Mình mới dẫn một nhóm các em cấp 3 bên mình đi shopping mall. Xin kể lại chuyến đi có mục tiêu "Tự lo cho mình, và lo cho đồng đội".
Lớp học đi trong chuyến này có 14 em, phần lớn là hội chứng down, chậm trí, bại não... Nhận thức của các em ở khoảng lớp 1 - lớp 3. Những người lớn cùng đi có giáo viên chính, 3 phụ giáo, và mình là chuyên viên ngôn ngữ. Cả lớp đón xe buýt đến shopping mall, còn mình vì phải họp trước và sau đó nên phải đi riêng.
Shopping mall to, đủ loại tiệm. Mỗi em có một danh sách 10 món phải tìm mà xin: bao plastic đựng hàng, cái mắc áo, sợi dây thung, cái ly giấy, cái que quấy caphe, cái ống hút, giá vé cine, số calories trong một miếng gà chiên, tên người quản lý bất kỳ tiệm nào vào thời điểm đó...
Các em phải tập đủ trò mới đến ngày đi: tập nói cho rõ, phải biết giới thiệu mình là ai và vì sao lại xin như thế, phải biết nhìn mắt người nghe, phải mỉm cười khi cám ơn, phải biết chờ khi họ rảnh mới mở miệng... Ôi, tập đi tập lại mãi đấy! Lại còn đóng kịch cho nhuyễn: đứng xa gần ra sao, nhìn mắt ra sao, nói to hay nhỏ (trong tiệm quần ào thì nói vừa, ngoài chỗ quầy thức ăn thì phải nói to hơn).
Đặc biệt, lớp có 14 học sinh thì có 1 giáo viên và 3 phụ giáo, mình nữa là 5. Mà 5 người lớn này cũng là dân chuyên biệt nên cần giúp đỡ ghê lắm: cô G. thường xuyên cần đi tiểu nên phải có 1 người dẫn cô đi tìm phòng vệ sinh, cô V. rất sợ tiếng động nên cần người giữ yên lặng khi ăn trưa tại mall, cô Sh. không biết nên chọn món ăn gì để mua nên cần người đếm đến 5 cho cô chọn mau mau, thầy T. không biết đếm tiền thối lại, còn cô tườnganh thì hay mắc cỡ không dám gọi món ăn nên cần người giúp phần ăn nói... Lại còn cần người đếm số học sinh cho đủ. Cần người để ý thầy T. vì thầy hay bỏ nhóm đi lang thang. Cần người nhắc cô Sh. vì cô hay có tật lấy hàng bỏ vào túi mà quên trả tiền. Cần người nhắc cô tườnganh vì cô có thể bỗng dưng nói cười quá to và vô nghĩa...
Vui ơi là vui vì tụi nhỏ phát điên khi phải lo cho mình. Có lúc tự nhiên mình múa hát làm bà con nhìn chằm chằm, còn đám học trò tự kỷ có, down có, thì giục nhau: "Kìa, Gh., cô tườnganh tửng kìa, nhắc đi, mau lên mau lên". Có lúc cô G. cứ lấy hai tay bịt... chỗ kia rồi xuýt xoa, làm con bé K. lo việc dẫn đi toilet vội vàng bỏ cả giỏ mà kéo cô G. chạy. Còn anh chàng Br. đang ăn nhồm nhoàm bỗng nhận tin nhắn: "Thầy T. đang khóc quá trời vì không biết đếm tiền thối lại." Br. nhà ta vỗ đùi: "Chết rồi, em quên mất. Em đói quá nên quên thầy T."
Chuyến đi này chứng tỏ điều mà mọi người không chịu tin: khi được trao trách nhiệm, một đứa trẻ sẽ thấy mình quan trọng hơn, được tin cậy hơn, và em hành xử ổn định với tinh thần trách nhiệm cao! Tụi mình cũng nhận ra: nếu mình đứng quá gần học sinh khi học sinh đang nói chuyện với ai đó để xin/hỏi thông tin, người ta sẽ quay qua nói với mình. Có lẽ họ nghĩ các em không hiểu họ.
Tại shopping mall, nhóm trường MP gặp nhóm trường EV. Bên đó thì các em tự kỷ đông, bên này down đông. Các cô các cậu MP chào hỏi râm ran làm các cô cậu EV thích chí. Hai bên điều hành hẹn: "Lễ Tạ Ơn này đưa học sinh bên này sang gặp học sinh bên kia ăn Lễ Tạ Ơn!" Cô giáo bên EV nói: "Bên đó hên quá, có nhiều các em down. Bên này xí dụ mãi mới được có 2 em bố mẹ chịu cho học với các em tk". Chi tiết này để quí vị phụ huynh thấy: trẻ tk được học chung với trẻ down là điều mừng, vì trẻ down nói năng tốt hơn, thân thiện, và không bao giờ giận dỗi, đánh bạn...
Thứ Hai đi học đi làm lại, giáo viên của hai lớp sẽ lên kế hoạch: 1) Nấu món gì, 2) Mua sắm hôm nào, nấu hôm nào, 3) Dọn món ra sao, 4) Đón khách ra sao. (Khách là một số hiệu trưởng, giáo viên, và phụ huynh của mỗi học sinh trong hai lớp.
Nói thế nghe dễ, nhưng với chúng tôi thì khó, vì chính các em sẽ đi chợ, nấu, dọn món, đón và tiễn khách. Người ta có thể ăn tiệc với dê hầm rượu, bò nấu tiêu xanh, lợn hun khói... Chúng tôi thì... ha ha... bánh mì vuông kẹp thịt dăm bông với phô mai, mì gói luộc trộn bắp cải hấp thái sợi, nước cam nước chanh, hay kem dầm nước xá xị. Tráng miệng thì trái cây...
Khách sẽ đến theo giờ. Không được đến trái giờ vì người chuẩn bị đón vị khách ấy có thể sẽ nổi giận khi phải đón không đúng giờ đã được dặn . Ai không được mời sẽ không được vào cửa vì có học sinh đôi khi la lối vì người khách ấy không có hình dán trên thiệp. (Thiệp có hình hết, không chỉ có tên thôi đâu!). Còn nữa, ai ăn tay trái phải báo trước (trên thiệp mời có dặn rồi) vì học sinh đã học cách để nĩa, dao, muỗng theo qui định quốc tế. Ai để ngược lại thì học sinh phải biêt trước, nếu không cả bữa ăn sẽ thấy muỗng nĩa trong tay mình bị giật lấy, đổi lại.
Những chươg trình tôi vừa kể, tôi tin rằng các bằng cấp tiến sĩ, cao học... không phải là tiêu chuẩn để thực hiện được. Một phụ huynh ơ Hà Nội có lần nói: "Chị cứ nói những điều ở Mỹ, không thực tế tại Việt Nam." Tôi không đồng ý. Một chuyến đi chợ là hoàn toàn có thể. Một lần đi sở thú là có thể. Một lần ra đầu ngõ tập mua bánh mì không có gì khó. Dĩ nhiên sẽ khó nếu không chuẩn bị trước, tập trước cho học sinh.
Nếu chương trình thực tập ngay trong cộng đồng mà không thực hiện được, mục đích giáo dục chuyên biệt chỉ mới đạt được 40%.