Ở phần lớn các nước phát triển, trẻ TK thường được gửi tới trường để học trong các lớp giáo dục đặc biệt . Ở Pháp thì khác, các em thường được gửi đi gặp các chuyên gia tâm thần nhi để được điều trị theo kiểu đàm thoại: đây là cách thường dùng cho những người có khó khăn về tâm lý hoặc tình cảm.
Vấn đề trên đang thay đổi từ từ và vẫn đang bị chống đối . Vào tháng rồi các chuyên viên Y tế của Pháp cho biết chưa có sự đồng thuận giữa các nhà khoa học cho câu hỏi "điều trị qua tâm lý cho trẻ TK có đúng không". Điều này làm giới tâm thần nhi tại Pháp nổi giận, các hiệp hội Tâm lý viết thư lên chính phủ yêu cầu công nhận cách điều trị qua tâm lý của họ .
Bác sĩ Fred Volkmar, giáo sư ngành Tâm thần nhi tại Đại học Yale cho biết: Tình trạng tại Pháp hiện nay giống như ở Mỹ vào thời 1950. Họ có cái nhìn "hạn hẹp và kỳ lạ" (idiosyncratic) về TK. Và vì một lý do nào đó, họ không chịu công nhận các bằng chứng khoa học .
Can thiệp về hành vi, chú trọng vào việc giúp trẻ TK giao tiếp với người khác, phát triển kỹ năng giao tiếp ... là phương pháp chuẩn tại Hoa Kỳ, Anh, Canada, Nhật, châu Âu. Nhưng tại Pháp thì rất ít được áp dụng . Pháp từ lâu đã bị chỉ trích về cách can thiệp TK của họ . Vào năm 2002, Hội TK Châu Âu đã phản đối Pháp việc họ từ chối không chịu giáo dục cho trẻ TK như luật của Cộng đồng châu Âu. Chỉ trích này đưa ra tòa và Pháp đã thua khi Hội đồng Bảo vệ Quyền xã hội tại Châu Âu tuyên bố "Pháp đã thất bại, không đạt được tiến bộ cần có" trong việc giáo dục trẻ TK.
Bác sĩ Fred Volkmar nói can thiệp từ phía tâm lý có thể có lợi cho một số em TK nhóm high-functioning trong các mục tiêu cụ thể như đối phó với lo lắng. Nhưng can thiệp từ phía tâm lý không nên dùng làm phương pháp đầu tiên. Ông nói tại Hoa Kỳ, hơn 95 phần trăm trẻ TK đều tới trường. Tại Pháp, con số này ít hơn 20 phần trăm . Phần lớn các em TK tại Pháp đều ở nhà hoặc vào dự các buổi điều trị tâm lý tại bệnh viện .
Pháp cũng bị chỉ trích với phương pháp điều trị "quấn chăn" (cởi quần áo trẻ TK ra, cho vào chăn ướt đã ướp lạnh, rồi quấn các em lại để các em "kết nối" não lại với cơ thể . Theo như Hiệp hội Tâm thần nhi của Pháp thì phương pháp này đôi khi thành công "rực rỡ". Tony Charman, Giám đốc Học viện Giáo dục (đặc biệt) tại London cho biết "Không những không có bằng chứng nào cho thấy thành công, mà việc này còn nguy hiểm cho trẻ".
[Người dịch: nguy hiểm về cả thể lý và tâm lý, tương tự như các điều trị thở oxy hay thở đai, cho trẻ lăn mình trên nền đất mà tôi từng chứng kiến ... được cho (một cách nhầm lẫn) là từ ABA ra].
Catherine Consel nói 2 vợ chồng cô bàng hoàng khi biết là con trai mình Thomas đã bị "quấn chăn" trong suốt 3 năm được điều trị tại bệnh viện Bordeaux. Vợ chồng cô nổi giận và đòi xem hồ sơ điều trị, và các nhà điều trị tâm lý đã trả lời đó là kết quả của việc định bệnh các "vấn đề thần kinh" của bệnh nhân. Trong hồ sơ ghi rõ Thomas bị quấn chăn bao lâu, đã la hét và khóc lóc như thế nào. Cô Catherine tin rằng Thomas sẽ được điều trị tốt hơn nếu gia đình cô ở lại Hoa Kỳ, nơi họ sinh ra cháu Thomas. Cô nói: "Ở Pháp này người ta chỉ có một cách giải quyết cho mọi vấn đề . Và nhiều khi chính phủ Pháp đã sai lầm ". Nhiều phụ huynh tại Pháp đã đối phó bằng cách gửi con mình ra nước ngoài .
Nguồn:
http://www.autismeurope.org
Maria Cheng, Associated Press