Các nhà nghiên cứu của Đại học Cal Tech vừa đưa ra một nghiên cứu lý thú về trẻ TK. Các giáo viên gdđb và chuyên gia TK từ lâu đã biết về các vấn đề này, và nay thì đã được kiểm chứng một cách khoa học.
Chúng tôi sẽ tóm tắt lại nghiên cứu này để bạn đọc dễ hiểu, và sẽ cho các bạn biết CCM đang áp dụng ra sao.
Nguồn:
Proceedings of the National Academy of Sciences / Học viện khoa học quốc gia (Hoa Kỳ)
Đại học Caltech, http://www.caltech.edu (đây là một đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ, tại Pasadena, California)
Câu hỏi đầu tiên các nhà khoa học đặt ra là: trẻ TK có theory of mind không? (bạn chưa biết thì nên đọc bài này: http://concuame.com/index.php?option=co ... Itemid=150 )
Họ làm thí nghiệm bằng cách lập ra 2 nhóm người, tạm gọi là A và B. Nhóm A là những người TK, Asperger ... Nhóm B là những người không TK.
Đầu tiên họ tách nhóm A ra làm 2 nhóm nhỏ: A1 và A2. Nhóm A1 được đưa vào 1 phòng không có ai cả, chỉ có họ với nhau. Nhóm A2 đưa vào 1 phòng có những người khác ngồi chung quanh.
Họ yêu cầu nhóm A1 và A2 viết ngân phiếu cho tiền cho 1 hội Từ thiện. Kết quả là cả 2 nhóm A1 và A2 đều cho như nhau. Kết luận: việc có mặt "người lạ" chung quanh không ảnh hưởng việc tôi cho bao nhiêu tiền.
Họ làm tương tự cho nhóm B, nhóm người không TK. Họ cũng chia làm B1 (không có người lạ chung quanh) và B2 (có người lạ chung quanh). Kết quả là nhóm B2 cho nhiều tiền hơn nhóm B1. Kết luận: việc có mặt "người lạ" chung quanh làm cho những người không TK cho nhiều tiền hơn. Tại sao? Tại trong tiềm thức họ, họ muốn "người lạ" biết mình là người tốt bụng.
Cho tới lúc này, chúng ta có thể kết luận được tại sao người TK không "care", "mackeno" những người lạ chung quanh vì họ thiếu khả năng đóng vai, theory of mind. Nhưng câu hỏi đặt ra là họ không quan tâm hay họ không biết là có người lạ chung quanh mình.
Các nhà khoa học quành lại làm các thử nghiệm tương tự . Lần này thì cho làm 1 bài toán thay vì yêu cầu viết ngân phiếu cho một tổ chức Từ thiện. Kết quả là khi có người quan sát, cả nhóm A và B đều làm toán nhanh hơn. Vậy kết luận của họ là các trẻ TK biết được sự hiện diện của người lạ, suy nghĩ có bị ảnh hưởng bởi người lạ, nhưng các em sẽ không cư xử khác đi để "nâng cao cái tôi" của mình lên.
Các chứng minh trên không có gì mới mẻ vì nó là điều mà các chuyên gia/giáo viên đb đã nói tới từ lâu. Vậy câu hỏi lý thú hơn là chúng ta áp dụng vào môi trường gdđb ra sao?
1) Bé không đóng vai chúng ta, thì chúng ta đóng vai các bé
Nếu bạn có đi dự hội thảo CCM năm trước, chắc bạn có nghe chị Tường Anh nói 1/2 đùa 1/2 thật là "bước vào, các bé thấy toàn là mông người lớn. Cho bớt người ra khỏi phòng đi ..."
Với chiều cao của các bé, khi số lượng người lớn trong phòng đông, các bé sẽ đúng là chỉ thấy toàn mông người lớn. Vì vậy phải hạn chế số người trong phòng.
Có nghĩa là chúng ta không nên dạy bé trong một môi trường có nhiều người lạ . Nếu cần quan sát, quan sát qua camera. Nếu cần phải quan sát trực tiếp, giới thiệu "người lạ" cho các bé trước, nói về họ trước khi họ tới trường, và "xin phép" các bé trước khi cho họ vào. Khi có đông người, hạn chế lượng âm thanh, yêu cầu tắt máy hình có flash.
Xin tránh cho nhiều người lạ vào trong lớp như hình minh họa sau
Note: Hình chỉ có tính cách minh họa
2) Tập cho các bé để ý hơn về người khác
Khi người lạ vào thăm hay có học sinh mới, hãy nói cho các bé biết. Xin phép các bé trước khi người lạ vào. Hồi tháng trước khi tôi vào lớp trẻ TK, cô Mary đã nói với em T "hôm nay có ... vào dự giờ với chúng ta. Ông ta sẽ chỉ ngồi ở đó. Nếu con không hài lòng, cô sẽ yêu cầu ông ta ra ngoài cho tới khi con bớt sợ, ok?" Mặc dù hôm đó tôi không bị bé T đuổi ra, nhưng tôi biết nếu bé lắc đầu, cô M sẽ mời tôi ra khỏi lớp (hôm đó tôi đi thay cho cô Xuyến vào phút chót nên lỗi là ở phía CCM).
Chúng ta nên bắt đầu như vậy. Hãy tập tôn trọng các em: nói trước khi có người vào thăm, xin phép trước khi chụp hình ... Các đánh giá học tập tại nơi CCM làm việc đều có phần chữ ký cho học sinh. Chữ ký này không có ý nghĩa quan trọng về mặt pháp lý, nhưng về tâm lý thì rất quan trọng: các em biết mình có tiếng nói trong những trao đổi giữa thày/cô và cha/mẹ mình.
3) Classroom assessment / Đánh giá lớp học
Một ví dụ cụ thể là bạn nên quỳ xuống cho bằng với chiều cao của bé, rồi lết đi khắp phòng học để xem lớp học trang trí ra sao, bàn ghế có hợp lý không. Đứng ở chiều cao của người lớn chúng ta không thấy được góc nhìn của bé.
Đánh giá lớp học là một một khóa đào tạo sâu vì người đánh giá lớp học sẽ coi cả về âm thanh, ánh sáng, cách kê bàn ghế, gắn bảng ỏ đâu, học sinh di chuyển ra sao trong giờ học. Tôi vẫn nhớ câu khẩu hiệu họ mở đầu trong chương trình đào tạo Classroom assessment là "Lớp học ngăn nắp khi luồng tư tưởng, kiến thức di chuyển ngăn nắp giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau, chứ không phải chỉ có bàn ghế kê ngăn nắp".
Hình trên: Chị Tường Anh, classroom assessment
Kết luận
- Trẻ TK biết rõ việc có mặt người lạ trong lớp. Sự hiện diện của người lạ không ảnh hưởng đến các quyết định liên quan tới "cái tôi" của trẻ, nhưng nó sẽ ảnh hưởng việc học tập và hành vi. Vì vậy chúng ta cần hạn chế việc này. Lớp học là giang sơn của giáo viên và học sinh. Nên thông báo và "xin phép" các bé trước khi đưa người lạ vào tham quan.
- Hãy thay đổi cách đối xử với các bé, tôn trọng các em như một cá nhân. Khi nhận thức bé đủ hiểu nội dung giáo viên/phụ huynh đang trao đổi, đưa bé vào tham dự như một cá nhân có tiếng nói/quyết định riêng của mình.
- Khi đưa bé tới một môi trường mới, chúng ta nên tập biến thành người tí hon để đánh giá môi trường chung quanh với góc nhìn của con mình.