Ngôn ngữ không chỉ là lời nói
Sức mạnh của chương trình can thiệp đúng đắn
Đây là bài phỏng dịch từ một bài nghiên cứu của Tiến sĩ Morton Ann Gernsbacher. Bà cũng là giáo sư ngành Psycholinguistics của Đại học Tiểu bang Wisconsin - Madison. Giáo sư Morton có những đóng góp quan trọng cho ngành trị liệu ngôn ngữ ở trẻ Tự kỷ, cho thấy các tiềm năng ở trẻ Tự kỷ mà chúng ta không ngờ tới.
Nhân vật chính trong bài nghiên cứu là H. Ngoài khía cạnh chuyên môn, chúng ta nên đặt câu hỏI: "Nếu H không có được một chương trình can thiệp đúng đắn, H sẽ có những bước ngoặt gì trong cuộc đời? Người ta có sẽ gọi H là thần đồng để rồi H chìm dần vào quên lãng?"
H là con một gia đình công chức. Mẹ H sinh H bình thường, không có rắc rối nào. Ở tuần thứ 5 H đã biết cười mỉm. Lúc 2 tháng tuổi thì H đã thích thú coi các chương trình quảng cáo, coi hình ảnh gương mặt các em bé khác. Đến tháng thứ 3 thì H rất mê các video Khủng long Barney. H có thể ngồi coi tivi mà không cần người lớn phải ngồi trông mình.
Mẹ H nói H là một em bé tương đối im lặng. H ít khóc, cũng ít bập bẹ như các em bé khác. H tính tò mò, vui vẻ, và thích chơi đùa.
Lúc gần 1 tuổi thì H bắt đầu thích số, chữ và màu sắc. Lúc gần 2 tuổi thì H đã tự học và sắp xếp thứ tự đúng của các chữ cái, biết xếp đúng chữ cho ra tên mình. Lúc này gia đình bắt đầu nhận ra là H có vẻ quá "im lặng" so với bạn cùng tuổi. H giao tiếp bằng vẻ mặt, ra hiệu, chỉ tay, và thỉnh thoảng bằng các hành vi tiêu cực như khó chịu, khóc, ăn vạ. H cũng thích những việc lạ như gập người cúi đầu xuống, coi tivi hình ảnh ngược chiều. H thích các góc nhìn ngược như vậy. Lúc mẹ đọc sách thì H sẽ chụp cuốn sách, lật ra sau coi mã số bar code đằng sau. Lúc được 30 tháng thì H đã có khả năng nhìn các mã số và biết là chúng có bị thay đổi (giả) hay là mã số thật, một điều mà khó ai có thể làm được.
Từ lúc 19 tháng H đã biết tự dùng máy vi tính và chơi game rất nhà nghề. Khách tới nhà thường trầm trồ với khả năng khéo léo và óc thông minh khi H chơi game. H cũng hay sợ người lạ và bắt đầu ít giao tiếp mắt.
Lúc được 22 tháng gia đình đã đưa H đi khám. Trong lần khám đầu nhóm bác sĩ đã gây mê và dùng Auditory Brainstem Response khám cho H. Đã không có kết luận nào đáng ngại. Vào tháng sau một nhóm bác sĩ / chuyên gia khác làm test. Một bác sĩ nhi rất giỏi và kinh nghiệm đã tương tác trực tiếp với H trong 2 giờ đồng hồ. Sau đó họ họp lại nhiều tiếng đồng hồ nữa và đưa ra đánh giá test: H có rối loạn phổ Tự kỷ.
H lập tức đưa giao cho một nhóm chuyên gia ngôn ngữ trị liệu và tâm vận động để được can thiệp đúng đắn. Sau một thời gian can thiệp ngắn thì nhóm tâm vận động được mời ra khỏi, dành sân cho các chuyên gia ngôn ngữ trị liệu làm việc với H. Người chuyên gia ngôn ngữ này làm việc với H trong 2 tháng sau đó và kết luận thiếu sót những phát triển cần thiết cho ngôn ngữ nói.
Vào tuổi học mầm non thì H đã có bạn. H thích chơi với 1 bạn hàng xóm hơn mình 3 tuổi. Vào lúc 5 tuổi thì H làm chơi với 1 bạn đồng tuổi (bạn này là trẻ không Tự kỷ). Cả hai bé đều rất thích chơi với nhau. Các trò chơi 2 bé thường chơi là bắn súng nước, cho nên cũng không có nhiều giao tiếp ngôn ngữ. Vào một ngày nọ, bạn của H đã đề nghị một trò chơi nào đó và yêu cầu H đóng vai nhân vật X vì theo lời bạn thì "X cũng chẳng bao giờ nói giống như H." H đã phản ứng ngay lập tức, và từ đó không bao giờ làm bạn với bé kia nữa.
Vì không có ngôn ngữ, mẹ H đã dùng một hệ thống "gạch chữ" để giao tiếp với H. Với sự quan sát và trợ giúp của chuyên gia OT, mẹ của H biết rằng H yếu các bắp thịt nhỏ, nên đã dạy H dùng cơ bắp vai để "gạch" các chữ mà mẹ H viết ra: đó là cách H được dạy học.
Tuy không nói được, H vẫn học phát âm bằng cách gạch các chữ có 2 chữ "o" đứng cạnh nhau và được phát âm giống nhau.
Hình dưới: H vẫn học "phát âm" tuy không nói được
Tuy không nói được, việc dùng một cách giao tiếp khác đã mở ra một con đường mới cho H. Khi mẹ của H hỏi H vui hay buồn, mẹ sẽ viết ra chữ CÓ (yes) và KHÔNG (no) cho H lựa chọn. H sử dụng rất tôt, tuy nhiên một thời gian sau người ta nhận thấy có lúc H gạch cả 2 cái, có lúc H gạch vào chính giữa.
Hình dưới: H có lúc gạch cả hai câu trả lời có/không, có lúc gạch vào chính giữa.
Người ta mau chóng nhận ra đây không phải là vấn đề vận động tinh, mà là H muốn có một chọn lựa thứ 3 là "maybe" (có thể) ngoài "yes" và "no".
Và thật là thích thú khi mẹ H viết xuống "Con có thể khôn hơn mẹ đó", H đã gạch vào chữ "có thể".
Vậy thì "Ngôn ngữ không chỉ là lời nói". H đã có một con đường riêng cho mình.
Nghành giáo dục mau chóng vào cuộc. Họ đã chỉnh sửa các bài thi dạng lựa chọn multiple choice / nhiều phương án khác nhau cho H. Họ làm các câu hỏi cách xa nhau ra gần 7 cm để H có thể gạch và trả lời theo trong cuộc thi học kỳ năm lớp 4. Và chỉ 1 tháng sau đó, H đã làm luôn bài thi lớp 5 gồm 150 câu hỏi. H đã đạt điểm số tuyệt đối.
Lúc này H bắt đầu đọc và dùng ký hiệu gạch giải thích các khái niệm rất trừu tượng như "tôn giáo", "sự chết", "các định nghĩa khác nhau về 'khuyết tật' nhìn từ phía y khoa hay xã hội".
Lúc 6 tuổi nhóm chuyên gia làm test Peaboly Picture Vocabulary cho H, một loại test chỉ số thông minh dùng lời. H làm được 181 điểm raw score, tức là 99.9 phần trăm. Nói nôm na ngắn gọn là vào lúc 6 tuổi, H có trí thông minh tương đương một thanh niên 22 tuổi.
Vào lúc 7 tuổi, H được dạy đánh máy tính và em đã bắt đầu con đường hòa nhập của mình bằng chat, email và những bức thư đánh máy. Dưới đây là 1 đoạn trao đổi giữa H và giáo sư Morton.
+ Con có biết giờ này là giờ vào giường để thư thả đi ngủ không? Sao còn ngồi đó?
- Con ngôi đây bởi vì con sắp sửa làm cho bà "quê đạn".
+ Có đúng là con muốn làm cho bà "quê đạn"?
- Thì thà làm bà "quê đạn" còn hơn làm chính con bị "quê đạn".
H đã có khả năng dùng tiếng lóng "quê đạn" (piss off) để giao tiếp. Và H đã biết 1 bài thơ như sau:
When winter comes
And snow has fallen,
Trees are barren no more.
Find me at your door.
Khi mùa đông đến
Lúc có tuyết rơi
Cây không còn cằn cỗi
Cửa nhà em, có tôi
Lời kết:
Người ta đã nhầm lẫn việc không nói được với không có ngôn ngữ. Một văn bản cách đây 20 năm tại Hoa Kỳ đã có các dòng chữ sau: "có nhiều người, ở mọi tầng thông minh khác nhau, không có khả năng nói. Chúng ta cần phân biệt việc không có khả năng suy ngẫm, khả năng hiểu với khả năng diễn đạt. Người ta đánh đồng 'không nói được' với 'không có ngôn ngữ' và 'kém thông minh'".
H không phải là em bé Tự kỷ đầu tiên, duy nhất hay sau cùng với các khả năng tiềm tàng. Những em bé này và cuộc đời của các em đòi hỏi chúng ta phải phân biệt được ngôn ngữ (diễn đạt ý tưởng về khái niệm và các mối tương quan của chúng trong đầu) và ngôn ngữ nói (một cách diễn tả ra các khái niệm đó trong đầu mình) để can thiệp đúng đắn cho các em.
Phỏng dịch từ bài nghiên cứu của Giáo sư Morton
ConCủaMẹ.com