Thời Khoá Biểu Hoạt Động Cho Trẻ Tự Kỷ
Đây là bản lược dịch từ cuốn sách cùng tên trong chủ đề “Dạy Bé Tự Lập” của Tiến sĩ Lynn McClannahan và Tiến sĩ Patricia Krantz.
http://www.amazon.com/Activity-Schedule ... 993&sr=8-1
Thời Khoá Biểu Hoạt Động (Activity Schedule) là chuỗi hình ảnh và từ ngữ để ra hiệu cho trẻ làm một số việc nào đó. TKBHĐ có nhiều dạng, nhưng thường bắt đầu là cuốn sách có hình ảnh mỗi trang để ra hiệu cho bé làm một việc. Tùy vào mỗi bé mà ta có thể làm một TKBHĐ tổng quát hay thật chi tiết:
· Tổng quát: dùng một hình ảnh duy nhất để chỉ cho bé làm gì đó như đánh răng chẳng hạn.
· Chi tiết: chia nhỏ việc ra thành nhiều bước khác nhau, như đánh răng thì có lấy thuốc, rồi bôi thuốc...
Sau đó ta dạy bé tự mở sách tới trang cần làm, nhìn hình ảnh để tự làm, rồi lại lật qua trang mới làm việc kế tiếp. Mục đích là để bé có kỹ năng tự sinh hoạt mà không cần mẹ trực tiếp chỉ dẫn hay nhắc nhở.
Một vấn đề bạn cần chú ý là bé có nhìn hình ảnh không hay chỉ nhìn vào phần hậu cảnh? Đưa một tấm ảnh cánh hoa, có thể bé chỉ nhìn cây cỏ sau lưng cánh hoa mà không chú ý gì tới cánh hoa cả. Vậy thì phải dạy cho bé tập trung đúng hình ảnh cần nhìn trước khi dạy bé dùng THBHĐ.
Muốn biết bé có chú ý tới đúng hình ảnh mình muốn trình bày hay không, hoặc muốn biết cách để dạy bé chú ý cho đúng hình ảnh, thì các bạn làm thế này:
1. Cắt nhiều miếng giấy nhỏ và vẽ một vài hình ảnh gì đấy quen thuộc vào, tức là bạn có cùng nhiều hình ảnh quen thuộc trên nhiều mảnh giấy nhỏ khác nhau.
2. Lấy một cuốn vở trắng 10 trang rồi dán những miếng giấy có hình vẽ ở trên vào. Mỗi trang chỉ dán một miếng nhưng ở vị trí khác nhau.
3. Sau đó bạn mở từng trang ra và hỏi bé: “Tấm hình nằm ở đâu?” hoặc “Chỉ cho mẹ xem hình ở đâu nào”
Lời người dịch: “vở trắng” đây không phải là một cuốn vở màu trắng, mà là cuốn vở không có chữ viết lên, và tất cả 10 trang đều có chung một màu. Tác giả dùng chữ “construction paper” tức là giống như giấy thủ công chúng ta thường dùng. Dưới đây là hình giấy “construction paper”.
Vậy thì việc đầu tiên các bạn cần làm là xem bé nhà mình có biết nhìn đúng hình ảnh cần nhìn không, nếu chưa thì tập cho bé trước khi làm Thời Khóa Biểu Hoạt Động.
Khi dạy cho bé coi cuốn vở 10-trang nói trên, bạn nhớ ghi lại xem bé có tiến bộ không, chẳng hạn như tuần trước thì bé chỉ đúng được 3 lần, giờ thi lên được 4 lần... Các bạn nên tập cho nhiều lần trong ngày. Và nếu bé ít có tiến bộ thì bạn phải chú ý đoán trước hành động của bé để chỉnh trước khi bé làm sai. Ví dụ như sau khi hỏi “Hình vẽ nằm đâu?” thì bạn chú ý tay của bé. Nếu bé sắp sửa chỉ sai thì mình dìu tay bé vào chỗ đúng ngay và khen bé: “Giỏi, con đoán đúng rồi đấy”. Nhưng bạn chỉ khen thôi mà không thưởng quà vặt hay đồ chơi: để dành những thứ đó mỗi khi bé tự mình chỉ đúng.
Bây giờ tạm dừng ở đây, lần tới chúng ta sẽ nói tới khả năng tìm tương xứng, thí dụ như nhìn hình con thỏ và biết được nó tương xứng với con thỏ nhồi bông trên giường. Và trước khi nói tới khả năng tìm tương xứng, bé phải có khả năng nhận ra những vật tương đồng thí dụ như 2 quả chuối hoặc 2 cái ly.
Lần tới chúng ta sẽ bàn về khả năng tìm tương xứng và khả năng nhận vật tương đồng.
Xin chào tạm biệt
Phi