Con em được 3,5 tuổi hiện cháu đang đi học lớp mẫu giáo trường công. Cháu có một số biểu hiện sau làm em lo lắng không yên tâm. Nhờ các chuyên gia và các bố mẹ cho em lời khuyên.
Cháu biết nói lúc 1 tuổi và lúc 18 tháng thì đã nói được câu khá dài, nhưng tới bây giờ hơn 3 tuổi mà vốn từ của cháu nghèo nàn. Không biết kể lại chuyện gì xảy ra ở lớp. Có hỏi thì cháu mới nói VD" Hôm nay ở lớp con ăn cơm với gì?" thì bé trả lời "Con ăn cơm với cá hoặc thịt với canh rau ngót...", "Con ăn mấy bát?" trả lời "con ăn hai bát" (ngày nào cũng thế)
. Cháu ít chú ý và thường xuyên vận động thích sờ mó vào các thứ nhưng chỉ một lúc lại bỏ đi chỗ khác. Đi chơi thì hay quên đồ đạc mà đi đến chỗ lạ thì không ngại thám thính. Liệu cháu có phải bị tăng động giảm chú ý hay không?(Cháu từ nhỏ rất hay xem vô tuyến có thể xem hàng giờ không nhúc nhích, bây giờ bị hạn chế nhiều rồi). Và cháu có nên đi khám không? Vì nhiều người nói là cháu chả sao cả. Nhất là bố cháu không đồng ý cho đi khám.
Chỉ là mô tả trên diễn đàn, sẽ không ai dám chẩn đoán con của bạn có hội chứng tăng động hay không. Nếu bạn so với trẻ cùng tuổi, có lẽ bạn đã thấy con mình vốn từ nghèo, ít huyên thuyên trò chuyện, tầm chú ý ngắn, tay chân táy máy... Nhiều người bảo bé không sao, mà cả bố bé cũng thấy chả sao, là vì họ không nhận ra hết những khó khăn mà bé có thể phải đối dinệ trong học tập và sinh hoạt, ngay cả sinh hoạt với người nhà.
Cho đến nay, không phải chỉ phụ huynh VN mà nhiều phụ huynh tại Hoa Kỳ nơi tôi làm việc cũng không nhận rằng con mình thiếu chú ý, tăng động, hay ngay cả tự kỷ. Một ông bố vừa khóc ròng với chúng tôi: "Tôi tốt nghiệp cấp 3 lúc mới 16 tuổi thôi. Anh chị em tôi đều giỏi giang. Bên vợ tôi cũng thế. Vậy mà thằng K. con tôi thì cứ lừ đừ, lừ đừ... Nó chơi computer thì cả ngày vẫn ngon lành, nhưng ngồi vào học là buồn ngủ. Đến nhà ông bà thì nó rờ mó hết món này đến vật kia, còn ở lớp lại ngồi ụ ra như con voi bị ốm! Tôi nghỉ làm kèm cặp nó 3 tháng liền, và thấy sao nó chả chịu chú ý vào bài học".
Chúng tôi giải thích với anh rằng con của anh không ngu dốt, cũng không hư hỏng, biếng nhác, mà có tập tập trung ngắn kiến cậu không học như nhịp độ của đa số mọi người. Anh lại khóc, và nói: "Em ruột tôi là bác sĩ ở Sacramento cũng nói thế, nhưng thôi, tôi sẽ tiếp tục kèm cặp con tôi xem sao! Tôi không thể hiểu vì sao nó lại không tập trung, chỉ có thể là lười hoặc mất hứng thú học tập!"
Chồng của bạn có lẽ cùng suy nghĩ với ông bố trên đây. Thuyết phục họ rất khó. Điều đáng mừng cho câu chuyện tôi kể là chính ông bố nhúng tay vào tìm cách giải quyết vấn đề. Giải quyết đến đâu thì chưa rõ, nhưng ít nhất ông tự tay giúp con. Thế chồng của bạn không cho con đi khám, nhưng có sẽ giúp con không? Khi con táy máy chân tay, anh giải thích ra sao? Khi con trả lời với câu cụt ngủn, rập khuôn, anh nói gì?
Bạn đừng hỏi lại những câu bé đã trả lời rập khuôn. Hãy hỏi xem ai trong lớp vắg mặt, bạn A. có chơi với con không, cô giáo cho hát bài gì... Bạn thay đổi câu thường xuyên để con phải suy nghĩ thêm mà trả lời. Đồng thời, bạn cũng nên biết nội dung câu trả lời để giúp con trả lời cho đúng, cho đủ. Mảng ngôn ngữ bạn phải ráo riết bám lấy để bé không thoái triển. Có những em ở khoảng 2, 3 tuổi sẽ mất dần ngôn ngữ. Bạn chú trọng mảng này!
Bạn nên cho con tập thể dục, đạp xe đạp, đi bơi, đi bộ, chạy nhảy ở công viên... để giảm bớt năng lượng dư. Đừng cho ăn đường, uống soda hay vinamilk nhiều. Bạn tìm những trò chơi tĩnh lặng mà chơi với bé. Bạn cũng nên tìm cách massage cho con (một số phụ huynh ở diễn đàn này đã tập huấn với chúng tôi nhiều lần). Cho tắm nước ấm, ngâm mình cũng là lúc trẻ ngồi chơi yên một chỗ.
Nếu bạn ở Saigon, bạn nên đi tham gia hội thảo ngày 7/4 này. Bạn cần có giấy mời. Nếu muốn, xin liên lạc
giaoduc@concuame.com.