Chữa tri - Giúp đỡ - Hỗ trợ

Attention: open in a new window. | Print | E-mail

Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Trị Liệu, ConCủaMẹ.com 

Trước tiên, xin cùng hiểu về từ “chữa trị” mà chúng tôi sử dụng trong website này. Thông thường, các bác sĩ y khoa sử dụng thuốc hay các phương cách y học để loại trừ biểu hiện bệnh, tiêu diệt bệnh. Dù có những căn bệnh hiểm nghèo đưa đến tử vong, các phương cách y học và y dược vẫn được sử dụng cho đến giai đoạn cuối. Trong khi đó, TK là chứng rối loạn không sử dụng đến y dược hay phương cách y học nhằm loại trừ bệnh.

[Nói đến TK là nói đến nhiều ý kiến phương pháp khác nhau. Cũng có chuyên gia quan niệm rằng TK không thể chữa khỏi hẳn được. Quan niệm của chúng tôi là không bác bỏ một phương pháp nào, mà nên đưa ra nhiều ý kiến khác nhau để phụ huynh tự quyết định. Trần Kim Xuyến.]

Vì thế, trong đa số trường hợp, động từ “giúp đỡ,” “hỗ trợ,” “dậy,” hay “huấn luyện” diễn tả chính xác hơn về công việc mà các chuyên viên thực hiện với một người mang rối loạn TK.
Ý kiến chuyên môn của các bác sĩ y khoa là rất cần thiết và quan trọng. Bên cạnh đó, TK là rối loạn có liên quan đến chức năng và cấu tạo não bộ, và nhiều trường hợp đồng xuất hiện với chứng hiếu động, động kinh, vân vân. Khi ấy, y dược là cần thiết. Vì thế, từ “chữa trị” vẫn mang đầy đủ ý nghĩa.

Các nhà nghiên cứu và chuyên môn đồng ý rằng phương pháp hỗ trợ dành cho các bệnh nhân TK cần chú trọng mảng ngôn ngữ, hành vi, và học vấn. Mảng học vấn đặt ở vị trí thứ ba không phải vì các em TK không cần đến kiến thức, hay vì các em không có khả năng học. Một em học sinh cần hiểu và sử dụng ngôn ngữ để truyền thông nếu muốn tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, hành vi cư xử phải ổn định để quá trình truyền dậy kiến thức có thể thành công. Nói nôm na, một em bé cần hiểu tiếng nói, cần nói (dù bằng lời, bằng chữ, hay bằng hình ảnh), cần cư xử ngoan ngoãn mới có thể đến trường.

Tại trường, một trẻ TK đôi khi còn cần đến sự giúp đỡ của chuyên viên vật lý trị liệu nếu em yếu khả năng đi đứng, chạy nhảy. Một em khác có thể phải học cầm bút, cầm đũa muỗng, cầm kéo với occupational therapist. Đây cũng là chuyên viên huấn luyện để các em bớt nhạy cảm với âm thanh, tăng độ nhậy cảm với các nỗi đau thể lý. Một số em TK kén ăn vì không thích nhai nếm một số loại thức ăn nào đó, các occupational therapist sẽ giúp các em giảm độ nhạy cảm với vị giác này.

Vì mỗi em TK là một thế giới riêng, kế hoạch giáo dục và hỗ trợ mỗi em cần được hoạch định dựa trên điểm mạnh và yếu của mỗi em thay vì sử dụng một giáo trình cho tất cả. Kế hoạch giáo dục này là kết quả của những lần họp bàn giữa các bác sĩ, chuyên viên, và phụ huynh. Một kế hoạch giáo dục hiệu quả là kế hoạch được cập nhật thông tin về khả năng của các em ít nhất một năm một lần.

Ngoài ra, việc chữa trị và hỗ trợ một em TK không chỉ là chuyên viên làm việc với cá nhân em. Khi quá trình này mang mục đích giúp em sống với gia đình và xã hội một cách thành công như em có thể, quá trình này phải chạm đến gia đình nhỏ của em gồm cha mẹ, anh chị em; gia đình lớn của em với ông bà nội ngoại, cậu dì cô bác, anh chị em họ; xã hội nhỏ chung quanh em như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ và của em, cô bán hàng đầu ngõ, chú lái taxi; và xã hội lớn ngoài kia với quán chợ, tiệm ăn, bệnh viện… Thái độ thông cảm và chấp nhận của người chung quanh rất quan trọng đối với mức thành công của một cá nhân TK đang cố gắng thoát khỏi những bế quan của chính mình để đến với xã hội.


CÁC PHƯƠNG PHÁP HỖ TRỢ VỀ NGÔN NGỮ VÀ HÀNH VI
Hai phương pháp được áp dụng nhiều nhất để huấn luyện một cá nhân TK về ngôn ngữ và hành vi mà các nhà chuyên môn tại Hoa Kỳ và Âu Châu sử dụng là TEACHH và ABA.

  • TEACHH: Là chữ viết tắt của Treatment and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children – Phương pháp chữa trị và giáo dục trẻ TK và các rối loạn liên quan đến khả năng sử dụng ngôn ngữ để truyền thông. TEACHH được áp dụng rộng rãi, cũng là duy nhất, tại các trường công lập Hoa Kỳ.

Trường phái này do ông Eric Schopler đưa ra vào thập niên 70 (msp.sfsu.edu). Ông Schopler tin rằng một kế hoạch hữu hiệu cho trẻ TK cần xây dựng dựa trên sở trường, sở thích, và nhu cầu của các em. TEACHH chủ trương thiết lập môi trường rõ ràng: phòng học có lối thiết kế bàn ghề gọn ghẽ, học sinh có thời khóa biểu chính xác, học sinh hiểu rõ luật lệ của lớp, giáo viên sử dụng nhiều hình ảnh để hỗ trợ lời giảng…

  •  ABA: Là chữ viết tắt của Applied Behavior Analysis, phương pháp phân tích hành vi. Tổng hợp những kỹ thuật huấn luyện tâm lý và học vấn, tiến sĩ tâm lý Ivar Lovaas đưa ra phương pháp này vào thập niên 60, chủ yếu phân tích nguyên nhân và mức độ của một hành vi bất thường, huấn luyện hành vi đúng đắn, và đánh giá mức tiến bộ. ABA chú trọng đến thái độ cư xử, với lý thuyết thưởng phạt thường xuyên sẽ khiến một em TK có hành vi cư xử tốt hơn.

Khi so sánh, có thể thấy TEACHH chú trọng đến ngôn ngữ và hành vi. Trong khi đó, ABA đặt trọng tâm trên thái độ cư xử. Cả hai đều nhấn mạnh rằng một thái độ hay kỹ năng cần được dậy đi dậy lại, và rằng yêu cầu cũng như việc thưởng phạt từ phía người huấn luyện phải rõ ràng, cố định. Cả hai đều chú trọng sử dụng hình ảnh để trò chuyện vì các em TK rất yếu về khả năng nghe và hiểu lời nói của người đối diện.

Qua kinh nghiệm, chúng tôi nhận thấy các chuyên viên TEACHH có lối giảng dậy và huấn luyện mềm mại hơn, trong khi các chuyên viên ABA có lối phản ứng gay hơn, nghiêm hơn trước những hành vi cần thay đổi. Một số phụ huynh có thể thấy buồn lòng khi con em mình bị la mắng hay yêu cầu bằng âm giọng quá nghiêm khắc của các chuyên viên ABA. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ em TK, dễ vâng lời khi được uốn nắn bằng lối dậy bảo nghiêm nghị hơn là các phưong pháp quá mềm mỏng.

Nghiên cứu của phương pháp ABA đưa ra những bằng chứng cho rằng ABA thích hợp cho các trẻ TK dạng nặng. Các nhà chuyên môn và phụ huynh không phủ nhận điều này. Tuy thế, họ vẫn e ngại rằng ABA chú trọng nhiều đến huấn luyện mà quên đi nhân phẩm của người được huấn luyện.

Gần đây, các trường công lập Hoa Kỳ và đa số các trung tâm tư nhân chọn phương pháp TEACHH vì đường lối nghiêm khắc nhưng tôn trọng nhân phẩm, cứng rắn nhưng tôn trọng cá nhân. Một số trường học đưa thêm phương pháp ABA vào học trình của các em TK bằng cách thuê mướn các chuyên viên ABA cho các em TK dạng nặng nhưng có khả năng ngôn ngữ khá. Các chuyên viên ABA này vừa huấn luyện hành vi cư xử, vừa chú trọng huấn luyện khả năng giao tế bằng cách làm mẫu và khuyến khích các em chơi với nhau (vì thế những em được chọn cần có khả năng nói chút ít). Tôi tin rằng dung hòa cả hai trường phái là chọn lựa tốt nhất cho kế hoạch giảng dậy.

[Trong ngành quản trị kinh doanh cũng có những phương pháp cai quản nhân viên khác nhau, và xét về mặt nào đó cũng tương tự như ABA so với TEACHH. Chúng tôi tin rằng mỗi phương pháp đều có điều hay dở, và quan trọng nhất là áp dụng ra sao ở thời điểm nào, hoặc kết hợp lại như thế nào. Một chuyên gia về TEACHH sẽ trở thành chuyên gia ABA một cách dễ dàng, và chủ trương chúng tôi là không bác bỏ một phương pháp nào cả. Nói cho cùng thì cha mẹ mới là người biết rõ con mình nhất, cho nên điều quan trọng là giúp bậc cha mẹ hiểu rõ mọi phương pháp để cùng chuyên gia tìm cách kết hợp hiệu quả. Trần Kim Xuyến.]

 

ConCuaMe.com