tôi nghĩ bạn nên chú trọng vào ba lãnh vực chính:
1. Giúp con chơi với người khác, cả người lớn lẫn trẻ con. Trong khi chơi, con nói chuyện, trao đổi, nhường nhịn, theo đúng luật chơi...
2. Giúp con hỏi đáp và sử dụng khả năng phát âm để nói điều có nghĩa, nói với thay vì chỉ nói một mình.
3. Giúp con điều chỉnh hành vi: không ăn vạ khi không hài lòng. Đại đa số trẻ của chúng ta có hành vi ăn vạ, và thói quen này sẽ cản trở việc học hành của bé rất nhiều sau này.
Tôi đồng ý là bạn nên cho con đi nhà trẻ. Tuy nhiên, chọn nhà trẻ không quá đông, có các cô còn thời gian quan tâm đến từng cháu... là điều không dễ. Bạn thử tìm xem nhé. Ngoài ra, việc tìm giáo viên đến nhà chơi thêm với con cũng là điều nên làm, và nên làm ngay.
Tôi nghĩ rằng bạn có thể gặp đôi chút ngược ý với gia đình bên chồng khi bạn cho biết bác sĩ nói thế này, chuyên gia bảo thế kia. Tất cả những cá nhân bên gia đình bố của bé, dù ít nói, ít giao tiếp, họ cũng đang sống/làm việc. Chưa kể có những cá nhân như thế rất thành công: kỹ sư, bác sĩ, chủ nhân hãng xưởng...
Tốt nhất, tôi thấy mình chẳng cần phải định cái tên cho rối loạn làm gì để gia đình bên chồng bạn, nhất là bố của bé, khỏi dị ứng. Thôi thì muốn tự kỷ kỹ năng cao, hay thiếu chú ý, hay a hay b hay z gì cũng kệ, miễn là điểm yếu của con được hỗ trợ đúng cách để có hiệu quả.
Những cá nhân ít giao tiếp, ít nói... sẽ rất bực tức nếu những kẻ như tôi, chuyên gia ngôn ngữ và giao tế, bảo rằng họ có vấn đề về giao tế. Vì vậy chúng tôi chẳng định bệnh gán tên làm gì, nếu người nghe không sẵn sàng. Khi họ thấy rằng nếu họ nói nhiều hơn, hay nhìn mắt người đối diện hơn, tỏ quan tâm bằng lời nhiều hơn đến người chugn quanh..., họ sẽ thành công hơn thế, đó là lúc họ sẽ tìm mình để được hỗ trợ. Họ khong muốn thay đổi, và thấy thế đã đủ, thì... thế đã đủ cho họ.
Trong trường hợp chú bé mới 30 tháng tuổi của bạn, mình biết bé có thể có gen di truyền bên nội để trở nên ít nói, không cởi mở trong giao tiếp, và bạn muốn giúp con, thì bạn giúp con. Cá nhân tôi thấy rằng giao tế khéo là quan trọng, và không phải ai cũng giao tiếp khéo léo. Vậy bạn giúp con đi, cần gì thì chúng tôi góp ý.