Người trình bày: Kevin C., cố vấn giáo dục, học khu Berryessa. Ông Kevin đã có hơn 40 năm kinh nghiệm cố vấn cho trẻ và phụ huynh. Ông có biệt tài hiểu được trẻ. Theo lời ông tâm sự thì ông học đàn guitar gần 20 năm nhưng vẫn chưa đánh được, nhưng bỏ ông vào 1 lớp học, khoảng vài chục phút sau ông biết trẻ nào có vấn đề, trẻ nào cần giúp đỡ, trẻ nào ở mức báo động...
Đề tài thảo luận: Tâm lý trẻ thành niên. Những vấn đề nhức đầu phụ huynh sẽ gặp phải. Giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn. Phụ huynh nên làm gì khi "đại họa" xảy ra.
Tóm tắt: Khi trẻ trưởng thành, trẻ hoang mang vì cơ thể thay đổi, hoang mang vì bắt đầu nhận ra thần tượng của mình (cha/mẹ) cũng có những khuyết điểm, hoang mang vì áp lực bạn bè... Đây là lúc trẻ cần nhiều giúp đỡ nhất, nhưng trẻ lại xa lánh cha/mẹ, không muốn cha/mẹ biết chuyện của mình tại trường.
Tại sao trẻ mặc đồ hiphop? Không phải chỉ để khoe thời trang, mà trẻ đang gửi ra những tín hiệu cho mọi người chung quanh. Khi trẻ đánh nhau, cha/mẹ nên làm gì thay vì hét lên "tại sao"? Có nên dạy cho trẻ những "khôn khéo" trong cuộc sống? Không dạy thì sợ con mình sau này ra đời khờ khạo, mà dạy thì sợ con mình "láu cá" trước tuổi, có thể trở thành kẻ mưu mẹo, lươn lẹo.
Trong khi thày/cô được đào tạo 4 năm tại đại học chỉ để dạy kiến thức, phụ huynh thường không được đào tạo chuyên môn, mà lại phải đương đầu với vấn đề phức tạp hơn nhiều như kể ra ở trên. Vì vậy đổ lỗi cho cha/mẹ là "một cuộc tấn công rẻ tiền". Quan niệm của chúng tôi là mỗi người có chuyên môn khác nhau, và chuyên môn của chúng tôi là giáo dục, và chúng tôi sẽ giúp cha/mẹ có các kiến thức cần thiết để giúp trẻ vượt khó.
Buổi nói chuyện của ông Kevin là 1 trong chuỗi các buổi hội thảo nhằm trang bị kiến thức cho phụ huynh, làm việc với các học sinh "cá biệt" về tính cách trong đó có các trẻ Asperger, trẻ có các chứng tâm lý khác, hay đơn thuần là những trẻ bình thường đang gặp khó khăn tâm lý ở tuổi trưởng thành.
Các case/trường hợp phụ huynh đưa ra trong buổi hội thảo để được giải quyết/cố vấn
(1) Con tôi xin đi chơi với bạn, sau đó lúc về nhà cháu sặc mùi bia. Hỏi thì nó không nói. Làm sao để cháu biết hối lỗi và sẽ không tái phạm?
(2) Gia đình tôi đủ khả năng cho cháu vào trường tốt nhất, nhưng thú thật là cháu không thích, không đam mê gì cả. Những thứ cháu thích chỉ là những việc vô bổ như gửi text cho bạn, chat trên mạng...
(3) Trường ở khu tôi bắt mặc đồng phục, mà cháu nhà tôi lại muốn khác người, không thích đồng điệu. Vì thế cháu thường xuyên bị kỷ luật vì cố tình ăn mặc khác với bạn, chẳng hạn như mặc quần tây đen (đồng phục) nhưng lại có sọc trắng (khác với đồng phục).
(4) Con tôi cứ bị bạn cóp bài nên bây giờ cháu đổi chiến thuật. Cháu viết câu trả lời sai vào cho bạn cóp, sau đó đổi lại thành câu đúng vào cuối giờ. "Chiến thuật" thì thông minh, nhưng tôi e cháu sẽ thành người mưu mô quá sớm. Mà cấm thì hóa ra bắt cháu phải "chiều" bạn? Mách thày/cô thì cháu sẽ bị cho là không "cool", sẽ bị bạn bè tảy chay.
(5) Mỗi lần cháu được điểm 10, tôi cho cháu tiền. Như vậy có hại không hay là một điều nên làm?
(6) Làm sao để con tôi có được ý chí, mục đích cụ thể trong đời? Tôi nghe nói đợi tới cấp III mới nói chuyện hướng nghiệp thì quá muộn, mà nói bây giờ (cấp II) thì cháu chưa hiểu gì cả.
Ông Kevin sẽ trao đổi/làm việc với chúng tôi (Phi + CCM) ngoài lề (off-line) để đưa ra hướng giải quyết cho từng trường hợp. Ông Kevin sẽ là cố vấn cho CCM trong soạn thảo/giải đáp chương trình kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho các trẻ tại Việt Nam. Ông có rất nhiều kinh nghiệm làm việc với trẻ, nhất là trẻ Á châu/Việt Nam (ông tâm sự ông là người dạy các trẻ người Việt đầu tiên tới định cư tại vùng này).
(còn tiếp)