Rối Loạn Khả Năng Thẩm Định Âm ThanhTrích: http://www.nidch.nih.gov
Dịch thuật: Nguyễn Tường Anh, M.A., Ngôn Ngữ Trị LiệuThế nào là khả năng Thẩm Định Âm Thanh?
Thẩm Định Âm Thanh (TĐAT) là tên gọi mô tả những gì xảy ra khi não bộ nhận biết và giải mã âm thanh của môi trường chung quanh. Con người nghe thấy khi năng lượng mà chúng ta nhận biết như âm thanh chuyển vào tai và được đổi thành thông tin điện, và thông tin điện được não giải mã. Phần “rối loạn” của TĐAT nói đến điều gì đó ảnh hưởng có hại đến quá trình nhận hay giải mã thông tin.
Trẻ em với rối loạn TĐAT thường không nhận ra những khác biệt chủ yếu giữa những âm trong một chữ, dù cho những âm thanh này đủ lớn và rõ. Thí dụ, lời yêu cầu “Hãy cho tôi biết cái ghế và chiếc xa lông giống nhau thế nào” có thể được các em nghe thành “Hãy cho tôi biết cái xa lông và cái ghế giống nhau thế nào.” Có em lại còn nghe thành “Hãy cho tôi biết con bò và tóc giống nhau thế nào.” (1) Những vấn nạn này xảy ra thường hơn nếu trẻ có rối loạn TĐAT đang ở trong môi trường ồn ào hay các em đang phải nghe những thông tin phức tạp.
Rối loạn TĐAT còn được gọi bằng nhiều tên. Đôi khi nó được gọi là rối loạn Thẩm Định Âm Thanh Trung Tâm (central auditory processing disorder – CAPD). Những tên thường gọi khác có thể là khó khăn nhận thức âm thanh, khiếm khuyết hiểu âm thanh, rối loạn chức năng âm thanh trung tâm, điếc trung tâm, hay “điếc chữ.”
Nguyên nhân gây rối loạn TĐAT?
Chúng tôi không rõ. Quá trình truyền thông tư tưởng của con người dựa vào việc nhận biết thông tin phức tạp từ thế giới bên ngoài qua các giác quan như nghe, và diễn dịch thông tin ấy bằng phương cách có ý nghĩa. Quá trình truyền thông tư tưởng này cũng đòi hỏi khả năng tâm thần, như sự chú ý và trí nhớ. Những nhà khoa học vẫn không hiểu rõ làm thế nào tất cả những bước nói trên hoạt động và hoạt động hỗ tương, hoặc làm thế nào chúng khiếm khuyết như trong những ca rối loạn khả năng truyền thông. Dù trẻ có vẻ “nghe thấy hết”, trẻ có thể gặp khó khăn sử dụng những âm ấy trong tiếng nói và ngôn ngữ.
Nguyên nhân của rối loạn TĐAT thường là không được biết. Ở trẻ em, rối loạn này có thể đi kèm với những tình trạng khác như không biết đọc, rối loạn thiếu chú ý, tự kỷ, rối loạn thuộc phổ tự kỷ, khiếm khuyết ngôn ngữ, rối loạn phát triển, hay phát triển chậm. Đôi khi từ rối loạn TĐAT bị áp đặt lên những trẻ không có khó khăn nào về thính giác hay ngôn ngữ mà chỉ có khuyết tật học tập.
Biểu hiện của rối loạn TĐAT
Trẻ có rối loạn TĐAT thường có thính giác và trí thông minh bình thường. Tuy nhiên, các em có vẻ:
· Khó tập trung, khó nhớ những thông tin trình bày bằng lời nói
· Gặp khó khăn khi phải thực hiện những mệnh lệnh phức (2)
· Yếu khả năng lắng nghe
· Cần nhiều thời gian hơn để thẩm định thông tin
· Học yếu
· Có hành vi ứng xử bất xứng
· Có khó khăn ngôn ngữ (thí dụ, trẻ nhầm lẫn thứ tự mẫu tự, và có khó khăn học thêm từ vụng hoặc hiểu ngôn ngữ)
· Có khó khăn khi đọc, hiểu, viết chính tả, từ vựng
Làm thế nào để khám thẩm định rối loạn TĐAT?
Cha mẹ, hay giáo viên, người giữ trẻ có thể là những người đầu tiên nhận ra biểu hiện của rối loạn TĐAT nơi trẻ. Vì thế, thảo luận với giáo viên của trẻ về khả năng của trẻ trong trường lớp là điều nên thực hiện. Nhiều chuyên viên y khoa có thể chẩn rối loạn TĐAT nơi trẻ. Có thể những chuyên viên này cần phải tiếp tục quan sát trẻ.
Phần lớn những gì các chuyên viên này thực hiện là để xác định sự liên quan của những vấn nạn khác. Một bác sĩ nhi khoa hay bác sĩ gia đình có thể khám để loại trừ khả năng hiện diện của những bệnh khác có thể có cùng biểu hiện. Họ cũng sẽ đo lường độ phát triển của trẻ. Nếu có bệnh hay rối loạn nào liên quan đến thính giác, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ otolaryngologist - vị bác sĩ chuyên môn về các bệnh và rối loạn nơi đầu và cổ.
Để xác định xem trẻ có khiếm thính hay không, một lần khám tai là cần thiết. Một chuyên viên về tai có thể thực hiện những bài khám để xác định xem âm và chữ nhỏ nhất mà trẻ có thể nghe thấy, cũng như khả năng trẻ có thể nhận ra âm trong chữ và câu thế nào. Thí dụ, cùng một bài thẩm định, chuyên viên này có thể cho con bạn nghe nhiều chữ hay số khác nhau bên tai trái và tai phải cùng lúc. Ngoài ra, họ có thể cho trẻ nghe hai câu nói, câu này lớn hơn câu kia, vào cùng thời điểm. Lý do là họ muốn tìm ra khó khăn thẩm định âm thanh.
Một chuyên viên ngôn ngữ trị liệu có thể xác định trẻ hiểu và sử dụng ngôn ngữ thế nào. Một chuyên viên y khoa có thể cho bạn thông tin về những thử thách trong hành vi ứng xử hoặc trí hiểu - những yếu tố có thể lien đới đến vấn đề trong một số trường hợp, hoặc có thể đưa ra những đề nghị hữu dụng. Vì chuyên viên về thính giác có thể trợ giúp những khó khăn liên quan đến độ hoạt động của thính giác, và chuyên viên trị liệu ngôn ngữ thì chú trọng trên ngôn ngữ, nên hai chuyên viên này có thể hợp thành một hội đồng chữa trị. Tất cả những chuyên viên này đều tìm kiếm những phương cách để phục vụ trẻ tốt nhất.
Những nghiên cứu nào đang được tiến hành?
Trong những năm qua, các nhà khoa học đã phát triển những phương cách mới hầu tìm hiểu về não bộ con người thông qua cách chụp cắt. Chụp hình là phương thế hữu dụng cho phép theo dõi hoạt động của não mà không cần mở hộp sọ. Khoa chụp hình đã cho phép các nhà khoa học biết thêm về rối loạn TĐAT. Một số nghiên cứu đã nhắm vào mục đích hiểu về rối loạn này. Một trong những giá trị của khoa chụp hình là cung cấp cách quan sát có thể đo lường được. Nhiều biểu hiện được cho là có liên quan đến rối loạn TĐAT được mô tả khác nhau bởi nhiều người khác nhau.
Khoa chụp hình cũng giúp tìm ra ngọn nguồn những biểu hiện này. Các khoa học gia khác đang nghiên cứu hệ thần kinh trung ương. Các khoa học gia thần kinh thì tìm cách mô tả cách vận hành của quá trình nhận và hiểu âm thanh nơi người bình thường và người rối loạn.
Nghiên cứu về khoa phục hồi chức năng cho trẻ rối loạn ngôn ngữ cũng đang được tiếp tục. Thật quan trọng để biết những nghiên cứu như trên vẫn còn cần thiết để tìm hiểu về rối loạn TĐAT, các rối loạn liên quan, và phương cách can thiệp tốt nhất cho trẻ em và người trưởng thành. Mọi kỹ thuật đã được ứng dụng sẽ được soạn cho thích hợp với nhu cầu từng cá nhân, và độ hiệu quả của chúng tiếp tục cần được đánh giá. Tiêu chuẩn để xác định xem một phương cách chữa trị có hiệu quả không là khi bệnh nhân có thể mong đợi một cách đúng lý hiệu quả của nó.
Đang có những phương cách chữa trị nào cho rối loạn TĐAT?
Nhiều nghiên cứu vẫn còn cần để hiểu rối loạn TĐAT, các rối loạn lien quan, và cách cán thiệp tốt nhất cho trẻ hay người trưởng thành. Đang có nhiều kỹ thuật để giúp trẻ có rối loạn TĐAT. Một số kỹ thuật đã được quảng cáo, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ. Bất kỳ kỹ thuật nào được chọn nên được sử dụng cẩn trọng với hướng dẫn của hội đồng các chuyên viên y khoa, và độ hiệu ứng phải được đánh giá. Các nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu nhiều phương hướng chữa trị. Các kỹ thuật chữa trị mà bạn có thể nghe nói đến là:
· Huấn luyện khả năng nghe là những dụng cụ điện tử cho phép một cá nhân chú ý vào người nói và giảm độ can nhiễm của âm thanh môi trường. Các dụng cụ này thường được dùng trong lớp học, nơi mà giáo viên đeo chiếc micro để chuyển âm thanh và trẻ đeo ống nghe để nhận. Những trẻ đeo dụng cụ trợ thính có thể dùng những dụng cụ gắn vào máy trợ thính.
· Cải thiện môi trường như cấu tạo âm thanh trong lớp, chỗ ngồi… có thể có hiệu lực. Một chuyên viên về thính thị có thể đề nghị những cách để thăng tiến môi trường, hoặc họ cũng có thể theo dõi những thay đổi trong thính giác.
· những bài tập để thăng tiến khả năng ngôn ngữ có thể tăng khả năng học chữ mới.
· Thăng tiến trí nhớ âm thanh, một diễn trình để giảm thông tin phức tạp thành lối trình bày căn bản hơn, có thể hữu dụng. Cũng thế, những kỹ thuật huấn luyện thẩm định âm thanh không chính thức có thể đựơc giáo viên và điều trị viên sử dụng để đối ứng những khó khăn đặc loại.
· Huấn luyện điều hòa âm thanh có thể được một số điều trị viên sử dụng như phương thế tái luyện hệ thống thính giác và giảm khiếm khuyết thính giác. Tuy nhiên, những nghiên cứu hiện tại chưa chứng minh được hiệu quả của hình thức chữa trị này.
Có thể tìm thêm thông tin ở đâu?
Viện Khiếm Thính và Rối Loạn Truyền Thông Toàn Quốc có danh sách những hiệp hội có thể trả lời những câu hỏi và cung cấp thong tin trên hệ internet hay trên giấy mực về rối loạn TĐAT nơi trẻ em. Xin xem thêm danh sách này tại
http://www.nidcd.nih.gov/directory.
Hãy dùng những từ sau đây để tìm các hiệp hội này:
· Auditory processing disorder
· Speech-language pathologists
· Learning disabilities
Chú thích của người dịch:
(1) Thí dụ này không chuẩn khi chuyển dịch. Trong tiếng Anh, tác giả cho biết trẻ có thể nghe từ “a couch and a chair” thành “a cow and a hair.” Chúng tôi dịch trần bám nghĩa, nhưng nếu dịch thoát, có thể hiểu là trẻ nghe nhập nhòa từ “con heo và con chó” thành “con beo và con ó.”
(2) Mệnh lệnh đơn: “Lấy bút,” “Ngồi xuống,” “Đưa cho mẹ cái bát.” Mệnh lệnh phức: “Con lên lầu, nói với Ba đưa cho Má cái giỏ màu xanh,” “Vào thưa với Ông Bà là khoảng 20 phút nữa thì mời Ông Bà xuống xơi cơm với Cô Chú Út,” “Con mang cặp lên lầu. Con làm xong hai trang Toán trước, rồi đọc hết cuốn truyện hôm qua. Sau khi xong, con xuống đây mẹ đưa đi ăn KFC.”
ConCủaMẹ.com