Đọc xong bài viết này mình thật cảm động nên muốn gửi lên đây cho các phụ huynh cùng đọc. Nếu được xin Admin cho đăng nhe, xin cảm ơn Admin .
Quán cà phê lạ giữa lòng Sài Gòn
Nép mình ở một góc phố nhỏ, quán cà phê Hoa Anh Đào của các trẻ khuyết tật được mến chuộng không chỉ bởi hương vị cà phê mà còn bởi đội ngũ tiếp viên nhiệt tình với phong cách phục vụ độc đáo
“Ở đây bàn không được ghi bằng số thứ tự như bình thường mà được gọi bàn trái bưởi, trái chôm chôm, con bò, con voi, con chó để các em khuyết tật dễ nhớ. Những đồ đạc trang trí ở đây không được đẹp nhưng hoàn toàn do bàn tay nhào nặn của các em làm ra đấy”, chị Chisato đến từ xứ sở hoa Anh Đào, người mẹ thứ hai của các trẻ em mồ côi đang được nuôi dưỡng tại câu lạc bộ Hoa Anh Đào, quận Bình Thạnh, TP HCM đon đả giới thiệu.
Trên tường quán có dán những chiếc bình hoa méo xệch, những bức tranh đa màu sắc kỳ lạ… Đó là những sản phẩm mà các em nhỏ ở đây tự tay làm ra trong dịp thăm một xưởng sản xuất các vật dụng cho quán tại một lò gốm ở Bình Dương.
Khách tặng quà cho các em khuyết tật trong buổi liên hoan thân mật tại quán Hoa Anh Đào. Ảnh: Hinh Trần.
Ý tưởng thành lập trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề cho trẻ khuyết tật được chị Chisato nhen nhóm từ nhiều năm nay.
"Một lần đi chơi về khuya, đến ngã tư đường, mình thấy một em gái chừng 10 tuổi bị bệnh thiểu năng đang ngồi ăn xin với vẻ mặt mệt mỏi và bộ đồ rách rưới mình thương lắm. Lúc ấy mình nảy sinh ý tưởng xây một ngôi nhà để nuôi dưỡng và tạo việc làm cho các trẻ em khuyết tật để chúng được sống tốt và trở thành người có ích cho xã hội. Đến giờ mình thấy hạnh phúc khi các em sống vui khỏe và đang dần quen với công việc”, cô gái người Nhật kể rành rọt bằng tiếng Việt.
Các em được giáo dưỡng tại trung tâm này là trẻ bị khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị, thiểu não, Down…bị cha mẹ bỏ rơi. Ấy thế mà qua bàn tay dạy dỗ của chị Chisato, ít ai ngờ rằng các nhân viên phục vụ lịch sự và chuyên nghiệp này đã từng bị nhiều người coi là "cái nợ đời".
Chị chủ nhỏ này còn cho biết, những câu xã giao như “xin chào”, “xin mời”, “cám ơn” có vẻ rất đơn giản với một đứa trẻ bình thường, nhưng các em ở đây đã phải tập cả tháng trời mới nói được bập bẹ.
“Ở đây cái gì mình cũng phải chỉ từng ly từng tý, rồi phải thường xuyên nhắc nhở trẻ. Từ cách chào khách như thế nào, cách bưng bê, đi đứng thế nào cho lịch thiệp, các em đều phải học từ đầu bằng phương pháp ghi nhớ đặc biệt. Tuy vậy, cho đến lúc học xong đâu vào đấy rồi các em lại quên rất nhanh nên mình phải thường xuyên nhắc đi nhắc lại như mưa dầm thấm lâu”, nữ chủ quán bộc bạch.
Trong những tiếp viên nhiệt tình nhất của quán là Cường (13 tuổi) bị thiểu não nhẹ, có cái trán to dồ, mắt đeo kính cận, hàm răng sún. Cậu bé chậm rãi kể: “Tụi em hay quên lắm. Lâu lâu ra phục vụ khách mà quên 'bài' thì chỉ đứng cười thôi chứ không dám nói vì sợ sai. Có lần khách về mà em quên không cảm ơn nên làm chị Chisato buồn. Những lần như vậy chị chỉ nhắc nhở tụi em lần sau đừng quên như thế”.
Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt cô bé bị bệnh Down khi được các anh chị sinh viên chỉ cách sử dụng máy quay phim. Ảnh: Hinh Trần.
Những khách hàng là "fan" của quán Hoa Anh Đào cho biết, mặc dù mấy em nhỏ ở đây không nhanh nhẹn như tiếp viên chuyên nghiệp, song điểm giữ chân họ chính là ở thái độ phục vụ hồn nhiên, vui vẻ và thân thiện của các em.
Loan, khách quen của quán cho biết, cứ vào cuối tuần, nhóm bạn trong lớp đều hẹn nhau tại đây để thưởng thức cà phê và miên man nghe những giai điệu hòa tấu nhẹ nhàng. “Thay vì đến những địa điểm vui chơi để xả stress sau một tuần làm việc căng thẳng, bọn mình chọn đến đây vừa để ủng hộ các em. Được thả hồn trong không gian yên bình, chầm chậm ở đây thấy thật thú vị”, Loan nói.
Hiện nay đang có hơn 30 nhân viên ở và làm việc tại Hoa Anh Đào. Con số này ngày càng đông hơn vì qua sự giới thiệu của người quen, các trẻ khuyết tật vẫn hàng ngày được nhận vào nuôi ở đây. Vì quá đông nhân viên nên chị chủ quán phải chia ra 3 ca mỗi ngày, mỗi ca kéo dài 5 giờ đồng hồ. Trong khi đó nhiều em còn xin được làm thêm giờ vì thích được làm việc.
Một bé gái bị bệnh Down bẩm sinh tên Phan Hoa, 12 tuổi hồn nhiên nói: “Làm việc vui hơn ở nhà, thích đi làm vì có chị Chisato”. Nghe vậy các em khác cũng đồng thanh theo: “Vui, vui vui!” rồi cả khách, cả tiếp viên cùng cười rộ lên làm náo nhiệt cả quán. Tuy nhiên khi được hỏi thêm: “Vì sao vui?”, các em chỉ cười rồi xoa đầu, xoa tay mà không nói thêm gì. Hiểu được bệnh tình của các em nên khách cũng chỉ nhìn theo cười mà không hỏi thêm nữa.
Chị Chisato cho biết, lúc đầu đa số các em đều chưa biết tự giác làm việc. Khi nào thích thì làm không thích thì thôi, ăn uống cũng phải nhắc nhở và ép buộc. Tuy nhiên, bây giờ các em đã ý thức và quan tâm tới công việc, nhiều khi không cần chị nhắc nhở.
Cô gái đến từ xứ xở mặt trời mọc nhớ mãi một kỷ niệm vui. Hồi mới thành lập quán, có một cô bé tên là Thy rất thương chị nên hay khóc khi gọi mà không thấy chị trả lời. Thế nên mỗi lần Sato đi công tác là cô bé lại khóc sướt mướt không chịu ăn cơm tối, cứ nằng nặc đòi chị về.
"Chị lo quá, cho nên mỗi lần đi công tác thì cứ gọi điện về quán. Mỗi lần như thế cô bé lại gọi 'To To To về đi' rồi lại khóc. Chị vừa buồn cười vừa thương song cũng dỗ dành và tìm cách tập cho em quen dần. May quá, bây giờ cô bé không còn khóc mà biết tự giác làm việc dù chị có nhà hay không nên chị vui lắm. Chỉ cần nhìn thấy các em nhỏ ngày càng trưởng thành và sống yêu đời là chị hạnh phúc rồi”, Sato kể trong khi đôi tay bận buộc dây tạp dề cho các nhân viên.