Rối loạn khả năng tiếp thu ngôn ngữ

Attention: open in a new window. | Print | E-mail

Trích www.betterhealth.vic.gov.au,
Dịch thuật: Nguyễn Tường Anh

Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu, ConCủaMẹ.com

Rối loạn khả năng tiếp thu ngôn ngữ nói đến trẻ gặp khó khăn khi hiểu những gì bày tỏ cho mình. Những biểu hiện khác nhau nơi những cá nhân khác nhau, nhưng nói chung là những khó khăn hiểu ngôn ngữ thường bắt đầu ở bốn tuổi.

 

Trẻ em cần hiểu ngôn ngữ trước khi có thể sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả. Phần lớn trường hợp, trẻ có khó khăn về tiếp thu ngôn ngữ cũng sẽ gặp khó khăn về bày tỏ ngôn ngữ (bày tỏ bằng lời).

 

Theo ước tính có khoảng 3 đến 5% trẻ em có rối loạn về tiếp thu ngôn ngữ, hoặc bày tỏ ngôn ngữ, hoặc cả hai. Những tên khác của rối loạn tiếp thu ngôn ngữ gồm có rối loạn thẩm định âm thanh hoặc khuyết tật hiểu. Phương cách chữa trị gồm có ngôn ngữ trị liệu.

 

Biểu hiện

Không có chuỗi biểu hiện phổ thông nào có thể kể hết những khó khăn của rối loạn này, vì mỗi trẻ đều khác nhau. Tuy nhiên, biểu hiện có thể là:

  • Có vẻ như không lắng nghe khi có ai nói với mình
  • Không quan tâm khi có người đọc sách cho mình nghe
  • Không hiểu những câu nói phức tạp
  • Không làm theo được những mệnh lệnh bằng lời
  • Nhắc lại chữ hay câu của người nói
  • Khả năng ngôn ngữ nói chung phát triển chậm so với tuổi

 

Nguyên nhân không rõ ràng ở đa số trường hợp

Nguyên nhân của rối loạn tiếp thu ngôn ngữ thường không rõ, nhưng được cho là cộng góp của nhiều yếu tố, thí dụ di truyền, hay mức độ được làm quen với ngôn ngữ, hay trí hiểu và độ phát triển chung. Rối loạn khả năng tiếp thu ngôn ngữ thường đi chung với những khuyết tật phát triển như tự kỷ. Trong những trường hợp khác, rối loạn khả năng tiếp thu ngôn ngữ là hậu quả của tổn thương não bộ như tai nạn, bướu, hay vì bệnh.


Quá trình tiếp thu ngôn ngữ (tiếp thu lời nói)

Tiếp thu ngôn ngữ là quá trình phức tạp. Trẻ có thể gặp khó khăn nơi một trong những khả năng sau:

  • Thính giác - khiếm thính có thể là nguyên nhân của khó khăn về ngôn ngữ
  • Thị giác - khả năng hiểu ngôn ngữ liên đới đến khả năng hiểu cử điệu hay biểu cảm mặt. Trẻ khiếm thị thiếu đi khả năng này và có thể gặp khó khăn trong ngôn ngữ.
  • Khả năng chú ý - khả năng chú ý và tập trung đến những gì người khác nói với mình có thể bị khiếm khuyết.
  • Âm thanh – có thể có khiếm khuyết khi trẻ cần phân biệt giữa những âm chữ giống nhau.
  • Trí nhớ - não phải ghi nhớ hết mọi chữ được ghép vào câu để có thể giải mã và tìm ra ý nghĩa của những gì người khác nói với mình. Trẻ có thể gặp khó khăn để ghi nhớ một chuỗi âm thanh gồm trong một câu nói.
  • Kiến thức về từ vựng và ngữ vựng - rất có thể trẻ không hiểu nghĩa của từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp của câu.
  • Thẩm định chữ - trẻ có thể gặp khó khăn khi thẩm định và hiểu những gì người khác nói với mình.

 

Phương pháp khám thẩm định

Việc khám thẩm định cần phải xác định lãnh vực mà trẻ gặp khó khăn, đặc biệt khi trẻ không đáp trả ngôn ngữ bằng lời. Quá trình khám thẩm định có thể gồm:

  • Khám thính giác bởi chuyên viên về thính giác (audiologist) để bảo đảm rằng những khó khăn ngôn ngữ không phải là hậu quả của khiếm thính, và cũng để xác định xem trẻ có khả năng chú ý đến âm thanh và ngôn ngữ không (phần thứ hai này được gọi là khám khả năng thẩm định âm thanh).
  • Đo khả năng hiểu biết của trẻ (bởi một chuyên viên ngôn ngữ trị liệu) và so sánh kết quả với khả năng của các trẻ khác cùng tuổi. Nếu trẻ lớn lên từ gia đình không nói tiếng Anh, quá trình thẩm định khả năng hiểu nên được thực hiện bằng ngôn ngữ của các em cũng như bằng tiếng Anh, dùng các tài liệu thích hợp về văn hóa. (1)
  • Quan sát kỹ sinh hoạt của trẻ trong nhiều tình huống khác nhau khi trẻ giao tiếp với nhiều người khác nhau.
  • Khám thẩm định bởi chuyên viên tâm lý thần kinh để xác định những khó khăn về trí hiểu nếu cần.
  • Khám thị giác để tìm độ khiếm thị nếu có. 

 

Chữa trị
Tiến bộ của trẻ tùy thuộc vào nhiều yếu tố riêng, thí dụ trẻ có bị chấn thương não không. Việc chữa trị có thể gồm:

  • Trị liệu ngôn ngữ
  • Trị liệu riêng với trẻ hay trị liệu trong nhóm, tùy vào nhu cầu của trẻ
  • Lớp giáo dục đặc biệt tại trường
  • Hỗ trợ tại nhà trẻ hay trường học trong những trường hợp rối loạn nặng
  • Giới thiệu chữa trị tâm thần (nếu có những thái độ hành xử bất xứng một cách nghiêm trọng)

 

Chú thích của người dịch:

(1) Đây là hướng dẫn dành cho trẻ nói hai thứ tiếng.

 

ConCuaMe.com