Corena đang nằm nghiêng bên phải, mê man trên bàn mổ bệnh viện thuộc Đại học California Los Angeles (University of California, Los Angeles). Hai bác sĩ mổ đang tìm cách cắt bỏ cục u trong não của cô. Tuy cục u có thể nhìn thấy rõ, mọi người đều cẩn thận vì họ biết ở trong phần mạch máu dày đặc đó là khu não kiểm soát ngôn ngữ của cô. Một sơ xuất nhỏ là cô Corena sẽ mất khả năng ngôn ngữ. Họ tiêm thuốc mê, cắt nửa vòng đầu của cô ra, và từ từ lột lớp màng bảo vệ óc qua một bên, để lộ ra nguyên phần não.
Và bây giờ thì họ đánh thức cô dạy. Họ có thể đụng vào não mà không làm cô đau đớn vì não của chúng ta không có các thần kinh cảm ứng đau đớn. Các bác sĩ phải đánh thức cô dạy vì họ đang tiến hành một ca mổ đặc biệt: họ sẽ chạy điện vào các phần não quanh cục u, và họ sẽ hỏi cô một số câu. Nếu khi đụng vào phần nào đó mà cô không nói được, có nghĩa là phần não đó kiểm soát ngôn ngữ.
Các bác sĩ vừa dí điện vào từng vùng vừa hỏi cô Corena:
- Con này là con gì?
- Con kỳ lân
- Đúng rồi. Y este?
- Casa
- Y este?
Cô Corena ngần ngừ rồi trả lời: Bicicleta?
Hai bác sĩ mổ đang áp dụng phương pháp Penfield. Họ đã định được vị trí cục u, đã biết là đang chạm tới vùng ngôn ngữ, nhưng họ phải thật cẩn thận. Việc cô Corena nói được 2 thứ tiếng (tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha) làm cho các bác sĩ phải cẩn thận hơn. Hai vùng kiểm soát ngôn ngữ của cô Corena nằm sát nhau, và vì cô nói tiếng Anh ngay khi còn nhỏ, người ta biết rằng 2 vùng ngôn ngữ có thể sẽ nằm chồng lên nhau. Sơ xuất nhỏ sẽ làm cô mất 1 hay cả 2 ngôn ngữ. Vì thế họ phải hỏi cô bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Khi họ hỏi cô con kỳ lân tiếng Tây Ban Nha là gì, cô đã trả lời sai và lúng túng đoán tiếp. Vậy là các bác sĩ biết họ đang chạm vào vùng ngôn ngữ tiếng Tây Ban Nha của cô. Họ lấy một mảnh vải mổ nhỏ gắn lên trên đó đánh dấu và lại tiếp tục dò tìm tiếp.
Hình trên: Các bác sĩ mổ thần kinh đánh dấu phần ngôn ngữ để tránh gây tổn thương khi cắt cục u
Não của chúng ta là một bộ phận kỳ diệu. Làm thế nào mà một đống bầy nhầy với mạch máu chằng chịt lại giúp chúng ta nhớ để xe chỗ nào trong bãi, hoặc nhớ cách đây 20 năm mình ra sao?
Phần não kiểm soát ngôn ngữ được gọi là Broca, là tên một nhà nghiên cứu hồi thế kỷ 19. Vào năm 1861 Broca gặp một bệnh nhân tên “Tan”. Người ta gọi anh ta là “Tan” vì anh chỉ có thể nói được chữ “Tan” trong suốt 21 năm liền. Khi Tan mất, người ta mổ và thấy phần não đằng trước bên phải của anh bị 1 cục máu đè lên sau khi anh bị tai biến mạch máu não. Điều này đã làm cho anh chỉ nói được chữ “Tan”. Vài năm sau đó bác sĩ Carl Wernicke người Đức lại tìm ra được 1 vùng não kiểm soát ngôn ngữ nằm ở đằng sau phía bên trái. Qua những khám phá này chúng ta biết nhiều về não hơn, ví dụ sự kiện một người lính hồi Thế chiến thứ Nhất bị bắn thủng phía sau đầu và kết quả là khi nhìn đi đâu anh cũng thấy có 1 cục đen xì trước mắt. Vào những năm 1950 bác sĩ Penfield người Hoa Kỳ đã dùng một cây chích điện nhỏ dí vào các phần não của các bệnh nhân bị tê liệt, và ông đã định được chính xác các vùng não kiểm soát các chức năng khác nhau. Đó chính là phương pháp Penfield mà 2 bác sĩ mổ tại bệnh viện của Đại học California, Los Angeles đang thực hiện để cắt bỏ cục u cho cô Corena.
(còn tiếp)