Nguồn: http://concuame.com/index.php?option=co ... Itemid=261
Tổng quát về hành vi
Kiến thức nền cho Can thiệp hành vi
Đợt bài viết tóm tắt cho các phụ huynh, giảng viên và sinh viên tham dự buổi tập huấn Can thiệp hành vi của CCM tổ chức vào tháng 4, 2012 tại ĐH Sư phạm, khoa Giáo dục đặc biệt, tp HCM và tại Hội Người khuyết tật tp HCM DRD.
Các lý thuyết nền về Hành vi
Pavlov: Đây là nhà nghiên cứu người Nga (1849-1936) từng đọat giải Nobel. Ông là người sáng lập ra Classical conditioning. Thí nghiệm nổi tiếng của ông là phản xạ có điều kiện, vd như chú chó sẽ ứa nước miếng ra khi nghe tiếng chuông vì trước đó người ta luôn đánh chuông trước khi cho ăn.
Watson: Khai sinh ra ngành Hành vi Behaviorism với 2 công trình nghiên cứu Psychology from the Standpoint of a Behaviorist và Behaviorism. Các nghiên cứu của ông ảnh hưởng sâu đậm tới các chương trình can thiệp cho trẻ TK sau này.
Skinner: Khai sinh ra trường phái Operant conditioning với thí nghiệm nổi tiếng Skinner Box. Người ta thường nhầm lẫn giữa Operant conditioning và Phản xạ có điều kiện của Pavlov. Ông Skinner nghiên cứu sâu về hành vi và hậu quả. Ông có ảnh hưởng rất lớn tới các phương pháp can thiệp hành vi cho trẻ TK và thanh thiếu niên nói chung.
Lovass: Khai sinh ra pp can thiệp ABA, là người đầu tiên đưa Operant conditioning, mở rộng nghiên cứu của Skinner vào giáo dục trẻ TK.
Các giả định trong chương trình can thiệp hành vi
Khi lên một chương trình can thiệp hành vi, người ta giả định các lý thuyết sau đây
Thứ nhất, hành vi là cái trẻ học. Trẻ sẽ tránh các hành vi “không có lợi cho bản thân” và sẽ làm các hành vi “có lợi cho bản thân”. Các chuyên gia hành vi không quá quan tâm chuyện hành vi đúng hay sai bởi vì trẻ học cả 2 loại hành vi này như nhau. Cái họ chú tâm tới là trẻ học hành vi đó ra sao, làm thế nào để giảm thiểu hay lọai trừ.
Thứ hai, Chuyên gia hành vi tin rằng trẻ hành xử khác nhau trong các môi trường khác nhau, tức là hành vi của trẻ liên quan mật thiết tới yếu tố tác động (stimulus). Ví dụ như bé N có thể nhận ra rằng ở nhà thì hành vi ăn vạ được khuyến khích (một cách vô tình bởi cha/mẹ) nhưng ở trường thì lại không được khuyến khích (vì hệ thống TKB rõ ràng).
Thứ ba, Chuyên gia hành vi tin rằng hầu hết các hành vi đều có thể dạy, thay đổi hay điều chỉnh.
Thứ tư, Chuyên gia hành vi cần các mục tiêu thật cụ thể, có thể quan sát được và có thể đo lường được. Ví dụ: mục tiêu “bé phải ngoan hơn” là mục tiêu không thể đo lường. “Bé chịu ngồi yên học trong 15 phút” là một mục tiêu có thể quan sát và đo được.
Thứ năm, Chuyên gia hành vi tin rằng các chương trình can thiệp hành vi đều phải cá nhân hóa cho từng trẻ. Việc sử dụng một chương trình tổng quát cho mọi học sinh sẽ đi ngươc với các lý thuyết nền của môn Hành vi học.
Thứ sáu, Chuyên gia hành vi chú trọng vào Hiện tại và Tương lai. Đây là điểm khác biệt giữa bên Hành vi và Tâm lý. Ngành Psychoanalyst đào sâu về quá khứ và tiềm thức, phân tích kỹ các “trải nghiệm” lúc trước trong khi Behavior analyst (chuyên gia hành vi) cũng đào sâu về quá khứ, nhưng chú trọng vào “sự kiện” thay vì “trải nghiệm”.
Thứ bảy, Chuyên gia hành vi chú trọng vào con người và môi trường. Có nghĩa là khi bé N thay đổi môi trường học, chương trình can thiệp hành vi cũng thay đổi theo. Họ chú trọng vào tại sao hành vi lại xảy ra trong môi trường như vậy. Bên Tâm lý Psychoanalyst chú trọng vào bản thân, quan niệm rằng các hành vi đều do các yếu tố nội tâm chứ không do tác động bên ngoài.
Các “tin đồn” oan cho Chuyên gia hành vi
Cụm từ “thay đổI hành vi” bị hiểu lầm là các biện pháp cứng rắn, thậm chí dùng cả thuốc men để can thiệp. Các hiểu biết sai lầm này đã một thời làm cho giới Can thiệp hành vi bị nhìn với một cặp mắt nghi ngờ vào thập niên 1980s tại Hoa Kỳ.
Các thí nghiệm đầu tiên của Skinner và Pavlov trên chó và bồ câu làm người ta liên tưởng tới “thí nghiệm chuột bạch”, cho rằng các chuyên gia hành vi thường chỉ hay thí nghiệm chứ không có nghiên cứu vũng vàng. Vào thập niên 1990s, điều này đã được giải oan khi các Phương pháp can thiệp hành vi chứng minh được rằng họ có các nghiên cứu khoa học nghiêm túc, quan sát (chứ không phải thí nghiệm) qua hành vi của con người ở cơ quan, xã hội, học đường.
Các lầm tưởng về Can thiệp hành vi
Thứ nhất, can thiệp hành vi không phải là “hối lộ trẻ con”. Nhiều người cho rằng can thiệp hành vi nghĩa là “học ngoan, cô thưởng”, vậy thì đích thị là hối lộ trẻ con rồi.
Thứ hai, can thiệp hành vi không gây nghiện như người ta tưởng. Dân không chuyên ngành từng đồn sai rằng nếu thưởng hoài thì bé sẽ nghiện quà, rồi khi không có quà thưởng nữa thì bé không học.
Thứ ba, nhiều người “thánh thiện hóa” chương trình can thiệp. Ví dụ như họ quan niệm rằng trẻ phải đi học lấy điểm 10 vì điều đó tốt cho chúng chứ không phải vì làm vậy thì cha/mẹ vui và sẽ thưởng. Đây là một quan niệm đúng và nên theo đuổi, nhưng không thể bắt đầu chương trình can thiệp với quan niệm như vậy. Bạn đã bao giờ từng hỏi bạn đi làm vì bạn yêu nghề, hay vì cả yêu nghề và vì cả đồng lương để nuôi gia đình? Khi can thiệp cho trẻ, chúng ta nên lấy mục tiêu thánh thiện làm đích tới nhưng phải khởi đầu bằng các lợi ích cụ thể cho trẻ.
Thứ tư, có người cho rằng Can thiệp hành vi là trái tự nhiên, có tính cách ép buộc. Thật ra chúng ta thay đổi hành vi của chính chúng ta hàng ngày. Khi tôi khoác chiếc áo thày giáo tại giảng đường đại học Hoa Kỳ, tôi cư xử như một người thày giáo, mặc quần áo chỉnh tề, sử dụng từ ngữ trong ngành. Khi bước vào lớp học ở Ban Mai, tôi sẽ ăn mặc thoải mái, như là một thày vào việc chung với các cô giáo để can thiệp cho các học sinh.