Rối Loạn Khả Năng Đọc, phần II

Attention: open in a new window. | Print | E-mail

Dyslexia - Rối Loạn Khả Năng Đọc (phần II)

Nguyễn Tường Anh, Thạc sĩ Ngôn ngữ Trị liệu

 

Dấu Hiệu và Biểu hiện:

 

 

 


  1. Bé viết chữ và số ngược: Trẻ con có thể viết chữ và số ngược nhưng thường thì khoảng 7 hay 8 tuổi, các em sẽ không còn viết ngược. Nếu qua tuổi này, bé vẫn còn viết ngược, đó có thể là dấu hiệu của RLKNĐ.
  2. Bé không viết được dù chỉ là bắt chước: Việc bắt chước chữ mẫu của thầy cô trên bảng xảy ra rất thường khi bé vào mẫu giáo hay lớp 1. Những bé có RLKNĐ dù có mẫu tự hay chữ mẫu, dù được chỉ dẫn cách viết, vẫn không viết được.
  3. Bé lẫn lộn bên trái và bên phải
  4. Bé lúc quen tay trái, lúc thuận tay phải
  5. Bé gặp khó khăn khi nhún nhẩy hay nhịp tay đúng điệu nhạc
  6. Bé cầm bút quá chặt hay quá lỏng. Chữ viết quá đậm hay quá nhạt
  7. Bé thấy chóng mặt, buồn nôn hoặc nhức đầu khi đọc
  8. Bé cho biết bé thấy chữ nhảy múa khi đọc hay viết
  9. Bé lúng túng khi diễn tả ý tưởng bằng chữ và/hoặc bằng lời

 

Ronald Davis là nhân vật nổi tiếng trong phương pháp hỗ trợ RLKNĐ vì chính ông là người có RLKNĐ, và đã vượt qua khó khăn này bằng nhiều nỗ lực. Phương pháp của ông được thiết kế bằng kinh nghiệm bản than, và có hiệu quả cao. Ronald Davis đã liệt kê dấu hiệu và biểu hiện dưới nhiều lãnh vực. Xin xem thêm bản liệt kê của ông mà tôi đã dịch.

 

Làm Thế Nào Để Xác Định Bé Có RLKNĐ Hay Không?

 

Trên đây là một số biểu hiện đầu tiên của RLKNĐ mà tôi thường quan sát thấy ở các em học sinh mà tôi có dịp làm việc với. Rất nhiều khi giáo viên của các em không xác định được đó là RLKNĐ, hay RLKNĐ dạng nào. Các em có RLKNĐ thường xuyên bị hiểu lầm là chậm hiểu, yếu ngôn ngữ vì song ngữ… Việc khám thẩm định để tìm ra nguyên nhân và phương pháp can thiệp là vô cùng cần thiết.

 

Là phụ huynh, nếu quan sát thấy những biểu hiện này, quý vị nên tham khảo với bác sĩ nhi khoa của bé, hoặc giáo viên của bé. Chúng tôi biết rằng RLKNĐ có thể còn là danh từ mới đối với ngành y khoa và giáo dục tại Việt Nam. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và những câu hỏi từ phụ huynh, các vị chuyên gia y khoa và giáo dục chắc chắn sẽ vì lương tâm nghề nghiệp và vì muốn mở mang kiến thức mà bỏ công tìm hiểu.

 

Cha mẹ vẫn là những người tích cực nhất trong việc bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ con mình. Quý vị có thể liên lạc với diễn đàn www.concuame.com trong dự án Cùng Nhau Vượt Khó hầu chúng tôi có dịp trợ lực quý vị, cũng như các chuyên gia y khoa và giáo dục đang làm việc với con em quý vị.

 

Khám Thẩm Định RLKNĐ

 

Khác với các rối loạn như Thiếu Chú Ý, Thiếu Chú Ý Hiếu Động, Tự Kỷ, Asperger…, RLKNĐ không phải dễ chẩn đoán. Biểu hiện đã có đấy, nhưng việc xác định xem nguyên nhân mang tên nào là quá trình gian nan, đặc biệt khi có những khiếm khuyết khác cùng hiện diện. Thí dụ, bé Kim chậm phát triển, không đánh vần được, và có nét Thiếu Chú Ý. Các chuyên gia sẽ khó xác định là bé không đọc được do RLKNĐ hay do trí hiểu chưa phát triển bằng bạn cùng tuổi. Họ cũng không dễ để định xem bé nghe chính tả mà không viết được là do bé có RLKNĐ hay do bé thiếu chú ý nên không nghe được lời cô giáo.

 

Có rất nhiều loại bài khám thẩm định mà các chuyên gia sử dụng. Các bài khám này viết cho học sinh nói tiếng Anh, và tiêu chuẩn hóa trên học sinh nói tiếng Anh. Vì thế, vốn từ sử dụng trong bài là tiếng Anh, dựa trên văn hóa Hoa Kỳ. (Tôi nêu chi tiết này vì một bài khám được tiêu chuẩn hóa như thế có thể không mang lại kết quả chính xác 100% nếu đem phiên dịch và sử dụng cho trẻ em Việt Nam. Chưa kể đến sự khác biệt trong hệ thống ghép mẫu tự thành chữ khi tiếng Anh đa âm và tiếng Việt đơn âm, chưa kể đến hệ ngữ pháp của hai thứ tiếng hoàn toàn khác nhau, chúng ta còn phải đối diện với những khác biệt văn hóa. Chẳng hạn, một em bé Hoa Kỳ buộc phải biết pizza là gì, trong khi món ăn ấy không nhất thiết phải được một em bé Việt Nam biết đến).

 

Những bài khám thẩm định này chú trọng trên 1) vần và chữ, 2) nhận thức của thị giác, 3) nhận thức của thị giác tách rời khỏi vận động tinh, 4) khả năng thẩm định âm thanh , 5) khả năng tiếp thu ngôn ngữ, 6) khả năng bày tỏ ngôn ngữ.

 

Những Ai Có Thể Khám Thẩm Định RLKNĐ?

 

Như mọi loại rối loạn khác, phần khám thẩm định không chỉ là quan sát và chẩn đoán của một chuyên gia. Luôn luôn có một hội đồng thẩm định gồm: giáo viên, chuyên viên tâm lý, chuyên viên giáo dục đặc biệt, chuyên viên ngôn ngữ trị liệu, chuyên viên tâm vận động, bác sĩ nhi khoa, và (cuối cùng nhưng không phải ít quan trọng) phụ huynh. Kết quả xét nghiệm đầu tiên mà hội đồng này cần có đến từ bác sĩ nhãn khoa và chuyên viên thính thị hay chuyên viên ngôn ngữ trị liệu.

 

(Ngành audiology – thính giác có lẽ chưa có tại Việt Nam. Các chuyên viên ngôn ngữ trị liệu cũng được huấn luyện chung trong hai năm với chuyên viên thính giác nên cả hai đều có thể thực hiện những bài khám thính giác từ độ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản là khi người được khám cho biết họ có hay không nghe thấy những âm thanh kêu bíp bíp. Phức tạp là khi họ phải nhận ra tiếng nói trong môi trường yên lặng, tiếng nói trong môi trường ồn ào, tiếng nói khi chú ý đến mẫu tự đầu, tiếng nói khi chú ý đến âm thanh cuối, tiếng nói khi chú ý đến nguyên âm, vân vân. Phần khám thính giác phức tạp phải được thực hiện trong phòng cách âm với những dụng cụ kích âm chuyên biệt).

 

 

 

REFERENCES

 

Kheyroddin, B.: The Comparison of Motor Skills of Dyslexic and Nondyslexic Students, Vol 28, No. 4, Winter 2007

 

www.medicinenet.com

www.kidshealth.com

www.einsteinmontessori.com

 

www.concuame.com