Cách dạy học của chúng ta thiên về receptive, tức là nghe giảng, ghi nhớ và cố hiểu . Ví dụ như khi cô giáo Anh văn dạy chữ “milk”, cô giáo giảng nghĩa chữ milk, rồi cho học sinh về nhà học thuộc lòng chữ milk. Có cô giáo siêng hơn thì đi tìm một mẩu chuyện tiếng Anh có chữ milk cho học sinh đọc. Đó là kiểu học dựa nhiều trên NN cảm nhận, đọc, nghe…
Một cách dạy tốt hơn là dạy dựa trên cả receptive và expressive, dựa trên NN cảm nhận và diễn đạt. Khi dạy milk, cô giáo sẽ chia ra 2 mục tiêu nhỏ như sau:
+ Nhận ra chữ milk
+ Dùng chữ milk
1/ Để dạy nhận ra chữ “milk”, cô giáo giảng nghĩa, cho đọc một đoạn văn có chữ milk (thị giác), cho nghe một đoạn thoại có chữ “milk” (thính giác), cho cầm hộp sữa có ghi chữ “milk” (xúc giác), cho coi video và nghe xem lúc nào người trong video nói chữ “milk” (cả thị và thính giác). Tức là cô giáo dạy receptive qua nhiều kênh.
2/ Sau khi dạy nhận ra chữ “milk”, cô giáo dạy dùng chữ milk. Cô chơi trò chơi bán hàng, cho học sinh hỏi cô xem “milk để ở đâu”, “milk giá bao nhiêu”. Sau đó cô dẫn đi ra siêu thị, cho mua “milk” thật.
Nếu có thì giờ, cô giáo còn cho coi video về quy trình làm ra sữa, cho biết có các loại sữa nào.
Với cách dạy tách ra 2 mục tiêu nhỏ như vậy, cộng với dạy qua nhiều kênh khác nhau (thị giác, thính giác, xúc giác), học sinh hiểu và nhớ chữ “milk” rất sâu. Các em không những hiểu nó là gì mà còn biết cách dùng nó trong đúng tình huống.
Đôi khi chúng ta dạy các em kỹ năng sống, ví dụ như “gặp … thì chào như vầy …”, dạy mãi mà các em không làm được. Lý do thông thường nhất là chúng ta không chia nhỏ mục tiêu ra, chia cái “biết” thành ra 2 mục tiêu nhỏ là “nhận ra” và “nhận ra được rồi thì làm gì”.
Kết luận:
Khi dạy học, cần tách cái mục tiêu “biết làm” ra thành “nhận ra” và “nhận ra được thì làm gì”. Khi dạy, cần coi trọng cả receptive và expressive, và cần dạy qua nhiều kênh khác nhau.