VIRUS Ở ĐÂU?
Lưu ý: bài viết này trình bày các ý kiến của nhiều chuyên gia, bác sĩ, các cách xử lý ở nhiều nơi khác nhau. Bài này không phải là một bài có tính cách đưa ra giải pháp hoặc đưa ra các lời khuyên y khoa cho bạn, cho cộng đồng nơi bạn sinh sống. Bạn nên hiểu nguyên lý hoạt động rồi tìm giải pháp tối ưu cho mình thay vì áp dụng y hệt cái người khác làm.
Một nguyên lý nhiều quốc gia đang áp dụng để chống lây nhiễm cho loại virus bệnh-rồi-mà-không-có-triệu-chứng là gì? Đó là cần ứng xử, làm việc như chính mình đang có covid-19 và người chung quan mình cũng có.
Trong môi trường chung quanh chúng ta thì sao? Đó là mục đích của bài viết này, cung cấp các ý kiến khoa học của các bác sĩ, chuyên gia để chúng ta cùng rút bài học, áp dụng cho cuộc sống cá nhân, sinh hoạt nơi Trường, Lớp, Công sở...
Virus corona dính vào quần áo không? Đi chợ về, có nên thay quần áo không?
Linsey Marr, khoa học gia mảng này từ ĐH Công nghệ Virginia cho biết: nếu các bạn làm đúng theo lời khuyên giãn cách xã hội, social distancing thì việc đi ra chợ, vào tiệm tạp hóa về, không cần thiết phải thay quần áo hoặc đi tắm trừ khi bạn đi vào nhà thương, đi thăm người bệnh, đi tới những khu có nguy cơ lây nhiễm cao.
Vì sao vậy?
Dù các hạt bụi dạng nhỏ có thể lơ lửng trên trên không khí nhưng nguyên tắc khí động học sẽ không làm nó bám vào quần áo của bạn. Nói nôm na như vầy. Khi bạn đi tới chỗ, chuyển động của bạn làm không khí "rẽ ra", các hạt bụi dạt ra 2 bên không bám vào. Dĩ nhiên là nếu bạn không đeo khẩu trang và hít vào bằng mũi, thì sức hít vào lớn hơn độ dạt, virus sẽ theo đường thở vào trong phổi.
Tiến sĩ Mar dặn thêm: vậy thì bụi nhỏ tuy có thể lơ lửng khoảng 30 phút trong không khí, chúng không bám vào quần áo trừ khi có người ho, hắt hơi (không đeo khẩu trang) và nó tạo ra một đám bụi rất lớn, có cả các hạt nặng chưa kịp rơi xuống và bạn đi ngay vào đó. Vậy thì khi ra ngoài, ai ho, hắt hơi vào mình, các bạn cần thay quần áo, đi tắm ngay, không thì không nhất thiết phải làm vậy khi đi chợ.
Lưu ý: Chợ, siêu thị tại Hoa Kỳ có diện tích rộng, người thưa. Những lời khuyên trên cần được xét lại ở môi trường nơi bạn sinh sống.
Virus corona có dính vào tóc hay râu không?
Bác sĩ Andrew Janowski, giảng viên Môn bệnh truyền nhiễm nhi tại ĐH Y khoa Washington University School of Medecine, St. Louis Children's Hospital giải thích: cũng giống như các lý do trên, trừ khi ai đó hắt hơi thẳng vào tóc mình (khi mình đã đeo khẩu trang). Khi ai đó hắt hơi một lượng lớn virus bay ra bám vào tóc, quần áo mình, rồi khi bạn đụng vào tóc, quần áo, rồi tay mình đưa lên mặt, vào mũi, miệng... thì virus sẽ vào cơ thể. Một chuỗi các sự kiện cần xảy ra thì bạn mới bị dính.
Lưu ý: Việc rửa tay thường xuyên sẽ phá vỡ chuỗi sự kiện trên.
Giặt quần áo thì sao? Rũ quần áo có làm bụi chứa virus bay lên không?
Tùy là bạn giặt quần áo của ai? Của bạn hay của người bệnh?
Nếu không phải là trường hợp giặt quần áo người bệnh thì cứ giặt bình thường. Giặt nước nóng, cho vào máy sấy. Virus corona có lớp màng mỡ bao quanh, dễ bị xà phòng phá vỡ làm chúng vô hiệu quả. Tiến sĩ Marr nói: đúng là rũ quần áo sẽ làm bụi virus bám vào bay lên nhưng phải có một số lớn lắm mới gây ra nguy hiểm. Nếu bạn đi chợ, siêu thị thì số virus bám lên không nhiều như vậy (trừ khi bị hắt hơi vào).
Lưu ý: quy trình giặt quần áo ở trên bao gồm cả cho vào máy sấy, nhiệt độ cao để làm khô quần áo. Vậy việc giặt quần áo mà phơi thì sao, chưa ai trả lời. Và để cho chắc, nếu không cần thiết, tránh rũ quần áo làm bay bụi lên.
Nếu là quần áo của người bệnh thì sao?
CDC nói để cho chắc, bạn nên để quần áo ở đó một thời gian trước khi giặt và trước khi đem ra mặc. Vì sao vậy? Tiến sĩ Mar giải thích: chúng ta biết là virus loại này sẽ bị hủy hoại nhanh hơn trên bề mặt vải, quần áo so với bề mặt cứng như inox, thép, nhựa.
Vậy chúng dính trên bề mặt bao lâu?
Tạp chí New England Journal of Medicine nói: dưới điều kiện lý tưởng, virus sẽ sống trên bề mặt cứng (inox, thép, nhựa...) lên tới 3 ngày, trên thùng cạc tông, giấy thì 24 tiếng. Dù nghiên cứu này không nhắc tới vải, quần áo, các nhà khoa học đa phần nghĩ là virus corona sẽ bị khô nhanh hơn trên bề mặt vải chất liệu cotton. Virus corona cần môi trường ẩm thấp cho nên khi bị khô nhanh, chúng bị vô hiệu hóa nhanh hơn. Các thí nghiệm hồi 2005 với virus SARS cho thấy đúng như vậy.
Vậy thư, hàng gửi tới thì sao?
Nếu không cần thiết, bạn nên để đó 24 tiếng sau mới mở ra. Sau khi mở thì cần đi rửa tay, rửa tất cả các dụng cụ dùng để mở.
Còn giày dép thì sao?
Đúng là giày dép dính vi khuẩn, vi trùng nói chung nhiều nhất. Khi bạn đi vào bệnh viện hoặc ở ngoài, đạp lên các hạt bụi nặng có virus, bạn có thể sẽ mang nó về nhà hoặc vào trong xe hơi của bạn.
Nếu giày có thể giặt được thì cho vào giặt. Nếu không thì nên để ở ngoài (trong vùng buffer), không mang vào nhà. Dù trên nguyên tắc thì có thể disinfect giày bằng dung dịch nào đó, người ta khuyên không nên làm vì xác xuất tay đụng vào còn cao hơn. Hơn nữa, số lượng dung dịch cần để lau sạch giày sẽ tốn nhiều. Bác sĩ Janowski dặn: cẩn thận. Bạn không thể biết được bạn giẵm lên cái gì đâu. Nhất là trong nhà có trẻ nhỏ còn đang tập đi, hay ngồi xuống đất.
Lưu ý: nếu bạn đi dép, đi chân không thì sao? Trong lớp học, các em nhỏ có thể ngồi xuống đất chơi, tay đụng nền nhà mà chân bạn từng đạp lên, bạn cần làm gì?
Chợ, siêu thị bên Mỹ diện tích rộng, an toàn không?
Tại Hoa Kỳ nhiều nhân viên làm ở chợ, siêu thị đã nhiễm bệnh. Áp lực xã hội ngày càng gia tăng, đề nghị siêu thị, chợ tổ chức bán sao để người ta không được bước vào bên trong. Ví dụ như ngoài việc giao hàng online, họ bán theo kiểu đặt mua, xe hơi chạy tới, mở cốp xe lên và nhân viên siêu thị sẽ cho hàng hóa vào.
Marc Perrone, chủ tịch Công đoàn của United Food and Commercial Workers nói: mối nguy hiểm lớn nhất hiện giờ là những khách hàng bất cẩn, vô ý thức. Ông nói khoảng 85% người đi chợ, siêu thị không tuân thủ luật lệ social distancing.
Mike Houston thì có quyết định khác: với diện tích 390 mét vuông mà mỗi ngày có khoảng 960 khách hàng vào đi chợ, không cách chi tôi có thể bảo vệ nhân viên của tôi được, nên tôi quyết định đóng cửa.
Những chợ nhỏ, không có bãi đậu xe lớn thì làm sao mang hàng ra cho khách?
Các chợ của người Á châu không đầu tư vào công nghệ, hầu như không có khái niệm bán hàng online hay mang ra bãi thì sao?
Nhiều người Việt chọn phương án đi sớm cho vắng. Nhưng đi sớm lại sớm trở thành trào lưu, dẫn tới đi sớm vẫn đông.
Trẻ nhỏ, đàn ông dễ bị hơn không?
Tại California nơi người Á châu chiếm khoảng 15% dân số, tỷ lệ bị covid-19 gần như là 1/2 nam, 1/2 nữ, vậy không thể khẳng định phụ nữ khó dính hơn, hoặc cô giáo an toàn hơn thầy giáo. Số trẻ nhỏ có bệnh covid-19 và tử vong cũng có.
Nếu con bạn đang đi học, bạn cần hiểu nguyên lý hoạt động, đọc để lấy nhiều kiến thức y khoa và có một cuộc nói chuyện ôn hòa, có tính xây dựng với nơi con bạn đang đi học.
Nếu bạn có giáo viên tới nhà dạy thêm, bạn nên yêu cầu giáo viên đó đưa ra thời khóa biểu làm việc của họ. Trong ngày họ dạy những ai, có vào những nơi nguy cơ cao. Cách họ làm C/D (rửa sạch và khử trùng) tay, học cụ ra sao... Dĩ nhiên là có sự cân bằng giữa thông tin cá nhân và an toàn ở đây, nhưng xin bạn lưu ý 2 điều:
+ Nhiều quốc gia đang nói người dân của họ thay đổi tư duy, phải ứng xử như là mình có virus, người kia cũng có virus, vậy ở mức nào đó, thông tin cá nhân ở mức nào đó không quan trọng bằng an toàn cho cá nhân vào lúc này, cụ thể là an toàn cho con bạn.
+ Các giáo viên phần lớn là người tiếp xúc với trẻ em. Họ thường có tinh thần ham học hỏi. Chính họ cũng muốn hiểu để làm việc tốt hơn cho chính họ, cho cả những học trò khác họ đang nhận dạy thêm. Hãy trao đổi thẳng thắn với mục đích 2 bên cùng giúp nhau tốt hơn, đặt an toàn của con bạn lên hàng đầu.
Nếu con bạn tới Trường nào đó, Lớp học nào đó, bạn cũng cần làm tương tự. Trao đổi thông tin với Trường, với Nhóm lớp đó để xem họ sẽ làm gì để bảo vệ con bạn. Nhiều giáo viên đã tận dụng thời gian nghỉ dịch vừa qua để học về an toàn. Bạn nên hỏi xem họ đã học gì, sẽ làm việc khác với trước đây ra sao để bảo vệ con của bạn. Với tinh thần 2 bên cùng học từ nhau, bạn sẽ giúp họ tổ chức tốt hơn và họ sẽ giúp bạn an toàn hơn tại nhà, khi đưa đón.
Bên Mỹ đi học lại ra sao?
Đan Mạch là quốc gia phương Tây đầu tiên cho học sinh đi học lại. Họ chọn nhóm trẻ nhỏ nhất. Vì sao vậy?
Không phải vì trẻ nhỏ ít bị dính covid-19 mà đó là một quyết định có tính xã hội. Nhóm trẻ nhỏ khi đi học thì cha mẹ chúng mới có thể đi làm, nền kinh tế mới có thể từ từ kích hoạch.
Tanja Linnet, giáo viên tại quận Logumkloster (một quận nằm phía nam, giáp Đức) cho biết: một thế giới khác hẳn khi mở Lớp trở lại. Chúng tôi từng tập cho các em về tình huống bị khủng bố, còn kiểu này thì chưa gặp bao giờ. Học sinh ngồi cách nhau xa hơn. Cách tổ chức giờ ăn, sinh hoạt, học nhóm cũng thay đổi. Đan Mạch có 2 hệ thống trường tư và công nên việc bảo đảm an toàn cho học sinh ở trường tư cũng khó kiểm soát hơn.
Các case study đợt dịch SARS cũng cho thấy những nguy hiểm tiềm tàng không nằm ở quy trình mà ở con người tham gia quy trình đó.
Lưu ý: vì lý do riêng tư và tính chất bảo mật, chúng tôi không chia sẻ thêm được thêm cho những case trên. Sau khi được chấp thuận, chúng tôi sẽ công bố. Nếu không được chấp thuận, chúng tôi sẽ dùng case của TT Nhân Văn làm tài liệu.
Cách sinh hoạt có làm cho một nhóm người nào đó dễ bị dính bệnh hơn không?
Có. Tư duy của con người là yếu tố quan trọng vào lúc này.
Cụ thể là trong cộng đồng người Việt ở vùng San Jose (nơi đa số chúng tôi, CCM, sinh sống và làm việc) mới bị một trường hợp trầm trọng.
Cô L sinh hoạt ở chùa TL trên đường Lundy đã mất tối hôm thứ 5, ngày 16/4/2020 (cầu mong cô được siêu thoát). Hiện cả nhà 4 người đều lây nhiễm. Chỉ có người con trai đang ngồi xe lăn, dù bị nặng nhất, được cho ra khỏ viện để gặp mẹ lần cuối. Cô lúc trước là cựu nữ sinh Trung học Hồng Đức ở Đà Nẵng. Trong số người bị lây có con gái cô là một bác sĩ.
Cộng đồng Việt Nam tại San Jose đang truyền tin cho nhau để báo cho những ai đã từng sinh hoạt chung, từng tới địa điểm trên.
Sắc dân nào bị nặng nhất tại Hoa Kỳ?
Nhóm người Mỹ gốc Phi châu là nhóm có tử vong cao nhất, tại sao thì không ai biết, có thể có rất nhiều lý do.
Tại tiểu bang Louisiana là nơi nhóm sắc dân này bị nặng nhất, họ đã bị chỉ trích là khi cả nước cấm tụ tập, họ vẫn tổ chức lễ hội. Trong cộng đồng của họ, thậm chí còn có tin đồn là "tụi mình không bị như tụi khác" cho nên một nhân viên cao cấp Y tế của California đã lên tivi cảnh báo: xin các bạn màu da giống tôi đừng nghe tin đồn đó.
(còn tiếp)