1) Bé đã có lúc giao tiếp với Mẹ bằng mắt, đặc biệt là khi Mẹ giận và la bé bằng giọng hơi to hơn, nhưng khi nói chuyện bình thường chơi đùa thì bé không nhìn vào mặt Mẹ; chỉ khi nào quá sợ hay quá vui bé mới nhìn vào mắt người đối diện mà thôi. Xin chỉ cho tôi cách khắc phục tính thờ ơ của be'.
Chào chị. Mọi kỹ năng đều cần thời gian, chị ạ. Về giao tiếp mắt, các bệnh nhân của tôi ở tuổi 20 vẫn cần được nhắc để nhìn người đối diện. Ngoài ra, chị cũng thấy khi chúng ta trò chuyện, chúng ta không nhìn người đối diện 100% thời gian. Đối với bé, chị làm hình con mắt, rồi vừa nhắc bằng lời vừa đưa hình này cho bé thấy. Chị lấy tay hướng mặt bé về phía chị. Tôi cũng muốn nói rằng không phải bé thờ ơ đâu, có thể bé vẫn đang nghe chị, nhưng bé không hiểu rằng giao tiếp mắt là thái độ phải có. Chị cứ tiếp tục tập nhé.
2) Về việc đi vệ sinh, có lúc bé chịu ngồi vào bô hay vào toilet, nhưng có lúc bé chỉ thích đâu thì làm đó , không có nhu cầu phải gọi cho Mẹ hay người trong nhà biết để giúp đỡ, tôi phải làm sao để có thể hướng dẫn bé đưa ra yêu cầu mỗi lần muốn đi vệ sinh ?
Huấn luyện đi vệ sinh là mục khó khăn cho mọi phụ huynh ở ngoại quốc, những nơi mà trẻ con dùng tã. Chị thử cách này xem: chị căn giờ và cho cháu ngồi toilet vào giờ nhất định. Đây cũng là thói quen tốt cho người lớn. Có thể cháu sẽ ngồi mà không tiêu tiểu gì trong thời gian đầu. Mình vẫn kiên nhẫn chị nhé. Chị lập một bảng thưởng phạt cho thói quen này để khuyến khích cháu.
3) Khi nghe một bài hát bé có thể ngân nga giai điệu của bài hát khá chính xác, bé ngân nga bằng các âm i, a, o, tr..... nhưng không phát ra âm chữ đúng, xin hướng dẫn làm sao tôi có thể từ đó giúp bé phát triển lên ngôn ngử nói hay hát được đúng âm chữ của bài hát ?
i, a, o... là nguyên âm, tr là phụ âm. Nếu chỉ có những âm như chị mô tả, thì cháu thiếu nhiều phụ âm. Ở tuổi này, cháu lẽ ra phải có b, m, k, g, l... Chị tập cho cháu theo kiểu vừa học vừa chơi, bắt đầu bằng b và m trước. "Bé bên ba, bé bi bẫu báo. Bô biêu bé bì bé bay bóc bè..." Chị dậy cháu nhìn miệng chị: hai môi chập lại và thoát hơi. Chị lấy tay giúp cháu khép môi. Chị thử rồi cho tôi biết nhé.
4) Bé thường hay biểu hiện sợ sệt tiếng động : tiếng chuông cửa khi có người bấm chuông nhà, tiếng điện thoại của người khác gọi đến, xin cho tôi biết là vì sao bé lại sợ như vậy vì đó là những âm thanh không đáng sợ và làm sao để khắc phục cho be' ?
Tiếng chuông cửa, tiếng điện thoại, tiếng xe cứu hỏa... là âm thanh không đáng sợ, nhưng là âm thanh có tính báo động. Hy vọng chị không cho là tôi chiều trẻ, nhưng tôi vẫn thấy trẻ con sợ những âm thanh ấy cũng không có gì là lạ. Tôi thấy mẹ tôi khi cho cháu ngủ thường gõ thật to vào tường và bảo: "Đấy, ông ngáo gõ đấy." Ngoài ra, không hẳn bé chỉ sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, mà có thể còn vì tai bé thính. Chị đừng nghĩ chị gọi cháu không quay lại nghĩa là cháu lãng tai nhé.
Chị có thể cho cháu tự bấm chuông, hay mua cái chuông đồ chơi cho cháu chơi. Chị có thể nói cho cháu biết: "tiếng động ấy là vì có người muốn gặp mẹ con mình đấy." Chị cũng có thể đưa cho cháu điện thoại, rồi chị lấy điện thoại cầm tay mà gọi cháu, dậy cháu nhấc lên nói với chị.
5) Tôi có cho bé đi đo điện não đồ và bác sĩ có cho bé uống thuốc giúp giảm bớt sự tăng động (Risperdal) và chống lo âu (Afarax) , như vậy có tốt cho bé không ? Vì uống thuốc vào tôi thấy bé ngủ được hơn (bé hay mất ngủ suốt cả đêm), ăn được hơn và có tập trung hơn, về thể lực cũng khá hơn do ăn và ngủ được. Nhưng tôi lại lo sợ không biết thuốc có gây hưởng gì về sau cho bé không ?
Thưa chị, thuốc có thể có phản ứng phụ. Nếu chị thấy phản ứng tốt, chị có thể tiếp tục. Tuy nhiên, với thuốc giảm tăng động, chị thấy hiệu quả ra sao? Thực sự thì bên này chúng tôi không sử dụng thuốc nhiều chị ạ. Cháu ruột tôi dùng thuốc, và từ một đứa trẻ gần như... mất dậy, cháu lờ đờ vài tháng, rồi học hành ngoan ngoãn. Giờ đã vào đại học. Đây là trường hợp tôi dơ hai tay bỏ phiếu để bệnh nhân uống thuốc. Nếu bệnh nhân của tôi uống thuốc để bớt tăng động 10%, 20% và trí hiểu không ở mức có thể tiếp thu học hỏi gì nhiều, tôi sẽ chọn "không uống." (Tôi nói tiêp thu học hỏi, không hẳn là cao đẳng đại học gì đâu. Học ngồi bô, học xỏ chỉ, học tên 100 món đồ dùng trong nhà... vẫn là học hỏi tiếp thu).
Chị cho tôi biết về hiệu quả của thuốc tăng động nhé.
Chúc hai mẹ con tối nay thật vui.
Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK