Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt KhóChị Tường Anh ơi!Em là thành viên mới - một người mẹ đang rất bối rối và khủng hoảng tìm cách chữa trị cho con. Chị giúp em với nhé.
Chào bạn. "Bệnh" đầu tiên phải chữa là chữa cho mẹ đấy!
Bối rối và khủng hoảng không giúp gì cho bạn đâu. Bình tĩnh nhé.
Em đa tham khảo nhiều tài liệu về trẻ tự kỷ nhưng thật sự em như đang lần mò trong đêm vì không biết phải bắt đầu như thế nào?
Bạn đã đọc nhiều, nhưng bạn bối rối quá nên không biết phải làm gì. Bạn cứ tiếp tục đọc. Nếu bạn có thời gian vào diễn đàn này, tôi sẽ giúp hết sức. Thực sự bạn không hề đáng trách, vì cũng nhiều phụ huynh lo lắng như bạn vậy. Tôi sắp có dịp thẩm định một số bé vào tháng 12, và việc đầu tiên tôi xin từ phụ huynh của các bé là phải bình tĩnh. Các phụ huynh của diễn đàn này rất dễ thương. Họ sẵn sàng trao đổi hỗ trợ nhau. Bạn thấy ai có con cùng tuổi, cùng khó khăn như con bạn, bạn PM họ, họ sẽ trả lời đấy.
Bé nhà em được 29 tháng rồi mà bé vẫn chưa nói được. Bé có các dấu hiệu của bệnh tự kỷ như:
gọi không quay đầu lại.
ít giao tiếp mắt
không chú ý. Ưa thích các đồ chơi mới. Nhưng chơi nhanh chán. Chưa biết cách chơi đồ chơi.
Hay chạy. Khi chạy thường nghiêng đầu về một bên.
Khả năng hiểu lừi người khác và nhận thức rất kém: không biết chỉ bộ phận cơ thể, người thân trong gia đình.
Gặp khó khăn về vấn đề vệ sinh cá nhân (đại tiện nhiều lần trong ngày, chỉ đại tiện khi ngồi bệt xuống đất, không chấp nhận xi và ngồi bô}
Em đa tham khảo nhiều tài liệu về trẻ tự kỷ nhưng thật sự em như đang lần mò trong đêm vì không biết phải bắt đầu như thế nào?
Bé rất khó tập trung, hay chay lăng xăng, không chú ý gì cả chị ạ.
Liệu bé nhà em đã bị bệnh Tk nặng chưa hả chị? Em tìm giáo viên cho bé ở đâu?
Bé 29 tháng, bạn đang ở trong thời gian cần phải hỗ trợ tích cực cho con. Đây cũng là thời gian có thể tạo nhiều tiến bộ vì dậy con từ thuở còn thơ. Điều bạn phải chuẩn bị cho mình và cho gia đình là lòng kiên nhẫn, tính nghiêm nghị, sự thống nhất giữa những người lớn trong nhà.
Những lãnh vực bạn nên chú trọng nhất hiện tại là nhận thức và tự chăm sóc. Để dậy nhận thức, bạn cần con biết chú ý nhìn. Để con có thể chú ý, bạn cần con bớt lăng xăng. Còn tự chăm sóc là việc dậy con đi đại tiện trong bô hay trên cầu.
1. Chú ý: Bạn cho con kiêng hẳn đường, nước ngọt. Sữa thì con cần, nhưng sữa như Vinamilk tôi thấy ngọt quá. Chế độ ăn uống của bé hiện ra sao? Bạn nên cho con tập thể lực như đi công viên chơi, đi bộ, chạy bộ...
Bạn nên tìm cách gợi chú ý của con như in hình những gì con rất thích, vẽ mầu lên mắt mẹ, vẽ son (đỏ tươi) lên môi mẹ, nghiêng đầu tìm mắt con thay vì chờ con nhìn mẹ, lấy tay ôm mặt con hướng về phía mẹ (lúc này có thể mắt con vẫn liếc chỗ khác, vậy bạn nghiêng theo)... Thức ăn là một trong những món dễ gợi chú ý của trẻ.
2. Nhận thức: bạn có thể bắt đầu từ những gì thiết thân: bố mẹ, quần áo, giầy dép, thức ăn, đồ chơi... Bạn in hình những sự vật và người thân trong nhà rồi cho con xem và gọi tên. Mọi thứ còn mới, con chỉ cần nhìn hình 3 giây là mình vui rồi. Chưa cần con phải nhìn lâu hay gọi tên chúng. Bạn làm hình cỡ to, đừng nhỏ quá. Ít nhất cũng 1/2 tờ A4. Khi cho con xem hình, bạn đưa hình về hướng con đang nhìn thay vì chờ con nhìn xuống.
3. Tự chăm sóc: bạn nên giúp con ngồi bô hay ngồi cầu để con còn đi học khi đến tuổi. Đoạn này sẽ khó khăn nhiều, bạn kiên nhẫn nhé. Bạn cứ mua một cái bô sạch cho con chơi. Có phụ huynh bỏ cả đồ chơi yêu thích của con vào trong ấy để gợi chú ý của con. Có phụ huynh thì úp bô xuống rồi gõ trống với con. Mục đích là để con chú ý đến vật ấy, để mẹ có cơ hội gọi tên nó và chức năng của nó: "Bô, bô đấy, để ị". Khi con quen rồi, bạn làm mẫu việc ngồi vào bô cho con xem, cho con ngồi thử... Xong bước này mới đến bước con ngồi ị.
Những ngày tháng đầu tiên đưa con vào khuôn khổ để con biết ngồi yên, biết chú ý, biết đáp ứng yêu cầu... là khá gian nan, vì con đang quen muốn gì làm đấy. Vì thế cả nhà cần kiên nhẫn. Mỗi người lớn trong nhà nên đồng thuận với nhau để khỏi có việc mẹ dậy, con khóc, và bố thì... bênh.
Thế nhà bạn đang có những người lớn nào?
Bị ép vào khuôn khổ, bé có thể sẽ bùng nổ, giận dữ, ăn vạ... Bạn chuẩn bị tinh thần cho cả nhà để cùng nghiêm mà dậy nhé. Chỉ cần bé không tự làm đau mình thôi, còn việc bé gào khóc chẳng gây ra nguy hại gì cho bé cả. Bạn cứ làm lơ nếu bé khóc ăn vạ. Có dám làm lơ không nào?
Về tìm cô giáo, tôi thấy có phụ huynh đưa con đến trường chuyên biệt, có phụ huynh tìm cô giáo đến nhà. Bạn tìm PM một số phụ huynh ở cùng nơi của bạn, họ chắc chắn có thông tin về giáo viên và trường học đấy. Mà bạn ở thành phố nào?