Đến đây thì tôi xin nói ra nói vào tí tí, vì tôi ngại phụ huynh ở VN hiểu lầm những nỗ lực của ngành giáo dục công lập mà tôi là một thành viên.
Bé vẫn chưa đi học vì học khu hơi bé học vẫn chưa dựng được chương trình học cho bé. Mặc dù trường có chương trình giáo dục đặc biệt hoạt động vài năm nay, nhưng họ cần có người Việt làm trong ngành để giúp làm test, phỏng vấn phụ huynh và bé S. Chuyên gia ngôn ngữ trị liệu người Việt thì học chắc chắn không có tại đó rồi.
Chắc chắn họ phải tìm chuyên viên Việt, và cả người thông dịch, vì những hỏi đáp là quan trọng cho điểm test. Ngay cả việc tìm ra test bằng tiếng Việt đã nhiêu khê rồi, vì hì hì, hiện chỉ có 1 test mà thôi. Rất hạn chế.
Vì vậy bé vẫn còn ở nhà đợi đi học. Phụ huynh có xin cho bé chuyển sang 1 trường khác để bé được vào học ngay, nhưng tiếc rằng học khu đã từ chối vì lý do tôi nói ở trên (nhà khu nào học khu đó). Phụ huynh hiện đang liên lạc với 1 chuyên gia ngôn ngữ trị liệu để xin cô ta giới thiệu cho chuyển trường nhưng hy vọng thành công rất thấp (cô này từ chối vào lần trước).
Nếu 1 ngôi trường có chương trình thích hợp cho em S nhưng không ở trong học khu của bé, cha mẹ bé có thể yêu cầu học khu của bé trả tiền xe đưa đón và tiền học cho bé tại ngôi trường đó. Tuy vậy, phụ huynh phải chứng minh là bé cần đi học lập tức và chỉ có thể học tại ngôi trường kia. Chứng minh điều này không dễ tí nào. Bản chất là học khu của bé có chương trình, nhưng phải chờ thẩm định.
Nhờ ai đó can thiệp thì... hì hì... ở Mỹ mà, hổng làm được đâu! Ngay cả bà hiệu trưởng hay thanh tra học chính (là vị xếp của mọi hiệu trưởng trong một học khu) cũng không làm gì qua mặt điều lệ được. Cũng không ai dại dột gì mà "giới thiệu chuyển trưởng" nếu không có lý do chính đáng (là lý do mà tôi nói phụ huynh phải chứng minh cho được).
Hiện tại bé S vẫn ở nhà vì trường tại học khu vẫn nói đang đợi. Tôi cũng bực mình chuyện này vì không hiểu họ đang đợi gì, và tại sao trường kia cùng học khu lại không có vấn đề gì (vì cùng học khu thì họ sẽ share/cùng có thể sử dụng ngôn ngữ trị liệu hoặc các dịch vụ tiếng Việt của nhau). Cái khó của tôi là bé S nằm ở học khu, vùng khác, cho nên họ có quyền không nói chuyện với mình vì mình không phải là custody / được ủy quyền coi bé mà hồ sơ thì được bảo mật nên họ rất do dự khi nói chuyện với mình cho dù phụ huynh muốn vậy.
Ấy, sao anh lại bực. Anh không nhớ có lần tôi phải lái xe 1 tiếng đồng hồ đi làm thẩm định cho một em bé VN đến từ Hà Nội, ở cái vùng núi mà tôi gọi anh ơi ới để chỉ đường qua điện thoại đó!
Luật giáo dục Hoa Kỳ buộc rằng một học sinh chuyên biệt phải được học trong môi trường ít giới hạn nhất. It's the least restrictive environment. Nghĩa là những kế hoạch học tập phải tối đa hóa thời gian và sinh hoạt mà em bé ấy được tiếp xúc với nhóm trẻ phát triển theo chuẩn. Vậy, nhà trường buộc phải biết khả năng của bé một cách chính xác để định ra môi trường ấy (học lớp chuyên biệt hay không, nếu học thì bao nhiêu giờ ở đó, bao nhiêu giờ được vào với bạn phát triển theo chuẩn, cần dịch vụ gì...) Để có kết quả chính xác về khả năng và nhu cầu, nhà trường buộc phải đi qua thẩm định chính thức.
Không có học khu nào, không có nhân viên nào, dám lên kế hoạch hoặc ký vào một kế hoạch giáo chuyên biệt mà không có kết quả thẩm định đi kèm. Lộn xộn, tòa án ngay trong thành phố sẽ lôi từ thanh tra học chính, đến hiệu trưởng, hiệu phó học tập, trưởng phòng giáo dục đặc biệt, giáo viên, chuyên viên, phụ giáo, và cả cha mẹ ra tòa. Lúc này, em học sinh kia được chính chính quyền tiểu bang đại diện để kiện nhà trường và phụ huynh tội "làm ẩu".
Việc anh và tôi không trao đổi với học khu của S thì anh đã biết: chúng ta không có quyền giám hộ chính thức. Dĩ nhiên, cha mẹ của S có thể ký giấy cho phép CCM trao đổi, nhưng chúng ta vẫn gặp khó khăn khi chính nhà trường vẫn chỉ coi CCM là advocate. Chỉ khi cả đám lau nhau ngồi vào họp trong 1 phòng thì ý kiến của CCM, của anh, của tôi mới có "ký lô". Phone, email... chả ăn nhập gì. Dễ hiểu mà, advocates thì chả là cái quái gì hết. Tôi đã làm việc với nhóm advocates nhiều lần. Tôi trọng nể họ, nhưng họ không phải là những cá nhân có khả năng quyết định trước luật pháp cho em học sinh ấy. Họ chỉ là cố vấn của cha mẹ mà thôi.
Bài học ở đây là:
a) phụ huynh và CCM nên phối hợp tốt hơn khi phụ huynh quyết định dọn nhà . CCM có thể nói chuyện với học khu để giới thiệu khu vực nhà ở thích hợp . Điều này không quan trọng lắm nếu phụ huynh định cư tại các thành phố lớn đông người Việt như San Jose, nhưng với các vùng vắng vẻ hơn thì rất cần.
Kinh nghiệm của tôi là: chúng ta đã góp ý, đã chia xẻ, đã cố vấn. Tiếc là chính các phụ huynh khi rời VN còn nhiều cố vấn khác, cho nhiều vấn đề khác. Thí dụ, chị A muốn đi San Jose vì biết CCM biết rõ vùng này và phụ cận để giúp con chị, nhưng chồng chị và mẹ chồng chị lại muốn sang Boston vì 9 anh chị em bên chồng đều ở đó. Anh B muốn đưa con vào học ở học khu S vì tại đó CCM biết một số chuyên viên và giáo viên thân, nhưng giá nhà ở học khu này khiến anh B lo không xuể ở mấy tháng đầu tiên. Anh Chị C phải về một thành phố vắng như chùa bà đanh, không có 1 mạng Việt Nam nào hết (trừ ông anh vợ) vì đó là nơi ông anh vợ có thể cho chị làm nail trong tiệm của họ.
b) Đừng giả định rằng khi qua Hoa Kỳ, bé sẽ vào học mau chóng. Học khu những nơi xa có thể có những khó khăn và họ sẽ bắt chúng ta đợi.
Dĩ nhiên rồi. Bên chồng tôi có ông anh mới sang, qua tuần thứ nhì là tôi đưa được tụi nhỏ vào trường học. Nhưng đó là khi các cháu không cần hỗ trợ chuyên biệt. Các em học sinh cần hỗ trợ như thế nhất định phải đi qua thẩm định như tôi đã giải thích.
Các duy nhất để vào học trong khi chờ trường thẩm định là phụ huynh đưa con đi thẩm định ở các phòng mạch tư. Cần ngôn ngữ thì tìm các phòng mạch ngôn ngữ (nhưng sẽ không bao giờ có người Việt). Cần chẩn đoán y khoa về asperger hay tự kỷ, down... thì tìm bác sĩ nhi khoa hay phân tâm. Các vị này có thể nói tiếng Việt nếu ở vùng đông người Việt.
Cũng xin nhớ dù có tìm ra bác sĩ và chuyên viên thì cái hẹn cũng vài tuần, chứ không sáng gọi chiều khám rồi kết quả chiều mai đâu.
Kết luận, tôi xin lỗi khi phụ huynh và em S phải chờ, nhưng nhà trường chịu những khoản luật khắt khe để ngăn ngừa việc ngược đãi, miệt thị, coi thường các cá nhân khuyết tật. Vì thế cho nên rằng thì là họ sẽ không nhắm mắt nhắm mũi đưa học sinh vào lớp đâu.