Nghĩ về một mô hình

Nghĩ về một mô hình

Gửi bàigửi bởi gvhau » T.Ba Tháng 5 21, 2019 11:58 pm

Nghĩ về một mô hình

Có dịp xuống Vũng Tàu, đến thăm và đánh giá cho một số trẻ có có vấn đề về hành vi ở môt ngôi trường dạy bằng tiếng Anh mẫu giáo theo phương pháp Montessori. Trường là một ngôi biệt thự khá chuẩn, có sân chơi, hồ bơi – 3 phòng học theo chuẩn montessori phòng cá nhân, bếp, nhà vệ sinh– có giáo viên nước ngoài và các trang bị hiện đại trong một khung cảnh sạch sẽ thoáng mát. Một lớp 20 trẻ với 1 GV chính ( người nước ngoài – dạy tự tin và đúng chuẩn ) và 2 giáo viên phụ - 1 bảo mẫu , trong một căn phòng rộng khoảng 50m 2 – các em học và chơi thoải mái ,Mà học phí chỉ 7 triệu .

Có thể nói, đó là 1 cơ sở trong mơ với trẻ đặc biệt – có thể với các phòng nhỏ hơn, có thêm phòng chức năng ( vận động – ngôn ngữ ) nhiều GV hơn ( 1 GV/2 – 3 trẻ ) với mức thu 7 – 8 triệu là phù hợp, thậm chí là không cần sân chơi hay hồ bơi cũng được. Nhưng nếu là một cơ sở từ 1 căn nhà phố , cải tạo lại thành trường, không có sân chơi, không có các phòng chức năng ( cũng có thể có 1 phòng bầy đầy đồ gọi là Tâm vận Động ) với một nhóm trẻ đặc biệt từ 10 – 15 trẻ / 2 – 4 cô giáo và hoàn toàn không có giáo án cho từng trẻ ( là sự bắt buộc với giáo dục đặc biệt ) mà cũng thu 6 – 7 triệu/ trẻ thì đó là 1 sự vô lương tâm.

Do ngành GDĐB là một ngành được quản lý theo hình thức 5 cha 3 mẹ , từ Sở Giáo Dục, sở Kế hoạch đầu tư, sở Lao Động TBXH và cả các hội chuyên môn như hội Tâm lý Giáo dục , kể cả ủy ban nhân dân cấp huyện hay Tỉnh đều có thể quản lý, mà phần lớn chỉ là quản lý về hồ sơ và nhân sự. Còn chuyên môn và tiêu chuẩn thiết kế hạ tầng cơ sở thì thả nổi. Các chủ cơ sở và GV chỉ cần biết chút chút về chuyên môn, chủ yếu là dạy trẻ tập nói qua thẻ tranh với một cái góc can thiệp cá nhân, cô ngồi trên cái bàn nhựa đối diện với trò và cứ thế “ tra tấn” trẻ trong 1 h để buộc trẻ phải “ bật âm” – nói được. Còn ngoài ra thì chỉ là trông trẻ cho hết giờ ! Có những cơ sở chỉ là 1 căn nhà phố, có được cái phòng phía trước để trẻ ngồi ngó nhau – cũng không trang bị gì ngoài các món đồ chơi bằng nhựa TQ mua ngoài chợ cho trẻ nghịch ( có khi cũng không được nghịch nhiều ) rồi một cái phòng nhỏ, gọi là phòng can thiệp cá nhân chừng 2 – 3 m2 . Đủ kê 1 cái bàn 2 cái ghế , một cái kệ đựng đồ chơi và thẻ tranh … Thế cũng gọi là trường, là trung tâm can thiệp giáo dục hòa nhập !

Ai làm việc trong lĩnh vực này cũng nói là làm vì cái tâm, nhưng đó mới chỉ là điều cần chứ chưa đủ, mà còn phải có một cái tầm – cái tầm ở đây không phải là có được cái bằng Thạc sĩ, tiến sĩ để khoe hay là có vài phương pháp trị liệu lấy làm thương hiệu, và người phụ trách có thể giỏi, bằng cấp đầy đủ, chuyên môn đầy người – Nhưng với những cơ sở hạ tầng không đáng là 1 cái kho, không có những giáo viên biết cách chơi và tác động với trẻ thì cho dù cái Tâm có khoe ra cho cả nước biết, hay cho dù có trong tay đủ loại giấy phép thì cũng chỉ là những kẻ “ móc túi” của phụ huynh !

Ngoài ra, còn có những cơ sở trang bị hoành tráng, phòng ốc đẹp đẽ với các loại học cụ sang trọng hay đắt tiền ( nhưng không phù hợp ) giáo viên thì có khi mặc đồng phục rất đẹp nhưng với cái đầu phẳng và trái tim rỗng – xem việc can thiệp chỉ là tập đi tập lại cho các em những bài học rập khuôn từ trên ban giám hiệu đưa xuống, và những giờ dạy trẻ thì có thể lướt FB, Chat chit thoải mái , còn ban giám hiệu thì mải miết đi ngoại giao hay đi làm các hoạt động từ thiện để lấy tiếng ! Thì đó không phải chỉ là móc túi mà là còn lợi dụng lòng tin của phụ huynh. Nói cách khác, đó là một sự lừa bịp!

Cũng có rất nhiều các GV với tâm huyết dạy trẻ, có chuyên môn tốt, có thể can thiệp có hiệu quả… nhưng lại không muốn làm công cho 1 đơn vị nào, vì không được “tự do” không được “cày thật nhiều ca” trong 1 ngày hay cho rằng mình bị “bóc lột” – lạm dụng sức lao động và không tôn trọng tài năng! Để từ đó độc lập tác chiến ! Rõ ràng là không sai, vì GV đó chỉ đi can thiệp tại gia đình, hay nhận vài trẻ về nhà để can thiệp, thì thu nhập cao hơn nhiều so với làm việc ở Trung tâm. Thế nhưng, nếu chỉ “ tay không bắt giặc” dù với một tài năng xuất chúng thì cũng khó mà có thể “can thiệp” nếu không có không gian và công cụ cho trẻ chứ đừng nói là các hoạt động chơi đùa rất cần thiết cho trẻ. Với một môi trường giới hạn như thế, khả năng cũng không nhiều, mà nguyên tắc can thiệp thì không phải lúc nào cũng một trò – một thầy, mà còn cần có sự tác động, phối hợp với các chuyên viên hay các giáo viên khác trong các hoạt động chung nên hiệu quả sẽ thấp, đôi khi chỉ là sự dậm chân tại chỗ và “ may thầy phước chủ” để một vài trẻ có tiến bộ ít nhiều.

Với một môi trường can thiệp có rất nhiều cơ sở thiếu thốn từ trang bị đến chuyên môn, thiếu hay sai từ định hướng đến các biện pháp tác động – nhưng dường như PH không có con đường nào khác ? Họ vẫn cứ “ trăm sự nhờ cô” dù cho thầy cô có khi chả có “sự nào” ! Họ chấp nhận cày sấp mặt để có tiền cho con đi can thiệp. Họ mang con lên thành phố, thậm chí là thuê nhà trọ để đưa con đến trường giáo dục hòa nhập – hay đưa vào những trung tâm mà nói giỏi hơn làm – để chấp nhận mất 7, 8 triệu /tháng trong 1 – 2 năm mà con không hề có được sự tiến bộ tối thiểu. Hoặc lại đưa con đi lòng vòng từ nơi này qua nơi khác, nơi 3 tháng, nơi 6 tháng … vì chưa tìm được một cơ sở đủ điều kiện về hạ tầng và chuyên môn. Họ không hề nghĩ rằng, chính việc đưa con vào các nơi như thế, vừa làm giàu cho những kẻ điều hành, vừa làm mất đi thời gian phát triển của con, vừa lại là cái lý do để các phụ huynh khác cũng “ vào tròng” như mình ( chết chung cho vui ) !

Họ cũng không nghĩ rằng. nếu không tìm ra được một chỗ tốt cho con, thì thà dùng tiền đóng học phí để đi tìm hiểu về các kiến thức để có thể giúp con ngay tại gia đình. Nếu cho rằng vì làm ăn, buôn bán, công việc bận rộn..không thể dành cho con một vài giờ / ngày – thôi cứ gửi vào các nơi nào đó có một vài yếu tố thuận lợi ( gần nhà chẳng hạn ) – hay cứ cố gắng thuyết phục các trường MG bình thường nhận con mình, rồi đi kiếm GV đến nhà kèm, được nhiêu hay nhiêu, chứ mình thì không thể bỏ công sức ra ngồi chơi với con được, thì chắc chắn trẻ sẽ khó có cơ hội phát triển. Cuối cùng – điều mà PH cần lưu ý, là cho dù nặng hay nhẹ, thì thời gian để can thiệp là phải tính theo năm, chứ đừng gửi vào 1 nơi không đủ chuẩn, để rồi 3, 4 tháng sau lại rút ra, đưa con đi nơi khác – và cũng không có chuyện “đi tắt – đón đầu” can thiệp tích cực từ sáng đến tối, từ thứ hai đến chủ nhật nhằm rút ngắn thời gian “ tập nói” để cho con có thể vào được lớp Một đúng độ tuổi.

Chỉ hy vọng là những ai muốn mở các cơ sở dạy trẻ đặc biệt – thì cũng đừng vì cái lợi, cái danh mà xem đây là 1 lĩnh vực kinh doanh kiếm tiền ! Cần phải trang bị kiến thức về chuyên môn và quản lý. Có thể có 1 người giỏi chuyên môn và 1 người giỏi quản lý cùng làm thì sẽ tốt hơn là 1 “chuyên gia giỏi đủ thứ” – Không ai cấm mình kiếm tiền từ sự lao động cả, nhưng cái gì thì cũng phải có chừng mực, có trách nhiệm với những hoạt động mà mình bầy ra. Và các phụ huynh cũng đừng vì quá sốt ruột mong con “khỏi bệnh” bằng bất cứ giá nào để đưa con vào những cơ sở không đủ các chuẩn tối thiểu của một đơn vị giáo dục đặc biệt.

Nếu sau 1, 2 tháng chưa cần trẻ phải biết nói, mà cơ sở không xác định được con thuộc dạng nào, mức độ nặng nhẹ ra sao và kế hoạch mục tiêu ra sao, dù rất đơn giản thì nên rút lui ngay và luôn. Điều cuối cùng để đánh giá một cơ sở tốt, đó là phải sự kết hợp giữa Phụ huynh và nhà trường. Không có lý do gì mà nhà trường không cung cấp cho PH những thông tin về những điều mình đang dạy trẻ, không biết hướng dẫn cho Phụ biết làm gì với con tại gia đình và cũng đừng tô vẽ ra những viễn cảnh là trẻ sẽ khỏi bệnh, sẽ có thể vào lớp Một sau một thời gian can thiệp ở đây, và làm phụ huynh hoa mắt bằng các danh từ “trị liệu” kêu như pháo nổ mà có khi ngay cả cái định nghĩa thế nào là trị liệu cũng không nói được một cách chính xác! Đừng nhận những đồng tiền đẫm mồ hôi và nước mắt của phụ huynh mà không biết làm gì cho con họ được tốt hơn , ngoài những lời hứa hẹn! Như thế là tội ác !

Lê Khanh
( sau khi tiếp những PH nạn nhân của sự vô trách nhiệm )

Nguồn: Chuyên gia tâm lý Lê Khanh
Giám đốc: PHÒNG TƯ VẤN TÂM LÝ GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM

https://www.facebook.com/uyenkhanh174?_ ... Ono-wRF22A
Hình đại diện của thành viên
gvhau
 
Bài viết: 311
Ngày tham gia: CN Tháng 3 17, 2013 6:14 pm

Quay về Những bài viết về Tự Kỷ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.11 khách.

cron