http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/g ... 59004.html
Giáo viên đã lạm quyền khi dạy thêm
"Đa số giáo viên đã lợi dụng quyền được định đoạt điểm thi để ngầm gây áp lực hay nói bóng nói gió gợi ý học thêm. Đa số phụ huynh sợ con mình bị đì nên phải đóng tiền học thêm", độc giả tên Thanh chia sẻ quan điểm.
Sau lệnh cấm dạy thêm trong trường học ở TP HCM, VnEpxress tiếp tục nhận được nhiều chia sẻ của độc giả. Dưới đây là bài viết của một phụ huynh có con học lớp 2.
Kể từ khi TP HCM ra lệnh cấm dạy thêm, học thêm trong trường học thì có rất nhiều ý kiến phản đối, đa số là của giáo viên tâm huyết, có đạo đức, bức xúc với lệnh cấm, chỉ có một số ít bài viết chính thức là ủng hộ. Nhằm làm rõ thêm một số vấn đề để mọi người cùng biết về vấn nạn nhức nhối này, tôi mạn phép trình bày ý kiến như sau:
Trước hết xin tự giới thiệu tôi đã 50 tuổi, con năm nay học lớp 2. Vì lớn tuổi nên tôi có cơ hội được hưởng thụ nền giáo dục qua 2 giai đoạn: trước 1975 và thời kỳ bao cấp sau năm 1975. Và từ khi đất nước mở cửa, xóa bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, tôi liên tục theo dõi các bài viết về nền giáo dục nước nhà. Tôi cũng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế. Cung cấp thông tin này để mọi người biết rằng tôi được ăn học đàng hoàng và có cơ hội để hiểu rõ nền giáo dục của Việt Nam từ xưa đến nay.
Tôi khẳng định rõ ràng rằng tôi ủng hộ hoàn toàn lệnh cấm và mong muốn lệnh cấm được áp dụng toàn quốc chứ không chỉ TP HCM vì những lý do như sau:
Giáo viên được nhà nước chấp nhận cho dạy học chính thức là một dạng quan chức có quyền lực chuyên môn
Điều này nghe rất buồn cười vì giáo viên nói rằng chỉ là nhân viên quèn, thậm chí chỉ là giáo viên hợp đồng chưa thi đậu công chức thì sao gọi là quan chức có quyền lực chuyên môn. Nếu một ông giáo sư tiến sĩ khoa học đoạt giải Nobel danh giá chỉ làm công việc nghiên cứu dạy con tôi học mà chấm con tôi điểm 10 thì sao? Hoàn toàn vô giá trị quý vị ạ.
Nhưng một cô giáo chỉ tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đang dạy con tôi chính thức tại trường mà chấm con tôi điểm 10 thì đó rất giá trị. Vì Nhà nước đã ủy nhiệm giao cho cô giáo cái quyền được chấm điểm bài thi học sinh và số điểm cô giáo chấm có giá trị pháp lý được Nhà nước công nhận. Nếu cô giáo chấm rớt con tôi thì cháu sẽ bị lưu ban, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và tương lai cháu sau này. Nhà nước tin tưởng trao quyền cho giáo viên nhưng giáo viên sử dụng quyền đó có đúng đắn hay không thì là chuyện khác. Đau đớn thay trong suốt nhiều năm qua việc sử dụng quyền này vô cùng sai trái.
Lạm quyền để trục lợi và xung đột lợi ích
Mới nghe thì các giáo viên thấy lạ lẫm hoặc cho rằng tôi cường điệu, sử dụng từ ngữ nặng nề. Đa số giáo viên đã lợi dụng quyền được định đoạt điểm thi để ngầm gây áp lực hay nói bóng nói gió gợi ý học thêm. Đa số phụ huynh sợ con mình bị đì nên phải đóng tiền học thêm. Một số ít phụ huynh vì không thể đón con đúng giờ tan trường hoặc là buổi tối bận rộn không thể theo dõi việc học của con nên cho đi học thêm ở cô giáo luôn nhưng số này rất ít.
Chuyện học thêm ở Việt Nam lan tràn rộng khắp và ở mọi cấp học. Không ở nước nào mà học sinh lớp 1 đã phải học thêm như ở Việt Nam cả. Cái áp lực học thêm đè nặng đến nỗi mà nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đã nơm nớp lo sợ và tìm gặp tôi để hỏi kinh nghiệm. Tôi cũng nói rõ rằng năm ngoái tôi kiên quyết không cho con học thêm lớp 1 và nếu chẳng may con tôi yếu kém thì tôi sẽ cho con học ở cô giáo khác, ở trường khác chứ không học ngay chính cô giáo đang dạy hay học ở cô giáo khác trong cùng tổ dạy học với cô giáo của bé.
Giáo viên cho rằng do lương thấp nên không thể dạy hết mình, nhưng tôi biết rằng trong giờ học chính thức giáo viên dạy chỉ qua loa, khi học trò không hiểu bài họ không cố cải tiến cách giảng dạy để học sinh tiếp thu tốt bài học. Điều này giúp giáo viên đỡ mệt, đỡ cực và quan trọng hơn là do học sinh không hiểu và không thể tiếp thu bài học thì phải đóng tiền cho con học thêm. Nếu em nào cũng học giỏi trong giờ chính khóa thì phụ huynh nào dại gì đóng tiền cho con học thêm nhỉ.
Và nếu em nào học thêm vì lý do gì đó khi chính khóa cũng còn yếu thì cô giáo của em đó có dám chấm 6 điểm không? (Tôi chưa nói chấm dưới trung bình đâu nhé!). Chắc chắn là không rồi, em đó bèo lắm cũng sẽ được 8 hay 9 điểm, đó chính là lạm quyền để trục lợi. Nếu chấm bèo thì phụ huynh phản ứng và đòi lại tiền học, còn nếu học sinh học thêm cô giáo cuối năm toàn được xếp loại học sinh giỏi thì thương hiệu của cô giáo tăng lên, càng đông học sinh theo học.
Trong thực tế giáo viên dạy chính khóa thường biết đề thi dạng thức nào rồi nên cho học sinh học tủ trước, khi thi thì cũng bài đó chỉ có đổi số lại thôi, như vậy thì không đạt 9 hay 10 mới lạ. Bộ Giáo dục hạn chế quyền chấm điểm của giáo viên bằng cách cho gác thi chéo và chấm điểm chéo giữa các giáo viên trong cùng một tổ, nhưng không ngăn chặn được sự lạm quyền vì giữa các giáo viên có sự thông đồng nhau theo kiểu "anh nhẹ tay với gà của tôi thì tôi sẽ nhẹ tay với gà của anh’’, tất cả giáo viên đều đạt thành tích cao và được thưởng cuối năm.
Còn nói rằng "xung đột lợi ích" là sao nhỉ? Giáo viên được Nhà nước giao quyền quản lý, dạy học sinh về kiến thức môn học, giáo viên cũng mở lớp dạy thêm song song môn học đó tức là hoạt động cùng trong phạm vi và lĩnh vực mà mình được giao quyền quản lý, phụ trách giảng dạy và chấm điểm. Như vậy sẽ không tách bạch được đâu là lợi ích của Nhà nước, của học sinh và đâu là lợi ích tiền bạc của giáo viên do việc dạy thêm mang lại. Trong thực tế đa số giáo viên sẽ xử lý theo hướng có lợi cho mình. Xung đột lợi ích chính là chỗ đó. Lợi ích của Nhà nước và học sinh đã bị hy sinh vì lợi ích tăng thu nhập của giáo viên.
Có nên rơi nước mắt đối với những giáo viên bị xử lý vì dạy thêm lén lút?
Có giáo viên viết rằng cảm thấy thương xót và nhục nhã cho nghề nghiệp của mình khi thấy báo đăng giáo viên bị bắt tại trận và phạt tiền trước mặt học sinh vì lén lút dạy thêm. Tôi thấy điều này không nên bức xúc vì nếu như con tôi là học sinh chứng kiến thì cháu sẽ học được 2 điều. Thứ nhất chuyện dạy thêm là sai trái không được phép. Thứ hai là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật dù đó là giáo viên, làm sai là bị xử lý. Nếu từ nhỏ các cháu đã thấy pháp luật được thượng tôn như thế là điều rất tốt.
Trong suốt nhiều năm bộ máy Nhà nước tuyên truyền rằng nghề giáo là nghề cao quý, giáo viên là "kỹ sư tâm hồn", là người đào tạo nên những công dân tốt, là người cao cả... Điều này làm cho nhiều giáo viên lầm tưởng rằng họ thuộc công dân đặc biệt, phải được nương nhẹ nếu như vi phạm quy định hay pháp luật. Giáo viên nói rằng do lương thấp nên phải dạy thêm hay làm những việc trái quy định, thậm chí vi phạm pháp luật. Tôi khẳng định rằng lương giáo viên thấp thật, Nhà nước nên tăng lương cho giáo viên. Nhưng nói rằng sau khi tăng lương cho giáo viên thì chuyện ép học thêm sẽ chấm dứt thì vô cùng sai lầm.
Chuyện dạy thêm có thể giảm bớt phần nào thôi. Ngân sách Nhà nước còn khó khăn, tất cả nhân viên Nhà nước đều lương thấp chứ không chỉ giáo viên. Nhiều Việt kiều đang làm giáo viên ở Mỹ cũng nói rằng so với mặt bằng lương ở Mỹ thì lương giáo viên cũng vẫn thấp, mà họ sau vài năm giảng dạy thì phải buộc quay lại đại học trong một khoảng thời gian nhất định để cập nhật kiến thức. Còn ở Việt Nam theo tôi biết thì tốt nghiệp trường sư phạm có bao nhiêu kiến thức thì cứ thế dạy hoài cho đến khi về hưu thì thôi.
Nếu một anh kế toán hay kỹ sư tin học đi làm lương không đủ sống thì phải đi học nâng chuyên môn mình lên, làm việc chăm chỉ hơn để được tăng lương. Nếu công ty không tăng lương thì anh ta sẽ kiếm việc ở công ty khác và nếu không được nữa thì chấp nhận bỏ nghề, học nghề khác để sinh sống hoặc làm công việc trái nghề. Các giáo viên nếu chê lương thấp thì cứ mạnh dạn nộp đơn nghỉ việc, ra ngoài xin việc ở các trường tư thục hay quốc tế trả lương cao nếu quý vị đáp ứng được yêu cầu năng lực chuyên môn. Còn nếu cũng không kiếm được công việc chuyên môn có thu nhập đủ sống thì phải chấp nhận đổi nghề hay làm công việc khác.
Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu nhân lực của một ngành nghề không phải là hằng số mà luôn biến động. Có lúc nhu cầu nhân lực ngành nghề này lớn thì dễ kiếm việc và lương cao, có lúc nhu cầu nhân lực ngành nghề này giảm thì khó kiếm việc và lương thấp. Các giáo viên không thể cứ thụ động cố thủ với nghề giáo và đòi hỏi Nhà nước tăng lương nếu không thì sẽ tiêu cực. Một anh kế toán nếu vi phạm pháp luật bị lôi ra tòa thì không thể nói với tòa rằng vì lương thấp mà vi phạm pháp luật, không ai chấp nhận lý do đó.
Có người viết tại sao bác sĩ được mở phòng mạch tư mà giáo viên thì lại không được dạy thêm? Mới nghe thì rất logic nhưng sự thật là không phải vậy, sự khác nhau là rất rõ. Bác sĩ làm cho bệnh viện lương thấp hoặc đơn giản là không hài lòng về mức lương thì có quyền mở phòng mạch tư. Nếu ông ấy chữa cho bệnh nhân phòng mạch khỏi bệnh, hài lòng thì bệnh nhân sẽ đông và bác sĩ sẽ giàu sụ. Bác sĩ hoàn toàn chịu trách nhiệm về thương hiệu cá nhân của mình và chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý Bộ Y tế về chuyên môn. Nhưng bác sĩ không bao giờ dắt bệnh nhân phòng mạch tư mà mình chữa khỏi bệnh vào bệnh viện nơi mình công tác để bắt bệnh viện hay Nhà nước công nhận rằng mình là bác sĩ giỏi từ đó thăng chức hay tăng lương.
Nhưng giáo viên dạy thêm thì khác, họ dạy tủ cho học sinh xong rồi khi thi thì cũng chính họ tự chấm điểm 9 hay 10 và căn cứ theo đó thì họ đòi hỏi Nhà nước công nhận họ dạy giỏi, đạt thành tích cao và được thưởng cuối năm, được thăng chức. Giáo viên tiêu cực đã lạm quyền để trục lợi cho cá nhân. Điểm khác nhau giữa việc dạy thêm của giáo viên và phòng mạch tư của bác sĩ là chỗ đó.
Không thể giải thích cho con vì sao học giỏi không được lãnh thưởng
Như con tôi học lớp 1 năm ngoái lớp có 45 học sinh thì hết 44 là học sinh giỏi còn lại một em là học sinh tiên tiến! Chắc chắn là cô giáo sẽ được đánh giá là dạy giỏi và hoàn thành tốt nhiệm vụ, cuối năm được khen thưởng. Nhà trường bảo cô giáo chọn ra 10 em giỏi nhất được lãnh thưởng thì cô giáo chọn ra toàn em học thêm nhà cô. Trong lớp con tôi có đến 30 em học thêm nhà cô trong tổng số 45. Mỗi tháng cô giáo thu được 12 triệu từ tiền dạy thêm. Con tôi cứ thắc mắc là tại sao cháu cũng toàn cố gắng hết sức đạt được toàn điểm 10 và cũng ngoan cô giáo khen nhưng lại không được lãnh thưởng mà các bạn lại được?
Tôi phải tìm đủ mọi lý do biện bạch, thậm chí bắt lỗi cháu khuyết điểm này nọ để bào chữa chuyện cháu không được chọn lãnh thưởng ở lễ bế giảng (con tôi không học thêm cô chủ nhiệm). Tôi muốn bảo vệ sự trong sáng và thơ ngây của đứa trẻ 7 tuổi và muốn con tôi luôn yêu mến, kính trọng cô giáo mình. Nhưng tôi không biết chắc là sẽ giấu diếm con tôi sự thật phủ phàng này được bao lâu nữa.
Tôi nhớ là khi tôi học cấp 1 trước 1975 cuối năm lớp tôi chỉ có một người xuất sắc và 2 hay 3 người giỏi. Có năm cô giáo buồn bã thông báo rằng năm nay lớp mình không có học sinh xuất sắc và chỉ có 2 học sinh giỏi. Ở Việt Nam bây giờ học sinh giỏi 12 năm liên tục không hề hiếm và cứ mỗi 4 ngày là người ta có thể sản xuất ra được một ông tiến sĩ với luận văn kiểu như "đặc điểm giao tiếp giữa chủ tịch xã với dân’’. Nếu quả đây là thực học thì ngày nay Việt Nam đã sánh ngang Singapore hay Nhật rồi.
Bệnh thành tích và giáo trình không hợp lý cũng góp phần khiến vấn nạn dạy thêm trầm trọng. Giáo viên nói rằng giáo trình nặng nên họ phải bày ra dạy thêm. Điều này không đúng, chính vì họ dạy thêm và chấm điểm cao vô tư như thế nên học sinh giỏi bị lạm phát. Các con số thống kê trong ngành giáo dục luôn rất đẹp kiểu như lớp 45 học sinh thì 44 em là giỏi như đã nói ở trên. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông luôn là từ 97% đến 99%. Con số như thế thì nói giáo dục Việt Nam tệ là đúng chỗ nào?
Nếu các giáo viên cứ dạy thêm, chấm điểm thiếu công tâm thì sẽ không bao giờ giải quyết được các vấn nạn của ngành giáo dục. Chúng ta phải chấp nhận kết quả học của học sinh kém đi vì chấm điểm đúng thực chất thì khi đó Bộ giáo dục sẽ nghiêm túc xem lại giáo trình, xem lại cách quản lý, tổ chức... Chúng ta cứ khoe khoang rằng học sinh Việt Nam đạt huy chương vàng Olympic Toán học, Tin học..., chúng ta thích luyện gà chọi để khoe khoang sự ưu việt của con người Việt Nam cũng như nền giáo dục nước nhà. Nước Mỹ không quan tâm và không có học sinh đoạt giải vàng thi Olympic môn học nhưng lại có rất nhiểu nhà khoa học đoạt giải Nobel và là siêu cường. Còn Việt Nam đang đứng ở đâu trên thế giới thì mọi người ai cũng biết rõ rồi.
Tôi đã đọc rất nhiều bài viết của các giáo viên tâm huyết và có đạo đức, tôi hoàn toàn tin lời của những thầy cô này. Một số bình luận bên dưới bài viết nói rằng thầy cô ngụy biện là hơi cực đoan. Nhà nước không thể thống kê chính xác có bao nhiêu giáo viên tiêu cực và bao nhiêu giáo viên tốt để có cách quản lý riêng cho phù hợp từng đối tượng. Luật pháp là áp dụng chung cho tất cả và nhằm ngăn chặn xu hướng của 99% giáo viên tiêu cực kia. Nhà nước vẫn để ngỏ khả năng giáo viên muốn dạy thêm để tăng thu nhập thì buổi tối đến các trung tâm đăng ký dạy như vậy sẽ tránh được việc giáo viên lạm quyền và cũng tránh được dư luận cho rằng "cứ không quản lý được thì cấm’’.
Trên đây là vài suy nghĩ của cá nhân tôi, tôi rất mong mọi người nhất là các vị phụ huynh tích cực nói lên suy nghĩ của mình để góp phần dẹp bỏ vấn nạn học thêm, dạy thêm và lớn hơn nữa là giúp nền giáo dục nước nhà đi lên. Nếu chúng ta cứ tiếp tục im lặng chịu đựng thì người trả giá không phải chúng ta mà là con cháu, những đứa trẻ đang cắp sách đến trường tâm hồn còn thơ ngây, hồn nhiên.
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/g ... 59004.html