âm của mẫu tự, và của mẫu tự ghép với nhau thành chữ. Khi nghe người khác nói, các em chỉ nhận được chuỗi âm thanh rối loạn và dính liền mà không phân biệt được âm của mẫu tự và chữ.
  3. Ngón tay: dạng này có tên riêng là dysgraphia, nói đến khả năng cầm bút quá lỏng hay quá chặt, và chữ viết quá nhẹ hay quá đậm. Các em cũng có khó khăn đưa bút xoay đường cong hay giữ đường thẳng để viết nên mẫu tự.

Dạng rối loạn này có tên riêng vì khác với rối loạn khác, nó gắn liền với khả năng vận động tinh. Tiến sĩ Kheyroddin thuộc đại học Y Khoa trường Tabriz đã thực hiện cuộc nghiên cứu với 48 em học sinh lớp 2 và lớp 3 để tìm hiểu liên đới giữa dysgraphia và khả năng vận động tinh. Trong 48 em này, có 50% có RLKNĐ và 50% không có. Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy các em có RLKNĐ rất yếu về vận động tinh, dù vận động thô cũng như trí thông minh không khác gì các em không có RLKNĐ.

 

REFERENCES


Kheyroddin, B.: The Comparison of Motor Skills of Dyslexic and Nondyslexic Students, Vol 28, No. 4, Winter 2007

www.medicinenet.com

www.kidshealth.com

www.einsteinmontessori.com

 

www.concuame.com