Contrai An 9 tuổi

Mỗi chủ đề trong mục này như là một căn nhà phụ huynh dựng lên cho con mình. Mong mọi người cùng thăm hỏi hàng xóm, hỏi thăm tiến bộ của các bé và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

Contrai An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi conthattuyetvoi » T.Tư Tháng 2 25, 2009 1:38 am

Tôi có 2 con trai 9 tuổi và 4 tuổi. Khi có thông tin về trang web này tôi đã đăng ký ngay và rất mong được sự giúp đã của các anh chị trong nhóm chuyên gia về trường hợp cháu lớn của tôi. Tôi xin kể hơi dài một chút để anh chị hiểu rõ về cháu, xin anh chị thông cảm.
Khi nuôi cháu đầu lòng vì trong nhà không có đứa cháu nào để so sánh, cộng với chưa có kiến thức gì về các hội chứng rối loạn tâm thần nên tôi chỉ lờ mờ cảm thấy có điều gì hơi bất ổn ở con mình, nhưng chỉ khi cháu bắt đầu chuẩn bị đi học lớp 1 và cháu thứ 2 được 1 tuổi, tôi mới thực sự cảm thấy lo lắng về sự khác biệt con trai đầu.
- Cháu tên là An, khi có mang cháu được 3 tháng bị động thai mẹ cháu đã phải nằm viện 2 tháng và tiêm đủ loại nội tiết tố như HCG, progesteron, estadiol (có thể mẹ cháu nhớ không thật chính xác), sau đó nghỉ ở nhà hoàn toàn đến 38 tuần sinh cháu được 3,7kg.
- Cháu bú mẹ hoàn toàn và tăng cân khá tốt nhưng có cái lạ là chỉ mới 1 tháng tuổi nhưng cứ bật nhạc không lời thì yên, hết mỗi bài là khóc ầm lên cho đến khi có bài tiếp theo mới nín. Lúc đó cả nhà lại nghĩ chắc cháu say mê âm nhạc quá.
- 12 tháng cháu biết đi, 10 tháng cháu biết nói "bà bà" nhưng sau đó thì im tịt không nói gì cả đến 3 tuổi. Tuy không nói được nhưng cháu rất thích xem đĩa ca nhạc và tự học chữ,
- 2 tuổi cháu nhận được hết các mặt chữ và xếp và viết đúng (chỉ viết chữ in) các cụm từ , các chương trình xem trên tivi. Cháu bắt đầu đi nhà trẻ nhưng rất ít chơi với các bạn và không có khả năng phản kháng khi bị bạn bắt nạt, không thích xếp thứ tự trong các trò chơi tập thể.
- 3 tuổi cháu mới bắt đầu phát âm nhưng rất ngọng hầu như mẹ cháu không nhận ra được cháu nói gì và hầu như cháu chưa có khả năng tự làm các việc cá nhân ngoài việc tự xúc cơm ăn (từ 2 tuổi)
- Phải nói thêm là cháu rất hiếu động, tay cứ vớ hết cái này đến cái kia người lớn bảo không nghe, bảo đưa các thứ thì cứ giữ chặt giằng lại. Nói chuyện với mọi người cháu rất tránh nhìn vào mắt, gọi mãi chẳng quay lại và đi đâu không bao giờ biết lạ, đến đâu cũng nghịch được và rất thích quay tròn bản thân và các đồ chơi quay được.
- 4 tuổi cháu nói được khá hơn , vẫn ngọng nhưng cháu có thể đọc các từ trên tivi, phụ đề phim và sách và viết lại ( ở nhà không ai dạy cháu cả).
Đến lúc này cả nhà vẫn nghĩ cháu chỉ chậm nói, còn về trí óc còn thông minh hơn người theo gen của gia đình (vì ông bà bố mẹ cháu đều GS, TS, ThS cả)
- gần 6 tuổi ở cháu nói khá hơn nhưng không biết diễn đạt ý, không biết kể chuyện, giao tiếp rất kém, và ở cháu bắt đầu xuất hiện hiện tượng dễ bị kích thích như xem gì hay thì cười ầm ý, hết chương trình là cáu ném, phá các thứ, mặt rất căng thẳng, tim đập nhanh, hoặc thấy ai khóc lóc, nói to cháu cũng bị như vậy, có những lúc thì tự nhiên lại rơm rớm nước mắt.
- Cháu đi học thì cô giáo có nhận xét là giao tiếp kém, hay bị bạn trêu vì còn dại nhưng học thì tiếp thu tốt, làm toán rất nhanh, tiếng Việt nhớ rất tốt tuy nhiên không tập trung nên viết ẩu, vở bẩn. Nhưng có cái là cháu rất có ý thức trong chuyện học, giờ đi học, học ở nhà đều rất đúng giờ và nghiên túc.
- Một đặc điểm nữa của cháu là từ 3 tuổi trở đi cháu đã không đái dầm, đêm biết gọi mẹ cho đi tiểu nhưng từ khi chuẩn bị đi học lại sinh ra đái dầm đêm, cháu ngủ rất say nếu mẹ gọi dạy đi tiểu thì không sao, mẹ cháu quên lại đái dầm

Tồi thực sự mới thấy cần đưa cháu đi khám khi đọc được một bài về tăng động, giảm tập trung và tự kỷ của một BS Việt Nam ở Pháp mặc dù nhà chồng ai cũng bảo tôi dở hơi con đang khoẻ mạnh đem đi khám làm gì, bảo những tài liệu này là vớ vẩn và nói rằng tình nết của cháu là tại tôi không biết dạy con.

Tôi đã cho cháu đi Viện Nhi khám ( đầu năm 2007) BS kết luận là tăng động, giảm tập trung và có nét tự kỷ và cho thuốc Risperdal nhưng khi cho cháu uống được 2,3 viên thấy cháu cứ đờ đẫn và đọc một số tài liệu thấy nói cũng không phải trường hợp nào uống thuốc cũng là tốt nên tôi đã không cho cháu uống nữa.

Sau đó tôi đã lên mạng xin tài liệu, hỏi ý kiến một số bác sĩ và cùng ông bà ngoại cháu trị liệu tâm lý cho cháu ( bố cháu và ông bà nội vẫn không cho rằng cháu có vấn đề) như:
- yêu cầu cháu nhìn vào mắt người đối diện khi nói chuyện.
- mỗi khi cháu bị kích thích, ôm cháu vào lòng, vuốt theo số lưng cho cháu
- trao đổi với cô giáo cháu về tình trạng của cháu để cô cùng giúo đỡ cháu
- kiên quyết cấm với các hành vi thiếu tự trọng của cháu, khen ngợi ngay khi cháu tiến bộ
- chuẩn bị tâm lý cho cháu trong mọi việc diễn ra không như bình thường vì cháu rất đúng giờ trong mọi việc (đến mức máy móc)
- luôn sửa chữa các câu nói của cháu cho đúng.
- Dạy cháu theo tài liệu "Sự can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ" của Catherine Maurice
- Giảm ăn thức ăn bột mỳ, sữa chỉ ăn sữa chua (cháu ăn uống khá tốt nên tôi cũng dễ dàng cho cháu ăn những thức ăn khác thay thế)...

Sau 2 năm tích cực can thiệp với cháu hiện trạng của cháu bây giờ như sau :
- cháu đang học lớp 3, ở lớp ngồi học rất ngoan, làm bài vở nghiên túc)học toán rất tốt (cháu thường tự đưa ra các bài toán khó hơn từ các bài toán học trên lớp để đố bố mẹ, ông bà..), chính tả, tiếng Anh tốt, tập làm văn kém, rất thích học các môn về tự nhiên xã hội nhất là tìm hiểu về địa lý, thiên văn (cháu nhớ hầu hết tên, vị trí các nước trên thế giới, các địa điểm nổi tiếng..)
- mọi việc làm đều đúng giờ (ăn uống, ngủ, học, chơi), nếu muốn thay đổi đều phải giải thích lý do cho cháu.
- không thích xem phim có ngưòi khóc lóc, đòi tắt đi. xem phim hoạt hình mình thích thì cười quá to, còn hay trêu em nhưng khi em đánh lại thì không biết phản ứng lại.
- sau khi uống một đợt thuốc bắc đã hết đái dầm (gọi mẹ cho đi đái đêm 1 lần)
- khó chơi với các bạn
- diễn đạt câu văn nhiêu khi còn khó, không phát âm được âm g.
- Thích chơi trò chơi, soạn thảo văn bản, học tiếng Anh trên máy tính, có thể nhớ các chương trình tivi cả một ngày của một số kênh và tự gõ lại trên máy tính.
- không nghịch ngợm, chạy nhảy nhưng cứ phải đi đi lại lại trừ khi mẹ yêu cầu ngồi xuống (được 3, 4 phút)
- Sống rất tình cảm, yêu ông bà, bố mẹ, em trai, ai ốm mệt hỏi thăm rất tận tình.
- Các công việc cá nhân như ăn, đánh răng, soạn sách vở, mặc quần áo đều tự làm được và thỉnh thoảng còn giúp mẹ phục vụ em....

Rất mong được các anh chị chuyên gia, xem xét đánh giá và cho gia đình những lời khuyên để giúp cháu ngày càng tiến bộ hơn.

Thu Anh
Sửa lần cuối bởi conthattuyetvoi vào ngày T.Hai Tháng 9 24, 2012 6:34 pm với 2 lần sửa.
conthattuyetvoi
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: CN Tháng 2 22, 2009 11:51 pm

Re: ThuAnh/contrai Trường An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi xuyen » T.Tư Tháng 2 25, 2009 11:53 pm

Chào ThuAnh,

Trong khi chờ đợi nhóm chuyên gia/chị Tường Anh trả lời, có 1 bài viết về các hoạt động, trò chơi, bài tập ... cho bé. ThuAnh vào xem coi có áp dụng được gì không nhé, bài đó đăng tải ở đây: viewtopic.php?f=8&t=51

Xuyến có nhờ anh Phi phụ trách cho mình mục trò chơi, bài tập cho trẻ vì anh có kinh nghiệm trong lĩnh vực tương tự (anh từng là giáo viên tiểu học và giáo sư đại học bên Hoa Kỳ, và có thời gian anh coi những đề án game/học & huấn nghệ online). Anh Phi sẽ lần lượt đưa các bài tập, trò chơi ... lên diễn đàn, hy vọng giúp ích được gì đó cho các phụ huynh trong lúc này.

Xuyến
Hình đại diện của thành viên
xuyen
 
Bài viết: 399
Ngày tham gia: T.Hai Tháng 2 09, 2009 11:57 pm

Re: ThuAnh/contrai Trường An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Năm Tháng 2 26, 2009 1:30 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Chào Thu Anh và bé Trường An,

Tôi có cảm giác là cháu nằm ở dạng Asperger thay vì tự kỷ. Không biết bác sĩ của cháu thẩm định thế nào, thưa chị? Các em Asperger mới có thể ngồi học với bạn bè ở giáo dục phổ thông. Đặc biệt, tôi thấy chị nói cháu quan tâm đến người thân những khi người thân đau ốm.. Đây là khả năng mà thường ra các em tự kỷ (và kể cả phần lớn các em Asperger) gặp khó khăn. Khi Trường An đã có khả năng này, việc huấn luyện giao tế sẽ dễ dàng hơn.

Trường An sau này rồi sẽ mang ơn Mẹ đã có những biện pháp can thiệp sớm cho cháu. Về phía gia đình, cũng khó mà thuyết phục ông bà nội ngoại và bố cháu về những danh từ tự kỷ, Asperger, vì ai cũng thấy cháu thông minh. Các em Asperger rất giỏi về những kiến thức mà người ta gọi là facts: những gì bất di bất dịch. Riêng việc đọc và hiểu, cũng như viết văn cần đến tưởng tượng hay suy luận thì cháu sẽ yếu, như chị đã mô tả. Chị có thể giúp cháu bằng cách phân tích bài đọc sau mỗi đoạn ngắn, và giúp cháu đặt câu viết lại đại ý. Nếu cháu thích coi show nào đó, hay chơi loại game nào đó, chị có thể giúp cháu viết lại đại ý của show, hay hướng dẫn chơi game.

Vì cháu nằm trong phổ tự kỷ, nên việc thay đổi thói quen nên được hỗ trợ. Chị nên giảm tối đa những thay đổi không cần thiết. Khi có thay đổi, hãy nói với cháu trước (có khi trước nhiều ngày, nhiều tuần) Nếu cháu bối rối, âu lo, hãy giúp cháu diễn tả nỗi âu lo ấy, và trấn an cháu bằng cách đưa ra những tiên đoán về điều có thể xẩy ra.

Khi cháu hay đi qua đi lại, có thể cháu đang lo lắng điều gì, hoặc cháu năng động. Chị Thu Anh đặt một nụ hôn trên trán cháu giùm chúng tôi, vì cháu đã chọn lối biểu tỏ năng động ít phiền hà đến người chung quanh nhất. Những lúc này, chị có thể cho phép cháu đi bộ một vòng thay vì bảo cháu phải ngưng hoạt động. Mỗi ngày, chị có thể cho cháu đi bộ thay vì đợi đến lúc cháu năng động mới đi. Chị có thể tập cho cháu biểu tả tâm tư: con không ngồi yên được, con muốn đi qua đi lại,... và rồi đề nghị một phương cách thích hợp cho mối năng động này (mẹ cho con đi bộ được không ?. Nếu đó là nỗi lo, hãy nói với cháu về nỗi lo ấy và trấn an cháu.

Vì cháu đã 9 tuổi, chị cũng nên bắt đầu dậy cháu hiểu về những tính cách rất riêng của cháu: không thích thay đổi, không thích người khác khóc dù là trong phim, hay đi qua đi lại, vân vân. Cháu nên bắt đầu tập biết mình, và biết yêu cầu người khác thích ứng với mình . Chẳng hạn: "bà ơi, bà coi phim này con không chịu nổi. Bà cháu mình xem phim khác nhé!" hoặc "thưa cô, bạn ABC di chuyển đồ vật trên bàn làm con khó chịu. Cô có thể nhờ bạn đưa chúng trở lại chỗ cũ được không ạ?"

Việc cháu nắm bắt được thời điểm cháu sắp bùng nổ cũng quan trọng cho tuổi của cháu. Hãy dậy cháu yêu cầu người chung quanh ngưng lại những gì họ làm khiến cháu không chịu nổi (nếu thích hợp) hoặc xin được rời khỏi khung cảnh ấy.

Về phản ứng của ông bà ngoại và bố của cháu, chị đừng buồn, vì thông tin về TK hay Asperger còn ít quá, cộng đồng chưa nhận ra. Ngay ở Hoa Kỳ cũng thế, chị ạ. Cháu lại là cháu trai, nhà nội cưng yêu nên mới thế. Chị cố gắng nhé. Rồi chị sẽ thuyết phục được họ.

Chị thử xem sao nhé. Xin chị cũng xem thêm bài tôi lược dịch về Asperger để tìm thêm gợi ý. Chúc chị thành công. Chúc Trường An học môn văn thật tiến bộ.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: ThuAnh/contrai Trường An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi conthattuyetvoi » T.Năm Tháng 2 26, 2009 1:40 am

Tôi xin cảm ơn và rất mong các ý kiến nhận xét, gợi ý, giúp đỡ của các anh chị.

Thu Anh
conthattuyetvoi
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: CN Tháng 2 22, 2009 11:51 pm

Re: ThuAnh/contrai Trường An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi conthattuyetvoi » T.Năm Tháng 2 26, 2009 2:59 am

Chào các anh chị,
Tôi đã rất vui mừng khi nhận được bài trả lời của chị Tường Anh. Tôi vui mừng vì cảm thấy chị đã hiểu rõ về tình trạng của cháu và cho tôi những lời khuyên bổ ích. Đúng như chị nói, tôi cũng cảm thấy cháu ở dạng Asperger và suy nghĩ này xuất phát từ khi tôi đọc các bài trong trang web này. Còn về BS khám cho cháu, chính đây là vấn đề tôi cảm thấy buồn nhất vì nói thực với chị tôi gần như phải mò mẫm tự chẩn đoán và tìm trong các tài liệu cái nào phù hợp để có thể điều trị cho con mình vì tôi chưa tìm được BS nào ở Hà Nội mà tôi tin tưởng về lĩnh vực này. Khi tôi cho cháu đi khám ở Nhi Trung ương, cháu được khám và test một cách qua loa, rồi kết luận, cho thuốc, trong khi tôi nghĩ rằng việc chẩn đoán một rối loạn và tâm thần nhất lại ở trẻ nhỏ đâu có đơn giản. Tôi có xem trao đổi trên một số diễn đàn thấy các trường hợp khác cũng được khám như vậy, định đến một số nơi khác khám thì cũng đều có những phản hồi thiếu tin tưởng. Cuồi cùng tôi quyết định tự tìm hiểu, trao đổi với những chuyên gia mình có thể để giúp con mình.
Tôi cũng xin được nói thêm một chút về cháu. Đúng là cháu rất quan tâm đến người thân chị ạ, nhất là mẹ và bà ngoại là những người dành nhiều tình cảm cho cháu nhất. Cháu rất để ý đến mẹ, thấy mẹ mặc áo mới, khi đó cháu bảo "mẹ mặc áo này đẹp quá" hoặc "mẹ mặc áo như người mẫu ý", lúc khác đi chơi cháu lại nhắc mẹ mắc áo hôm qua mua đi...
Cháu rất thích xem showgame chị ạ và có thể dạy mẹ về luật chơi một cách rất đầy đủ. Về môn văn hiện giờ mẹ cháu cũng đang phải rất cố gắng dạy cháu như cùng cháu soạn bài (may là cháu rất thích soạn bài) và cùng cháu viết các đoạn văn theo các chủ đề, thật sự rất mệt chị ạ vì nói thật là tôi ngày nhỏ cũng không được mê môn văn lắm.
Thật sự tôi thấy những lời khuyên của chị rất bổ ích, tôi sẽ cố gắng giúp cháu có thể nói ra các nhu cầu, mong muốn của mình. Nhân đây cũng xin được chị cho ý kiến về vấn đề mà tôi cũng chưa biết nên làm thế nào là tốt cho cháu (đúng ra là có thể làm được để tốt cho cháu). ĐÓ là liệu có thể tập cho cháu dần dần chịu xem những đoạn phim có khóc lóc... hay là chấp nhận yêu cầu của cháu là đến đó thì tắt đi hay chuyển kênh khác. Cũng tương tự có thể dạy cháu dần thích nghi với các thay đổi không thể báo trước hay không ?

Tôi xin một lần nữa cảm ơn và mong các ý kiến của các anh chị.

Thu Anh
conthattuyetvoi
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: CN Tháng 2 22, 2009 11:51 pm

Re: ThuAnh/contrai Trường An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Năm Tháng 2 26, 2009 8:30 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Chào Thu Anh, tôi biết là Thu Anh lo lắng nhiều cho cháu , và đã là người góp phần chính yếu trong tiến bộ của cháu. Về các chuyên viên ngành y, có thể vì thông tin và huấn luyện chuyên ngành chưa đầy đủ nên phụ huynh phải tự mà giúp con. Ở Mỹ thì không hẳn cộng đồng đã biết nhiều về tự kỷ hay Asperger đâu chị ạ. Ngoài ra, các bác sĩ Việt Nam tốt nghiệp từ Việt Nam đang hành nghề tại Mỹ cũng không biết. Họ trấn an phụ huynh và không biết gì về tự kỷ hết. Thôi thì mình cùng học với nhau. Tôi đã được phụ huynh chia xẻ nhiều kinh nghiệm và kiến thức quý gía.

Với Trường An, tôi nghĩ cháu không chỉ là Asperger, mà còn là Asperger dạng nhẹ. Chị cứ cố gắng giúp cháu, cháu sẽ còn tiến bộ nhiều hơn. Như tôi đã nói, khả năng biểu lộ và hiểu biểu lộ tình cảm không phải cháu nào cũng có đâu. Bệnh nhân của tôi trong 9 năm qua chỉ mới thấy 2 em, và 2 em này đều đang học đại học năm thứ 2. Trường An lại còn biết bình phẩm về quần áo của mẹ, tốt qúa. Chị dậy cháu bình phẩm cả về người ngoài nhé.

Nhân đây cũng xin được chị cho ý kiến về vấn đề mà tôi cũng chưa biết nên làm thế nào là tốt cho cháu (đúng ra là có thể làm được để tốt cho cháu). ĐÓ là liệu có thể tập cho cháu dần dần chịu xem những đoạn phim có khóc lóc... hay là chấp nhận yêu cầu của cháu là đến đó thì tắt đi hay chuyển kênh khác. Cũng tương tự có thể dạy cháu dần thích nghi với các thay đổi không thể báo trước hay không ?


Chúng ta biết là Trường An đang sinh hoạt khác với thế giới của chúng ta, nhưng tôi không quan niệm là chúng ta đang tìm cách thay đổi bản chất của cháu, đặc biệt khi đó là bản chất nhậy cảm - là điều cần lắm trong thế giới hiện đại và máy móc này. Lý do Trường An không chịu xem những đoạn phim có khóc lóc vì cháu nhậy cảm, không thích người khác đau khổ. Cháu áy náy khi phải chứgn kiến những khổ đau. Ngoài ra, cháu có thể không phân biệt được đâu là giả thuyết, là phim, là kịch, và đâu là sự thật. Vậy mình giúp cháu ở hai điểm: 1) phân biệt thật giả, 2) có thái độ thích hợp khi không thích thấy khổ đau, 3) tìm cách giải quyết vấn đề. Còn chuyện huấn luyện cho cháu thành chai đá trước nước mắt và đau thuơng thì tôi không đề nghị .

1) Chị có thể đặt giả thuyết (cô tiên có cánh) và sự thật (An đi học mỗi ngày) rồi tập cho An phân biệt thật giả. Sau đó mình đưa vào những mẫu chuyện phim.

2) Theo tôi thì chị cứ cho phép cháu từ chối những đoạn phim có cảnh khóc lóc trong thời gian hiện tại. Sau này, khi cháu biết phân biệt thật giả, biết rằng có những lúc mình không đủ chuyên môn để giúp người nào đó trong tình thế nào đó, cháu sẽ bớt áy náy bồn chồn. Lúc ấy, nếu muốn cho cháu cùng xem, chị báo trước, và giúp cháu ôn lại những kỹ năng để đối phó với nỗi áy náy của mình. (Vào phòng đọc lại những gì mẹ dậy về giúp dỡ người khác, đi giúp mẹ nấu cơm, ôm hôn em...). Đây là khi ông bà và khách khứa đang xem đoạn phim say mê. Ngoài ra, nếu chỉ có cháu, tôi vẫn nghĩ cứ để cho cháu chuyển kênh. Nếu ngừoi cùng xem đồng ý chuyển kênh, cứ để cháu chuyển.

3) Chị dậy cho cháu những cách giải quyết vấn đề: khi thấy người khác đau, con hỏi thăm. Thấy bạn té, con đỡ lên. Thấy ai đó động kinh, bị thương nặng, con chỉ nên tìm cách gọi bác sĩ và cứu thương. Một vài năm nữa, mình sẽ dậy cháu rằng đau thương đang đầy dẫy trên thế giới, và hướng lòng từ tâm của cháu vào một công việc từ thiện nào đó.

Cũng tương tự có thể dạy cháu dần thích nghi với các thay đổi không thể báo trước hay không ?


Chắc chắn có những thay đổi không thể báo trước. Lúc ấy chị chuẩn bị sẵn để đối phó, rồi giúp cháu nói hoặc viết hoặc vẽ về những bực bội âu lo của mình. Dậy cháu: con có quyền âu lo và bực bội, nhưng cách biểu tỏ phải thích hợp. Trong trường học ở Hoa Kỳ, học sinh hay phải thực tập để phòng động đất, cháy, bị bắn.. Chúng tôi đôi khi không được phép báo với học sinh, nên sau đó cho phép các em tìm cách bày tỏ sự khó chịu: đi bộ, uống nước, ăn loại bánh yêu thích, ngồi một mình, gọi cho mẹ...

Cháu rất thích xem showgame chị ạ và có thể dạy mẹ về luật chơi một cách rất đầy đủ. Về môn văn hiện giờ mẹ cháu cũng đang phải rất cố gắng dạy cháu như cùng cháu soạn bài (may là cháu rất thích soạn bài) và cùng cháu viết các đoạn văn theo các chủ đề, thật sự rất mệt chị ạ vì nói thật là tôi ngày nhỏ cũng không được mê môn văn lắm.


Tôi thấy bên này người ta dậy viết luận văn bằng cách cho trẻ vẽ hình minh hoạ, rồi viết vài dòng giải thích . Sau đó, họ dậy trẻ vẽ biểu đồ, thí dụ có một vòng tròn to ở giữa với 5 vòng tròn nhỏ chung quanh. Vòng to thì chứa chủ đề, những vòng nhỏ là ý kiến khai triển. Việc này là để hỗ trợ bước sắp xếp tư tương. Chúng tôi sử dụng với các em Asperger cũng để cung cấp hình ảnh vì các em cần được thấy hình ảnh thay vì chỉ hình dung bằng lời trong trí mà viết xuống.

Thu Anh thử xem sao nhé.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: ThuAnh/contrai Trường An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi conthattuyetvoi » T.Sáu Tháng 2 27, 2009 1:54 am

Cám ơn bài trả lời của chi Tường Anh đã cho thêm niềm tin và định hướng rõ ràng hơn trong việc điều trị cho cháu. Nhớ lại khi đã khẳng định về bệnh của cháu tôi đã không thể khóc, buồn vì điều đó là hiện thực mà tôi phải chấp nhận, nhưng rất lo lắng là phải làm thế nào và cách làm của mình như thế đã đúng chưa để có thể giúp cho con được tốt nhất. Ngoaì ra lại còn phải làm công tác tư tưởng để bố và ông bà nội cháu hiểu bệnh của cháu để có thể có cách cư xử thích hợp với cháu nhưng lại không được để cháu thấy mình là không bình thường. Khi cháu mới vào lớp 1 được 1 học kỳ, về nhà cháu bảo tôi là : " Mẹ ơi các bạn ở lớp bảo con là có bệnh " và cứ mỗi khi cháu làm cái gì chưa đúng tôi nhắc là cháu lại bảo " vì con bị bệnh mà". Tôi đã phải thường xuyên nói với cháu là con không có bệnh gì hết, chỉ vì các bạn chưa hiểu con nên mới nói thể, con cứ yêu quý và chơi nhiều với các bạn là các bạn sẽ hiểu con. Tiếp theo là những lần tôi đến gặp cô giáo của cháu và từng bạn hay chơi với cháu để nói chuyện để các cháu chơi cùng và giúp đỡ An. Đến giờ tình hình đã khá hơn rất nhiều, cháu chưa chơi được với bạn nhưng các bạn rất quý cháu và còn phục cháu nữa vì cháu học toán giỏi hơn các bạn.
Khi bệnh của cháu An thể hiện rõ nét nhất (5,5 tuổi) cũng là lúc em cháu được 6 tháng, tôi đã có lúc nghĩ biết thế này tôi đã không sinh cháu thứ 2 để dồn thời gian điều trị cho cháu An. Nhưng đến khi em cháu được 2 tuổi và đã nói sõi, tôi mới nhận ra rằng nhờ có em để nói chuyện (em lại dạy anh), nhờ có vai trò làm anh (cháu rất yêu em và ngược lại) và muốn được chăm em giúp mẹ, cháu An đã tiến bộ rất nhiều trong giao tiếp, biết quan tâm đến người khác hơn, biết chơi theo nhóm và cả biết chiến đấu vì quyền lợi của mình. Và cũng nhờ có em cháu mà bô và ông bà nội cháu cũng đã nhìn ra những vấn đề mà cháu An gặp phải.

Đôi điều tâm sự để chị Tường Anh hiểu vì sao việc chị cho tôi một định hướng rõ ràng hơn và cũng cho tôi một niềm hy vọng về một cái đích tốt đẹp dù chỉ là 1 trong hàng nghìn cái đích trong tuơng lai mà cháu sẽ đi đến đã cho tôi một niềm cổ cũ rất lớn lao.

Xin cám ơn các anh chị.
Thu Anh
conthattuyetvoi
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: CN Tháng 2 22, 2009 11:51 pm

Re: ThuAnh/contrai Trường An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Sáu Tháng 2 27, 2009 9:14 am

Phần trả lời từ chuyên viên Cùng Nhau Vượt Khó

Thu Anh ơi, phải chiến đấu với sóng dữ mà chỉ có một mình không phải là điều dễ thực hiện. Xin chia xẻ với Thu Anh. Bạn vững vàng lên, Trường An còn cần đến bạn trong nhiều năm tới.

Bạn cũng đừng lo lắng vì có cháu thứ 2 mà ít giờ chăm sóc Trường An. Bạn đã làm rất nhiều để đưa đến tiến bộ hôm nay của cháu đấy chứ! Và em bé cũng là người bạn chơi xuất sắc với anh, là kiểu mẫu để ông bà nội và bố hiểu anh hơn.

Riêng việc bạn bè bảo cháu "có bệnh" hay cháu đang ít nhiều có mặc cảm này, bạn nhất định phải dậy cháu phản ứng nhé. Chúng tôi hay nói là các em "hành xử khác người khác" (không phải "khác người") nhưng không bệnh tật, tâm thần gì hết. Đành rằng y khoa định danh là rối loạn, chúng tôi không giới thiệu danh từ này khi các em chưa ở tuổi trưởng thành. Mình không dậy cháu phủ nhận gì cả, nhưng dậy cháu phản ứng trước bất kỳ ai cho rằng cháu có bệnh, bất thường... bằng cách nói thẳng và nói ngay: "Bạn (hay bất kỳ ai) không nên nói thế vì câu nói ấy không lịch sự."

Hy vọng sẽ tiếp tục nghe về những tiến bộ của Trường An.

Nguyễn Tường Anh/Nhóm Chuyên Gia TK
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Re: T.Anh/contrai T.An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi conthattuyetvoi » T.Hai Tháng 10 31, 2011 1:39 am

Chào chi Tường Anh,
Đã lâu không trao đổi với các anh chị, nhưng em vẫn luôn cập nhật thông tin từ các anh chị và có tham gia buổi giảng của các anh chị ở Hà Nội.
Cháu An đã có rất nhiều tiến bộ, độ này ra dáng người lớn lắm, nhưng năm nay cháu bắt đầu vào lớp 6 nên việc học của cháu lại khiến mẹ và ông bà ngoại mệt lử chị ạ.
Vấn đề của cháu là việc tập trung chưa tốt nên không ghi kịp bài, cô dặc dò không nhớ hết nên nhiều khi làm thiếu bài tập hoặc làm không đúng vở quy định.
Lớp 6 ở Việt Nam cháu phải làm bài kiểm tra các môn liên tục chị ạ nên cháu cũng mệt mỏi, nên cu cậu cũng học cho xong rồi làm bài kiểm tra cũng trả lời cụt lủn cho xong. Em đã phải lên mạng download giáo án các môn học về để hướng dẫn cháu, rồi các đề kiểm tra mẫu để cho cháu làm thử và phân tích các vấn đề xung quanh cho cháu, tuy nhiên điểm cháu cũng chưa tốt lắm, nên cu cậu cũng hơi buồn.
Mấy môn như thể dục, âm nhạc thì cháu cứ sợ bạn cười nên không chịu lên bảng, phải động viên cháu nhiều lắm, cháu mới chịu lên bảng kiểm tra, về cháu bảo "Các bạn vẫn cười con nhưng con vẫn quyết tâm".
Bây giờ cháu cũng bắt đầu dậy thì rồi và hay cãi lại lắm chị ạ, mẹ nói một câu, cháu phải nói lại 3 câu cho đến khi mẹ phải đề nghị im lặng mới thôi, nhưng may là cũng chỉ nói nhiều thôi chứ còn ngoan ngoãn, vâng lời. Hiện giờ cháu cũng không bị sợ phim này phim kia nữa chị ạ, nếu không thích xem cái gì thì tự động sang buồng khác, nhưng vẫn có cái trò cười to, nhắc nhở thì giảm volume được một lúc rồi lại đâu vào đấy.
Em cũng xin update tình hình cháu An và xin chị những lời khuyên, hướng dẫn cho em trong việc chăm sóc cháu giai đoạn này.
Em cám ơn chị. (Vì em gặp chị rồi nên xin phép được xưng em)
Thu Anh
conthattuyetvoi
 
Bài viết: 15
Ngày tham gia: CN Tháng 2 22, 2009 11:51 pm

Re: T.Anh/contrai T.An 9 tuổi

Gửi bàigửi bởi Nguyen,Anh » T.Hai Tháng 10 31, 2011 2:14 pm

chào em, rất mừng khi nghe là T.An học ổn định. Dĩ nhiên mình muốn con học giỏi, điểm 10, nhưng nếu chưa tới thì mình đành thế. Ép quá cũng tội nghiệp. Điều mình cần là con cố gắng hết sức, và giữ niềm tự tin. Em nên có nhiều câu chuyện để nói với con về niềm tự tin: tôi khác với các bạn tôi, nên không đạt điểm 9, điểm 10 không có nghĩa là họ có quyền cười tôi.

Việc con nói to, cười to, em dậy cho con thế nào là "vừa phải". Nhà em có dàn karaoke không? Hay em dẫn con ra chỗ hát karaoke cho con cầm micro và nhìn thấy những sóng chạy trên ampli, dậy con đo thế nào vừa, thế nào là to quá.
Nguyễn Tường Anh
Nhóm Chuyên Gia TK
Hình đại diện của thành viên
Nguyen,Anh
 
Bài viết: 4504
Ngày tham gia: T.Bảy Tháng 1 10, 2009 12:05 pm

Trang kế tiếp

Quay về Giới thiệu Thành viên: bé được chữa trị thế nào...

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.16 khách.

cron