Một phụ huynh ConCủaMẹ vừa gửi tới lá thư, đã cho phép ConCủaMẹ đăng tải để các phụ huynh cùng chia sẻ, học hỏi. Tất cả tên nhân vật trừ tên chị Tường Anh đều được viết tắt theo yêu cầu tác giả. Riêng các đoạn in đậm, in nghiêng, xuống hàng... sẽ được giữ nguyên y như trong bức thư tác giả gửi cho ConCủaMẹ.
Bài viết này không nhất thiết thể hiện quan điểm của ConCủaMẹ.
Xin cảm hơn chị H đã chia sẻ kinh nghiệm, nhìn nhận và ưu tư của mình tới mọi người.
ConCủaMẹ xin chúc chị H mọi sự tốt lành, mong rằng trong tương lai bé M sẽ đọc được những tình cảm này của chị.
-------------------------------------------------
2010/5/20 TTHN <???@gmail.com>
19 tháng 5 năm 2010
Em bé đang ngủ say, mẹ lại đến với nhật ký cho con.
Đến hôm nay con đã có gì ở nước Đức xa xôi này, hôm nay sau 4 tháng ở đây, mẹ lại khóc và gọi tên bố (lúc này bố đang ở Paris dự hội thảo 6 ngày – con đường khoa học của bố dường như chưa phải thay đổi từ khi cả nhà mình nhận được tin con là người tự kỷ nhưng giờ đây bố đang phải làm việc vất vả, với cường độ lao động cao – làm việc với Tây mà). Trong khoảnh khắc sau khi ra khỏi cuộc họp với các phụ huynh ở trung tâm tự kỷ, mẹ đã khóc và hy vọng bố cũng thấu hiểu cùng cố gắng lên, hãy cố gắng đến khi nào không còn cố được nữa.
Buổi học hôm nay họ dạy về các can thiệp giao tiếp cho trẻ tự kỷ (communication intervention) – nhìn những video clip về những người tự kỷ 5 tuổi, 10 tuổi, 20 tuổi, 30 tuổi mà mẹ đau lòng quá – nhưng ở đây họ vẫn giúp những người này để có thể giao tiếp được – những video clip này chứa đựng những hình ảnh trái ngược với những gì mà G. (ông tổ của RDI) đã mô tả về những cậu bé cô bé tự kỷ thông minh và giao tiếp gần như trẻ bình thường. Con của bố mẹ giống ai trong hai loại video clip đó ? – Chẳng giống ai cả, mẹ không biết sẽ đưa con đi về lối nào?
Họ dạy gì, cũng chẳng mới gì với mẹ và các cô các bác ở CLB tự kỷ Hà nội đâu, ngoại trừ thiết bị Electronic hỗ trợ giao tiếp. Hầu như cái gì chúng ta cũng biết, thậm chí biết nhiều biết khá sâu nhưng lại không biết chính xác con của chúng ta sẽ cần áp dụng can thiệp nào, và chắt lọc trong từng loại can thiệp để áp dụng cho con ra sao? Mẹ cũng đang dần hy vọng các bác sỹ nhi khoa, bác sỹ tâm lý, các nhà trị liệu sẽ cùng mẹ giúp con hoàn thiện những kỹ năng sẵn có và phát triển những kỹ năng mà có thể con của mẹ rất khó khăn để thực hiện. Ở đây mẹ có chỗ dựa thực tế và cả chỗ dựa tinh thần vì mẹ tin vào kiến thức và trách nhiệm của những người liên quan, thêm vào đó mẹ cũng không ỷ lại hoàn toàn vào họ, mẹ cũng có niềm tin và chính kiến riêng trong các can thiệp cho con nữa.
Ở đây con có 2 bác sỹ nhi, 2 bác sỹ tâm lý, 1 bác sỹ gia đình, nhà trị liệu cưỡi ngựa, trị liệu OT (Ergotherapy), có trị liệu physiotherapy và speech therapy ở trường (một chút), và tuần tới họ sẽ giới thiệu thêm trị liệu speech therapy cho con ở một praxis khác nữa, và cuối cùng thì con sẽ có trị liệu tổng thể của trung tâm trị liệu tự kỷ (ATZ). Tất cả họ đều trao đổi với nhau để cùng giúp con tốt nhất.
Hôm nay mẹ đi gặp bác sỹ tâm lý ở Bệnh viện trường đại học Aachen, Dr.H, ông đưa bản kết luận lần thứ hai (sau Dr.M kết luận lần 1 vào cuối năm 2006 mà đến tận 1 năm sau bố mẹ mới chấp nhận sự thật): ông nói ông không nghi ngờ rằng con là TK, và những đánh giá vừa qua là để nhìn nhận con đang ở mức nào trong phổ TK để tìm hướng giúp con (level nào ư, medium – trung bình: communication là 6 điểm so với điểm 4, social interaction là 11 điểm so với điểm 7).
Mẹ đã trình bày quá trình trị liệu tại gia đình cho con trong hơn 2 năm qua ở VN và ông đã nêu ra chính kiến về trị liệu y sinh (BIO – DAN): ông không ủng hộ trị liệu BIO vì còn thiếu chứng cứ khoa học, ở đây họ chỉ làm những cái gì được thực nghiệm là có hiệu quả, những trị liệu khác kể cả RDI, HBOT cũng không có đủ bằng chứng mà lại rất tốn tiền nên họ không khuyên áp dụng.
Mẹ tìm hiểu và cũng đi nhiều nơi, vài nước nữa nên mẹ cũng đồng tình với ý kiến của ông ấy thôi. Tuy nhiên, giống như quan điểm của nhiều người cha mẹ TK khác, mẹ đã và vẫn muốn chắt lọc những tinh hoa từ các can thiệp hiện có trên thế giới để giúp con mẹ tốt nhất.
RDI, HBOT mẹ chưa thử vì mẹ cũng chưa có niềm tin hoặc có thể chưa có đủ thời gian và sức lực để tìm hiểu thấu đáo.
Nhưng trị liệu y sinh (BIO) thì mẹ đã dày công nghiên cứu và mẹ biết chắc hai điều có lợi từ trị liệu này giành cho con đó là: mẹ biết cách chăm sóc sức khỏe cho con tốt hơn – khỏe mạnh thì con minh mẫn, tập trung học tốt hơn, giao tiếp mắt tốt hơn; điều thứ hai mẹ phát hiện ra chắc chắn là bột mỳ đã góp phần làm cho đường ruột của con tệ hơn, giấc ngủ rối loạn hơn, ... Mẹ cố gắng hy vọng mỗi khi có một bác sỹ ở đây nói rằng nghi ngờ vào kết quả xét nghiệm dị ứng thức ăn của con, nhưng sau mỗi lần hy vọng ấy là mẹ lại thử nghiệm cho con ăn lại thì quả thực con lại trằn trọc thức giấc nửa đêm, nói lảm nhảm, và lại càng táo bón hơn.
Về điều trị táo bón: Hiện nay mẹ đang cho con dùng Movicol junior theo chỉ dẫn của tất cả các loại bác sỹ ở đây, họ nói đó là thuốc an toàn và hiệu quả tốt nhất để chữa táo bón cho trẻ em. Mỗi ngày dùng từ 2 đến 6 gói, cho đến khi nào đi ngoài được trong ngày thì thôi. Kéo dài ít nhất 4 tháng đến nửa năm để tạo lại thói quen đi ngoài hàng ngày và giúp cho đại tràng thu hồi lại hình dạng ban đầu (có thể phình to ra sau quá trình táo bón kinh niên). Mẹ thấy có vẻ hiệu quả rồi nhưng nó có thực sự giúp hồi phục sau nửa năm và dừng thuốc không, mẹ lại hy vọng. Nếu sau thời gian đó mà vẫn chữa OK thì mẹ sẽ xin chụp đường ruột cho con.
Toilet training – dạy đi vệ sinh: con của mẹ đã biết tự đi vệ sinh, biết gọi khi cần đi vệ sinh nhưng con lại chưa biết phân biệt bẩn – sạch (mặc dù miệng vẫn nói: cứt thối, bẩn đấy). Con thậm chí còn dùng chân di vào phân khi con vừa ị ra. Có lẽ con không cảm thấy được mùi này ư? Giờ đây mẹ đã quen và không còn thấy đau lòng về những điều tương tự như thế này nữa. Cứ mỗi lần có sự thay đổi, con stress là con lại không dám đi vào toilet một mình, không gọi để đi vệ sinh. Vì vậy việc dạy đi vệ sinh giờ đây cũng nằm trong chương trình can thiệp, phải tích cực triệt để sao cho các cô giáo ở trường không vất vả. Dr H khuyên tạo thói quen đi ngoài cho con vào buổi tối ở nhà – trước đây con táo bón thì tần xuất này ít thôi, giờ dùng Movicol thì con đi hàng ngày và như vậy thói quen đi vệ sinh cũng đã thay đổi so với trước.
Về rối loạn giấc ngủ: Dr H nói: nên ghi chép theo dõi để luyện giấc ngủ cho con, trẻ ăn không đủ no vào bữa tối sẽ không sản sinh đủ hocmon để giúp giấc ngủ, nửa đêm sẽ đói bụng và thức tỉnh, vì vậy hãy theo dõi xem chế độ ăn thế nào và xem giờ nào bắt đầu đi ngủ là có hiệu quả với con, ban ngày nếu có ngủ trưa thì chỉ nên ngắn thôi, 1 tiếng thôi chẳng hạn – thực tế trẻ 7 tuổi ở đây không còn giấc ngủ trưa như trẻ ở tuổi Kindergarten nữa. Cũng có thể dùng Melatonin nhưng ông nói rằng cũng chưa có đầy đủ nghiên cứu về tác dụng phụ của Melatonin trên trẻ em, ông ấy nói mẹ có thể xin đơn thuốc của bs nhi - Dr Gurr, nhưng chỉ dùng khi cần thiết, nếu chỉ rối loạn 1-2 đêm trong mỗi 2 tuần thì có thể chấp nhận được.
Về hành vi kẹp tay vào giữa hai đùi, gồng mình lên hoặc cho tay chạm vào chỗ kín: Dr H nói nếu đó là hành vi gây sự chú ý của người lớn thì mình không chú ý nữa, nhưng thực tế con lại lẩn trốn bố mẹ để làm việc này (và miệng thì vẫn nói: không được kẹp tay nhé) – thì ông nói rằng cũng không phải là quá trầm trọng chừng nào con không làm ở nơi công cộng thì có thể chấp nhận. Nếu thấy xuất hiện ở nơi không nên làm thế thì phải dạy cho con biết phân biệt không nên làm ở nơi công cộng.
Methylphenidate (MPH; Ritalin, Concerta, Metadate or Methylin): Dr H nói rằng cái này rất tốt cho một số bệnh nhân của ông, nhưng với con bây giờ là quá sớm để nghĩ đến thuốc này (hãy chờ xem tháng 8 này con vào trường tiểu học rồi tính tiếp phương án để giúp con học tốt ở trường). Cần phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định dùng thuốc này hay sản phẩm khác. Bởi vì có thể với một số cháu thì thuốc này làm cho cháu càng xa lánh mọi người hơn (tức là tìm thời gian tĩnh nhiều hơn). Con bây giờ vẫn rất enjoy với khoảng thời gian tĩnh, chơi với thứ con thích – bác sỹ nói như thế cũng là cần thiết, phải giành cho con thời gian như con thích – nhưng mặt khác cũng kéo con ra khỏi sự tĩnh lặng ấy (tức là con phải được sống trong 2 phase – phase tĩnh và phase động xen kẽ nhau – vì thế các cô giáo là người quan trọng giúp con việc này).
Cuối cùng thì mẹ vẫn chấp chới niềm hy vọng, và có những ngày cũng phơi phới niềm vui mỗi khi nghe con nói: Con muốn đi cô A, con muốn đi học; hoặc mỗi khi con tự hỏi: Xương cá tiếng Đức là gì? Thậm chí sau khi được mẹ dạy thì con còn soi gương và tự hỏi và tự trả lời: Mắt tiếng Đức là gì? – Augen; hoặc khi nhìn thấy con bưng sáng ngồi trên lưng ngựa.
Bác Tường Anh (CCM) cũng hy vọng con có thể học được song ngữ, sau 4 tháng cho con hòa nhập dần dần vào môi trường thì mẹ đã dần nhận ra con không bị rối loạn ngôn ngữ như mẹ lo lắng và cũng có đủ trí khôn để phân biệt song ngữ, ơn Trời.
H.