Rối loạn âm thanh / khó khăn học đường

Rối loạn âm thanh / khó khăn học đường

Gửi bàigửi bởi staff » CN Tháng 9 11, 2011 9:16 pm

Các khó khăn về ngôn ngữ và âm thanh đôi khi gây ra các khó khăn khác cho học sinh tại môi trường hòa nhập, đôi khi gây ra các tình huống hiểu lầm, ngày càng đẩy các học sinh vào dạng cá biệt, gây tác động lâu dài lên tâm lý học sinh.

Khi tôi nói bạn tưởng tượng chữ “A” và chữ “N” trong đầu để chuẩn bị đặt câu, suy nghĩ của các bạn sẽ đi qua các chu kỳ sau:

- Tìm tất cả các cách sắp đặt chữ, ví dụ như A + N = Ăn, hay N + A = Quả Na
- Sau đó bạn tìm ý nghĩ của chữ, ví dụ chữ ăn nghĩa là …, quả na nghĩa là …
- Sau cùng bạn tìm 1 tình huống, ngữ cảnh để đặt câu có chữ “ăn” hay chữ “na”

Tương tự như vậy, khi nghe ai nói một câu gì đó, bạn cũng sẽ đi qua các chu kỳ ráp chữ, tìm nghĩa và lồng vào ngữ cảnh.

Một rối loạn thường gặp ở trẻ TK cũng như không TK là ở chu kỳ ráp chữ. Trẻ mất thời gian hơn để tìm nghĩa của 1 từ nào đó, và khi hiểu ra từ đó thì đã nghe sót các chữ còn lại.
Ví dụ như cô giáo nói:

- Bây giờ chúng ta làm bài tập kiểm tra. Các em mở sách toán ra, trang 23, làm các bài tập số lẻ của chương 4.

Khi một học sinh có khó khăn trong chu kỳ ráp chữ, em chỉ nghe thoáng được trang 23 và chương 4. Em sẽ mở sách ra trang 23, ngó sang bạn bên cạnh để xem tiếp theo là phải làm gì. Cô giáo có thể sẽ nhìn thấy và phạt em rằng:

- Tại sao em nhìn vào vở bạn? Em không nên quay cóp trong lớp!

Từ đó, em sẽ lọt vào sổ đen của cô giáo vì em có vẻ luôn nhìn qua vở bạn mỗi khi cô kiểm tra bài. Một ví dụ khác là cô gọi em lên bảng như sau:

- Hôm nay cô sẽ gọi vài em lên kiểm tra. Em Huy đã làm bài chưa? Lên bảng làm bài số 4 cho cô xem.

Khi nghe cô gọi tên mình, Huy sẽ mất vài giây để lấy bình tĩnh và tìm ngữ cảnh, và sẽ không biết được phải lên bảng làm bài số mấy. Trong trường hợp này, cô giáo nên nói như sau:

- Huy này (ngừng vài giây), hôm nay cô kiểm tra bài cả lớp, Huy lên bảng nhé.

Và khi Huy lên tới nơi, cô nói tiếp:

- Huy làm bài số 4 cho cô.

Đó là vấn đề nghe và hiểu mệnh lệnh, giờ chúng ta nói sang vấn đề tập trung nghe lệnh. Các bạn có để ý rằng càng lớn tuổi, chúng ta càng khó nghe được người đối diện nói gì ở chỗ đông người không? Đó chưa chắc là vì lãng tai, mà vì chúng ta đang mất dần khả năng lọc các âm thanh tạp. Khi nói chuyện ở nơi đông người, chúng ta có khả năng lọc các âm thanh tạp, các câu chuyện ngoài lề mà những người chung quanh đang nói tới, để chỉ tập trung nghe người đối diện. Khả năng này ngày càng kém khi ta lớn tuổi, làm cho việc lọc âm thanh tạp càng khó khăn hơn.

Các em TK có thể rối loạn khả năng lọc, nhất là khi các em đang chú tâm tới một đề tài nào đó. Chúng ta nghe chuyện Phạm Ngũ Lão ngồi giữa đường, quân lính hét bắt tránh ra mà vẫn không nghe. Cho đến khi quân lính lấy giáo đâm vào đùi thì mới biết, có lẽ cụ Phạm Ngũ Lão bị rối loạn khả năng lọc tạp âm, vì cụ đang quá chú ý vào việc gì đó.

PhamNguLao.jpg
PhamNguLao.jpg (37.18 KiB) Đã xem 3899 lần.


Một số phụ huynh than phiền rằng phải gọi nhiều lần con mới quay lại, có thể con em bạn đang có rối loạn lọc âm, các cháu không nghe gì cả khi chúng ta gọi. Cách giải quyết dễ dàng nhất là hiểu và thông cảm, đừng cho là các cháu lì lợm. Hãy ngắt dòng tư tưởng của cháu bằng cách đứng trước mặt ra hịệu (thị giác), dùng tay chạm vào cùi trỏ (xúc giác) thay vì cứ đứng đằng sau gọi.
Rối loạn khả năng lọc âm cộng với rối loạn ráp từ là khó khăn lớn cho trẻ TK khi đi học. Các cô giáo không hiểu điều này sẽ thường xuyên than vãn “Trò Huy gọi không bao giờ trả lời”, “Cô vừa giải thích xong, tại sao em không nghe”?

Một số em rối loạn ở khâu tìm nghĩa. Cách tốt nhất để giải thích khái niệm này là kể lại một câu chuyện tôi chứng kiến trong lớp. Khi cô giáo nói “Cả lớp yên lặng làm bài”, một em đã đứng lên nói “em đâu có nói gì đâu mà cô nói em im lặng”. Cô giáo cau mày nói “Cô dặn cả lớp. Cô có gọi tên em ra đâu”. Em lập tức phản đối “Nhưng cô nói ‘cả lớp‘ tức là có em trong đó”.

Cô giáo thì lắc đầu ngao ngán cho rằng em gàn. Cả lớp thì cười ồ lên đồng tình với cô giáo. Còn em thì tức giận vì cô đã xúc phạm mình và làm cho các bạn chống đối mình.

Hiểu được cách chúng ta tách nghĩa ngôn ngữ, cách chúng ta nghe/dịch các mệnh lệnh, và các rối loạn liên quan là bước đầu rất cần thiết cho các giáo viên giáo dục đặc biệt. Khi đưa học sinh chuyên biệt của mình vào lớp hòa nhập, chúng ta phải làm việc, phối hợp chặt với các cô tại trường hòa nhập để họ biết phải làm gì với học sinh của chúng ta qua một chương trình can thiệp chuyển tiếp thật cụ thể.

Nguyễn, Phi
Giáo dục đặc biệt
ConCủaMẹ.com
staff
 
Bài viết: 256
Ngày tham gia: T.Tư Tháng 2 04, 2009 9:51 am

Quay về Những bài viết về Tự Kỷ

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.14 khách.

cron