Rối Loạn Khả Năng Đọc, phần III

Attention: open in a new window. | Print | E-mail

Dyslexia - Rối Loạn Khả Năng Đọc (phần III)

 

Nguyễn Tường Anh, Thạc sĩ Ngôn ngữ Trị liệu, www.concuame.com


 

Khó khăn này là rối loạn mà không phải là bệnh. Vì vậy, cũng như những rối loạn khác, dược liệu không phải là chọn lựa có thể chữa khỏi những khó khăn. Phương pháp hỗ trợ và can thiệp là để cải thiện những điểm yếu, dậy trẻ những khả năng trẻ chưa có, và dậy những kỹ năng đáp ứng với khó khăn. Phương pháp can thiệp cũng chú trọng đến tâm lý vì những biểu hiện giận dữ, mặc cảm, thiếu tự tin thường đi theo trẻ khi trẻ đến tuổi nhận ra mình không làm được những điều các bạn chung quanh làm được.

 

 

Phương pháp can thiệp và hỗ trợ

 

  1. Một phương pháp hỗ trợ thành công:

Để thiết kế một phương pháp can thiệp, trẻ cần có chẩn đoán chính xác từ hội đồng giáo dục. Những mục tiêu giảng dậy đặt ra cần thực tế để tránh cho trẻ phải nỗ lực vượt quá tầm hiểu biết của độ tuổi. Một kế hoạch hỗ trợ thành công cũng cần thăng tiến yếu điểm trong khi vận dụng ưu điểm.

 

  1. Ai là người thực hiện biện pháp can thiệp:

 

Người thực hiện phần can thiệp và hỗ trợ là giáo viên và phụ huynh. RLKNĐ không có chuyên gia như chuyên ngành tâm vận động hay ngôn ngữ trị liệu. Một giáo viên tiểu học với huấn luyện về nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp can thiệp có thể thành công khi giúp các học sinh có RLKNĐ vì bản chất họ đã có căn bản về khả năng đánh vần, chính tả, v.v.. Trong trường công lập Hoa Kỳ, có một nhóm chuyên viên được huấn luyện chính thức từ khoa Giáo Dục Đặc Biệt, mang chức vụ Resource Specialist. Một số thông dịch viên tại Hoa Kỳ đã dịch Resource Specialist là Chuyên Viên Tài Nguyên. Chúng tôi xin tạm dịch là Chuyên Viên Hỗ Trợ vì nhiệm vụ của họ là dậy các em giáo dục đặc biệt về mọi môn học mà các em cần như toán, văn, kỹ năng học tập, kỹ năng sắp xếp gọn gàng…

 

Các Chuyên Viên Trị Liệu Ngôn Ngữ cũng chia đôi trách nhiệm với Chuyên Viên Hỗ Trợ. Trong khi Chuyên Viên Hỗ Trợ dậy mẫu tự nào phát âm thế nào, Chuyên Viên Ngôn Ngữ Trị Liệu dậy cách phát âm nào sẽ đi với mẫu tự nào. Nói đơn giản là một người đưa mẫu tự cho trẻ nhớ ra cách phát âm, người còn lại cung cấp âm thanh để trẻ tìm ra mẫu tự. Mới nghe, có vẻ như cả hai kỹ năng này đều có thể do giáo viên thực hiện vì giáo viên vẫn làm thế với học sinh của mình. Tuy nhiên, với trẻ cần giáo dục đặc biệt, giáo viên 1) không có thời gian riêng để hỗ trợ các em, 2) không chuyên làm việc với các học sinh cần giáo dục đặc biệt, và 3) không chuyên về các lãnh vực mà hai chuyên viên nói trên đã được huấn luyện chính thức (viết chữ hoặc phát âm).

 

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, tôi đã thấy những giáo viên tốt nghiệp từ khoa giáo dục phổ thông, nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ, cộng với tính nhanh nhậy thông minh, họ đã nắm bắt những bí quyết mà chúng tôi chia xẻ để hết sức thành công với các học sinh có RLKNĐ.

 

Đây cũng là trường hợp xảy ra đối với các phụ huynh tại Việt Nam, những vị có con em gặp rối loạn nào đó. Vì ngành giáo dục của đất nước chưa kịp vươn tay đến để hỗ trợ các em, cha mẹ các em đã nỗ lực tự cứu lấy con mình. Dù không có kinh nghiệm giảng dậy, không từ trường lớp sư phạm, nhiều vị đã giúp con tiến bộ nhiều chỉ qua việc tìm hiểu, đọc sách, học hỏi…

 

  1. Nội dung của quá trình can thiệp:

 

Một trong những phương pháp trực tiếp là chú trọng trên khả năng đánh vần. Giáo viên hay Chuyên Viên Hỗ Trợ sẽ rà lại dàn mẫu tự, và dậy các em nhận diện mặt mẫu tự cũng như cách phát âm của mỗi mẫu tự. Quá trình này diễn ra chậm mà chắc để các em nắm vững căn bản ở trình độ mẫu tự. Có căn bản vững ở độ mẫu tự thì phần ghép chữ sẽ đỡ khó khăn hơn.

 

Các phương pháp can thiệp và hỗ trợ sử dụng nhiều phương thức thay vì chỉ nói cho các em nghe, hay chỉ cho các em thấy. Thường ra các em được yêu cầu để nghe, nhìn, nói theo, và có những cử chỉ được thiết kế đặc biệt làm những nhắc nhớ cho các em.

 

Trong các trường công lập Hoa Kỳ, đặc biệt ở độ cấp 2 hay cấp 3, nếu có một học sinh gặp khó khăn trong việc viết bài bằng tay, nhà trường chấp nhận khuyết điểm ấy, và sắp xếp để học sinh này có bạn viết nốt hộ, hoặc có laptop để tự lấy nốt. Bằng cách này, em học sinh ấy vẫn có thể hấp thụ kiến thức mà không bị yếu điểm cản trở.

 

Khi có em học sinh có thể cầm bút viết nhưng lại gặp khó khăn ghép mẫu tự thành chữ, hội đồng giáo dục của em thường đặt mua loại phần mềm đặc biệt để em chỉ cần cố gắng vài mẫu tự đầu tiên thì máy sẽ hiện lên nhiều chọn lựa của chữ. Thí dụ chữ cần tìm là “work,” em sẽ phải cố gắng có chữ w hay wo, máy sẽ hiện lên wok, work, works, working, worked cho em chọn.

 

Những chương trình huấn luyện thành công là Linda Mood Bell, Slingerland Method, Project READ.

 

 

REFERENCES

 

Kheyroddin, B.: The Comparison of Motor Skills of Dyslexic and Nondyslexic Students, Vol 28, No. 4, Winter 2007

 

www.medicinenet.com

www.kidshealth.com

www.einsteinmontessori.com

 

www.concuame.com