Các câu hỏi trong buổi hội thảo ngày 23 tháng 4 năm 2011 tại Hội quán DRD, 91/6N Hòa Hưng, Q 10, SG. http://drdvietnam.com/news/127129/vi
Thành phần tham dự:
Nhóm Chuyên gia từ California đang hợp tác với Trường Ban Mai (cô Tường Anh/Ngôn ngữ trị liệu, anh Phi/Giáo dục đặc biệt, cô Xuyến/Giáo dục đặc biệt)
Phụ huynh
Đơn vị tổ chức
Trường Chuyên biệt Ban Mai http://truongbanmai.com
Hội Khuyết tật thành phố http://drdvietnam.com
Các chữ viết tắt:
PH: phụ huynh
TA: Cô Tường Anh
ND: người dịch
Phần Hỏi/Đáp với Cô Tường Anh, Thạc sĩ Ngôn ngữ Trị liệu, Bộ Giáo dục California.
PH 1: Cháu đã 5 tuổi, hiểu biết tốt, đi chưa vững, chưa nói được, sinh ra 4 kg 2, ngủ hay giật mình.
CG: Nếu ngủ hay giật mình thì nên đưa đi chuyên khoa thần kinh theo dõi, chú ý xem có sóng động kinh không. Việc “yếu thần kinh” có thể gây trở ngại cho ngôn ngữ (ND: có nơi họ gọi “yếu thần kinh” dạng nặng là bại não). Nếu tri thức hiểu được tốt thì chúng ta tập trung vào phần nói.
PH 1: Cháu muốn nói nhưng không phát âm ra được.
CG: Chị cần một giáo viên giỏi về trị liệu ngôn ngữ. Trên mặt của trẻ có 12 sợi thần kinh, tất cả đều phải phát triển tốt thì trẻ con mới nói được. Ví dụ như trẻ muốn nói chữ “có” thì phần cuối lưỡi phải đóng lên thành âm “cờ”, miệng phải tròn hình chữ “o” và phải nâng giọng lên thành chữ “có”. Vì vậy nguyên quy trình hoạt động để phát ra được 1 chữ “có” rất phức tạp, mình không biết được vùng thần kinh nào yếu. Chị phải có 1 cô giáo để dạy cháu phát âm các từ căn bản, rồi từ đó xây dưng vốn từ cần trong đời sống hàng ngày.
(ND: một giáo viên/trường chuyên biệt giỏi về ngôn ngữ sẽ hiểu quy trình phát âm của các từ, và họ biết phải hỗ trợ trẻ như thế nào để phát âm rõ ràng. Ví dụ như kỹ thuật dùng tay giữ môi cho trẻ bật ra vần “b”).
PH 1: Như trường hợp (con em) như vậy, có phải học trường chuyên biệt không ạ?
CG: Có, mình nghĩ như vậy. Chị phải để ở một trường có cô giáo giỏi để dạy cháu phát âm và (theo dõi) độ tiến bộ.
PH 2: Em bé 33 tháng, lần test mới nhất cho biết ngôn ngữ là 16 tháng (không rõ test do ai làm), ngôn ngữ thể hiện là 19 tháng, ngôn ngữ tiếp nhận là 22 tháng, vận động tinh 23 tháng … Xin cho biết mô hình can thiệp tới là gì.
CG: Các test mà các PH mang đi làm (không do CCM làm) toàn là các test Sàng lọc, thành ra 32, 34 điểm đó là cái Denver test. Cái này mình nói trong các hội thảo nhiều lần . Các test Sàng lọc là để xem cháu có phát triển bình thường không nhưng không thể chỉ ra được là các cháu yếu cụ thể cái gì . Như tụi mình (CCM) làm, tụi mình khi thấy yếu phần nào thì sẽ sang ngay các test standardized (các test chuyên sâu để phối hợp với bên Giáo dục đặc biệt lên chương trình can thiệp).
Vì các PH chỉ mới làm test Sàng lọc, nên có thấy gì đó không bình thường thì cũng đừng hoảng sợ vì chưa làm các test chuyên sâu. Vì chưa có test chuyên sâu trong tay, nên với 33 tháng tuổi và ngôn ngữ 16 tháng thì cũng không tệ lắm (không nên quá lo âu).
PH 2: Hiện cháu học trường quốc tế trong lớp có 8 bạn, 4 Việt Nam, 4 người nước ngoài. Có nên tiếp tục cho học ở đó không?
CG: Việc đó tùy vào cô hỗ trợ được những gì, kế hoạch của nhà trường và cô giáo đặt ra nó có hợp lý hay không?
PH 2: Gia đình muốn đưa cháu ra nước ngoài để can thiệp tốt hơn, có nên không?
CG: Không biết phải khuyên thế nào, nếu phải đưa con đi 1 mình để bố của bé ở lại thì không nên (ý nói về mặt tâm lý trẻ). Còn như quyết đi thì đừng đi vài năm rồi về vì lúc đó ngôn ngữ của bé đã xây dựng trên ngôn ngữ khác.
PH 2: Nếu đi thì em nên đưa bé đi nước nào?
CG: Việc đó liên quan tới vấn đề di trú, nếu mình nói đưa đi Mỹ thì còn phải coi Sở Di trú có nhận không chứ …
PH 2: Còn đi Sing thì sao ạ?
CG: Mình không hiểu sao bên Sing họ có ảnh hưởng lớn tới người Việt mình. Nếu đi các nước châu Á ở gần thì đi Philippines theo tôi tốt hơn Sing về mặt can thiệp cho trẻ TK. Không phải cái gì ở Sing nó cũng tiến bộ đâu (cô Tường Anh có rất nhiều đồng nghiệp tại Hoa Kỳ trở về Philippines lập nghiệp nên cô hiểu rõ trình độ các chuyên gia bên đó). Các phương pháp họ (Sing) sử dụng nhiều khi mình thấy có tính “phù thủy”. Mình đang sống và làm việc ở một quốc gia rất tân tiến về Y khoa (Mỹ), mình chưa thấy ai (các đồng nghiệp) đồng ý về các phương pháp phù thủy đó cả. Nếu các PH nghe ai đó khoe một phương pháp nào đó, việc đầu tiên chúng ta hỏi là pp trên đã được áp dụng cho bao nhiêu em? 2 em hay hàng chục ngàn em? Tóm lại, nếu tính đi Sing thì đi Philippines tốt hơn, các pp can thiệp họ áp dụng rất gần với các pp đang được sử dụng (và chứng minh) tại Hoa Kỳ ví dụ như TEACCH (tôn trọng nhân bản của trẻ). Các giáo viên giáo dục đặc biệt từ Phi qua Hoa Kỳ, tôi thấy trình độ họ rất tốt, đôi khi ngang ngửa trình độ các giáo viên gdđb tại Hoa Kỳ. Nếu không chọn Phi thì Úc, Đức, Canada nếu đi Mỹ không được.
PH 2: Nếu em mang cháu qua 1 vài năm thôi thì có nên không?
CG: Việc đó khó nói vì không biết trình độ ngôn ngữ của bé ra sao. Nếu bé tốt phần ngôn ngữ và có thể học được ngôn ngữ mới, mình coi xem có nên đánh đổi để lấy được nền tảng về hành vi và nề nếp học tập không.
CG: CCM có biết 1 phụ huynh đưa con đi Đức, 2 trường hợp đưa đi Anh, và vài trường hợp khác đưa qua Mỹ, chúng tôi sẽ xin lấy các chi tiết về việc hội nhập cho chị.
PH 3: Cháu 12 tuổi, Tự kỷ, lúc 3 tuổi đi Khoa tâm lý Nhi đồng 2, sau đó đi học ở một số trường chuyên biệt trong thành phố nhưng đến nay vẫn chưa có ngôn ngữ dù lúc nhỏ biết rất nhiều bài hát . Bây giờ thì biết phục vụ bản thân, ăn uống, tắm rửa . Hành vi bất thường là hay quay tròn mà không chóng mặt, xin cho biết phải can thiệp thế nào.
CG: (cười). Can thiệp thế nào thì dài dòng lắm, mình đi học 6 năm chỉ để học can thiệp thế nào thôi. Như trường hợp bé, vì đã tự làm được 1 số việc nên cơ hội phải nói ra còn ít đi thêm, vì vậy đôi lúc mình phải khóa bớt lại để bé không lấy được, phải hỏi mình mới lấy được. Nếu đã 12 tuổi mà chưa có ngôn ngữ thì kế hoạch sắp tới, ngoài việc dạy các câu ngắn, phải chuẩn bị việc dùng hình ảnh, chữ viết để ráp vào từ từ. Mình vẫn phải dạy nói, ép nói, tạo cơ hội nói (ND: dùng các máy kích thích ngôn ngữ), nhưng vẫn phải dùng hình ảnh và chữ viết.
Ngay trước mắt thì chị dạy cháu viết tên, địa chỉ, số điện thoại bố/mẹ để phòng khi đi lạc …
PH 4: Con trai tôi 12 tuổi, TK, hiện có ngôn ngữ, tôi và vợ tôi đã dạy cho cháu trong suốt một thời gian từ 5 tuổi . Bây giờ cách nói chuyện của cháu như sau: “Bố điiii ….”, tức là cháu kéo dài chữ “đi” ra, tức là ý cháu muốn hỏi “Bố đi đâu thế”. Hoặc “Mình điiiiii ….” tức là cháu muốn hỏi “chúng ta đi đâu thế”. Tôi phải sửa làm sao. Câu hỏi thứ 2 là cháu hay nói “Mister superman ơi, V. có …”, tức là cháu thay ngôi thứ bằng một nhân vật thứ 3 là superman.
CG: Các câu hỏi khác của cháu thì sao, ví dụ như “con sợ”, “con muốn ăn cơm” thì sao? Có đúng văn phạm không?
PH 4: Hiện nay cháu học lớp 4 hòa nhập, có bài Cáo và Gà trống nói về cáo sợ chạy cúp đuôi, nên cháu sợ cháu nói “con cúp đuôi”, theo tôi là cháu dùng các chữ minh họa đó cho mình …
CG: Tức là áp dụng ngôn ngữ một cách cứng nhắc? Tôi nghĩ nếu anh không đồng ý với lối nói của con thì anh nên làm ngơ, vd như cháu nói “superman ơi …” thì anh nói “câu đó không đúng, từ giờ trở đi bố sẽ làm lơ” (vì cháu có nhận thức tốt). Vd như khi cháu nói “Bố điiiiii ….” thì anh không nên đáp ứng, vì anh đáp ứng thì cháu thấy có hiệu quả, cháu sẽ làm hoài . Anh chuẩn bị 1 tờ giấy, khi cháu nói “Bố điiiii …” thì anh đưa tờ giấy có câu “Bố đi đâu thế” ra trước mặt cháu (vì cháu này đã biết đọc). Bắt hắn đọc, đợi hắn đọc rồi anh mới trả lời. Dạy các em có rối loạn ngôn ngữ đặt câu hỏi rất khó. Ví dụ như mình nói “Con nói ‘mẹ thương con không’ đi” thì các bé sẽ nói lại “Con nói mẹ thương con không”. Mình nói “this is yours” thì bé sẽ nói lại “this is yours”.
Khi cháu nói “Mister Superman mua cho V áo mới” thay vì “Bố mua cho con áo mới” thì anh nói “Bố không phải Superman”. Anh nói ngắn gọn, và cho bé thấy lối nói đó không hiệu quả đối với mình.
(còn tiếp)