Ngủ Ngoan Con Hãy Ngủ Ngoan
Gió Lay Mặc Gió, Ngủ Ngoan Đi Nào
Tác giả: Marci Wheeler, http://www.iidc.indiana.edu, Feb 03, 2009
Dịch: Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Trị Liệu Ngôn Ngữ, ConCuaMe.com
Lời người dịch: 1) tựa đề bài viết của bà Marci Wheeler là một câu văn vần của Hoa Kỳ, tôi xin phép lấy hai câu lục bát ru con ra thay. 2) Cụm từ “typically developing children” hay “normal children” không phù hợp với chủ trương chung của Cùng Nhau Vuợt Khó. Chúng tôi xin tạm gọi thay nhóm trẻ “bình thường” là “trẻ phát triển đúng chuẩn.”
Phần lớn phụ huynh đã có kinh nghiệm khi con khó ngủ, dậy đêm, hoặc chỉ ngủ một vài giờ mỗi đêm. Loại khó ngủ tạm thời là một giai đoạn phát triển. Chứng khó ngủ kéo dài và thường xuyên có thể gây tác hại xấu nơi trẻ, nơi phụ huynh và mọi người sống chung. Trẻ trong phổ TK có vẻ phải chịu đựng chứng mất ngủ thường xuyên hơn và nặng nề hơn trẻ phát triển đúng chuẩn. Những khó khăn về giấc ngủ có thể mau chóng trở thành thử thách cho cha mẹ.
Có nhiều yếu tố phải giải quyết khi thiết lập kế hoạch giúp trẻ ngủ tốt. Trước tiên, những lý do y khoa gây mất ngủ phải được khám chuẩn. Cũng nên xét đến thức ăn, hoặc/và dị ứng môi trường, rối loạn tiêu hóa, và động kinh. Tất cả mọi khó khăn này đều thường thấy nơi trẻ trong phổ TK. Ngoài ra, chứng khó ngủ cũng có thể là phản ứng phụ của những loại thuốc men mà một cá nhân sử dụng và vì thế yếu tố này cũng nên được xét đến.
Chứng khó ngủ
Rối loạn giấc ngủ nơi đứa con trong phổ TK của bạn không phải là loại khó ngủ bình thường. Chứng sleep apnea là rối loạn có thể ảnh hưởng bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào. Đó là loại rối loạn khiến chúng ta ngừng thở vì khí quản bị nghẹt khi ngủ. Nguyên nhân thường nhất là phần thịt dư ở cổ bị sưng. Bệnh hô hấp phần thượng hay dị ứng cũng có thể gây sleep apnea. Ngoài việc ngưng thở, biểu hiện của sleep apnea nơi trẻ em còn có: ngáy, thở bằng miệng, ngủ không yên, chảy mồ hôi, mộng du, và/hoặc ho hay sặc khi ngủ. Những rối loạn giấc ngủ khác nơi trẻ cần được chẩn bệnh là ác mộng hay tình trạng thức mà lơ mơ. Cả hai tình trạng này đều được coi là parasomnias. Đây là rối loạn khiến người mang bệnh có những hành vi bất thường khi còn đang ngủ. Trẻ em với khó khăn điều hòa ngũ quan sẽ gặp nhiều khó khăn để chìm vào giấc ngủ, và còn có thể mộng du.
Sau khi những nguyên nhân khả dĩ về y khoa đã được giải quyết, những yếu tố còn lại gây khó ngủ nên được xem xét và giải quyết. Những yếu tố ấy có thể là: môi trường, giờ giấc ngủ và việc sửng dụng phương pháp huấn luyện ngủ. Mỗi yếu tố này được thảo luận thêm sau đây:
Môi trường
Sau khi đã thẩm định môi trường mà con bạn ngủ một cách chi tiết, có thể cần có những thay đổi và điều chỉnh để giúp bé ngủ một cách thư thái.
Hãy xem bé có quá nóng hay quá lạnh không. Hãy xem lại nhiệt độ trong phòng, ra giường, áo gối để xem kết hợp ra sao thì tốt cho bé. Hãy nhớ là mức nhậy cảm của bé với nhiệt độ rất khác với mức nhậy cảm của bạn. Bạn thử nhớ xem trong ngày bé thích chơi ở những nơi có nhiệt độ thế nào.
Hãy xem đến những nhậy cảm về lãnh vực sờ chạm. Có những bề mặt cảm xúc nhất định khiến bé thư giãn hoặc cảnh tỉnh. Hãy xem bề mặt cảm xúc của ra giường hay áo gối ra sao. Con bạn có thể còn muốn hai bàn chân được thò ra hoặc dấu vào trong quần áo ngủ, trong với, hay trong mền. Bộ quần áo chật bao nhiêu hay rộng bao nhiêu, hay ngay cả chúng có dây thung hay không, cũng là một vấn nạn với một số trẻ. Ngoài ra, chiếc mền của bé có thể sẽ cần có độ nặng để tạo sức ép.
Hãy để ý đến âm thanh và xem chúng ảnh hưởng con bạn thế nào. Buổi tối, khi cố gắng thư giãn và ngủ, những âm thanh bé nghe thấy có thể quá lớn và bé thì không thể nào lọc chúng qua một bên. Những âm thanh này, như nước nhỏ giọt hay con thú cào cào có thể không làm phiền gì bạn hay những thành viên khác trong nhà nhưng rất phiền toái đối với đứa con trong phổ TK của bạn. Bạn có thể lưu ý đến âm thanh trong nhà xem chúng ảnh hưởng bé thế nào không? Đôi khi, chỉ cái quạt, máy lọc không khí, TV hay nhạc êm dịu trong phòng bé có thể kích hoạt những âm thanh khác, và cung cấp một loại âm thanh thống nhất có thể khiến bé thư giãn, thoái mái.
Cũng nên chú ý đến những kích thích thị giác có thể gây khó khăn cho giờ ngủ của bé. Bé có sợ bóng tối không? Một số trẻ trong phổ TK có thể thích những chỗ tối vào ban ngày, nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc mong đợi bé ngủ trong phòng thật lớn nơi mà chiếc giường chìm trong bóng tối. Đèn đường, ánh trăng, đèn xe chiếu vào phòng ở những khoảnh khắc nhấp nháy có thể ảnh hưởng giấc ngủ của bé. Việc cho bé căn phòng có lượng ánh sáng hay bóng tối thống nhất là điều quan trọng, tùy vào nhu cầu của bé.
Thói lệ khi đi ngủ và phổ TK
Thói lệ trước khi đi ngủ rất quan trọng đối với đa số trẻ trong việc thiết lập một mẫu mực ngủ nghỉ tích cực, nhưng lại vô cùng thiết yếu đối với trẻ trong phổ TK.
Con bạn sẽ được lợi nếu giờ đi ngủ thống nhất. Hãy chọn giờ có lý cho con và cũng là giờ bạn có thể luôn bám theo để giúp con.
Trẻ trong phổ TK cần biết điều gì sẽ xẩy ra kế tiếp. Việc thiết lập những thói lệ cho ngủ nghỉ có thể giúp bé những dự đoán, và một khuôn mẫu thoải mái, quen thuộc. Thời khóa biểu cho việc đi ngủ có thể giúp bé hiểu thêm và thấy có quy luật hơn. Thời khóa biểu này có thể là những nhắc nhở và mang lại sự thống nhất cho cả nhà.
Thói lệ đi ngủ tốt sẽ giúp bé thư giãn, bình tâm và sẵn sàng ngủ. Thí dụ, nếu việc tắm rửa là điều bé kinh sợ và bị kích thích quá, dù bạn có muốn bé tắm rồi mới ngủ, có lẽ tốt nhất là bạn tắm bé vào một thời điểm khác trong ngày. Tương tự, có thể có những hoạt động điều hòa ngũ quan mà bạn đã thấy có thể giúp bé thư giãn trong ngày, bạn có thể lập lại chúng như một trong những thói quen đi ngủ.
Thói quen đi ngủ nên đúng giờ trong mọi ngày, và nên kèm những hoạt động mang tính vui thú, nhẹ nhàng cũng như đặc biệt và cá nhân hóa theo nhu cầu cùng sở thích của bé. Một thói quen đi ngủ trên thực tế nên có 4 đến 6 bước với khoảng thời gian khả dĩ là những gì nên được thực hiện mỗi tối.
Một số hoạt động cũng được coi là một phần của thói quen đi ngủ gồm có coi cùng một cuốn sách hay truyện mỗi tối, chào good night với cùng những đồ vật yêu thích, đi tiêu tiểu, tắm, mặc đồ ngủ, đánh răng, uống cốc nước, hát bài hát quen thuộc hay cầu nguyện, nghe nhạc êm dịu mà bé thích, ôm và hôn những thành viên trong nhà, hoặc tham gia hoạt động điều hòa ngũ quan êm nhẹ nào đó.
Trong những ngày bạn vắng nhà hoặc phải về trễ, việc bám theo những thói quen này là rất quan trọng. Bạn có thể cắt ngắn mỗi bước và giảm mức bực bội do những thay đổi này. Nếu bé vắng nhà một hai hôm, bạn có thể thấy những khó khăn cũ nổi lên. Ngay cả trong một môi trường mới tạm thời, những thói quen này sẽ hữu ích. Khi trở về nhà, thói quen đi ngủ sẽ tiếp tục có hiệu quả, dù sự kích động vì thay đổi có thể mất một hai đêm mới phai mờ tùy vào con bạn và cũng tùy thời gian bạn đi xa.
Huấn luyện thói quen đi ngủ và TK
Khi giải quyết những vấn nạn liên quan đến y khoa, các yếu tố môi trường và thói quen đi ngủ, đó cũng là lúc bạn chạm đến mảnh cứng cỏi nhất trong nỗ lực thiết lập một khuôn mẫu ngủ nghỉ tích cực: dậy bé ngủ suốt đêm. Có nhiều cách huấn luyện thói quen đi ngủ mà bạn có lẽ đã đọc qua hay nghe qua. Căn bản là sau khi đã thực hiện những thói quen đi ngủ và bé đã vào giường hay vào nôi, bạn hãy rời phòng ngay mà không trao đổi dài dòng hay nỗ lực sờ chạm gì bé thêm bằng bất kỳ hình thức nào.
Nếu bé tức giận và rõ rang là không ngủ, hãy chờ vài phút rồi hãy trở lại phòng xem bé ra sao. Việc trở lại xem bé gồm có việc trở lại phòng và sờ chạm, xoa vuốt bé thật mau (không hơn 1 phút, và nếu được thì ít hơn thế), hoặc có thể high five [hai người dơ tay đập vào tay nhau], thumbs up [dơ ngón cái theo kiểu “con là số một”], ôm đối với những bé lớn hơn đã có thể đáp trả những cử chỉ này. Nhẹ nhàng nhưng cương quyết, hãy nói: “Không sao, đã đến giờ ngủ, con không sao hết” hay một câu nào đó tương tự rồi rời phòng cho đến khi bạn trở lại lần nữa hay khi bé đã ngủ say.
Việc sử dụng kỹ thuật này một cách đều đặn thường là khó cho cha mẹ hơn cho trẻ. Nó có thể mất vài giờ trong những đêm đầu tiên. Thật quan trọng để biết rằng hành vi ứng xử của bé rất có thể sẽ tồi tệ đi trong vài ngày trước khi trở nên tiến bộ hơn. Đây là lúc bé thử nghiệm những thay đổi và cố gắng đưa thói quen cũ trở lại. Nhiều bé ở tuổi lớn hơn lại không thường mệt mỏi ở giờ mọi người đi ngủ, thói quen nằm trong giường hay trong phòng nhưng im lặng có lẽ thích hợp. Các phương pháp huấn luyện thói quen đi ngủ vẫn có thể được áp dụng trong tình huống này. Ngoài ra, cổng hay những miếng chắn có thể cần được cài ở cửa phòng để nhắc bé rằng đã đến lúc đi ngủ và sự mong đợi dành cho bé chính là việc bé phải ở trong phòng của mình.
Nếu con bạn đã lớn và chưa bao giờ ngủ qua đêm, chính bạn cũng có thể đang thiếu ngủ trầm trọng. Hãy yêu cầu bác sĩ, chuyên gia tâm lý, cán sự xã hội hay người lo giấy tờ của gia đình xem bạn đã nộp đơn xin bảo hiểm sức khỏe miễn phí chưa. Có lẽ không dễ tìm ra chuyên viên hiểu biết nhưng bạn có thể các phụ huynh khác xem họ có biết ai đã giúp họ xưa kia không. nếu bé có vẻ tệ đi trong thói quen đi ngủ, bạn có lẽ nên tham khảo với những chuyên gia thật hiểu biết. Cũng thế, bạn cần thực hiện những lần khám định y khoa và đi tiếp từ đấy. Đôi khi nếu những lý do y khoa đã bị loại ra, việc uống thuốc ngủ ngắn hạn có bác sĩ cho toa theo dõi có thể giúp thay đổi thói quen ngủ tệ hại kia, trong khi bạn tiếp tục giúp bé nỗ lực xây dựng thói quen đi ngủ tích cực.
Melatonin, giấc ngủ và phổ TK
Nhiều bác sĩ trong chuyên ngành TK đã thực hiện những nghiên cứu tiên phong về việc dùng phụ chất melatonin ngắn hạn, loại có thể mua không cần toa. Melatonin có thể hỗ trợ việc thiết lập giấc ngủ bình thường cho một số trẻ bằng cách giúp các em đi vào giấc ngủ mau hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại lưu ý rằng đôi lúc melatonin thôi hiệu lực và thường không giúp được việc trẻ thức giấc ban đêm. Thêm vào đó, ảnh hưởng về lâu về dài của melatonin chưa được tìm hiểu kỹ. Một số phụ huynh đã tìm ra rằng những loại sinh tố phụ trợ có thể giúp con ngủ được.
Không lạ gì khi trẻ trong phổ TK khó đi vào giấc ngủ, chỉ ngủ vài tiếng mỗi lần, và/hoặc ngủ mà không đi qua đi lại cả đêm. Những thói quen xấu này của giấc ngủ dễ hình thành và rất khó thay đổi. Một vấn nạn không được thảo luận trong bài viết này là thói quen ngủ của con bạn. Thói quen này xuất hiện khi lối ngủ nghỉ tiêu cực của bé ảnh hưởng không chỉ bé mà cả cha mẹ và những người còn lại trong gia đình.
Nếu bé có thói quen ngủ với cha hoặc mẹ hay/và ngủ trong giường cha mẹ, những bước tương tự như đã mô tả ở trên nên được thực hiện với hỗ trợ phụ trội trong việc xem xét môi trường và thói quen đi ngủ. Thí dụ, cái gối hay vật nào khác từ phòng cha mẹ có thể làm cho phòng của bé thành dễ chịu hơn khi cha mẹ đưa bé ra ngủ riêng. Việc làm giảm nhậy cảm với phòng ngủ mới hay giường mới có thể nên đưa vào thói quen đi ngủ. Việc này nên được thực hiện mỗi ngày trong một chuỗi ngày hay vài tuần trước khi được ghép vào một bước trong thói quen đi ngủ.
Vì đã quá đủ áp lực, lời khuyên tốt nhất là xin tránh tạo những thói quen đi ngủ mà bạn có thể hủy bỏ sau này. Tốt nhất là không hủy gì cả.
Việc khám định những vấn nạn y khoa, môi trường để tạo vào thường xuyên bám theo một thói quen đi ngủ có thể làm tăng chất lượng đời sống của cả nhà. Nỗ lực này cần thời gian để có thể thiết lập thói quen đi ngủ tích cực, đặc biệt nếu bạn phải thay đổi một khó khăn đã kéo dài quá lâu. Các gia đình thường phải lấy vấn nạn ngủ nghỉ này làm ưu tiên số một cho đến khi đã thiết lập được thói quen đi ngủ tích cực. Đây là ưu tiên xứng đáng để nỗ lực thực hiện.
References
Dodge, N.N. & Wilson, G.A. (2001). Melatonin Reduces Sleep latency in children with developmental disabilities. Journal of Child Neurology, 16, 581-584.
Durand, V.M. (1998). Sleep better! A guide to improving sleep for children with special needs. Baltimore, MD: Paul H. Brookes Publishing.
Hayashi, E. (2000). Effect of melatonin on sleep-wake rhythm: The sleep diary of an autistic male. Psychiatry and Clinical Neuroscience, 54 (3), 383-4.
Mindell, J.A. (1997). Sleeping through the night: How infants, toddlers, and their parents can get a good night’s sleep. New York, NY: Harper Collins Publishers.
Tác giả: Marci Wheeler, http://www.iidc.indiana.edu, Feb 03, 2009
Dịch: Nguyễn Tường Anh, Thạc Sĩ Trị Liệu Ngôn Ngữ, ConCuaMe.com
ConCủaMẹ.com