nhưng có điều cháu xem hoạt hình xong chẳng hạn là hôm sau cháu cứ lảm nhảm theo những đối thoại trong đoạn phim đó,
Trước khi đi sâu vào chi tiết, mình nói qua về ngôn ngữ trẻ TK cho bạn hiểu sơ (chị TA sẽ nói thêm nếu cần vì đây là chuyên môn của chị). Trẻ TK học ngôn ngữ không giống như trẻ không TK. Trẻ TK thường cố nhớ từ ngữ trong câu rồi lập lại theo đúng ngữ cảnh mà người dạy muốn dùng . Hiểu được điều này, bạn sẽ thấy rằng việc các bé TK lập lại các từ là chuyện bình thường . Có bé lập lại ngay lập tức, ví dụ như mẹ hỏi "uống sữa không?" thì bé sẽ gật đầu, mồm nói "uống sữa không?" ngay lập tức .
Có trẻ thì nghe quảng cáo tivi "vina ace cook" mì gói, và ngày hôm sau lúc đói bụng thì sẽ nói ngay "vina ace cook".
Trong cả 2 trường hợp trên, việc lập lại là một kỹ thuật học ngôn ngữ rất bình thường của trẻ TK. Trẻ TK dùng phương pháp lập lại để học mà, nên nếu không biết điều này, chúng ta cho trẻ TK là quái lạ . Trẻ không TK cũng thế, lúc còn nhỏ cũng học bằng cách ê a bắt chước theo người khác đó thôi .
Hiện tượng này dân trong ngành gọi là echolalia, từ chữ "echo" có nghĨa là vang lại, lập lại .
Bây giờ câu hỏi quan trọng nhất là ? Thế thì tại sao bé nhà chị cứ lập lại ? Theo xác xuất thì phần lớn các bé TK lập lại vì 2 lý do: để giải trí và để tự chữa
1) Để giải trí: trẻ thích thú với ngữ cảnh, với âm thanh ... liên quan tới câu nói đó nên trẻ liên tục lập lại . Chúng ta cũng thế thôi . Chúng ta huýt sáo, bỏ ring tone vào trong điện thoại bài hát "Vọng cổ teen" vì chúng ta thích .
2) Để tự chữa: Trẻ lập lại để tự mình bình tĩnh . Khi bị stress, lo sợ hay bồi hồi, trẻ có thể sẽ lập lại các câu nói đó để cho mình bình tĩnh hơn . Theo tôi nó tương tự như khi chúng ta sợ hãi khi đi về nhà ban khuya ngang nghĩa trang, chúng ta lẩm nhẩm "Nam mô a di đà Phật" hoặc đọc một đoạn kinh chẳng hạn . Về tôn giáo thì tôi không dám bàn tới, nhưng về vấn đề tâm lý thì nó làm chúng ta bình tĩnh hơn, cảm thấy không cô đơn và bớt sợ .
Chắc bây giờ bạn hỏi tôi : Vậy em làm gì bây giờ ? Theo trường phái can thiệp CCM đang làm thì trừ khi hành vi quá tệ (ví dụ như gây thương tích), thường chúng ta không nên cấm . Vì cấm trẻ chỗ này, nó sẽ xì ra chỗ khác bằng hình thức khác . Vấn đề chính là dạy cho trẻ biết khi nào nên làm, và làm ở chỗ nào .
Như 1 người TK trưởng thành học trò của chị Tường Anh đang đi làm tại Hoa Kỳ . Lúc bé anh ta có tật sờ chỗ kín . Bây giờ đi làm, cứ khoảng 1 tiếng thì anh ta vào WC, đóng cửa lại, làm cái đó, rồi rử tay sạch sẽ, ra ngoài làm việc tiếp . Can thiệp thành công của chị Tường Anh không phải là cấm không cho rờ (vì việc đó không đáng phải làm so với các việc khác) mà là dạy cho trẻ biết rằng không nên sờ nơi công cộng, biết vào WC sờ, sờ vào lúc nào, và biết giữ vệ sinh rửa tay sạch sẽ .
Để làm 1 việc tưởng như đơn giản trên, CCM và cha mẹ, cô giáo phải mất một thời gian dài . Như bạn thấy, không đơn thuần là cấm, mà là cả 1 quá trình can thiệp, dạy trẻ về nhận thức, về hành vi . Từ đó trẻ sẽ áp dụng được vào các lĩnh vực khác . Nó bắt đầu bằng việc hiểu rõ mạnh/yếu của trẻ, hiểu nhận thức và ra các bài học hướng tới những gì bé có thể học được .
Hy vọng bạn đã nắm bắt được cốt lõi vấn đề . Giáo dục đặc biệt là vậy đó bạn, đằng sau một câu hỏi đơn giản luôn là các vấn đề không đơn giản chút nào . Chúc bạn may mắn .