1001 Ý Tưởng Nuôi Dạy Trẻ
Lời người dịch: Bài viết này tổng hợp ý tưởng từ cuốn 1001 Great Ideas for Teaching and Raising Children của Ellen Notbohm và Veronia Zysk. Chúng tôi cũng tham khảo và cho vào những kinh nghiệm bản thân trong quá trình giảng dạy, cùng những ý kiến & kinh nghiệm của các giáo viên học khu phía Bắc San Jose, California.
Nguyễn, Phi
Trần, Xuyến
Nói chuyện với trẻ
Khi nói chuyện với trẻ chúng ta nên chú ý những điều sau đây:
· Nên cúi người xuống thấp hay ngồi xuống ngang tầm với bé để tầm mắt mình và bé ngang nhau. Tránh nhìn từ trên cao xuống.
· Làm cho bé chú ý tới mình: Đi tới gần (nhưng đừng quá gần, điều này tuỳ theo mỗi bé). Đừng ngại làm những điệu bộ ngớ ngẩn buồn cười để bé chú ý tới mình.
· Dùng những điệu bộ cử chỉ có ý nghĩa. Tránh vừa vung tay vừa nói chuyện. Điệu bộ phải chậm đừng quá nhanh để trẻ có thì giờ hiểu được cử chỉ của mình và tránh trẻ bị hoảng sợ.
· “Nói thẳng”, đừng liên hệ vì có thể bé chưa hiểu.
Nên nói
- "Đây là hình chú chó" thay vì "Đây là chú chó"
- "Cắm hoa vào bình hoa cho mẹ" thay vì "Cắm cái này vào kia"
- "Đây là cái áo màu đỏ" thay vì "Đây là màu đỏ"
- "Con làm bài xong thì con sẽ được chơi" thay vì "Nếu con không làm xong bài, con sẽ không được chơi"
- "Bây giờ con với mẹ đi về nhà nhé" thay vì "Thôi đi về"
Khuyến khích trẻ
Về căn bản có 2 cách. Một là trừng phạt nếu làm sai. Hai là khen thưởng khi làm đúng. Và tất nhiên có người phối hợp cả 2. Mục đích là “lập đi lập lại để trẻ nhớ” (reinforcement). Tuy nhiên ta phải cẩn thận vì khuyến khích (motivation) là khoa học và nghệ thuật kết hợp. Khen thưởng không đúng cách sẽ dẫn tới bệnh thành tích hoặc ép trẻ vào thế phải nói dối, làm dối để được khen. Trừng phạt không đúng cũng có thể làm trẻ hiểu lầm ý mình.
Ví dụ: Bé Linh không chú ý lúc giờ học, hay chạy ra khỏi chỗ ngồi. Biết được Linh thích ăn kem, cô giáo thường thưởng cho Linh ăn kem mỗi khi bé ngoan và nghe lời cô ngồi yên. Sau một thời gian Linh biết được là muốn có kem ăn thì phải hư trước rồi hẵng ngoan, tức là phải chạy ra khỏi chỗ để cô giáo nói: “Linh ngồi vào chỗ học, ngoan thì tí nữa cô cho ăn kem”.
Các nhà nghiên cứu tại Hoa Kỳ nói rằng nếu bạn dùng phương pháp khen thưởng thì nên áp dụng một cách “ngẫu nhiên có tính toán”. Ví dụ không phải lần nào bé ngoan cũng được thưởng mà có lúc được lúc không. Theo như nghiên cứu thì “ngẫu nhiên có tính toán” như vậy sẽ đạt hiệu quả cao nhất.
Bị Bạn Bắt Nạt
Khi bé bị bạn bè bắt nạt, áp lực sẽ chồng chất. Một lúc nào đó bé sẽ phản ứng tiêu cực (không muốn đi học hay đánh lại bạn). Ta nên giúp bé đương đầu thay vì trốn tránh.
Ví dụ bé Thụy Anh bị chị Cát Lan bắt nạt thì ta phải làm gì? Chắc chắn là ta không nên chép miệng bỏ qua, hy vọng mai mốt Cát Lan sẽ bắt nạt người khác. Một cách giải quyết là xin gặp phụ huynh (PH) của Cát Lan nói chuyện. Trong buổi nói chuyện thì tránh đừng “mắng vốn”. Ta nên đưa ra câu chuyện như sau:
- Cát Lan và Thụy Anh hay xích mích với nhau trong lớp. Tôi muốn cùng anh chị làm gì đó để 2 bé nếu không thân nhau thì cũng đừng xích mích với nhau.
- Sắp xếp để 2 gia đình đi chung với nhau đâu đó một ngày, để Lan nhận thấy rằng mẹ của Anh chơi với mẹ mình, và nếu mình bắt nạt Anh thì 2 mẹ sẽ biết ngay.
- Sắp xếp để chỉ có Lan và Anh trong cuộc đi chơi, để 2 bé có dịp nói chuyện với nhau nhiều hơn.
Tất nhiên phương pháp này chỉ thành công nếu PH của Lan đồng ý giúp mình. Nếu không thì ta cũng nên trình bày hoàn cảnh cho PH của Lan biết trước khi lên gặp cô giáo hay nhà trường “mắng vốn”. Không ai muốn bị nhà trường gọi lên vì con mình bắt nạt bạn cả, nhưng họ sẽ ít tức giận hơn nếu chúng ta cho họ biết trước chúng ta sẽ lên nói chuyện với nhà trường về con họ.
Dọn Về Trường Hay Nhà Mới
Dọn về trường hay nhà mới có thể làm trẻ hoang mang. PH có thể làm những việc sau đây để giúp trẻ bớt lo sợ:
· Nếu bạn mua nhà mới thì nên để ý tới điều kiện của bé. Nếu bé bị dị ứng tiếng ồn thì có lẽ không nên ở mặt đường (hoặc nên lắp cửa kính 2 lớp chống ồn).
· Để ý những từ ngữ mình sử dụng. Nếu bé có vẻ không thích chữ “trường mới” thì gọi nó là “trường khác”, “trường bên kia” hay thậm chí “trường màu xanh”.
· Cho bé hiểu là khi dọn về nhà mới, mọi người mọi thứ trong nhà và tất cả mọi thứ của bé sẽ được dọn theo chứ không phải chỉ có mình bé đi. Cũng nói rõ cho bé biết là hàng xóm, bạn bè trong xóm... sẽ không đi theo nhưng bé có thể thỉnh thoảng về thăm nếu bé muốn.
· Cho bé biết mọi thứ. Bé càng biết nhiều về nhà/trường mới, bé càng đỡ hoang mang. Cho bé biết trường mới ở đâu, làm sao đi tới trường, ai dạy ở đó, khi nào mình đi học ở đó, tại sao lại chuyển trường... Đưa ra một câu chuyện cho bé để giải thích những điều trên, từ tổng quát trước rồi đi vào chi tiết sau. Nhớ để bé tìm tòi thông tin một cách tự nhiên thì tốt hơn, có nghĩa là nên cho bé thời gian, cho bé biết ý định chuyển trường ngay từ lúc đầu.
· Khuyến khích bé viết hay nói về sự khác biệt hay tương đồng của 2 ngôi trường. Nhớ cho bé biết trường mới sẽ “có những gì cho bé”. Mang hình ảnh từ nhiều góc độ khác nhau về ngôi trường, cô giáo, học sinh, phòng học...
· Trước khi về nhà mới bạn nên dọn phòng cho bé để bé thấy tất cả vật dụng quen thuộc của bé đều ở đó. Căn nhà mới có thể còn lộn xộn nhưng phòng của bé thì phải được sắp xếp trước cho bé. Đưa bé về nhà cũ để bé thấy tất cả đồ đạc của bé đã đi về nhà mới cả rồi. Cho bé biết tất cả luật lệ phép tắc cũng “dọn” về nhà mới rồi.
· Cho bé thời gian khám phá nhà mới. Có khả năng bé sẽ ở trong phòng cả mấy ngày không ra ngoài. Giúp bé làm quen bằng cách bày trò chơi hay giao việc cho bé để bé ra khỏi phòng. Ví dụ như ra phòng khách cho gấu bông ăn, hoặc giúp mẹ tắm cho cún con.
· Trong trường hợp bé bị chứng hoang mang và bé rất nhạy cảm khứu giác, bạn có thể mang theo xà phòng, kem... những mùi quen thuộc với bé và bôi lên áo bé, hoặc cho bé mặc cái áo cũ (tuy bẩn nhưng còn mùi quen thuộc). Nếu bé thích coi hình ảnh thì làm một cuốn album chứa hình ảnh cho bé. Bỏ những hình ảnh quen thuộc khi bé đi học, đi chơi... để mỗi khi bé hoang mang thì bé lấy ra xem.
Khi Bé Giận Dữ, La Hét, Khó Chịu...
Đầu tiên ta phải hiểu rằng bé làm như vậy là vì có lý do liên quan tới khiếm khuyết giao tiếp xã hội hoặc các khiếm khuyết cảm nhận chứ không phải là để chọc tức hay gây chú ý. Đừng vội tin rằng trẻ con có thể “nhân chi sơ, tính bản ác”. Hãy tìm hiểu cảm thông trước khi có phản ứng với bé.
Hãy phản ứng lại cho bé biết như thế là không được ngay lần đầu tiên bé quấy. Đừng đợi tới lần thứ hai hay thứ ba, đừng nghĩ rằng: “thôi bỏ qua, chắc không có lần tới đâu”. Bé cần thấy một phản ứng và thông điệp cụ thể rõ ràng từ cha mẹ rằng những thái độ như thế sẽ không được chấp nhận.
Phản ứng của bạn phải nhất quán, có nghĩa là dùng những từ ngữ, hành động, trừng phạt y như nhau mỗi lần bé quấy.
Đừng dùng lửa mà chữa lửa. Nếu bạn muốn bé đừng la hét bằng cách hét vào mặt bé, bạn sẽ làm cho bé thêm hoang mang. Có thể bé sẽ nghĩ rằng: Không được đánh/hét bạn cùng lớp nhưng khi mình lớn hơn thì được (vì bé thấy cha mẹ đang la hét, đánh mình).
Phạt bé bằng cách cho bé nhận trách nhiệm về hậu quả của hành động chứ không phải đơn thuần đưa ra hình phạt nào đó. Đây không phải là điều đơn giản vì bạn phải tìm hiểu tính nhân-quả của sự việc (cause and effect). Giúp bé nhận thấy việc bé bị phạt liên quan tới việc bé làm như thế nào. Ví dụ: nếu không dẹp đồ chơi, ai đó có thể dẵm lên làm hỏng, và thế là không có đồ chơi để chơi nữa. Đừng nên “con mà không dẹp thì mẹ sẽ liệng đồ chơi vào thùng rác”. Ví dụ khác: “Vì con làm gãy bút chì của bạn, nên bây giờ bạn thiếu bút chì, vậy thì con phải đưa cho bạn một bút khác” thay vì “Con lấy bút của bạn nên bạn lấy lại của con”.
(còn tiếp)