Bài tập chéo: có nên tập? tại sao?

Bài tập chéo: có nên tập? tại sao?

Gửi bàigửi bởi phi » T.Hai Tháng 10 28, 2013 2:40 pm

Bài tập chéo

Tại sao trong cộng đồng TK tại Việt Nam có lan truyền các bài tập chéo? Ai là người khởi xướng? Tại sao nên làm? Có rất nhiều câu hỏi không có câu trả lời, nhưng tôi biết một điều là mỗi lần đưa cho đồng nghiệp tại Hoa Kỳ coi các video tập chéo, họ thường phản ứng một cách ngạc nhiên có lịch sự.

Tại Hoa Kỳ, bài tập chéo bắt nguồn từ một “huyền thoại” về não (myth) của những thập niên 80 gọi là “não trái / não phải”. Một ví dụ của huyền thoại này là có người suy nghĩ kiểu “não phải”, thiên về cảm tính, có cái nhìn tổng thể còn người “não trái” thì mạnh về phân tích, nhìn sự vật khách quan.

Cái huyền thoại não trái / não phải này xuất phát từ một hiện tượng mà các bạn học bên tâm lý biết qua từ lateralization brain function. Nó phát sinh ra từ các cuộc thí nghiệm của ông Roger Sperry, người được giải Nobel năm 1981. Ông nghiên cứu các bệnh nhân động kinh, thấy rằng nếu cắt “cái cầu” giữa 2 bán cầu với nhau thì sẽ giảm được động kinh.

Cái cầu đó là cái gì ? Tưởng tượng 2 bán cầu phải / trái của bạn là quận 2 và quận Bình Thạnh, 2 bên giao thông đông đúc . Bên thì chuyên về mặt hàng A còn bên thì chuyên mặt hàng B. Và nối q 2 với q Bình Thạnh thì chúng ta chỉ có 1 cái cầu tên là cầu Sài gòn. Mỗi lần hàng hóa cần đi qua lại, xe tải phải đi qua cái cầu duy nhất này, gây nên cảnh kẹt xe thường xuyên.

Tuy là cắt cái cầu đi thì hết động kinh, nhưng dĩ nhiên là không thể cắt cái cầu giữa 2 bán cầu não đi được. Khi làm vậy thì có những vật mà đưa ra trước mặt, chúng ta không thể gọi tên nó ra được dù chúng ta biết rõ nó là cái gì.

Tại sao vậy ? Nói đơn giản là vì “định nghĩa” của vật thì nằm ở bán cầu phải, còn “ngôn ngữ” thì nằm ở bán cầu trái . Khi cắt cái cầu đi, 2 bên não không giao thương được nên bệnh nhân không thể gọi tên vật đã từng biết rất rõ.

Chúng ta biết điều này rõ ở những người tai biến mạch máu não, liệt bán cầu trái đưa tới liệt nửa người phải, mất ngôn ngữ. Bạn đã gặp các bệnh nhân split-brain chưa ? (tên khoa học là chấn thương corpus callosum). Bạn che mắt phải họ đi rồi đưa cho họ nhìn hình cái xe đạp chẳng hạn, họ sẽ không gọi tên cái xe đạp được . Cho họ nhìn cả 2 mắt, họ sẽ gọi được ngay .

Với các tiến bộ khoa học ngày nay, người ta biết việc người suy nghĩ kiểu não trái / não phải chỉ là myth, là huyền thoại . Có những bài toán mà phải cần cả 2 bên mới làm được, có những người thuận tay trái / não phải nhưng lại mạnh về phân tích và nhin khách quan. Mới đây nhất, Đại học Utah tại Hoa Kỳ theo dõi sóng não đồ của một ngàn người và họ nhận ra là người ta dùng cả 2 phần não phối hợp với nhau, không có chuyện thiên về não trái não phải như một thời từng lầm tưởng.

So far so good, tức là nãy giờ thì khoa học chính xác, chưa có gì sai lệch. Chuyện bắt đầu xấu đi khi một số người tin rằng “để con tôi thông minh hơn, tôi cần bắt 2 bán cầu não nói chuyện với nhau.”

Bắt bằng cách nào ? Bằng cách khi giơ tay phải lên, tôi bắt con tôi phải giơ chân trái và ngược lại, khi giơ chân trái lên thì bé cần giơ tay phải . Tức là tay chân phải ngược với nhau, bắt tín hiệu não trái phải chạy qua bên phải và ngược lại, bắt não phải truyền thông tin qua não trái .

cc.jpg
cc.jpg (4.39 KiB) Đã xem 3711 lần.


Và tình hình xấu hơn khi một số người tập cho con mình, thấy bé tốt lên thật. Tốt là vì bài tập ? Hay tốt lên vì mình bỏ thì giờ với con nhìều hơn ? Hay tốt vì khi bỏ thì giờ chỉ cho con làm, mình đang dạy con về ngôn ngữ cảm nhận ? Đã có nhiều nghiên cứu ở lĩnh vực này tại Hoa Kỳ. Kết luận chung là “tốt lên vì mình dạy con mình, không phải do bài tập chéo”.

Đó là lý do tại sao bài tập chéo được đề xướng ở Hoa Kỳ từ thế kỷ trước và đã bị dẹp bỏ. Tuy nhiên tôi không biết tại sao chúng ta vẫn theo đuổi ở Việt Nam? Ai là người sáng chế hay du nhập về ? Họ có hiểu vấn đề hay họ có một nghiên cứu khoa học riêng mà chưa chia xẻ với cộng đồng khoa học thế giới ? Người chỉ cho bạn tập chéo, họ có giải thích cho bạn tại sao chưa ? Nếu bạn đưa bài viết này cho họ đọc, họ phản biện ra sao ?

Trong các video một số phụ huynh gửi đường truyền tới, tôi còn thấy có cảnh phụ huynh, giáo viên nắm chân tay bé, đẩy bé phải tập, còn bé thì dĩ nhiên là la hét kháng cự. Như vậy thì dù huyền thoại trên có đúng, việc bé không tự chủ điều khiển chân tay mình đã làm mất ý nghĩa bài tập . Đó là chưa kể tới vấn đề tâm lý, gắn bó giữa giáo viên và học sinh. Việc có 2 người lớn đè mình xuống đẩy chân tay mình, cho dù là có ích, cũng vẫn làm mình hoảng sợ và bực dọc.

Nếu bạn hỏi “tập chéo thì có hại không”, tôi xin hỏi lại bạn, “nếu không tập, bạn dùng thì giờ đó làm chuyện gì khác?” Trẻ TK, nhất là ở Việt Nam do phát hiện trễ, đã không còn nhiều thời gian để can thiệp . Việc sử dụng thì giờ (không còn nhiều) cho con bạn ra sao, bạn là người quyết định.
Phi
Special Ed.
Hình đại diện của thành viên
phi
 
Bài viết: 5627
Ngày tham gia: CN Tháng 2 08, 2009 10:23 am

Re: Bài tập chéo: có nên tập? tại sao?

Gửi bàigửi bởi gvhieu » T.Sáu Tháng 11 20, 2015 11:43 pm

Chào thầy. Thầy không trả lời "nên" hay "không nên" áp dụng bài tập chéo nhưng em thấy có vẻ nó thiên về "không nên". Em có một số thắc mắc:
1. Đọc bài của thầy xong, em chợt nhớ đến một số trò chơi mà trước đây trong các buổi sinh hoạt tập thể người quản trò hay cho chơi. Trò chơi đại loại như cùng lúc cho cử động 2 tay hoặc 2 chân rồi thình lình bảo mình dừng tay phải hoặc tay trái lại. Phần lớn, mọi người sẽ dừng cả hai tay hoặc 2 chân. Như vậy, mục đích của trò chơi là tạo ra sự tò mò cho người tham gia, khiến họ tập trung và để tạo ra không khí sôi nổi trong buổi sinh hoạt. Nếu như vậy, mình có thể sử dụng như một bài vận động tinh để áp dụng được vào cho TTK không, nhất là đối với các em có nhận thức cao?
2. Trước đây, em có quen một bé cầm viết tay trái nhưng phụ huynh của em khẽ tay và bắt em viết tay phải. Mặc dù em đã viết được tay phải nhưng em không nói được trong vòng 1 tuần. Như vậy có phải em bị rối loạn trong việc truyền thông tin giữa hai bán cầu não?
3. Em thấy trong các bài tập thể dục cũng có một số động tác tập chéo. Em có thử làm một vài động tác tập chéo như gặp người, tay phải chạm chân trái hoặc động tác như trong hình thầy đưa thì thấy có vẻ nhịp nhàng hơn, thoải mái hơn so với việc tập đúng tay phải - chân phải (em không biết là do thoái quen hay do đây là động tác phối hợp giúp toàn thân được vận động). Nếu bán cầu não trái điều khiến nữa người bên phải và ngược lại. Như vậy việc kết hợp hai nữa cơ thể sẽ tăng sự gắn kết và cân bằng giữa hai bán cầu não (câu này em ăn cắp được từ link https://books.google.com.vn/books?id=Fg ... 1i&f=false). Trong bài viết, họ cũng có một số bài tập chéo. Như vậy có thể xem bài tập chéo như bài tập phối hợp giúp toàn thân được cử động được không?
gvhieu
 


Quay về Những bài viết về Tự Kỷ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.12 khách.

cron