À, chị Tường Anh ơi, chị cho em hỏi chút. Khoảng 1 tuần nay, bé nhà em mới phát sinh khoản ăn vạ, hơi 1 tí là ăn vạ: con cầm cốc thủy tinh, mẹ sợ rơi vỡ, lấy lại không cho, con đập hai tay xuống đất khóc lóc; con xoay người, bị chị gọi tên thật to ra vẻ mắng, con cũng ngồi thụp xuống khóc lóc, và rất nhiều lí do ăn vạ khác... Theo chị, đây có phải là triệu chứng của bệnh TK không, và làm cách nào để ngăn chặn hay hạn chế tật này của con
Ăn vạ thì nhóc tì nào cũng ăn vạ em ạ. Cái khác là có những bé ăn vạ, và hiểu ý người lớn nên thôi. Có bé biết sợ bố mẹ. Có bé không sợ. Em phải giúp con hiểu rằng "cái trò ăn vạ" kia chẳng mang lại lợi ích gì. Nếu con ăn vạ, gia đình cuống quít chiều theo, dĩ nhiên con sẽ nghĩ: "À, trò này có lý đấy, họ sợ mình kìa!". Rồi con sẽ tiếp tục ăn vạ.
Để hạn chế việc con dẫy nẩy, nhảy tưng tưng, la hét.. khi không vừa ý, em có thể làm thế này:
1. Tránh mọi việc có thể dẫn đến tình huống ăn vạ.
2. Khi con ăn vạ, em lập tức rời khỏi "hiện trường" (dĩ nhiên là phải liếc liếc coi có gì nguy hiểm cho con không, thí dụ cốc thủy tinh chẳng hạn). Em có thể quay ngoắt, bỏ đi chỗ khác. Em có thể hát vui vẻ làm như không nghe thấy con. Em có thể lăn xuống đất ngáy khò khò... Ngay khi con im lặng (mới đầu là vì ngạc nhiên, sau sẽ là vì khóc mãi thì chán), em quay lại hướng sự chú ý của con sang điều gì con thích (nhưng không cho phép con làm điều mà con đã đòi).
3. Cả nhà nên có cùng lập trường, nếu không tật ăn vạ sẽ còn gay go lắm em ạ.
Em hỏi ăn vạ có phải biểu hiện của tự kỷ không. Có! Nhưng ăn vạ cũng là biểu hiện của thiếu chú ý tăng động, rối loạn ngôn ngữ, ngay cả khi trẻ có gì khó chịu trong người mà cha mẹ không đoán ra.
Ở thời gian hiện tại, chị nghĩ em đừng mỏi mệt vì câu hỏi "con có tự kỷ không" nữa. Mình đối phó để dậy dỗ con trước, khi con lớn hơn mọi thứ mới rõ ràng. Lúc đó, con có tự kỷ hay không thì cũng đã được can thiệp, con có tự kỷ hay không thì mẹ cũng đã cố gắng hết sức, con có tự kỷ hay không con vẫn là "cục vàng" của gia đình. Đúng không?