1) Điều đầu tiên chúng ta thường không nghĩ tới, và điều này có tác hại lên cả người dùng roi lẫn trẻ, là vấn đề tâm lý can thiệp. Khi dùng roi, chúng ta vô tình chú trọng tới các khía cạnh tiêu cực của trẻ. Ví dụ như bạn tập cho con bạn đi xe đạp, khi bé té ngã, bạn nghĩ là bé cố tình té ngã để khỏi phải tập xe? hay bé té ngã vì đi xe chưa vững? Nếu bạn đánh con bạn lúc đó, chắc bạn đang nghĩ bé cố tình té ngã để trốn tập? Cho nên đánh để bé chừa, lần sau mà cố tập? Còn như bạn biết bé đang rất muốn đi xe nhưng chưa đi được, có lẽ bạn sẽ thông cảm và không đánh bé.
Một em bé Tự kỷ cũng vậy. Em đang cố sức mình để học nói, diễn đạt ra những điều em muốn. Em muốn mọi người chung quanh hiểu và làm bạn với mình, nhưng em sẽ có hành vi vì em không biết cách kiểm soát, không biết bày tỏ, không biết kiềm chế. Đó là những lúc em té ngã xe đạp. Em cần chúng ta đỡ dậy, chỉ dẫn, an ủi và giúp tập tiếp.
Dùng roi đánh học sinh lâu ngày sẽ đưa người dạy vào lối suy nghĩ "chú ý vào tiêu cực". Nhìn đâu chúng ta cũng thấy trẻ không hợp tác, thấy trẻ làm khó mình thay vì nhìn thấy trẻ đang cố đi xe đạp nhưng té ngã. Đó là điều tôi muốn các bạn nghĩ tới khi đang cầm cái roi trên tay.
2) Ngay cả khi chúng ta dùng roi bắt trẻ ngồi học, việc đó cũng ảnh hưởng tới nhận thức và động lực để trẻ học. Chúng ta không muốn trẻ học trong nỗi sơ hãi; chúng ta không muốn trẻ nghĨ tới lớp học như một nơi kinh khủng.
3) Việc dùng bạo lực làm cho trẻ mất tự tin. Điều này càng tệ hại hơn cho các em Tự kỷ, vốn đã là người chưa được đối xử công bằng ở nơi công cộng.
4) Nạn nhân của roi vọt sẽ có lúc bùng nổ, áp dụng bạo lực lại với bạn bè và người chung quanh. Với các em Tự kỷ, lúc vào tuổi trưởng thành, cha mẹ, thày cô giáo sẽ không còn đủ sức kiềm chế các em. Vì vậy roi vọt là con đường nhanh chóng đẩy các em vào con đường bị cô lập. Các thống kê cho thấy khi cha mẹ sử dụng bạo lực lên các bé, các bé cũng sẽ sử dụng bạo lực lên bạn bè và chính con cái của các bé sau này. "Vòng xoay bạo lực" là một khái niệm được chứng minh trong giáo dục rất rõ ràng.
Cuối bài tôi xin trích một đoạn trong bản Hợp đồng mà mọi giáo viên Ban Mai đều ký với nhà trường và với ConCủaMẹ:
3 Điều luật tối kỵ
3.1 Không bạo hành với HS qua hành động hay lời nói. Các lời nói có tính cách xúc phạm nhân phẩm, dù là trẻ không hiểu, cũng được gọi là bạo hành.
Rất mong một ngày nào đó, 2 chữ "roi vọt" chỉ còn xuất hiện trong Từ điển từ cổ Việt nam.