Sau 1 tuần Tùng đi học ở trường mới, cô giáo của bé có một số câu hỏi gửi tới các chuyên gia concuame, kính nhờ các chuyên gia trả lởi giúp với nhé (cô giáo của bé chỉ là cô giáo mầm non không phải giáo viên giáo dục đặc biệt):
Chào bạn, cám ơn bạn đã có lòng với Tùng, và tin tưởng CCM. Rất vui khi có thầy cô giáo tham gia. Các bạn nắm vai trò quan trọng trong quá trình hỗ trợ này. Bạn tiếp tục vào đây nhé. Bạn cũng có thể tạo riêng cho mình một nick và chủ đề.
1. Tùng thường mút tay, có phải là do bé sợ hãi khi tiếp xúc cới ngưòi mới? bé làm như thế để lấy lại bình tĩnh (đỡ sợ hơn) hay đó chỉ đơn thuần là thói quen xấu của bé? (theo mẹ tùng thì đó là thói quen xấu vì ở nhà Tùng cũng mút tay khi nằm trong lòng bố, mẹ)
Khi trẻ con mút tay, các nhà tâm lý tin rằng chúng đang tìm lại giây phút yên lành trong lòng mẹ hoặc khi còn bé: chỉ mút bình sữa thôi, chả phải đi đứng nói năng chi cả. Vì thế, bạn đoán đúng: rất có thể Tùng lo lắng điều gì đó. Tuy vậy, thói quen này không phải thói quen tốt vì khi trẻ thay răng, hàm răng mới có thể bị hô. Mình đề nghị bạn cứ cho Tùng mút tay, nhưng cô đếm 5, 4, 3, 2, 1, 0 thì Tùng bỏ tay ra. Mới đầu cô đếm chậm, sau cô đếm nhanh hơn. Cuối cùng, để đếm hết 6 con số ấy cô chỉ cần 1 giây là xong.
2. Khi mới đến lớp, Tùng chỉ ngồi chơi 1 mình. Sau đó một vài ngày T thỉnh thoảng lại tự đến gần và bắt chiếc các bạn chơi đồ chơi, trò chơi tuy chưa được tốt lắm, thậm chí cháu còn biết giữ đồ chơi mình đang cầm không cho bạn khác lấy. Trước đây bạn lấy thì cháu đưa ngay, bây giờ một hai lần còn đánh lại bạn khi bị bạn cướp mất đồ chơi mình đang cầm. Vậy đó có phải là biểu hiện của sự tiến bộ về hành vi không? còn hành vi đánh trả lại bạn cần phải ngăn chặn ngay để bé Tùng không phát triển nó thành bạo lực đúng không? cách ngăn chặn đối với bé tự kỷ cần lưu ý gì so với các bé bình thường khác không ạ?
Đây là tiến bộ về giao tế và quan sát (biết bạn đang chơi, và muốn chơi cùng), về ý thức sở hữu cá nhân (khi Tùng không cho bạn dành đồ chơi). Tuy thế, đây cũng là khi Tùng cần học qui luật xã hội: Tùng có thể bất đồng ý kiến, nhưng Tùng không có quyền làm đau người khác. Mình đề nghị bạn nắm lấy tay Tùng, ngăn Tùng đánh bạn, và dậy Tùng nói "Của Tùng mà!" hoặc "Tùng xin lại". Cũng có tình huống bạn phải dậy Tùng nói "Chơi chung nhé".
3. Tùng rất thích âm nhạc, đây là điểm nổi bật của Tùng vì T tập trung được lâu nhất khi nghe, hát theo, vỗ tay, đưa người theo nhạc. Vì vậy đối với quá trình phát triển nhận thức, tình cảm của T, là giáo viên của bé tôi quyết định định hướng cho bé bắt đầy từ âm nhạc: trước hết là để cho bé có cảm hứng vui tươi, thích thú khi đi học, cùng với bạn bè tập lời, làm theo các hành động trong bài hát để bé thân thiện, hoà đồng bạn bè, sau đó là học toán, tên con vật, hoa quả, thể dục... qua các bài hát. Theo các chuyên gia như vậy có hợp với trẻ TK không?
Hoan hô bạn đấy! Đấy đúng là "chiêu" dậy có hiệu quả: cần gì phải ngăn cấm những thứ học sinh thích. Tại sao không biến chúng thành công cụ dậy học. Thí dụ bạn có thể dậy toán, tên đồ vật, dậy cả màu sắc hình thế. Ngoài ra, cũng bài hát đấy mình còn dậy được luân lý, suy luận: Con cò bé bé làm gì sai? Nó đi không hỏi mẹ. Rồi dậy đoán diễn biến: Đi không xin phép thì chuyện gì xảy ra? Biết đi đường nào!
(Mình thích bài này lắm. Hồi đó hát ru con ngủ mà nó cứ cười khanh khách, chắc tại bài hát vui nhộn
)
Trình độ của tôi về bệnh tự kỷ hầu như không có kính nhờ concuame giúp sức.
Ôi, bạn khách sáo quá đấy. Mình có thể biết về tự kỷ, nhưng làm sao biết nhiều bài hát và sinh hoạt trong giáo trình mẫu giáo như bạn? Thế thì mình trao đổi: mình trả lời về tự kỷ hay rối loạn này nọ, và bạn sẽ trả lời nếu mình hỏi về giáo trình trẻ mẫu giáo nhé! Mà CCM mong thầy cô giáo lắm. Bạn vào thường nhé.