Giúp bé phát triển tiếng nói, ngôn ngữ

| Print |

Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu, ConCủaMẹ.com 

Những Phương Cách Để Trò Chuyện Dù Không Nói Được

Có những cách để một cá nhân có thể trò chuyện, trao đổi tư tưởng mà không dùng âm thanh. Trước tiên là cách ra dấu mà những người khiếm thính sử dụng. Chúng ta cũng có thể sử dụng bộ hình ảnh. Các hình ảnh vẽ nét đơn giản, khổ nhỏ, có thể được lưu giữ trong một tập sách để người sử dụng chọn dùng trong nhiều tình huống, mục đích. Ngoài ra, các quốc gia tân tiến còn có những thảo trình điện toán gài trong những chiếc máy nhỏ, và người sử dụng hoặc đánh máy chọn chữ, hoặc chọn hình. Máy sẽ phát âm thành tiếng nói sau khi người sử dụng ghép xong câu của mình.

 

Làm Thế Nào Để Giúp Bé Phát Triển Tiếng Nói và Ngôn Ngữ?

Ghi chú:
  1. Các bé trai có thể chậm nói hơn bé gái.
  2. Các bé có đông anh chị, và anh chị nói giùm cho bé, hoặc đoán được ý bé trước khi bé phải nói, cũng có thể chậm nói.
  3. Chậm nói, nói ngọng, hay cà lăm có thể là di truyền.
  4. Nếu bé có ba má câm, bé có thể cần nhiều thời gian hơn các trẻ khác để học nói vì bé cần được nghe tiếng nói mà bắt chước.
  5. Các bé có cha mẹ nói hai thứ tiếng trở lên cũng có thể cần nhiều thời gian hơn để học cả hai.

Bé có chậm phát triển hay không, những phương cách để giúp bé phát triển tiếng nói và ngôn ngữ vẫn là những gì các bậc cha mẹ luôn mong muốn thực hiện. Quý vị sẽ thấy những phương cách này không xa lạ gì. Vấn đề là xin chú ý hơn, và thực hiện thường xuyên hơn.

  1. Ngay khi bé chào đời, xin trò chuyện với bé thường xuyên. Thực ra, khi bé còn trong lòng mẹ, bé đã có khả năng nghe tiếng. Đó là lý do vì sao bé quen nhất với âm giọng của mẹ.
  2. Khi bé u ơ, bập bẹ, xin đáp lời bé. Hãy bắt chước những âm thanh của bé, rồi sản xuất cũng âm thanh ấy với các cung bậc cao thấp khác nhau. Thí dụ, bé nói “u…”, mẹ hay ba
  3. cũng nói “u,” rồi “ù,” “ú,” “ụ”
  4. Chơi “vỗ tay vỗ tay bà cho ăn bánh” với bé.  Đây là trò chơi tuyệt vời để dậy bé bài vần quen thuộc, được lập đi lập lại. Bài vần này cũng để dậy bé ý niệm “nguyên nhân-kết quả”: khi nghe đến chữ “bánh,” bé thấy tay bé được đụng vào miệng bé, khi đến chữ “đầu”, bé thấy tay bé đụng lên đầu. Ở khoảng 6 đến 9 tháng, có những bé sau khi chơi thuần thục có thể tự làm cử điệu nếu mẹ hay ba hát bài vần này.
  5. Hãy kiên nhẫn nghe bé nói. Khi các bé u ơ, đó là lúc bé học nói chuyện. Xin kiên nhẫn chờ bé u ơ xong, rồi đáp lời bé. Khi bé biết nói, bé có thể cà lăm đôi chút vì còn phải sắp xếp câu chữ, xin kiên nhẫn chờ bé nói cho xong. Nếu cần, cha mẹ có thể nhắc câu cho bé, nhưng hay đếm từ 1 đến 5 hay đến 10 trước khi nhắc.
  6. Hãy nhìn mắt bé khi bé u ơ, bập bẹ, hay nói. Mắt nhìn mắt là yếu tố quan trọng khi chuyện trò với người khác.
  7. Khuyến khích bé kể chuyện.
  8. Đừng ép buộc quá đáng để bé phải nói. Nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh Việt Nam, thường buộc trẻ phải chào người lớn. Ở tuổi nhất định, bé có cảm giác riêng, và đôi khi bé mắc cỡ, bé không vui hay không cảm thấy an toàn trước ai đó. Lúc ấy, bé sẽ từ chối lên tiếng, dù chỉ là “chào bác, chào chị.” Xin đừng dọa nạt, la mắng bé vì chỉ làm tình thế rối hơn. Hãy tìm một cử chỉ gì để bé thay thế tiếng chào, thí dụ vẫy tay, chớp mắt. (Việc bắt tay cũng khó như lên tiếng, vì bắt tay là đụng chạm thể lý đến người mà bé chưa sẵn ràng làm quen).
  9. Cố gắng dành thời gian đọc truyện tranh cho bé nghe. Ông bà nội ngoại thường kể chuyện cổ tích. Đây là hoạt động xuất sắc để làm mẫu về ngôn ngữ, tiếng nói. Đây cũng là hoạt động để các bé học về cách xây dựng một câu chuyện với chi tiết, cao trào, nhân vật…
  10. Hát cho bé nghe. Dậy cho bé hát. Học hát là lúc bé học thêm chữ mới, đặc biệt ngôn từ trong bài hát là ngôn từ văn chương. Bé cũng được luyện trí nhớ để nhớ lời, luyện khả năng nghe và ghi nhớ âm thanh, học cách diễn tả ý tưởng bằng ngôn từ.
  11. Nối lời cho bé. Nếu bé nói “kẹo,” hãy làm mẫu “Con muốn kẹo phải không?”
  12. Liên tục nói với bé. Khi bồng bé trên tay pha sữa, hãy nói “Mẹ đang pha sữa này. Mẹ đổ nước nóng này. Bây giờ mẹ đổ bột này. Còn bây giờ thì mẹ con mình lắc bình lên này…”
  13. Hãy cố gắng dành thời gian trả lời những câu hỏi của bé. Thực sự, đây không phải việc dễ thực hiện. Cha mẹ vất vả suốt ngày với công việc, khi về nhà còn phải lo lắng nhà cửa, cơm nước… Khi bé quấn quýt hỏi 1001 câu hỏi, rất dễ bực mình: “Con nói nhiều quá vậy con? Con ngồi yên cho ba 5 phút được không?” Thái độ này chính là từ chối một dịp học hỏi của bé, và đẩy bé vào khoảng không gian cô độc.
  14. Hòa vào dòng quan tâm của bé. Bé thích nói về công chúa, hoàng tử, hãy nói với bé về công chúa hoàng tử.
  15. Hỏi bé thật nhiều câu hỏi, và dậy bé cách trả lời. Đó có thể là câu hỏi đơn giản: Con tên gì? Con tên Mai. Đó có thể là câu hỏi phức tạp: Nếu cô giáo hỏi tại sao hôm qua con không đi nhà trẻ, con nói sao? Con hãy nói là vì con phải đi thăm bà ngoại bệnh…
  16. Dùng thú nhồi bông hay con rối để dậy bé đóng các vai khác nhau. Hoạt động này dậy bé cách sử dụng nhiều âm giọng. Đặc biệt, bé sẽ biết “giả bộ,” một trong những kỹ năng rất cần thiết mà một trẻ tự kỷ không hề có. Đây cũng là cách để cha mẹ dậy bé một bài học đạo đức nào đó. Thí dụ gấu mẹ buồn vì gấu con không chịu ăn cơm mà chỉ ăn kẹo…
  17. Tạo cơ hội cho bé chơi với những trẻ đồng tuổi có khả năng ngôn ngữ khá hơn.

 

ConCuaMe.com