Tôi sẽ trình bày lại 1 case liên quan tới người TK trưởng thành & rắc rối về pháp luật tại California để chúng ta hiểu các nguy cơ tiềm tàng, và biết được chúng ta nên làm gì ngay lúc này. D năm nay 21 tuổi, đã được điều trị từ nhỏ nhưng nhận thức ngang với một học sinh lớp 5. D đang ở với mẹ còn ba đã mất lúc D 15 tuổi. Hai mẹ con ở trong một khu nhà mobile home tại San Jose.
Trước ngày hôm đó, mẹ của D cũng có nhiều điều buồn phiền. Tuy nhận thức có thể kém, nhưng cảm nhận chung quanh tốt. Việc buồn phiền của mẹ đã làm D bị ảnh hưởng, cộng với vài trục trặc, tranh luận với hàng xóm làm D bùng nổ, đập phá đồ đạc.
Mẹ D gọi cảnh sát, một phần hy vọng là cảnh sát sẽ dọa được D, một phần cũng sợ D làm bậy. Khi cảnh sát tới, gõ cửa bước vào phòng, D phản đối là chưa gõ cửa mà vào. Một cảnh sát (nữ) hỏi: Con muốn làm tổn thương mẹ hay sao? D trả lời: uhm.
Cô cảnh sát được mẹ D cho biết D đang uống thuốc, bèn hỏi tiếp: Con muốn làm chính mình tổn thương không? D trả lời: tôi cũng muốn tự đánh tôi.
Cô lùi lại, gọi một chú cảnh sát bên ngoài vào và giải thích: Cô chú sẽ phải đưa con ra khỏi đây.
Khi họ tới còng tay D thì D bất ngờ xô mạnh làm cô cảnh sát ngã vào tủ. Chú cảnh sát xông vào đè D xuống, còng và chở vào Sở cảnh sát. Mẹ D đưa chai thuốc, dặn cho D uống (nhưng chị không hiểu rằng cảnh sát sẽ không cho uống. Họ sẽ phải liên lạc nhóm Y khoa để biết thuốc là gì…)
Việc D không được cho uống thuốc theo cữ tối đó, việc bị tạm giam cho tới sáng hôm sau mà không được bảo lãnh tại ngoại, việc chú cảnh sát phải trấn áp D… đều do gia đình không chuẩn bị sẵn hồ sơ Y khoa. Và gia đình quên một điều: lực lượng cảnh sát không phải là nhóm can thiệp hành vi. Ưu tiên của họ là ngăn ngừa bạo lực chứ không phải tìm hiểu nạn nhân để đưa phương án can thiệp tối thiểu.
Theo thống kê năm ngoái của San Jose thì 40% nạn nhân bị cảnh sát sử dụng sức lực quá mức cần thiết là những người TK trưởng thành hoặc bệnh nhân tâm lý. Trong cộng đồng người Việt tại đây đã có 2 vụ bị cảnh sát bắn chết. Một người trước khi bị bắt thì đã cầm con dao ném vào cảnh sát, và cảnh sát không biết đó chỉ là con dao bào.
(
https://en.wikipedia.org/wiki/Shooting_ ... u_Thi_Tran)
D bị nhốt, dĩ nhiên là chung với các nghi phạm khác. Tuy không bị bạo lực hay chế diễu nhưng việc bị đưa tới một nơi lạ lẫm làm D hoảng sợ, hành vi lại càng khó hiểu cho lực lượng cảnh sát. Khi họ tháo còng để D thay áo thì D bất ngờ xô ngã cảnh sát, chạy ra ngoài đường và liên tục kêu tên mẹ (mẹ người Việt Nam) nên cảnh sát không hiểu D đang tính làm gì.
Sau một chặng đường lao lý, tốn nhiều thời gian, tiền bạc, D được tuyên bố trắng án nhưng gia đình được cho phép trả góp án phí. Mẹ của D hiểu rằng việc không liên lạc với các chuyên gia hành vi, những người từng điều trị tâm lý cho con mình, việc không có sẵn hồ sơ Y khoa... là những bất lợi. Chỉ cần một hiểu lầm nhỏ, cảnh sát đã có thể bắn D nếu như trong phòng D có dao, kiếm và D cầm lên tấn công.
Các phụ huynh có con TK trưởng thành, nên nói về tình trạng của con mình cho các lực lượng công an, cảnh sát tại địa phương hiểu về con. Giữ các hồ sơ, các báo cáo hành vi để lỡ khi ra tòa, có thể chứng minh đó là khó khăn của con mình khi còn nhỏ. Chúng ta nên tôn trọng và hiểu là lực lượng công an, cảnh sát có ưu tiên giữ gìn trật tự, ngăn ngừa bạo lực chứ họ không thể tìm hiểu thuốc men, can thiệp hành vi cho con mình được.
Giữ quan hệ tốt với những ai từng can thiệp hành vi hay tâm lý cho con mình. Giữ các báo cáo hành vi nơi con mình can thiệp: đó có thể là bằng chứng xin quan tòa thông cảm cho các hành vi không may của con mình sau này.