Bệnh viện Nhi Lucile Packard nằm sát cạnh bệnh viện Đại học Stanford, tất cả các hành lang đều nối thông qua nhau. Nếu không ai nói, bạn khó có thể biết được đây là 2 bệnh viện riêng biệt. Họ phối hợp làm việc rất nhịp nhàng. Bệnh nhân bên này có thể được đẩy qua bên kia làm xét nghiệm rồi quành về bên này tiếp tục điều trị. Kết quả xét nghiệm tự động đưa về đúng nơi đúng lúc.
Lucile Packard là vợ của nhà sáng lập ra công ty Hewlett Packard (HP). Bà đã đóng góp tiền của cho bệnh viện Nhi Lucile Packard. Để nhận được tiền tài trợ, bệnh viện phải thỏa mãn các yêu cầu của bà như sau.
Một là tất cả mọi nơi đều phải trải thảm. Bà Lucile biết rằng trẻ em bị stress khi phải vào bệnh viện. Vì vậy bà muốn không khí bệnh viện phải ấm cúng giống như phòng gia đình, có trải thảm để các em cảm thấy quen thuộc, bớt sợ hãi.
Hai là phải lập các khu giải trí cho trẻ em ngay phía ngoài phòng khám. Ví dụ như các mô hình xe lửa hoạt động cả ngày. Trong khi các em chờ đợi khám, các em có thể bấm nút điều khiển đường ray, đèn giao thông… Mục đích cũng nhằm làm cho các em đỡ nhàm chán và đỡ stress.
Khu xe lửa mô hình theo yêu cầu của bà Lucile khi bà tặng tiền cho bệnh viện
Trong lần đi thăm bệnh viện này, chúng tôi ghé khu Nuclear Medicine để xem họ chụp hình tim các em. Nói chung về nguyên tắc chụp hình thì có 2 cách. Một là dùng năng lượng từ ngoài, ví dụ như chụp quang tuyến, MRI. Hai là dùng năng lượng bên trong, ví dụ như bơm chất có lượng phóng xạ nhẹ vào trong máu. Lúc đó máu “phát sáng” cho ta thấy các mạch máu dãn nở ra sao, nghẹt chỗ nào, lượng máu chảy nhiều hay ít…
Người ta đưa các em vào một máy chụp. Các máy này trị giá khoảng vài triệu đô la, người chuyên viên chụp sẽ lập trình máy tự động xoay quanh và chụp các tấm hình cần thiết.
Máy chụp khu Nuclear Medecine
Các bác sĩ chụp hình tim lần thứ nhất, sau đó các bác sĩ cho các em chạy tập thể dục để xem lượng máy chảy về tim có đủ không, mạch máu dãn nở ra sao, điện tâm đồ có ổn định không. Tổng cộng là 2 lần chụp trước và sau khi tập thể dục.
Chạy để các bác sĩ theo dõi tim mạch
Vào cuối tuần, các nhóm tình nguyện viên thường mang các chú chó vào bệnh viện để chơi với các em nằm ở khu điều dưỡng. Các em chơi đùa với chó, mèo ... vui vẻ nên hệ thống miễn nhiễm hoạt động tốt, mong bình phục hơn. Các tình nguyện viên hay người nhà bệnh nhân khi vào sẽ được phát một thẻ có nạp tiền sẵn để khỏi phải trả phí giữ xe. Trước cổng bệnh viên có nhân viên trực, sẽ đậu xe dùm cho người nhà khi họ luống cuống mải lo đưa con vào bệnh viện.
Thẻ trả tiền giữ xe dành cho người nhà và các thiện nguyện viên
Bệnh viện Nhi Lucile Packard cũng là nơi diễn ra ca mổ tách 2 em bé song sinh dính liều nhau từ Philippines, một ca mổ nổi tiếng vào ngày 11 tháng 11 năm 2011. Các bác sĩ đã phải tách đôi gan cho mỗi em một nửa.