phtran1302 đã viết:Chẳng hạn, 1/4 thời gian bé P vào lớp mới thì thời gian đầu - có thể là vài ngày đầu - Bảo nên xin phép cô cho Bảo ngồi lại cùng con
Phương
Phương giới thiệu cách đó rất hay, trong chuyên môn người ta gọi là "desensitize" bé, tức là làm cho bé "quen dần". Nói nôm na là bé sợ cái gì, thì mình từng bước từng bước cho bé quen dần, giống như việc anh Bảo ở lại với bé 15 phút, rồi 10 phút, rồi 5 phút... rồi sau đó fading luôn, chỉ việc để bé ở đó rồi đi. Tuy nhiên anh Bảo chú ý: Tôi thấy có phụ huynh đưa bé đi học, ở lại 5 phút như đã dặn, nhưng lúc đi ra, nghe tiếng bé khóc liền quành lại, như vậy vô tình đã reinforce/"thưởng" cái việc khóc của bé bằng cái "nán lại thêm 1 phút nữa".
Những kỹ thuật tâm lý cho trẻ cũng không khác xa cách chữa trị cho người lớn là mấy. Ví dụ như ai đó bị bệnh sợ đi máy bay, thì một trong các cách chữa là "làm cho hết sợ luôn" (từ chuyên môn là flooding). Tức là đem lên máy bay, cho bay cỡ vài tiếng đồng hồ. Tôi nhớ hồi nhỏ hay sợ ma, ông anh tôi bắt đứng trên sân thượng một mình nguyên buổi tối "cho mày biết là không có ma". Ông Stephen King viết chuyện kinh dị nổi tiếng hồi nhỏ cũng rất sợ bóng tối. Thế là bố ông ta nhốt ông ta vào một buồng tối nguyên buổi, kết cục ... ông ta càng sợ, và chính nỗi sợ này ám ảnh ông, làm ông trở thành người viết chuyện kinh dị nổi tiếng. Tôi kể ra để các bạn thấy nhiều khi có cách chữa trị hợp cho bé này nhưng lại không hợp cho bé khác. Người chuyên gia giỏi phải biết nhiều phương pháp khác nhau, và biết khi nào nên sử dụng gì (qua chuyên môn và kinh nghiệm làm việc). Trong trường hợp phương pháp không thích hợp, người chuyên gia giỏi phải biết ngừng thật sớm và chuyển đổi, đừng để bé bị "ám ảnh" giống như ông Stephen King. Dân Y khoa có câu châm ngôn "Above all, do no harm" (Hy lạp), tức là "chữa không khỏi thì thôi, xin đừng để di hại gì" cho bé.
Trở lại chuyện tâm lý, tôi có người bạn khác thường than thở là sau mỗi lần đưa ai ra phi trường, về nhà anh ta cảm thấy buồn buồn mà không hiểu tại sao. Tôi tìm hiểu và biết rằng trong cuộc đời anh, những lần chia tay với người nhà đều xảy ra tại phi trường (có khi chia tay rồi không gặp lại nữa), và cái "môi trường" ở phi trường làm tiềm thức của anh gắn liền nó với nỗi buồn. Vì thế mỗi khi anh chở tôi ra phi trường, anh lại thấy buồn mà không hiểu vì sao.
Phương và Bảo biết tôi chữa cho anh ta ra sao không? Tôi rủ anh ra phi trường đưa 1 người bạn về VN, và trên đường về 2 đứa ghé bar uống cà phê, nghe nhạc, tán dóc... Cứ làm suốt vài lần, trong tiềm thức anh ta bắt đầu "đánh đồng" (associate) phi trường với niềm vui, và một ngày kia anh ta chợt nói với tôi: "Ơ, sao dạo này ra phi trường về, em hết thấy buồn rồi anh Phi".
Above all, do no harm/Xin đừng di hại. Cái cách tôi chữa cho anh bạn không bảo đảm thành công 100%, nhưng it ra cŨng chẳng có hại gì. Khi các bạn quyết định thử gì đó cho bé, xin nhớ câu "Above all, do no harm" nhá.
Phi