gửi bởi phtran1302 » T.Tư Tháng 10 02, 2013 7:18 pm
CHIA SẺ CỦA PHỤ HUYNH CÓ CON TỰ KỶ - 2
Không ai trong chúng ta sinh ra là đã biết làm cha mẹ, tất cả đều phải học làm cha mẹ khi có con và làm cha mẹ có con tự kỷ lại càng phải học hỏi nhiều. Khi bạn có con tự kỷ, bạn thường nghĩ về con nhiều hơn, lo cho con nhiều hơn và bản năng này càng mạnh mẽ hơn khi bạn ý thức được rằng trẻ tự kỷ lệ thuộc vào bạn nhiều hơn trẻ bình thường. Bản năng này mạnh mẽ đến mức bạn sẽ sẵn sàng hy sinh hầu hết ngày giờ, công việc cũng như mọi thú vui khi chăm sóc con.
Bạn có để ý và nhận thấy rằng khi đi máy bay hay tàu thủy, cha mẹ có con nhỏ đều được nhắc nhở – trong trường hợp nguy cấp cha mẹ phải mặc áo phao hay đeo uống dưỡng khí cho chính mình trước rồi sau đó mới đeo áo phao hay ống dưỡng khí cho con. Điều này hoàn toàn hợp lý, vì chỉ khi nào cha mẹ còn mạnh mẽ nhờ áo phao hay ống dưỡng khí lúc ấy cha mẹ mới có thể giúp con khi tai nạn xảy ra. Nếu cha mẹ ngất đi thì khó có cách nào và khó có ai có thể thay chỗ cho cha mẹ giúp con vào lúc ấy.
Vậy với trách nhiệm chăm sóc, giúp con tự kỷ đang chờ trước mặt, điều đầu tiên bạn hãy lo cho mình trước cả về tinh thần cũng như về thể chất. Ví dụ như
*** thương thân – bạn có lòng thương người nhưng bên cạnh đó bạn hãy thương bản thân bạn bằng cách giữ gìn sức khỏe cũng như giữ cho tâm hồn mình luôn được lành mạnh, tươi vui
*** hãy bỏ đi cảm nghĩ có lỗi khi con có chứng tự kỷ
*** biết tha thứ - tha thứ, bỏ qua hay coi nhẹ thái độ, lời nói của những người trong gia đình, bạn bè hay những người chung quanh đã làm cho bạn buồn hoặc bị tổn thương. Cuộc sống đang ở phía trước và bạn cũng phải bước tới, không thế nào bạn cứ dành thời gian để nghĩ hay nhớ tới những chuyện như thế mãi.
*** biết yêu quí chính mình – hãy nghĩ đến những ưu điểm của bạn như là - luôn là cha mẹ thương yêu và quí trọng con - tốt bụng, biết điều và nói năng khéo léo - biết chăm sóc chuyện nhà hay luôn làm tốt công việc của mình - vui tính, hăng hái hoặc sẵn sàng chịu cực, chịu khó – quí mến hết lòng với người thân, bạn bè…
*** thay đổi bản thân – chăm sóc tới vẻ bề ngoài của bạn, luôn giữ cho bạn có được sự tươm tất, gọn gàng cần thiết. Hãy luôn giữ cho khuôn mặt được tươi, tập nở nụ cười thân ái với mọi người mỗi ngày. Nụ cười sẽ làm cho bạn cảm thấy hài lòng với chính mình mà cũng làm cho mọi người chung quanh không khó xử với hoàn cảnh của bạn cũng như họ sẽ cảm thấy yêu mến bạn hơn
*** chăm sóc tâm hồn mình – có nhiều cách để làm phong phú tâm hồn của mình ví dụ như dành thời gian cho riêng mình để đọc sách một chút, nghe nhạc một chút, một chút đi dạo một mình, tiếp tục giữ một chút sở thích mà bạn đã có từ trước….
Trên hết bạn đừng vì con mà chôn vùi cuộc sống của bạn với một việc duy nhất là sống chỉ để lo cho con. Sự cân bằng giữa cuộc sống của chính bạn và sự chăm sóc, giúp đỡ con - là điều cần thiết. Cha mẹ đầy linh hoạt, mở lòng đón nhận muôn vẻ của cuộc đời sẽ giúp con được nhiều hơn là cha mẹ kiệt quệ về tinh thần, hoàn toàn bị hai chữ tự kỷ - khuyết tật - che phủ mọi suy nghĩ, khi ấy cha mẹ khó có thế thấy được trẻ tự kỷ là cũng con người cần có kích thích về trí tuệ, tâm linh và còn rất nhiều tiềm năng cần được phát triển.
Khi chính bạn không có gì cho chính mình thì khó có thể tin là bạncó gì cho con.
(Positive partnerships workshops)
Phương