Các bạn thân mến
Rất cảm ơn nỗ lực của các bạn đã bỏ công sức xây dựng trang web này. Hy vọng trang web sẽ duy trì và phát triển được lâu dài.
Tôi xin đề nghị một vài điểm sau:
1. Hiện nay tôi thấy ở Việt Nam số lượng trẻ chậm phát triển - tự kỷ tăng đột biến. Trong đó đa phần là chậm phát triển (chậm nói, kém tập trung,...) con tôi cũng là một trong số đó. Số thực sự bị tự kỷ thì ít hơn nhiều. Giữa trẻ chậm phát triển và trẻ tự kỷ cũng có rất nhiều điểm giống nhau, tuy nhiên vẫn có những điểm khác. Các bạn nên quan tâm đến việc này bởi vì bạn sẽ giúp được cho rất nhiều phụ huynh. Hiện nay ở VN đang còn thiếu thông tin nên có rất nhiều người hòan toàn không biết gì về tự kỷ hoặc biết nhưng hiểu sai về tự kỷ ví dụ như ở trường mẫu giáo con tôi học từ hiệu trưởng đến giáo viên cứ thấy bé nào chậm nói là nói bé đó bị tự kỷ. Cho nên tôi đề nghị nên mở thêm mục chậm nói hoặc chậm phát triển trong phần tài liệu.
2. Các bạn cũng đừng nên làm dự án một cách riêng lẻ, nên liên hệ và kết hợp với các bác sĩ ở bệnh viện VN, các trường đào tạo trẻ chậm phát triển tại Việt Nam. Khi tôi đưa con đến khám bệnh ở Nhi Đồng 1 ở TPHCM, các bác sĩ đã giới thiệu cho tôi rất nhiều tài liệu. Họ cũng dịch từ tài liệu nước ngoài, rất công phu. Ngoài ra còn nhiều đơn vị khác nữa. Hãy liên hệ vào trao đổi với các đơn vị trong nước để luôn cập nhật thông tin không nên vội vã dịch nhiều tài liệu nước ngoài, trong khi ai đó đã làm rồi.
3. Các bạn nên chú trọng đến việc đào tạo:
a. Đào tạo cho các giáo viên mầm non nhận biết sớm các dấu hiệu chậm phát triển của trẻ để cảnh báo cho phụ huynh. Vì rất nhiều phụ huynh thấy con chậm nói thì cũng cứ để từ từ chờ cho con nói mà không lo đi tìm hiểu nguyên nhân, sẽ bỏ lỡ cơ hội can thiệp sớm cho bé. Riêng tôi, nếu cô hiệu trưởng không thúc dục tôi đưa bé đi khám thì chưa chắc tôi đã biết con tôi là chậm phát triển.
b. Đào tạo cho các phụ huynh để xác định con mình bị gì: chậm phát triển ? Tự kỷ ? Tăng động ? v.v...và phải làm gì để giúp con.
c. Đào tạo các giáo viên giáo dục đặc biệt để có thể giúp các bé. Cũng không nên quá cầu toàn và yêu cầu mọi cái đều chuyên nghiệp như bên Mỹ. Ở đó 1 bé được 2-3 giáo viên tham gia huấn luyện. Ở VN chỉ cần được 1 cô một bé là tốt lắm rồi. Tôi ở ngay Sài Gòn vậy mà khi muốn tìm 1 giáo viên dạy cho con còn khó huống chi những phụ huynh ở những vùng xa. Vấn đề tìm giáo viên cho con là việc đau đầu của rất nhiều phụ huynh.
4. Nên xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ bệnh án và quá trình điều trị thật chi tiết của các bé mà phụ huynh sẵn sàng chia sẻ. Trong forum các phụ huynh chỉ có thể hỏi 1 vấn đề cụ thể mà thôi, lâu dần nó sẽ ngày càng rối vì quá nhiều câu hỏi đủ loại chủ đề, trong khi việc dạy các bé cần một chương trình, một quá trình làm việc lâu dài. Khi con tôi gặp vấn đề, lúc đầu tôi cũng rất lo lắng và bối rối. Biết là phải cố gắng dạy con, các bác sĩ cũng cho tài liệu, cũng có tư vấn nhiều nhưng tôi vẫn cảm thấy chơi vơi vì nhiều thứ cần dạy quá, phải bắt đầu từ đâu đây ? Liệu có hy vọng gì không?. Nhưng khi đọc được blog của chị Trâm: http://my.opera.com/huynhdeky/blog/inde ... 20n%C3%B3i, miêu tả khá chi tiết quá trình trị liệu của con chị, tôi cảm thấy như được khích lệ rất nhiều và cũng học được một vài kinh nghiệm mà bác sĩ không nói tới.
Nếu bạn làm phần này, xin tách hẳn thành một mục riêng ví dụ là "Điều trị và kinh nghiệm điều trị" chẳng hạn. Trong đó lại chia thành nhiều tiểu mục: ví dụ: tự kỷ, chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ hoặc chưa xác định bệnh .... Khi đăng ký vào phần này, phụ huynh cần điền thật chi tiết mọi thông tin để làm một hồ sơ bệnh án online, thậm chí có thể scan các xét nghiệm các đơn thuốc và quá trình điều trị từ trước đến nay của bé. Các bạn là nhà trị liệu các bạn cũng biết là một hồ sơ bệnh án có hàng chục mục thông tin để điền từ tuổi tác, cân nặng, đến cả tiền sử bệnh của thành viên trong gia đình nội ngoại nữa. Các bạn phải làm sẵn để phụ huynh điền thôi chứ nếu để phụ huynh tự giới thiệu thì làm sao mà đầy đủ chi tiết được. Trong hồ sơ sẽ để tùy chọn: "private" chỉ cho bác sĩ xem hoặc "publish" cho tất cả ai xem cũng được.
Như hiện nay các bạn thấy đấy, nếu để như hiện nay, trong forum các phụ huynh hỏi cũng nhiều nhưng các chuyên gia thiếu thông tin nên chỉ có thể trả lời rất chung chung hoặc không thể trả lời được.
5. Dụng cụ học tập: nếu có các dụng cụ học tập gì hay các bạn xin giới thiệu. Tôi cũng có một đề nghị nhỏ nữa. Tôi thấy các bé tự kỷ chậm nói chậm phát triển nói chung đều rất thích xem TV, đặc biệt là xem quảng cáo. Thay vì để bé xem những thứ mà bé không hiểu và chẳng có giá trị gì nên chăng xây dựng những bộ đĩa phim dành riêng cho các bé. Các đĩa phim hoạt hình ở thị trường thì diến biến quá nhanh, quá nhiều hình ảnh các bé không hiểu được nên không thích.
Kinh nghiệm của tôi là khi dạy cho con chơi những đồ chơi các con thú nhựa, bé không hề quan tâm. Nhưng khi tôi quay vào video một clip nhỏ với một con hổ nhựa: đây là con hổ, con hổ đang chạy nè, kịch kịch kịch... vừa nói vừa làm cho con hổ chạy, thì bé chịu xem và bật cười rồi ngay sau đó cầm lấy con hổ bắt chước tôi cho nó chạy. Bởi thế tôi nghĩ dự án nên làm những bộ đĩa phim hình ảnh đẹp, cũng có nội dung nhưng thật đơn giản dễ hiểu. Các phụ huynh cứ thế mà copy về cho con xem. Cái này chắc chắn là hiệu quá lắm.
Các đĩa giáo dục ở VN cũng rất nhiều nhưng một là những phần mềm học tập dành cho các bé bình thường, hai là những đĩa giáo dục của nước ngoài nói tiếng Anh thì không phù hợp với các bé. Tôi cũng từng mua 1 đĩa Baby eistein cho con xem nhưng cá nhân tôi thấy đĩa đó chẳng hay, chắc chỉ dành cho bé còn nằm trong nôi xem là phù hợp. Tôi cũng thử cho bé con tôi 4 tuổi xem "play a long" thì bé thích, có điều là tiếng Anh nên tôi cứ phải diễn giải bằng tiếng Việt, mỏi miệng quá
Chúc các bạn nhiều thành công
Thu Trang